Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn, ngày 26/10/2023, tại Trụ sở Tỉnh ủy Bắc Ninh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh họp xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức Đảng, Đảng viên có vi phạm, khuyết điểm; dự Hội nghị có đại diện một số cơ quan Đảng Trung ương theo dõi Đảng bộ tỉnh.
Theo đó, ông Nguyễn Công Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh, khi bảo vệ luận án và nhận bằng tiến sĩ, đã sử dụng giấy Công nhận văn bằng trình độ thạc sĩ không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp (giấy Công nhận văn bằng giả) và dùng bằng tiến sĩ để thi nâng ngạch.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã biểu quyết xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Công Thắng và báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ông Nguyễn Công Thắng vi phạm những điều đảng viên bị cấm
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, việc để cán bộ sử dụng bằng không hợp pháp để bổ nhiệm, đề bạt là việc làm sai trái, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan, tổ chức, của Đảng và Nhà nước.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh là một cơ quan của Tỉnh ủy và là cơ quan rất quan trọng trong phòng chống tham nhũng tiêu cực, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát dấu hiệu sai phạm của cán bộ, đảng viên.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An. Ảnh: VGP |
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Thị An đặt câu hỏi: Cán bộ đứng đầu cơ quan này lại sử dụng bằng giả thì làm sao kiểm tra, giám sát được ai?
Theo bà An, đối với những trường hợp vi phạm trong việc sử dụng bằng cấp không đúng, không hợp pháp, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, xử lý thật nghiêm minh mới đủ sức răn đe. Không được dung túng, bao che đối với những cán bộ gian dối để tạo lòng tin cho nhân dân.
“Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Bắc Ninh đã bị đề nghị kỷ luật vì sử dụng giấy công nhận văn bằng trình độ thạc sĩ không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp (bằng giả) vậy trách nhiệm đầu tiên là do bản thân ông Nguyễn Công Thắng đã gian dối, vi phạm tư cách đảng viên đã làm những điều đảng viên bị cấm.
Tiếp theo trách nhiệm thuộc về cơ quan tham mưu trong công tác cán bộ. Đó là Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Ninh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bởi đây là chức danh thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhưng lại để lọt sai phạm nghiêm trọng”, bà An khẳng định.
Đồng thời, từ trước đến nay, khi cơ quan chức năng ráo riết thanh tra, kiểm tra và đã phát hiện không ít trường hợp cán bộ dùng bằng cấp không hợp pháp. Từ thực tế này có thể thấy, việc kiểm soát chất lượng cán bộ cũng như kiểm soát văn bằng, chứng chỉ còn có nhiều lỗ hổng và cần nghiêm túc nhìn nhận lại.
Phải làm rõ trách nhiệm của Ban Thường vụ tỉnh ủy Bắc Ninh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương bày tỏ: “Việc sử dụng bằng cấp giả thời gian qua vẫn còn tồn tại.
Tôi cũng từng có một bài viết bày tỏ quan điểm về việc cần phải rà soát xem số lượng ấy là bao nhiêu...
Việc phát hiện sử dụng bằng cấp giả không phải là ít, cũng từng có một thời kỳ ồn ã, xôn xao. Chẳng hạn, trước đây, có một đợt, dư luận được phen xôn xao trước lùm xùm đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Đông Đô. Thời điểm đó, tôi cho rằng phải công khai những ai sử dụng bằng này. Tuy nhiên, sau đó cũng không công khai hết toàn bộ danh sách này... Vì chưa xử đến nơi đến chốn, nên còn có chuyện chạy chọt và “lờ đi””.
Nhìn từ vụ lùm xùm trên, ông Ngô Văn Sửu nhấn mạnh: "Thực tế, tác hại của việc gian lận này là rất ghê gớm, bởi vì những con người một khi đã có học vị cao, có một vị trí công tác nhất định, sẽ ngày càng “leo cao” hơn nữa. Sự giả dối này rất nguy hiểm. Bởi một người vừa có vị trí, vừa có danh hiệu, mà mang sự giả dối thì có nguy cơ gây ra nhiều mối nguy hại cho tổ chức, cho đất nước.
Những thứ ấy nguy hiểm lắm! Khi phát hiện ra, phải xử lý nghiêm minh, xử lý triệt để”.
Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Thành An. |
Ông phân tích thêm: “Những vị làm công tác kiểm tra phải mang trên vai sự liêm chính, vậy mà bản thân còn gian lận thì thực thi công vụ như thế nào?
Thân là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, là người làm công tác kiểm tra mà lại dính vào gian lận, giả dối, càng phải xử lý nghiêm túc, mới làm trong sạch đội ngũ. Tổ chức phải trong sạch thì mới kiểm tra được.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói, lực lượng phòng chống tham nhũng, tiêu cực, mà gian dối thì làm sao làm được việc? Bản thân cán bộ đã “dính chàm” thì thực thi công vụ thế nào, kiểm tra thế nào?
Như vậy, phải phát huy truyền thống ngành Kiểm tra, phải thanh lọc trong sạch đội ngũ, con người làm công tác kiểm tra phải gương mẫu, mẫu mực; còn nếu không đủ tiêu chuẩn thì không được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Trước hết, về mặt phẩm chất, tư cách, đạo đức của một đảng viên, lại làm công tác kiểm tra, thì phải xử lý nghiêm, thậm chí, khai trừ khỏi Đảng... Bây giờ, nói Đảng trong sạch, vững mạnh, mà có những người như thế, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức”.
Theo nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nếu tiếp tục không dám nhìn nhận thẳng, thì tình trạng tiêu cực trên sẽ còn âm ỉ mãi, đất nước sẽ bị trì trệ bởi những tác nhân này.
“Đáng lẽ, cơ quan quản lý phải phát hiện ra trường hợp này từ sớm. Tất nhiên, cơ quan, tổ chức thì cũng có nhiều việc, nhưng mà không thể để “lọt” những tiêu cực như vậy, rõ ràng phải làm rõ trách nhiệm của Ban Thường vụ tỉnh ủy, người đứng đầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh, các bộ phận có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ của của ông Thắng ở thời điểm bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh Ủy cho ông Thắng” - ông chia sẻ.
Ông Nguyễn Công Thắng (sinh năm 1983), ở phường Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Trong quá trình công tác, cuối năm 2007, từ vị trí Phó Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Công Thương Việt Nam tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Công Thắng chuyển sang làm chuyên viên phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh.
Tháng 9/2008, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh. Sau khoảng một năm, tháng 10/2009, ông giữ chức Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh.
Từ tháng 4/2013 đến nay, ông Nguyễn Công Thắng được bổ nhiệm, giữ nhiều chức vụ quan trọng ở các địa phương và Tỉnh ủy Bắc Ninh. Cuối năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã chỉ định ông Nguyễn Công Thắng (lúc đó 32 tuổi) làm Bí thư Huyện ủy Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. 4 năm sau, tháng 12/2019, ông tiếp tục được bổ nhiệm làm Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Ninh khi mới 36 tuổi.
Tháng 4/2022, ông giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh (khi đó 39 tuổi). [1]
Tài liệu tham khảo:
[1]https://mttq.bacninh.gov.vn/documents