Bài báo khoa học là sản phẩm đề tài Quỹ NAFOSTED tài trợ bị gỡ: Quỹ nói gì?

10/10/2024 06:38
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Đề tài đã được đánh giá nghiệm thu đạt năm 2023 với sản phẩm chính là 02 công bố quốc tế có uy tín, 1 trong số này thời gian gần đây bị tạp chí đăng tải gỡ.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, vừa qua, một bài báo khoa học của nhóm tác giả Việt Nam thực hiện đăng tải trên tạp chí quốc tế đã bị rút lại vào ngày 21/9/2024. Đáng chú ý, bài báo bị gỡ được tài trợ bởi Quỹ NAFOSTED với mã số đề tài 502.02–2020.26.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, 2 bài báo khoa học khác có tên tác giả Phan Thị Thu Hiền với phần cảm ơn dưới bài báo ghi: "Nghiên cứu này được tài trợ một phần bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam (NAFOSTED) theo mã số 502.02-2020.26" cũng được thông báo rút bài đăng trên cổng thông tin tra cứu SpringerLink (thuộc nhà xuất bản Springer Nature).

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Quyết định số 53/QĐ-HĐQL-NAFOSTED ngày 13 tháng 3 năm 2020 của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền được Quỹ tài trợ đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp tới hiệu quả tài chính và phát triển bền vững trong các doanh nghiệp Việt Nam”; mã số 502.02–2020.26, thời gian thực hiện 24 tháng.

Điều này làm dấy lên băn khoăn, cho rằng một công bố khoa học là sản phẩm của đề tài nghiên cứu được tài trợ bởi quỹ khoa học quốc gia bị rút bỏ có thể gây ra sự lãng phí ngân sách Nhà nước. Từ đó, đặt câu hỏi về trách nhiệm giải trình từ phía Quỹ NAFOSTED.

Đề tài đã được đánh giá nghiệm thu đạt năm 2023

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã liên hệ Quỹ NAFOSTED để có thêm thông tin liên quan.

Theo đó, trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Quỹ NAFOSTED cho biết, các Hội đồng khoa học của Quỹ vẫn thường trao đổi, thông tin tới Lãnh đạo Quỹ về các hoạt động chuyên môn liên quan đến tài trợ, hỗ trợ của Quỹ, trong đó có các thông tin được các nhà báo đề cập (bài báo khoa học quốc tế của nhà khoa học là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ tài trợ bị gỡ bỏ - PV).

Thông tin về bài báo khoa học quốc tế là sản phẩm đề tài mã số 502.02–2020.26 do Quỹ tài trợ vừa bị gỡ, phía Quỹ cho hay:

“Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền là Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản được Quỹ tài trợ. Khi đánh giá xét chọn đề tài, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền được đánh giá là nhà khoa học ở giai đoạn đầu sự nghiệp, đề tài có thời gian thực hiện 24 tháng.

Đề tài đã được đánh giá nghiệm thu đạt năm 2023 với sản phẩm chính là 02 công bố quốc tế có uy tín, một trong số này thời gian gần đây nhận được thông báo của tạp chí đăng tải bị gỡ bỏ (như các nhà báo đã thông tin)”.

Screenshot 2024-10-08 183311.png
Screenshot 2024-10-08 183135.png
Bài báo của tác giả Phan Thị Thu Hiền (Trường Đại học Ngoại thương) với phần cảm ơn dưới bài báo ghi: "Nghiên cứu này được tài trợ một phần bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam (NAFOSTED) theo mã số 502.02-2020.26" bị Tạp chí Environmental Science and Pollution Research (thuộc Nhà xuất bản Springer) thông báo rút lại . Ảnh chụp màn hình

Theo Quỹ NAFOSTED, việc xử lý các vấn đề liên quan đến đề tài nhà khoa học được Quỹ tài trợ sẽ được Quỹ xem xét xử lý một cách nghiêm cẩn, theo đúng quy định như đã đề cập phía trên, đồng thời phối hợp với các Hội đồng khoa học xem xét việc gỡ bỏ bài báo của Tạp chí khoa học (đã đăng tải bài báo trước đó) một cách cẩn trọng.

“Quỹ ghi nhận các thông tin mà các nhà báo đã đề cập và sẽ nghiêm túc xem xét để tiếp tục đề xuất, hoàn thiện các chính sách liên quan hoạt động của Quỹ trong thời gian tới, đóng góp tích cực trong việc tạo dựng môi trường nghiên cứu chuẩn mực, hội nhập quốc tế, thuận lợi cho các nhà khoa học triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học tại Việt Nam”, thông tin từ Quỹ NAFOSTED nêu.

Không thu hồi kinh phí đã tài trợ đối với đề tài không đạt

Thông tin thêm về các quy định quản lý đối với các đề tài nghiên cứu khoa học do Quỹ tài trợ, phía Quỹ cho biết, đối với tài trợ nghiên cứu khoa học cơ bản, Quỹ tổ chức triển khai và quản lý dựa trên các quy định có liên quan, trực tiếp là 2 văn bản chính:

Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN ngày 12/12/2014 quy định quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ;

Quyết định số 10/QĐ-HĐQL-NAFOSTED ngày 15/2/2022 Quy định Liêm chính nghiên cứu áp dụng đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ, hỗ trợ.

lckh.png
Ảnh minh hoạ: Doãn Nhàn

Theo Quỹ NAFOSTED, nghiên cứu cơ bản là công việc thực nghiệm hoặc lý thuyết được thực hiện chủ yếu để có được tri thức mới về bản chất của các hiện tượng và các sự kiện có thể quan sát được, không bắt buộc phải hướng đến các ứng dụng cụ thể.

Kết quả của nghiên cứu cơ bản không mang lại lợi ích thương mại trực tiếp hoặc tức thời, mà thường được công bố trên các tạp chí khoa học. Với bản chất là tìm kiếm tri thức mới, hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản có một số đặc thù (khách quan) như có thể không đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu, có thể cần thời gian dài để các kết quả được ghi nhận hoặc công nhận,… Bên cạnh việc tìm kiếm, khám phá tri thức mới, nghiên cứu khoa học cơ bản có đóng góp quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học và công nghệ trình độ cao.

“Chính vì các đặc điểm như vậy, việc quản lý tài trợ nghiên cứu khoa học cơ bản cần có cơ chế phù hợp. Bên cạnh việc chấp nhận các đặc thù nêu trên nhưng vẫn đảm bảo sử dụng ngân sách nhà nước một cách tối ưu, gia tăng hiệu quả tài trợ, thúc đẩy gia tăng các nghiên cứu đột phá, xuất sắc, phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học và công nghệ trình độ cao, giảm thiểu các kết quả không mong muốn”, Quỹ NAFOSTED nhấn mạnh.

Liên quan đến việc đánh giá chất lượng đề tài khoa học, Quỹ NAFOSTED cho biết:

Đối với việc đánh giá xét chọn tài trợ, Quỹ sử dụng các Danh mục tạp chí khoa học quốc tế uy tín như một lưới (chọn) lọc (thô) ban đầu: Chỉ những nhà khoa học đã có công bố khoa học trên các tạp chí trong các danh mục này trong 05 năm gần nhất và đăng ký có sản phẩm công bố trên các tạp chí trong các danh mục này nếu được tài trợ mới đáp ứng điều kiện nộp hồ sơ đăng ký đề tài;

Bên cạnh đó, Quỹ thực hiện các đánh giá khoa học đối với các hồ sơ đề tài thông qua Hội đồng khoa học (Hội đồng khoa học - gồm 09 thành viên là các nhà khoa học có năng lực và uy tín), có phản biện độc lập (peer reviewers). Trong quá trình đánh giá, các thành viên Hội đồng khoa học tham gia đánh giá xét chọn, nghiệm thu đề tài đều phải đảm bảo không có quyền, lợi ích, xung đột có liên quan (đến đề tài, hồ sơ đánh giá);

Trong xét chọn tài trợ, Quỹ duy trì và từng bước gia tăng cạnh tranh. Giai đoạn đầu, tỷ lệ tài trợ của Quỹ khoảng 50% hồ sơ đăng ký hợp lệ và giảm dần, đến nay khoảng 25 – 30%.

Các đề tài sau khi được xét chọn tài trợ, tiếp tục có sự theo dõi và đánh giá giữa kỳ. Theo đó, Quỹ tổ chức Hội đồng đánh giá giữa kỳ đánh giá chất lượng và tiến độ triển khai của đề tài Quỹ tài trợ sau mỗi năm thực hiện.

Để được Hội đồng đánh giá giữa kỳ đề xuất cấp tiếp kinh phí thực hiện, đề tài phải được tổ chức, triển khai đáp ứng mục tiêu, kế hoạch đặt ra và đạt các kết quả theo kế hoạch (hoặc kế hoạch điều chỉnh đã được phê duyệt).

Khi đề tài kết thúc thời gian thực hiện, Quỹ tổ chức đánh giá kết quả thực hiện đề tài thông qua Hội đồng khoa học và có phản biện độc lập, nhằm đánh giá mức độ đạt được mục tiêu đặt ra của đề tài, các nội dung đã thực hiện và sản phẩm (so với đăng ký ban đầu hoặc các điều chỉnh được phê duyệt trong quá trình triển khai). Đề tài được nghiệm thu và đánh giá đạt khi tổ chức thực hiện đúng kế hoạch, đáp ứng mục tiêu và hoàn thành các sản phẩm đặt ra.

Đối với đề tài không đạt, Quỹ NAFOSTED cho biết sẽ không thu hồi kinh phí đã tài trợ, điều này được thực hiện theo thông lệ quốc tế.

Cụ thể, để tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học, thúc đẩy các nghiên cứu đột phá, xuất sắc, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN trình độ cao, trong trường hợp một số đề tài không đạt được kết quả cũng như mục tiêu đặt ra ban đầu nếu vì nguyên nhân khách quan, sử dụng kinh phí đúng quy định, thì cơ bản các cơ quan tài trợ sẽ không thu hồi kinh phí đã tài trợ (thông lệ quốc tế).

Trong trường hợp, đề tài có một số vi phạm thì sẽ thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 19 Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN, cụ thể như sau:

“Trường hợp đề tài không đạt, chủ nhiệm đề tài không được đăng ký chủ trì nghiên cứu đề tài mới trong thời gian 02 năm kể từ ngày thông báo kết quả.

Trường hợp có sai phạm dẫn đến bị đình chỉ thực hiện hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc vi phạm đạo đức khoa học, chủ nhiệm đề tài và những người liên quan không được tham gia đề tài do Quỹ tài trợ trong thời gian 05 năm kể từ ngày có quyết định xử lý vi phạm.”

Ngoài ra, phóng viên Tạp chí cũng nêu câu hỏi có nội dung: "Nhiều ý kiến cho rằng, một bài báo khoa học là sản phẩm của đề tài nghiên cứu được tài trợ bởi quỹ khoa học quốc gia bị gỡ bỏ có nguy cơ gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Quỹ có quan điểm sao về ý kiến này? Các bài báo khoa học trong đề tài này được quỹ tài trợ bao nhiêu?"

Theo Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bài báo khoa học là một trong những yêu cầu về kết quả theo Thông tư số 37. Vậy các bài báo khoa học bị gỡ, đề tài được tài trợ có đảm bảo yêu cầu nghiệm thu đề tài?

Tuy nhiên, 2 câu hỏi trên, trong nội dung trả lời của Quỹ NAFOSTED không hề đề cập.

Doãn Nhàn