Không ai có quyền đứng trên luật, ngoài luật

02/08/2017 08:36
Tiến sĩ Phan Thị Hương Thủy
(GDVN) - Câu hỏi đặt ra là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo xử lý thế nào khi mà Sở Giáo dục đã làm trái Luật Giáo dục?

LTS: Tiếp tục câu chuyện tuyển sinh đầu cấp ở các trường công lập và tư thục, Báo Điện tử Giáo dục Việt nam tiếp tục nhận được nhiều ý kiến, trong đó có bài viết của Luật sư - Tiến sĩ Phan Thị Hương Thủy chỉ ra những vi phạm của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khi thực hiện vai trò quản lý ở địa phương.

Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả bài viết thể hiện góc nhìn của Luật sư -Tiến sĩ Phan Thị Hương Thủy.

Luật sư-Tiến sĩ Phan Thị HươngThủy. ảnh tác giả cung cấp.
Luật sư-Tiến sĩ Phan Thị HươngThủy. ảnh tác giả cung cấp.

Việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội áp đặt quy định tuyển sinh đầu cấp cùng thời điểm cho cả trường tư thục và công lập đã gây ra nhiều phản ứng, bởi quy định này không hề lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp là các trường tư thục mà vội vàng áp dụng theo ý chí chủ quan của các nhà quản lý giáo dục.

Tại Khoản 4 Điều 100 của Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung quy định như sau: “Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ, trong đó có việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của các cơ sở giáo dục trên địa bàn; có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường công lập thuộc phạm vi quản lý; phát triển các loại hình trường, thực hiện xã hội hoá - giáo dục; bảo đảm đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương".

Như vậy, yêu cầu đặt ra với Ủy ban nhân dân các cấp là cần thực hiện đúng với yêu cầu mà luật đề ra, tạo mọi điều kiện để xã hội hóa giáo dục, chứ không phải là quản lý theo cách gò lại, gây khó khăn cho các trường tư thục.

Không ai có quyền đứng trên luật, ngoài luật ảnh 2

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên dũng cảm thay đổi tư duy "bề trên"

Trong trường hợp này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội không yêu cầu cụ thể, mà kế hoạch chi tiết là do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xây dựng, bởi vậy trách nhiệm chính thuộc về Sở.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là đơn vị thực hiện Luật giáo dục dựa trên sự hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Như vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không được phép đặt ra quy định riêng, cụ thể là không được áp đặt thời gian tuyển sinh cho cả trường công lập và tư thục. Việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội áp dụng quy định như vậy là trái Luật Giáo dục, trái cả Luật Doanh nghiệp.

Như vậy, với trách nhiệm quản lý địa phương, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ phải yêu cầu Thanh tra Sở Giáo dục làm rõ việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành văn bản áp đặt thời gian tuyển sinh vi phạm những điều khoản nào, gây hậu quả ra sao, để từ đó có căn cứ xử lý. Cụ thể như tôi vừa chỉ rõ ở trên là  “trái Luật Giáo dục, trái cả Luật Doanh nghiệp”.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần lấy ý kiến của đối tượng bị điều chỉnh (trường tư thục) trước khi ban hành văn bản, tránh gây khó khăn cho công tác tuyển sinh. ảnh: LTV.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần lấy ý kiến của đối tượng bị điều chỉnh (trường tư thục) trước khi ban hành văn bản, tránh gây khó khăn cho công tác tuyển sinh. ảnh: LTV.

Ngoài việc nhận chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân Thành phố thì Thanh tra Sở Giáo dục Hà Nội còn có quyền độc lập triển khai công tác thanh tra về vấn đề này khi nhận được khiếu nại, tố cáo của nhà trường, phụ huynh, giáo viên… Tức là phải phải triển khai thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giáo dục (áp dụng Khoản 12 Điều 99).

Sau khi có ý kiến của phụ huynh và người trong cuộc là thầy Văn Như Cương – Trường Trung học Phổ thông Lương Thế Vinh, cơ quan thanh tra có đủ căn cứ để vào cuộc làm rõ, xử lý nội dung này.

Điều 111 quy định về thanh tra giáo dục cũng nói rõ: “Thanh tra giáo dục thực hiện quyền thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước về giáo dục nhằm bảo đảm việc thi hành pháp luật, phát huy nhân tố tích cực, phòng ngừa và xử lý vi phạm, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giáo dục”.

Không ai có quyền đứng trên luật, ngoài luật ảnh 4

Tâm huyết của thầy Văn Như Cương gửi Bộ trưởng Nhạ

Theo đó, thanh tra sẽ làm rõ hai vấn đề: Thứ nhất, việc áp đặt thời gian tuyển sinh gây ra khó khăn, thiệt hại cho các trường tư thục (nếu có) là do năng lực chuyên môn yếu thì phải ra quyết định điều chỉnh quy định mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang áp dụng.

Tức là áp dụng Mục e khoản 2 Điều 111: “Kiến nghị các biện pháp bảo đảm thi hành pháp luật về giáo dục; đề nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách và quy định của Nhà nước về giáo dục”.

Điều 112 cũng nói rõ quyền hạn, trách nhiệm của Thanh tra giáo dục: “Thanh tra giáo dục có quyền hạn và trách nhiệm theo quy định của pháp luật về thanh tra. Khi tiến hành thanh tra, trong phạm vi thẩm quyền quản lý của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo dục cùng cấp, thanh tra giáo dục có quyền quyết định tạm đình chỉ hoạt động trái pháp luật trong lĩnh vực giáo dục, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.

Như vậy, trong trường hợp này khi có đủ các bằng chứng cho thấy việc áp dụng tuyển sinh có gây thiệt hại cho các trường tư thục, có gây khó khăn cho các phụ huynh thì Thanh tra Giáo dục Hà Nội có quyền ra quyết định tạm đình chỉ và thông báo cho Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thông báo cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội.

Cũng có những ý kiến băn khoăn đặt ra là: Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là đơn vị cùng cấp, liệu rằng có khó khăn khi thanh tra vấn đề này?

Tôi cho rằng có thể trên thực tế cũng sẽ gặp khó khăn, dù vậy Thanh tra Sở Giáo dục Hà Nội dù là đơn vị cùng cấp nhưng hoạt động theo quy định của Luật Thanh tra, vì thế có thẩm quyền đình chỉ quyết định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng có thể báo cáo vụ việc tới Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo giám sát, hướng dẫn xử lý vấn đề này.

Bên cạnh đó, ngay cả khi Thanh tra Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội không báo cáo lên Thanh tra Bộ, nhưng cơ quan này nắm được thông tin vụ việc hoặc nhận được các đơn thư khiếu nại từ nhà trường, phụ huynh giáo viên thì vẫn có thể giám sát hoặc chủ động triển khai thanh tra để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động Thanh tra giáo dục đúng với yêu cầu của Luật Giáo dục.

Sự việc này đã kéo dài khá lâu, thiết nghĩ để đảm bảo sự ổn định cho hoạt động của các trường tư thục theo đúng tinh thần kêu gọi xã hội hóa đầu tư cho giáo dục (Điều 13 Luật Giáo dục), tạo sự thuận lợi cho phụ huynh và học sinh… Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cần có chỉ đạo sớm giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Ngoài ra, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có thẩm quyền yêu cầu địa phương là Thành phố Hà Nội chỉ đạo chấm dứt tình trạng tự ý ban hành văn bản quy định riêng như đã xảy ra đối với công tác tuyển sinh đầu cấp thời gian qua.

Cũng cần lưu ý rằng, giải quyết sự việc theo hướng tích cực là hoàn toàn đúng với tinh thần kiến tạo, phục vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang nỗ lực thực hiện và kêu gọi các địa phương cùng thực hiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp phát triển.

Tiến sĩ Phan Thị Hương Thủy