Mong có nguồn lực để phổ cập tiếng Anh cho học sinh vùng cao, khu vực nông thôn

10/10/2024 06:42
Thúy Quỳnh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai, phổ cập tiếng Anh toàn dân là mục tiêu quan trọng, song, còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ vào giáo dục.

Tại Kết luận số 91-KL/TW, Bộ Chính trị đề nghị các cấp nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Mới đây, tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ tổ chức với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lớn, Chủ tịch Vingroup - ông Phạm Nhật Vượng đề xuất Chính phủ phổ cập tiếng Anh không chỉ ở trường công lập mà còn cho toàn dân... [1]

Trình độ học sinh chưa đồng đều, thiếu đội ngũ giáo viên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Dương Bích Nguyệt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai chia sẻ, việc phổ cập tiếng Anh toàn dân là một mục tiêu quan trọng. Không chỉ giúp tăng cường giao tiếp quốc tế, mở ra cơ hội nghề nghiệp trong nhiều lĩnh vực, mà còn tạo điều kiện tiếp cận tri thức qua kho tài liệu, khoa học chủ yếu bằng tiếng Anh, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế nhờ lực lượng lao động thông thạo tiếng Anh.

Tuy nhiên, ngành giáo dục phải đối mặt với những thách thức như: Sự chênh lệch trong cơ hội học tập giữa các vùng miền, chất lượng giáo dục và kiểm tra đánh giá chưa đồng bộ, thiếu các bài kiểm tra kỹ năng nghe - nói ở cấp trung học phổ thông.

Một số học sinh chưa có nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc học ngoại ngữ, ảnh hưởng đến việc bảo tồn các ngôn ngữ và văn hóa dân tộc địa phương do sự ưu tiên ngôn ngữ, thay đổi văn hóa và nguy cơ mất ngôn ngữ, cũng như thiếu tài nguyên hỗ trợ và tâm lý của người dân.

Do vậy, để tiến tới phổ cập tiếng Anh toàn dân, đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ vào giáo dục, cơ sở hạ tầng và động lực cho người học, đồng thời bảo tồn các ngôn ngữ và văn hóa bản địa.

IMG_1742.jpeg
Cô Dương Bích Nguyệt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai. Ảnh: Sở GD&ĐT Lào Cai cung cấp.

Nữ Giám đốc Sở cũng cho biết, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, nêu rõ tính cấp thiết, tầm quan trọng của việc dạy và học ngoại ngữ nhằm đổi mới, tạo đột phá, nâng cao chất lượng trong các cơ sở giáo dục; tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả.

Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp mở trường quốc tế; triển khai đại trà chương trình tiếng Anh 10 năm ở các cấp học phổ thông; nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu học tập, làm việc và hội nhập quốc tế. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai liên kết giảng dạy tiếng Anh có yếu tố nước ngoài; khuyến khích các đơn vị tìm hiểu và tham dự các cuộc thi trí tuệ; khoa học quốc tế bằng tiếng Anh.

Bên cạnh những thuận lợi, thực tiễn dạy và học tiếng Anh trên địa bàn tỉnh còn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Cụ thể, thiếu đội ngũ giáo viên ngoại ngữ; một số giáo viên phải tăng cường dạy ở 2 trường hoặc 2 cấp học; một bộ phận giáo viên còn hạn chế năng lực ngoại ngữ theo cấp học. Cơ sở vật chất chưa đồng bộ, một số trường còn thiếu phòng học ngoại ngữ. Ngoài ra, công tác phát triển đơn vị điển hình ở tất cả các cấp học còn chậm, chưa đồng đều, do không có kinh phí riêng.

Về phía học sinh, chất lượng không đồng đều giữa các vùng trên địa bàn; đặc biệt là một số học sinh dân tộc thiểu số, gặp khó khăn khi học ngoại ngữ. Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn tiếng Anh còn thấp so với mặt bằng chung toàn quốc.

Thầy Nguyễn Thế Chung - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Sơn Động (Bắc Giang) cho biết: “Nhà trường thực hiện tốt các quy định, kế hoạch mà Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra; chú trọng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh ở tất cả các khối lớp. Tuy nhiên, chất lượng đại trà chưa thực sự tốt, còn nhiều học sinh chỉ học để đủ điểm qua môn, chứ không phát huy năng lực sử dụng ngoại ngữ”.

Vị hiệu trưởng nhấn mạnh, riêng đối với nhà trường, còn gặp khó khăn khi đa phần học sinh dân tộc thiểu số, không có nhu cầu phát triển ngoại ngữ, phụ huynh không quan tâm đến việc đầu tư cho con học.

IMG_1743.jpeg
Thầy Nguyễn Thế Chung - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Sơn Động (Bắc Giang). Ảnh: NVCC.

Cô Lê Ngọc Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai chia sẻ, việc phổ cập tiếng Anh toàn dân, nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 là phù hợp với xu thế hiện nay, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.

“Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với ngành giáo dục, đặc biệt giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn thiếu thốn. Do vậy, để thực hiện được, cần có lộ trình cụ thể, phù hợp và tạo được sự đồng thuận cao”, nữ hiệu trưởng nhận định.

Theo cô Quỳnh, nhằm tạo cơ hội phát triển các kỹ năng cho học sinh, nhà trường thành lập và duy trì hoạt động của câu lạc bộ tiếng Anh; tổ chức các buổi phát thanh, làm video giới thiệu về trường và các hoạt động của trường bằng tiếng Anh…; tham gia các hoạt động nâng cao năng lực do các cơ quan, tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, tổ chức dạy học kết nối với các trường trung học phổ thông trong tỉnh và một số nước trên thế giới.

Trường tiếp nhận tình nguyện viên người nước ngoài được Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai phê duyệt về tham gia các hoạt động như: sinh hoạt câu lạc bộ, trợ giảng và giảng dạy một số giờ cho học sinh các khối lớp. Thực hiện dạy học môn Toán và một số môn khoa học tự nhiên như Tin học, Vật lí, Hóa học, Sinh học bằng tiếng Anh.

“Tuy nhiên, do trình độ của học sinh không đồng đều, 100% học sinh đều là người dân tộc thiểu số, nên gặp khó khăn trong tiếp cận kiến thức, nhiều học sinh sợ tiếng Anh.

Thêm nữa, việc dạy và học tiếng Anh hiện đang bị chi phối rất nhiều bởi kết quả thi cử. Trên thực tế, các em học 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, nhưng khi thi chỉ tập trung kỹ năng đọc - viết.

Kỹ năng nghe - nói chưa thực hiện được trong các kỳ thi, do đó, việc rèn các kỹ năng này chưa được quan tâm đúng mức. Học sinh chưa tự tin giao tiếp như ngôn ngữ thứ 2, thiếu môi trường giao tiếp, không có cơ hội được giao lưu với các trường có năng lực học tốt.

Ngoài ra, phần đông cha mẹ học sinh đều thuộc diện khó khăn nên không đủ điều kiện tham gia thi các chứng chỉ quốc tế: IELTS, TOEFL… nếu muốn thử sức, nâng cao năng lực”, cô Quỳnh cho biết.

Cô Lê Ngọc Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai. Ảnh: Báo Lào Cai.

Cô Lê Ngọc Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai. Ảnh: Báo Lào Cai.

Cần đảm bảo đội ngũ giáo viên và chất lượng giảng dạy

Để nâng cao chất lượng dạy và học, hướng tới phổ cập tiếng Anh, đặc biệt ở các huyện miền núi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đề xuất, cần đảm bảo đủ đội ngũ giáo viên, chất lượng giảng dạy; nên có cơ chế, chính sách bồi dưỡng giáo viên trong và ngoài nước. Đồng thời, thay đổi phương pháp giảng dạy để sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chứ không phải một môn học.

Ngoài ra, xây dựng chương trình giảng dạy và kiểm tra đánh giá đồng bộ; chương trình linh hoạt phù hợp với nhu cầu của học sinh và tích hợp tiếng Anh vào các môn học khác.

Khuyến khích hoạt động ngoại khóa; tuyên truyền lợi ích của tiếng Anh và khuyến khích phụ huynh tham gia vào quá trình học tập.

Đề xuất chính sách ưu đãi cho vùng khó khăn và hợp tác với tổ chức phi chính phủ để triển khai chương trình giáo dục. Xã hội hóa giáo dục, tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc ủng hộ, hỗ trợ, bồi dưỡng, đào tạo giáo viên, học sinh; bổ sung, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng phòng học ngoại ngữ,...

Theo cô Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai, cần có chính sách đầu tư cho trường sư phạm có chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh cho học sinh, sinh viên các huyện miền núi, hải đảo.

Bên cạnh đó, ban hành cơ chế, chính sách thu hút nhân lực về công tác lâu dài, ổn định…, nhằm chuẩn hóa chất lượng, đảm bảo nguồn nhân lực giáo viên tiếng Anh từ mầm non đến trung học phổ thông.

Cần có cơ chế riêng về tuyển dụng thêm giáo viên bản ngữ, giáo viên nước ngoài có năng lực tiếng Anh tốt để đảm nhận một phần các môn học hay hoạt động giáo dục ở các nhà trường, nhằm dần cải thiện và nâng cao khả năng giao tiếp. Mặt khác, có thể kết hợp “cặp giáo viên Việt Nam - giáo viên nước ngoài” tùy tình hình thực tế dạy học ở mỗi trường.

Phát triển các hệ thống dịch vụ, việc làm có mức thu nhập cao kèm theo yêu cầu sử dụng tiếng Anh để làm việc, qua đó tạo môi trường, động lực học. Nâng cao điều kiện sống, đời sống kinh tế - xã hội cho các khu vực miền núi, hải đảo, để làm giảm khoảng cách với các khu vực khác.

Thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ thêm hiểu biết, hiểu đúng chủ trương, quan điểm về phổ cập tiếng Anh toàn dân, đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.

Việc tăng cường hợp tác, đưa giáo viên nước ngoài của các trung tâm vào dạy ở các nhà trường (để giảm chi phí cho học sinh) là nội dung rất quan trọng, đặc biệt đối với ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Theo cô Quỳnh, để tăng cường hợp tác, đưa giáo viên nước ngoài vào nhà trường, các trường cần chủ động phối hợp, liên kết với trung tâm ngoại ngữ. Đồng thời, tham mưu với cơ quan quản lý các cấp bố trí kinh phí mời, đưa giáo viên nước ngoài ở các trung tâm ngoại ngữ có đủ năng lực vào giảng dạy tại trường, giúp học sinh vừa có cơ hội giao tiếp, vừa tiết kiệm chi phí so với học tại các trung tâm.

Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin để tổ chức dạy học trên các phần mềm, tương tác trực tiếp qua phần mềm giữa giáo viên trung tâm và học sinh, song song với kết hợp các buổi học trực tiếp tại trường.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai Dương Bích Nguyệt nhấn mạnh, việc đưa giáo viên nước ngoài vào trường sẽ giúp học sinh chuẩn bị tốt hơn cho tương lai trong bối cảnh toàn cầu hóa; tận dụng được cơ sở vật chất nhà trường và mức phí thấp hơn khi học tập tại trung tâm.

Để thực hiện nội dung này, Sở đã nghiên cứu kỹ các quy định để hướng dẫn việc thực hiện liên kết giáo dục. Tổ chức hội nghị, hội thảo giữa các bên liên quan để thảo luận về khả năng hợp tác, khảo sát nguyện vọng và đề xuất của các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Bên cạnh đó, thí điểm phê duyệt khung chương trình đưa vào giảng dạy cho giáo viên nước ngoài tại các trường. Sau đó, giao quyền tự chủ cho các trường và các trung tâm thống nhất về nội dung chương trình theo quy định hiện hành; chịu trách nhiệm và báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp.

Ngoài ra, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để mở rộng phạm vi hoạt động của giáo viên nước ngoài tại các cơ sở giáo dục công lập; phối hợp quản lý, kiểm tra hồ sơ giáo viên chặt chẽ.

Xây dựng tiêu chí đánh giá và cải tiến chương trình; kiểm soát chất lượng; khảo sát và nghiệm thu chất lượng. Tận dụng sự hỗ trợ của các trung tâm, các trường xây dựng câu lạc bộ tiếng Anh, tạo ra môi trường dạy và học, trao đổi chuyên môn...

IMG_5681.jpeg
Giờ học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài của học sinh Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh lào Cai. Ảnh: NTCC.

Về khuyến khích thu hút hợp tác công - tư trong giảng dạy tiếng Anh có giáo viên nước ngoài, cô Dương Bích Nguyệt cho biết, địa phương đang gặp phải một số vướng mắc:

Thiếu khung pháp lý rõ ràng về việc tuyển dụng và sử dụng giáo viên nước ngoài tại các trường công. Do đó, phải thông qua việc liên kết với các trung tâm ngoại ngữ tư thục.

Khó khăn trong tham mưu mức thu học phí và trong công tác triển khai, khi bối cảnh ngân sách hạn hẹp của trường công và điều kiện kinh tế của phụ huynh. Do chi phí thấp, các doanh nghiệp khó tuyển dụng giáo viên giỏi và giàu kinh nghiệm. Việc xếp thời khóa biểu cho các hoạt động tăng cường ngoại ngữ chỉ sau giờ học chính khóa, dẫn đến giáo viên nước ngoài không đủ số giờ làm việc; không đảm bảo mức sống tối thiểu trên địa bàn.

“Giai đoạn đầu thực hiện việc đưa giáo viên nước ngoài vào giảng dạy, phụ huynh còn lo lắng về chất lượng giảng dạy hoặc sự khác biệt văn hóa, dẫn đến thiếu sự đồng thuận.

Rào cản ngôn ngữ và văn hóa cũng ảnh hưởng việc kiểm soát chất lượng; giao tiếp giữa giáo viên nước ngoài và giáo viên chủ nhiệm, lãnh đạo nhà trường, các bên liên quan cũng gặp khó khăn”, cô Nguyệt cho hay.

Cần có nguồn tài trợ để hỗ trợ chi phí, có căn cứ xây dựng mô hình thu học phí hợp lý

Trước những vướng mắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đưa ra một số kiến nghị nhằm gỡ khó trong quá trình thực hiện:

Thứ nhất, cần xây dựng cơ sở pháp lý cụ thể về tuyển dụng và sử dụng giáo viên nước ngoài tại các trường công lập.

Thứ hai, có nguồn tài trợ từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế để hỗ trợ chi phí, đồng thời có căn cứ xây dựng mô hình thu học phí hợp lý, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế của phụ huynh.

Thứ ba, tạo ra các chương trình thu hút giáo viên chất lượng thông qua các ưu đãi, như hỗ trợ chi phí sinh hoạt hoặc bảo hiểm y tế…, nhằm nâng cao cơ hội tuyển dụng giáo viên có kinh nghiệm.

Thứ tư, tổ chức các buổi họp và hội thảo để giải thích rõ cho phụ huynh về lợi ích của việc có giáo viên nước ngoài, đồng thời cung cấp thông tin về chất lượng giảng dạy và những thành công từ các mô hình tương tự.

Thứ năm, giải quyết khó khăn trong giao tiếp: Giáo viên tiếng Anh Việt Nam và trợ giảng thành thạo về giao tiếp ngoại ngữ để phiên dịch cho các bên liên quan.

Thứ sáu, cần có chương trình đào tạo phù hợp cho giáo viên nước ngoài, đảm bảo giáo viên hiểu rõ chương trình giảng dạy và phương pháp giáo dục tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

[1]:https://baochinhphu.vn/cac-doanh-nghiep-tu-nhan-hien-ke-chung-tay-phat-trien-kinh-te-dat-nuoc-102240921114544608.htm

Thúy Quỳnh