Ngày 10/10/1954, đánh dấu một mốc son hào hùng khi quân đội ta tiến về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Ngày này không chỉ đánh dấu sự kiện Hà Nội được giải phóng khỏi quân đội Pháp vào năm 1954 mà còn là biểu tượng của lòng quả cảm, ý chí tự do và khát vọng độc lập của cả một dân tộc Việt Nam.
70 năm trôi qua (10/10/1954 - 10/10/2024), Thủ đô Hà Nội đã phát triển ngoạn mục, "thay da đổi thịt" về mọi mặt. Tuy nhiên, giá trị lịch sử của ngày 10/10 vẫn sống mãi trong lòng người dân.
Trong những ngày này, tại không gian bích họa Phùng Hưng (phường Hàng Mã, Hà Nội) đã diễn ra sự kiện trưng bày "Ký ức Hà Nội - 70 năm". Đoạn đường dài 300m của con phố này đã tái hiện nhiều dấu ấn, khoảnh khắc lịch sử của Hà Nội cách đây 70 năm.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 6/10, có rất đông người dân và du khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại khu vực này.
Có mặt tại không gian bích họa Phùng Hưng, bà Trần Thị Kim Quy (sinh năm 1936 tại phố Hàng Ngang, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cùng các con cháu đến nơi đây để hồi tưởng về ký ức hào hùng của nhân dân Thủ đô năm xưa. Bà Quy cũng là một nhân chứng lịch sử năm xưa.
"Mô hình phác họa lại khung cảnh Hà Nội khi xưa ở nơi đây, tôi thấy giống đến 80%", bà Quy nói.
Mặc dù năm nay đã 89 tuổi, bà Trần Thị Kim Quy vẫn nhớ như in ký ức về bản thân khi ấy là cô gái tuổi 18, tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ.
"Để chào đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô, tôi tham gia phát cờ cho mọi người ở hai bên đường chào đón bộ đội ta. Lúc đó, tôi cảm thấy vui và hạnh phúc lắm", bà Quy nhớ lại.
Theo bà Trần Thị Kim Quy, chuẩn bị cho ngày 10/10/1954, bà đã cùng mọi người làm muối vừng, cơm nắm để tặng cho bộ đội về tiếp quản Thủ đô. Đến năm 1955, bà Trần Thị Kim Quy tham gia thanh niên xung phong tại tỉnh Phú Thọ để xây dựng nhà máy chè Phú Thọ.
"Tôi cảm thấy Hà Nội giờ đây đã đúng như lời Bác Hồ nói khi đó là nước ta sẽ xây dựng tươi đẹp, đàng hoàng hơn gấp nhiều lần.
Hà Nội giờ đây đã thay đổi về mọi mặt, đời sống kinh tế xã hội của người dân phát triển rất nhiều", bà Quy chia sẻ.
Nhộn nhịp không kém khu phố Phùng Hưng, khu vực Hoàng Thành Thăng Long cũng tiếp đón nhiều người dân và du khách. Dịp này, nơi đây cũng đang tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa.
Cùng chồng đến tham quan nơi đây, bà Phạm Thị Yên (67 tuổi, trú tại Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) diện trên mình chiếc áo dài và tạo dáng để nhờ chồng chụp cho bức ảnh lưu niệm.
Bà Phạm Thị Yên cho biết, bản thân sinh ra sau thời điểm giải phóng Thủ đô nhưng bà luôn cảm thấy tự hào và phấn khởi khi đất nước ta, Thủ đô ngày càng phát triển vững mạnh.
"Tôi sinh ra trong thời chiến tranh chống Mỹ, xã hội trong thời bao cấp, cuộc sống khá vất vả. Tuy nhiên đến nay, chứng kiến sự đổi thay của đất nước, của Thủ đô, tôi cảm thấy quá hạnh phúc", bà Yên chia sẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại phố Điện Biên Phủ khu vực Công viên Lê Nin, có rất đông người dân diện áo dài đứng chụp ảnh lưu niệm với cột cờ Hà Nội.
Sáng 6/10, bà Nguyễn Lạng (60 tuổi, trú tại phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) cùng 7 người bạn cao tuổi ở địa phương lên trung tâm Thủ đô để tham quan, chụp ảnh nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô.
"Chúng tôi vào Hoàng Thành Thăng Long tham quan sự kiện Lễ hội áo dài và sau đó ra đây để chụp ảnh. Tiếp theo, chúng tôi sẽ ra khu vực Hồ Hoàn Kiếm để vui chơi", bà Lạng cho hay.
Một số hình ảnh phóng viên phố phường Hà Nội dịp này: