Chương trình Ngữ văn THPT thiết kế khoa học, có đất cho GV "dụng võ"

10/10/2024 10:04
Trần Văn Tâm - Giáo viên trường THPT Nguyễn Trãi, tỉnh Tây Ninh

GDVN - Chương trình Ngữ văn 2018 trả lời được nhiều câu hỏi mà người học thắc mắc mà không trả lời được trong chương trình cũ.

Năm học 2024-2025 là năm thứ ba, chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn được giảng dạy ở bậc trung học phổ thông. Đây là năm đầu tiên chương trình mới được giảng dạy đồng bộ từ lớp 10 đến lớp 12. Càng dạy, càng thấy chương trình được thiết kế khoa học, kiến thức tiếp nối theo khối lớp hợp lý và có “khoảng trống” để giáo viên “dụng võ”.

NXBGDVN.jpg
Ảnh minh họa.

Kiến thức từ dễ đến khó, khối lớp sau tiếp nối khối lớp trước

Môn Ngữ văn chương trình giáo dục phổ thông 2018 vừa kế thừa vừa đổi mới so với chương trình năm 2006 nhằm hướng tới một nền giáo dục tiên tiến. Điểm nhấn nổi bật của bộ môn là dạy đọc hiểu văn bản theo thể loại. Kiến thức của một thể loại không tập trung ở một bài hay một khối lớp mà được rải đều theo khối lớp học. Khối lớp sau được học nâng cao, mở rộng kiến thức của khối lớp học trước. Người dạy nắm được chương trình tổng thể của bộ môn sẽ làm chủ được nội dung từng tiết dạy và đáp ứng đúng yêu cầu cần đạt của bài học, không yêu cầu quá cao gây áp lực cho người học.

Chẳng hạn, thể loại Thơ trữ tình (bộ sách Chân trời sáng tạo) được cơ cấu như sau:

Ở khối lớp 10, người học tìm hiểu những đặc điểm cơ bản của Thơ như: chủ thể trữ tình; vần và nhịp; từ ngữ, hình ảnh trong thơ (học kì một); tình cảm, cảm xúc trong thơ; cảm hứng chủ đạo trong thơ (học kì hai). Tác phẩm tiêu biểu được lựa chọn để dạy như: Hương Sơn phong cảnh - Chu Mạnh Trinh, Thơ duyên - Xuân Diệu, Nắng đã hanh rồi - Vũ Quần Phương, Chiếc lá đầu tiên - Hoàng Nhuận Cầm, Tây Tiến - Quang Dũng, Nắng mới - Tế Hanh.

Ở khối lớp 11, người học tìm hiểu thêm một số đặc điểm khó hơn so với lớp 10 như: Yếu tố tượng trưng, hình thức và cấu tứ trong thơ trữ tình. Một số bài thơ tiêu biểu như: Nguyệt cầm - Xuân Diệu, Thời gian - Văn Cao, Gai - Mai Văn Phấn.

Ở khối lớp 12, người học tiếp tục tìm hiểu những đặc điểm của thơ cổ điển (phong cách cổ điển) và thơ lãng mạn (phong cách lãng mạn); yếu tố siêu thực, hình tượng và biểu tượng trong thơ trữ tình. Tác phẩm được chọn đưa vào sách giáo khoa như: Hoàng Hạc lâu - Thôi Hiệu, Tràng giang - Huy Cận, Tiếng thu - Lưu Trọng Lư, Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử, Đàn ghi ta của Lor-ca - Thanh Thảo, Tự do - P.Ê-luy-a.

Hoặc đối với thể loại Truyện, chương trình cũng cơ cấu kiến thức từ cơ bản đến nâng cao:

Ở khối lớp 10, người học tìm hiểu một số đặc điểm chung của Truyện như: câu chuyện, cốt truyện, thông điệp, tư tưởng, đặc điểm tính cách nhân vật, người kể chuyện, điểm nhìn. Một số văn bản truyện tiêu biểu minh họa tri thức ngữ văn như: Đất rừng phương Nam - Đoàn Giỏi, Giang - Bảo Ninh, Buổi học cuối cùng - An-phông-xơ Đô-đê.

Lên khối lớp 11, người học được tìm hiểu thêm một số đặc điểm của Truyện ngắn hiện đại, có tiếp nối và mở rộng kiến thức khối lớp 10 như: cốt truyện; điểm nhìn ngôi thứ ba (toàn tri, hạn trị) và sự thay đổi điểm nhìn; nhân vật trong truyện ngắn hiện đại. Một số văn bản truyện được chọn lọc để kết nối với lý thuyết như: Chiều sương - Bùi Hiển, Muối của rừng - Nguyễn Huy Thiệp, Kiến và người - Trần Duy Phiên. Bên cạnh đó, người học còn học về Truyện thơ, Truyện kí và cách phân biệt với Truyện ngắn.

Lên khối lớp 12, người học tiếp tục mở rộng một số đặc điểm của thể loại Truyện lãng mạn và hiện thực (Lão Hạc - Nam Cao, Hai đứa trẻ - Thạch Lam, Cuộc gặp gỡ tình cờ - Hi-gu-chi I-chi-y-ô); Truyện truyền kì (Chuyện chức phán sự đền tản Viên - Nguyễn Dữ, Trên đỉnh non Tản - Nguyễn Tuân); Tiểu thuyết hiện đại (Hai quan niệm về gia đình và xã hội (trích Số đỏ) - Vũ Trọng Phụng, Ở Va-xan (trích Hội chợ phù hoa – Uy-li-am Thác-cơ-rây, Ngày 30 Tết (trích Mùa lá rụng trong vườn - Ma Văn Kháng) .

Như vậy, kiến thức của một thể loại được phân phối theo từng khối lớp, từ cơ bản đến nâng cao, từ dễ đến khó, phù hợp với từng lứa tuổi của người học. Ở khối lớp 10, chỉ yêu cầu những đặc điểm cơ bản của thể loại, đến khối lớp 11 yêu cầu những đặc điểm khó hơn hoặc mở rộng, nâng cao những đặc điểm đã học ở lớp trước và đến khối lớp 12 là khó nhất, người học được trang bị đầy đủ và hoàn chỉnh kiến thức của từng thể loại. Khi đọc một văn bản, người đọc sẽ nhận diện được thể loại của văn bản đó nhờ kiến thức thể loại.

Từ kiến thức văn học đến kiến thức làm văn (từ đọc đến viết)

Kiến thức lý luận văn học (Tri thức ngữ văn) là cơ sở giúp người học nhận diện được đặc điểm của từng thể loại qua hệ thống câu hỏi sau khi đọc tác phẩm, từ đó khi tiếp cận một văn bản nào đó, người học biết phân biệt và nhận ra thể loại của văn bản. Vì thế, Tri thức ngữ văn là vô cùng quan trọng, là cơ sở định hướng để trả lời câu hỏi sau khi đọc văn bản. Người học hiểu được kiến thức văn học sẽ hỗ trợ cho kiến thức về kỹ năng làm văn dễ dàng hơn.

Chẳng hạn, sách Chân trời sáng tạo lớp 10, ở bài 3 phần Đọc giúp người học hiểu những đặc điểm cơ bản của thể loại Thơ thì đến phần Viết người học được hướng dẫn kiểu bài “Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ”. Yêu cầu nội dung kiểu bài nghị luận này là phân tích được những đặc điểm thơ đã học ở phần Đọc. Đến bài 6, người học tiếp tục học thêm một số đăc điểm Thơ thì phần viết dạy kiểu bài “Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm trữ tình” (gồm thơ trữ tình và văn xuôi trữ tình). Ở bài này, yêu cầu nội dung kiểu bài viết này phải phân tích kết hợp những đặc điểm thơ ở bài 3 và bài 6 khi nghị luận về một bài thơ.

Lên lớp 11, người học được bổ sung thêm vài đặc điểm thơ thì phần viết có kiểu bài “nghị luận về một tác phẩm văn học (bài thơ) hoặc tác phẩm nghệ thuật (bức tranh, pho tượng)”. Tới đây, người học đã có kiến thức hoàn chỉnh về thể loại thơ thì bài viết nghị luận về thơ đòi hỏi đạt yêu cầu cao nhất, làm tiền đề để học kiểu bài so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ ở lớp 12. Thấy được mối quan hệ giữa đọc hiểu văn bản và hướng dẫn viết văn bản, người dạy sẽ hướng dẫn thật kĩ phần đọc và khi dạy phần viết, cần thiết liên hệ đến nội dung kiến thức đọc hiểu thể loại. Với chương trình cũ, khi nghị luận bài thơ, học sinh thường sa vào diễn xuôi bài thơ. Với chương trình hiện nay, học sinh sẽ biết nghị luận bài thơ là làm rõ những đặc điểm thể loại thơ trong một bài thơ.

Tương tự, ở thể loại Truyện, dạy đặc điểm thể loại Truyện và hướng dẫn viết bài nghị luận về truyện cũng được kết hợp song song như vậy, tạo thuận lợi cho người học trong quá trình tiếp thu kiến thức văn học và từng bước rèn luyện kỹ năng viết một kiểu bài làm văn, từ dễ đến khó.

Người dạy có nhiều khoảng trống để bình giảng

Dạy học Ngữ văn chương trình mới không khô khan, thiếu chất văn; người dạy vẫn có “đất dụng võ” làm cho tiết học sinh động hơn. Từ những khoảng trống “mở” trong sách, người dạy có thể bình giảng, mở rộng kiến thức cung cấp cho người học.

Chẳng hạn, trong bài 1 Ngữ văn 12, sách Chân trời sáng tạo, câu hỏi trong bài Xuân Diệu - đoạn trích trong Thi nhân Việt Nam của tác giả Hoài Thanh, Hoài Chân là vùng “đất trống” để người dạy bình giảng về thơ Xuân Diệu, mở rộng kiến thức phong trào Thơ mới cho người học:

“Người đã tới giữa chúng ta với một y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không muốn làm thân với con người có hình thức phương xa ấy”. Hãy tìm hiểu thêm về phong tráo Thơ mới để giải thích nhận định này của tác giả đoạn trích.

Đây là câu hỏi nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt: “Vận dụng được kiến thức về lịch sử văn học và kĩ năng tra cứu để sắp xếp một số tác phẩm,tác giả lớn theo tiến trình lịch sử văn học; biết đặt tác phẩm trong bối cảnh sáng tác và bối cảnh hiện tại để có đánh giá phù hợp”. Người dạy cung cấp cho người học một số thông tin sơ lược về Thơ mới như: hoàn cảnh xã hội và nhu cầu văn học để ra đời phong trào Thơ mới, đặc điểm Thơ mới và một số tác giả, tác phẩm nổi bật, trong đó tiêu biểu nhất là Xuân Diệu nhằm làm rõ “y phục tối tân” và “hình thức phương xa”.

Hoặc câu hỏi sau khi đọc bài thơ Tiếng thu – Lưu Trọng Lư:

“Tìm đọc bài Thu vịnh (Nguyễn Khuyến). Chỉ ra và lí giải sự khác biệt giữa hai bài Thu vịnh và Tiếng thu ở các khía cạnh sau:

a. Cách cảm nhận và gợi tả bức tranh mùa thu.

b. Cách thể hiện tình cảm, tâm trạng của chủ thể trữ tình.”

Đây là câu hỏi nâng cao mở rộng kiến thức, người dạy có thể bình giảng để cho người học khắc sâu thêm kiến thức, yêu thích thơ với chủ đề mùa thu và củng cố kiến thức Thơ cổ điển, Thơ lãng mạn.

Tóm lại, chương trình Ngữ văn 2018 trả lời được nhiều câu hỏi mà người học thắc mắc mà không trả lời được trong chương trình cũ như: Khi đọc một tác phẩm văn học, làm thế nào biết được thể loại của tác phẩm đó?, Khi phân tích một bài thơ hoặc một tác phẩm truyện thì phân tích những phương diện nào?, Khi phân tích một nhân vật trữ tình khác với phân tích một nhân vật tự sự là gì?,... Làm sao để phân biệt một số khái niệm như: chủ đề, đề tài, cảm hứng chủ đạo, tư tưởng; ngôi kể, nhân vật, người kể chuyện,...

Khi dạy chương trình mới này, năm đầu tiên tôi cũng khá lúng túng, nhưng càng nghiên cứu càng hiểu mạch kiến thức logic từ khối lớp 10 đến khối lớp 12 (và liên thông từ cấp trung học sơ sở), chương trình mới cung cấp kiến thức lý luận văn học (tri thức ngữ văn) đầy đủ, cơ bản nhất để vận dụng thực hành đọc hiểu văn bản.

Chương trình mới có kế thừa chương trình cũ nhưng đã mở ra cho bộ môn một hướng tiếp cận mới trong giảng dạy và học tập. Người dạy sẽ phải đầu tư nhiều hơn, cực hơn nhưng cái được lớn nhất là được dạy đúng đặc trưng, bản chất của bộ môn. Người dạy học Văn không còn lặp đi lặp lại và đóng khung trong một vài tác phẩm trong sách giáo khoa mà thật sự được học tập, khám phá không ngừng cùng với tác giả và người học. Bởi "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có."(Nam Cao)

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Trần Văn Tâm - Giáo viên trường THPT Nguyễn Trãi, tỉnh Tây Ninh