CN UBKT Tỉnh ủy Bắc Ninh gian dối bằng cấp tinh vi hay có bao che?

02/11/2023 09:30
Thành An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo luật sư Phan Xuân Xiểm, để “lọt lưới” những người không đủ tiêu chuẩn, cơ quan “gác cổng” đã không kỹ lưỡng, phải quy trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức.

Vừa qua, thông tin ông Nguyễn Công Thắng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh bị đề nghị kỷ luật vì tiến sĩ, đã sử dụng giấy Công nhận văn bằng trình độ thạc sĩ không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp dư luận đặc biệt quan tâm.

Theo đó, ông Nguyễn Công Thắng khi bảo vệ luận án và nhận bằng tiến sĩ, đã sử dụng giấy Công nhận văn bằng trình độ thạc sĩ không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp (giấy Công nhận văn bằng giả) và dùng bằng tiến sĩ để thi nâng ngạch. [1]

Bằng cấp gian dối ở cơ quan “cầm cân nảy mực” là rất đáng lên án

Liên quan đến vấn đề này, ông Cao Đình Thưởng - nguyên Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) cho rằng, thời gian qua, có một thực tế, chất lượng làm thạc sĩ, tiến sĩ vừa qua rất nhiều ý kiến băn khoăn.

“Nhiều lãnh đạo lại muốn làm tiến sĩ, trong khi trình độ tiến sĩ đó không phục vụ mục đích gì trong công tác lãnh đạo, thậm chí có thể bản thân vị đó khả năng lãnh đạo, quản lý không hiệu quả.

Theo tôi, một phần do tâm lý “sính” bằng cấp, làm cho bằng cấp mất đi giá trị, hiệu quả thực sự.

Trước đây, chúng tôi ở trường làng có những năm không ai đỗ đại học, nhưng bây giờ tốt nghiệp trung học phổ thông là người người vào đại học, nhà nhà đi học đại học, thậm chí bây giờ còn có chuyện người người, nhà nhà đổ xô đi học thạc sĩ, làm nghiên cứu sinh, vì có nơi còn đào tạo theo kiểu “đánh trống ghi tên”.

Tuy nhiên, nếu không căn cứ vào bằng cấp thì đôi khi cũng khó xác định năng lực, vẫn cần có một “thước đo” là bằng cấp, nhưng phải làm thế nào để khẳng định giá trị. “Sính” bằng cấp là mặt trái, nhưng lại rất tốt nếu đó là một tấm bằng thực chất, giúp người ta trau dồi, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm” - ông Thưởng nêu quan điểm.

Ông Cao Đình Thưởng - nguyên Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục). Ảnh: N.M

Ông Cao Đình Thưởng - nguyên Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục). Ảnh: N.M

Trước trường hợp ông Nguyễn Công Thắng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh sử dụng bằng cấp gian dối, ông Cao Đình Thưởng bày tỏ: “Trường hợp này rất đáng lên án và không thể chấp nhận được.

Gian dối lại xuất hiện ở Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, thì càng mất niềm tin.. Đó là một mất mát lớn...”.

Theo đó, vị nguyên đại biểu Quốc hội phân tích: “Cơ quan kiểm tra rất quan trọng vì là nơi “cầm cân nảy mực”, tính nêu gương của một người bình thường là 10 thì ở vị trí đó phải là 100, nhưng bản thân lại sai phạm, giấu giếm như thế phải xử lý thật nặng để làm gương cho cán bộ.

Trong thực tế, nhiều người tuy có bằng cấp thật nhưng chất lượng làm việc lại là giả, tình trạng đó hiện nay là có và rất đáng lo ngại. Cũng có người có thể “lẩn trốn” bằng cấp nhưng có năng lực thật thì chỉ ảnh hưởng đến uy tín, chưa hẳn ảnh hưởng chất lượng công việc.

Còn đối với cơ quan Kiểm tra, vừa cần chất lượng công việc, vừa cần có uy tín, hai cái đó phải song hành với nhau”.

Hành vi gian dối tinh vi hay có sự bao che?

Theo ông Cao Đình Thưởng, tiêu cực không chừa lĩnh vực nào; tuy nhiên, vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy ở độ tuổi 40 tuổi là một điều mơ ước của rất nhiều người. Một là phải rất “tài cao”, hai là phải có “bệ đỡ”.

Ông Cao Đình Thưởng cũng cho rằng, khi vụ việc được làm rõ, phải xử lý thật nghiêm túc. Ông phân tích: “Nguồn gốc của trường hợp này khi “lọt” qua quy trình bổ nhiệm cán bộ khắt khe, chặt chẽ của các cơ quan mà không phát hiện bằng cấp có vấn đề: Thứ nhất, có thể là có người biết nhưng lại bao che, cho qua; thứ hai, cũng có thể do bản thân ông Nguyễn Công Thắng này quá tinh vi, tổ chức thấy đưa bằng cấp là duyệt, không mấy người “soi” xem bằng thật hay giả. Đây là vấn đề của tổ chức”.

Vì lẽ đó, ông Thưởng cho rằng, cần phải có những quy định chặt chẽ hơn.

“Người làm tổ chức nhất là người đứng đầu của các tổ chức đảng, phải chịu trách nhiệm về vấn đề giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm, mà nhất là từ quy hoạch, quy hoạch sai dẫn đến bổ nhiệm sai. Tuy nhiên, cũng có cái khó, ở chỗ, người này có thể hôm nay đang tốt nhưng ngày mai chưa chắc đã tốt...

Cơ quan quản lý Nhà nước thì đương nhiên, nhưng cơ quan kiểm tra, thanh tra của Đảng và Nhà nước cần phải thanh lọc và liêm chính hóa một cách cơ bản thì mới nghiêm minh được”, ông Cao Đình Thưởng nhấn mạnh.

Phải quy trách nhiệm tổ chức vì để “lọt lưới” cán bộ không đủ tiêu chuẩn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Phan Xuân Xiểm - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng bày tỏ quan điểm: “Trước hết, về trách nhiệm bản thân, vị này không tự giác, báo cáo với tổ chức không trung thực.

Còn về phía tổ chức, có lẽ cũng có sự “buông lỏng”, không kiểm tra chặt chẽ, để xảy ra tình trạng trên. Bởi vì, đã quy hoạch vào vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đáng lẽ đối với quá trình này phải kiểm tra, sàng lọc rất kỹ lưỡng, chứ tại sao lại để xảy ra chuyện này? Đó là việc không thể chấp nhận!

Rõ ràng, ở đây cũng có trách nhiệm của tổ chức, khi đã để “lọt lưới” những cán bộ không đủ tiêu chuẩn vào, rất ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan - Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.

Cơ quan “gác cổng”, cơ quan có thẩm quyền trong việc quyết định nhân sự đã không kỹ càng”.

Luật sư Phan Xuân Xiểm - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: T.P

Luật sư Phan Xuân Xiểm - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: T.P

Theo đó, ông cho rằng, trách nhiệm thuộc về cơ quan tham mưu trong công tác cán bộ - Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Bắc Ninh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, bởi đây là chức danh thuộc Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý nhưng lại để “lọt lưới” sai phạm.

Theo nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau khi đã phát hiện ra cá nhân ông Nguyễn Công Thắng này gian dối, không chỉ kỷ luật vị này, mà còn phải quy trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan. Tức là, quy trách nhiệm của các bộ phận có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, những nơi kiểm tra, xem xét, đánh giá, thẩm định đã không kỹ càng, “lỏng lẻo” dẫn đến để “lọt” vào vị trí quan trọng, nằm trong tổ chức kiểm tra của Đảng.

“Theo tôi, việc xác minh bằng cấp của một cán bộ không phải là chuyện khó. Vậy tại sao lại “bỏ lọt”, mãi đến giờ mới bị phanh phui? Phải chăng, cơ quan có thẩm quyền chưa làm hết trách nhiệm, chưa làm đến nơi, đến chốn? Qua vụ việc, có thể thấy một số nghi vấn về việc có gì đằng sau đó hay không?

Thực tế, trước đây cũng đã có nhiều cán bộ thăng tiến thuận lợi, “leo cao vót” rồi lại “rớt bịch xuống”.

Đây cũng là bài học cho những lớp trẻ phía sau, cho những lần quy hoạch cán bộ sau này, tránh để xảy ra những trường hợp tương tự” - Luật sư Phan Xuân Xiểm chia sẻ.

Nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương một lần nữa nhấn mạnh: “Vụ việc này cũng cần phải làm rõ đến nơi, đến chốn, quy trách nhiệm tới cùng, bởi đây là chuyện liên quan đến uy tín của một cơ quan lãnh đạo tỉnh.

Chúng ta vẫn đang đang nêu cao phong trào phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; mà đây cũng là một trong những tiêu cực, rất nổi cộm, cần phải truy trách nhiệm đến cùng, làm thật nghiêm, để thực sự “không có vùng cấm” ”.

Thành An