Hành nghề luật sư là việc luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và làm các dịch vụ pháp lý khác theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Theo Điều 1 Quyết định 149/QĐ-TTg năm 2013, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 10/10 hàng năm là “Ngày truyền thống của luật sư Việt Nam”.
Để hiểu rõ hơn công việc của luật sư cũng như công tác đào tạo ngành luật, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; đồng thời là giảng viên thỉnh giảng khoa Luật và Lý luận chính trị, Trường Đại học Thủy lợi.
Tiến sĩ có đánh giá ra sao về vai trò của luật sư trong xã hội hiện nay?
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường: Gần 80 năm kể từ khi ra đời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và có Sắc lệnh số 46, Sắc lệnh đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký về luật sư cho đến nay, có thể nói rằng chưa bao giờ nghề luật lại phát triển và được xã hội coi trọng và đề cao như bây giờ.
Nghề luật có ở Việt Nam từ rất lâu nhưng có nhiều thăng trầm. Có những thời kỳ đoàn luật sư không kết nạp thêm, số lượng luật sư không gia tăng, nhiều địa phương không thành lập đoàn luật sư. Có một thời gian nhiều cơ sở đào tạo luật không tăng về số lượng, về quy mô đào tạo… Đến nay, nghề luật sư đã phát triển nhanh chóng, đã có đến gần 20.000 luật sư. Tất cả các tỉnh thành đều đã có đoàn luật sư.
Điều đáng chú ý là khoảng hơn 10 năm nay, rất nhiều cơ sở đào tạo bậc đại học đã mở thêm ngành luật để đào tạo cử nhân luật. Số lượng sinh viên theo học ngành luật ngày càng gia tăng và chất lượng ngày càng cao. Điều này là theo quy luật chung, có cầu sẽ có cung.
Hiện nay nhu cầu hiểu biết pháp luật, tư vấn về pháp luật, hỗ trợ pháp lý trong xã hội rất lớn. Khi kinh tế xã hội phát triển, số lượng doanh nghiệp ra đời tăng nhanh. Phần lớn các doanh nghiệp đều cần cán bộ pháp chế, những người hiểu biết và phụ trách về pháp luật của doanh nghiệp.
Ngoài ra nhiều doanh nghiệp lớn ký hợp đồng với các văn phòng luật sư, công ty luật hoặc tuyển dụng luật sư để thành lập các ban pháp chế của họ.
Trong quan hệ kinh tế quốc tế cũng như hoạt động thương mại trong nước, các hợp đồng giao dịch, các thủ tục pháp lý nếu không có người tư vấn phụ trách về luật có thể khiến một doanh nghiệp gặp phải tranh chấp, rủi ro, thậm chí mất cơ hội kinh doanh, thiệt hại đến tài sản có thể dẫn đến phá sản.
Với những người dân thiếu hiểu biết pháp luật, không có người tư vấn, họ có thể vướng vào vòng lao lý. Trong các quan hệ dân sự kinh tế, nếu không hiểu biết pháp luật rất dễ mất tiền, mất tài sản, có thể tan vỡ hạnh phúc gia đình…
Bởi vậy, xã hội càng phát triển, các mối quan hệ càng phức tạp và nhu cầu đòi hỏi phải có luật, tuân thủ luật và có những người trợ giúp về pháp luật là những nhu cầu tất yếu và chính đáng.
Mỗi người học luật có thể có những mục đích khác nhau, có thể là học để hiểu biết, để trang bị kiến thức cho bản thân phục vụ cuộc sống, cũng có thể học luật để hành nghề luật, để tích lũy tri thức, có một ngành nghề trong tương lai.
Theo tiến sĩ, cơ hội việc làm với sinh viên theo học ngành luật hiện nay ra sao? Theo thầy, để trở thành luật sư, đòi hỏi thí sinh phải có những tố chất ra sao? Các bạn sinh viên cần có sự trau dồi, học tập như nào để có thể trở thành luật sư giỏi?
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường: Nghề luật rất rộng, người học luật có thể làm việc như trong khối nhà nước cũng như ngoài nhà nước. Nếu học xong cử nhân luật, vào nhà nước làm công chức, viên chức nhà nước và đáp ứng các yêu cầu cụ thể có thể làm thư ký tòa, sau này làm thẩm phán, làm kiểm sát viên, điều tra viên, làm trong các cơ quan của đảng, các cơ quan tư pháp, các doanh nghiệp nhà nước…
Ngoài ra, những người tốt nghiệp cử nhân luật cũng có thể hoạt động trong lĩnh vực ngoài nhà nước như luật sư, công chứng viên, đấu giá viên, thừa phát lại, làm pháp chế trong các doanh nghiệp…
Nếu theo nghề luật sư, đây có thể nói là nghề vất vả nhất nhưng khi thành công có lẽ cũng sẽ rất vinh quang. Nghề luật sư đòi hỏi phải có tố chất, năng lực, niềm đam mê và phải rèn luyện, trải nghiệm một thời gian rất dài, mới có thể trụ vững ở cái nghề này.
Nghề luật sư trước tiên đòi hỏi người học luật phải rất giỏi về chuyên môn, có lý luận và kiến thức về pháp luật phong phú, có khả năng vận dụng và làm việc nhóm, ứng đối linh hoạt.
Nghề luật sư đòi hỏi kỹ năng nói và kỹ năng viết tốt. Bởi vậy đòi hỏi khả năng tư duy, diễn đạt, xử lý các tình huống một cách nhanh chóng, chính xác và tinh tế. Để trở thành luật sư, cần phải qua lớp đào tạo ngành luật và có thời gian thực tập, trải qua các kỳ thi...
Nghề luật sư thích hợp với những người có tư duy logic tốt, kiến thức chuyên môn sâu, năng động sáng tạo, kiên trì bền bỉ và động lực phấn đấu rõ ràng.
Để hành nghề luật sư tốt, cần phải có uy tín và thời gian để xây dựng uy tín. Theo đó, uy tín của luật sư sẽ phụ thuộc vào kết quả cống hiến cho xã hội, những vụ việc mà luật sư đã trải qua, những giá trị xã hội mà luật sư đã mang lại… Bởi vậy, nghề luật sư là nghề đòi hỏi phải có tố chất cùng năng lực thực sự, niềm đam mê và trách nhiệm trước cộng đồng.
Theo tôi, để thành công với nghề này, đòi hỏi sự phấn đấu nỗ lực vươn lên không ngừng của sinh viên ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Bên cạnh đó, sinh viên phải lòng kiên trì, chịu thương, chịu khó, có đạo đức tốt và nếu may mắn có được môi trường chuyên nghiệp, có luật sư hướng dẫn tâm huyết, cơ hội thành công sẽ cao hơn và nhanh hơn.
Ngày nay với sự phát triển của khoa học, công nghệ, đặc biệt là mạng internet, mạng xã hội thì việc xây dựng hình ảnh, tạo lập uy tín của luật sư nhanh hơn các thế hệ trước rất nhiều. Tuy nhiên, không gian mạng cũng là nơi có sự cạnh tranh cao và đào thải nhanh. Nếu các luật sư không trau dồi kiến thức, không cố gắng nỗ lực vươn lên, không đóng góp những giá trị tích cực cho cộng đồng cũng sẽ bị đào thải theo quy luật vận động của xã hội.
Trong quá trình gắn bó với nghề luật sư, cũng như đứng trên giảng đường, kỷ niệm nào để lại nhiều ấn tượng với ông?
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường: Nghề luật sư là nghề "chữa bệnh pháp lý", mỗi vụ án là một câu chuyện dài, có những cảnh đời, những số phận và những kết cục của xung đột xã hội. Có những nghề tiếp xúc với niềm vui, tuy nhiên nghề luật sư thường tiếp xúc với những vấn đề xung đột xã hội, những mâu thuẫn về pháp lý, những khó khăn éo le của đương sự.
Nếu là luật sư tư vấn, họ sẽ thường tư vấn về thủ tục để các cá nhân doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, khi chưa phát sinh tranh chấp khiếu kiện, chưa nhìn thấy những rủi ro trước mắt…
Còn với những luật sư tranh tụng như chúng tôi, thường là chứng kiến các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, những mâu thuẫn, xung đột lợi ích trong xã hội… Mỗi vụ án có thể sẽ là một câu chuyện buồn, một bài học cuộc sống và lại có những cảnh ngộ khác nhau.
Rất nhiều những câu chuyện về tình nghĩa vợ chồng, về phương pháp giáo dục con cái, về niềm tin đặt đúng chỗ và khi tình lý lẫn lộn… Tất cả những vấn đề đó đều có thể phát sinh những mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp khiến sự việc phải giải quyết bằng các thủ tục tố tụng.
Bởi vậy, để nói rằng vụ việc nào ấn tượng nhất, câu chuyện nào đáng nhớ nhất thì rất khó… Nhưng những hình ảnh gây ra ám ảnh cho luật sư đó là cảnh người vợ tiễn chồng, mẹ tiễn con, anh tiễn em… khi đứng trước cửa nhà lao, khi lên xe thùng dẫn giải về trại tạm giam. Những giọt nước mắt rơi trước vành móng ngựa, trước bục khai báo, những tiếng nức ở những phiên tòa khi sám hối muộn màng.
Khác với nghề luật sư, nghề giáo viên có tính chất công việc vui tươi hơn, nhiều cảm hứng hơn khi những kiến thức sách vở được tôi mang so sánh với những câu chuyện thực tiễn.
Tiếp xúc với sinh viên đang say mê học tập khiến những người thầy, người cô trên bục giảng có niềm vui, hy vọng nhiều hơn vào các thế hệ tương lai. Nhưng ấn tượng nhất đối với nghề giáo viên có lẽ là những thế hệ học trò đã đi qua, các em vẫn nhớ đến thầy cô, vẫn thường xuyên hỏi thăm, đôi khi bất chợt gặp nhau ở đâu đó thì thầy cô và học trò lại vui mừng, ôn lại chuyện những ngày xưa…
Thành tích học tập, những kết quả đạt được của học trò là những món quà vô giá đối với các thầy, các cô. Những thế hệ học trò đã đi qua nhiều năm nhưng vẫn nhớ đến thầy cô, vẫn mời các thầy cô tham gia các dịp kỷ niệm, các buổi họp lớp đó là niềm vui rất khó tả đối với những người “lái đò thầm lặng” như chúng tôi.
Tính chất công việc của luật sư là rất bận rộn nhưng thầy vẫn học lên tiến sĩ và làm giảng viên thỉnh giảng khoa Luật và Lý luận chính trị Trường Đại học Thủy lợi. Thầy có thể chia sẻ về công việc này?
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường: Tôi có cơ duyên với nghề giáo. Có lẽ chính vì thế, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội, tôi quyết định theo nghề giáo, trở thành giảng viên để giảng dạy ở các môn học ngành luật, truyền lại kiến thức của mình cho các thế hệ sinh viên.
Theo quy định, giảng viên là viên chức thì không được hành nghề luật sư và ngược lại, đã làm luật sư thì không được làm viên chức (giảng viên). Bởi vậy, sau đó tôi buộc phải dừng việc giảng dạy để hành nghề luật sư.
Sau này cơ chế cởi mở hơn, và khi đã có học vị tiến sĩ, nhiều năm kinh nghiệm hành nghề luật sư, trải qua rất nhiều vụ án và có công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, nhiều cơ sở giáo dục đại học mời tôi tham gia giảng dạy với tư cách là chuyên gia, giảng viên thỉnh giảng, giảng viên hợp đồng mà không phải là viên chức.
Có nhiều lý do khiến tôi trở lại giảng đường và lựa chọn Trường Đại Thuỷ Lợi là nơi chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm tới sinh viên. Trước tiên có thể nói là tôi có cơ duyên với nghề giáo, từ suy nghĩ, lối sống, phong cách bao nhiêu năm nay đều được đánh giá là “anh giáo Thứ” tham gia tranh tụng.
Nghề dạy học là nghề vất vả nhưng giá trị cống hiến cho xã hội rất lớn, đặc biệt là lĩnh vực pháp luật. Với lý luận tốt, có trải nghiệm thực tiễn thì những kiến thức mà giảng viên luật truyền đạt trên giảng đường sẽ sinh động và có tác động mạnh mẽ đến ý thức pháp luật của sinh viên.
Do có cơ duyên gắn bó, yêu nghề này nên mặc dù đã chuyển sang làm luật sư gần 20 năm, bản thân tôi vẫn luôn tâm niệm rằng sẽ có một ngày trở lại giảng đường. Các sinh viên cũ trước đây tôi giảng dạy vẫn giữ liên lạc, động viên là động lực khiến tôi quyết định tham gia giảng dạy.
Ngoài ra, một điều cũng rất quan trọng khiến tôi trở lại giảng đường đại học đó là tôi đã có học vị tiến sĩ, trở thành nhà khoa học trong lĩnh vực pháp luật. Nhà khoa học trong lĩnh vực pháp lý thì không chỉ là người hành nghề luật mà còn phải có trách nhiệm đối với xã hội đó là giảng dạy, nghiên cứu khoa học và cống hiến cho xã hội.
Nghề luật sư cũng là một nghề đặc biệt, ngoài việc cung cấp dịch vụ pháp lý, luật sư cũng có trách nhiệm phải tham gia các hoạt động xã hội, trợ giúp pháp lý, tuyên truyền pháp luật. Bởi vậy luật sư có học vị tiến sĩ thì việc tham gia giảng dạy là điều có thể gọi là tất yếu, là trách nhiệm nghề nghiệp đồng thời cũng là trách nhiệm của một nhà khoa học trong lĩnh vực pháp lý.
Nghề luật sư là nghề vất vả, luật sư tranh tụng lại càng vất vả hơn nữa. Để có thời gian tham gia giảng dạy, việc sắp xếp thời gian là vô cùng quan trọng. Với lý luận, kiến thức có sẵn, nhiều kinh nghiệm tham gia tố tụng, đó là thuận lợi trong công việc giảng dạy của tôi. Tuy nhiên, để sắp xếp được thời gian tham gia đúng giờ, đúng buổi, có trách nhiệm và có chất lượng cao thì đòi hỏi phải có sự hy sinh.
Tham gia giảng dạy sẽ mất nhiều thời gian, công sức hơn và thu nhập thấp hơn là hành nghề luật sư. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề, trách nhiệm với cộng đồng, với sinh viên và giá trị cống hiến nên bản thân tôi và rất nhiều đồng nghiệp luôn vui vẻ mỗi khi đến trường.
Luật sư đi giảng dạy đó là một niềm vui, khi giảng viên được tiếp cận với thực tiễn về nghề luật sư đó cũng là niềm vui. Bởi vậy khi đã có niềm đam mê, mục tiêu cống hiến cho xã hội thì dù khó khăn vất vả đến mấy cũng có thể vượt qua, niềm vui nghề nghiệp sẽ là động lực để chúng tôi tiến bước.
Trân trọng cảm ơn ông!