Tôi là giáo viên đang công tác tại một trường Trung học cơ sở ở một tỉnh phía Nam. Trường tôi đang công tác là trường loại I, thuộc khu vực đô thị nên học sinh trong trường đang đi học thêm rất nhiều. Nếu tôi dạy thêm, học trò của tôi sẽ có nhiều “lợi thế” về điểm số khi kiểm tra định kỳ (nếu tôi muốn).
Nhưng, tôi chưa bao giờ mở lớp dạy thêm ngoài nhà trường- dù biết rằng nếu dạy thêm, tôi sẽ có nhiều học trò theo học vì tôi đang dạy lớp cuối cấp và thực tế năm nào cũng có phụ huynh, học sinh hỏi về chuyện dạy thêm.
Tôi không dạy thêm, không có nghĩa là tôi không cần tiền bởi tôi cũng có gia đình, có con đang đi học. Song, trong thâm tâm tôi luôn nghĩ rằng nếu mình và học trò cố gắng thêm một chút khi giảng dạy và học tập trên lớp thì phụ huynh sẽ đỡ được một khoản tiền lớn trong năm học.
Học trò cũng không phải tất bật đi học thêm và bản thân tôi cũng đánh giá khách quan về học lực đối với học sinh mình đang dạy.
Nếu làm hết trách nhiệm, thầy trò sẽ giải quyết hết kiến thức khi học trên lớp
Nhiều năm qua, chuyện dạy thêm, học thêm đã được phản ánh khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những giáo viên dạy thêm sẽ có nhiều lý do để mở lớp dạy thêm ngoài nhà trường và nhiều người cho rằng đó là việc làm chính đáng để tăng thêm thu nhập.
Hơn nữa, việc cho con đi học thêm cũng là nhu cầu của một bộ phận phụ huynh hiện nay.
Thực ra, nhu cầu cho con đi học thêm hiện nay của một bộ phận học sinh là có thật nhưng không nhiều, nhất là những học sinh đang học những năm đầu cấp học. Phần nhiều nhu cầu học thêm là thời điểm học sinh bước vào lớp cuối cấp nhằm chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp.
Một bộ phận phụ huynh cho con đi học thêm hiện nay là miễn cưỡng, cho con học thêm vì thấy bạn bè của con cũng đang đi học thêm. Chẳng ai muốn mỗi tháng bỏ ra một vài triệu đồng cho con đi học thêm và con em họ cứ suốt ngày phải ngồi trong phòng học thêm một cách nhàm chán.
Nhiều hôm mưa gió, trời tối, có ai lại muốn phải đưa đón con đi học thêm hay không khỏi lo lắng khi thấy con đạp xe đi học thêm bao giờ. Nhưng, bây giờ một số môn học mà học sinh không đi học thêm là rất mệt mỏi (theo nhiều nghĩa).
Nói thật, nếu thầy cô dạy hết trách nhiệm, linh hoạt trong quá trình đứng lớp, có phương pháp giảng dạy tốt thì học sinh không cần phải đi học thêm vẫn học hết bài, làm hết bài tập trên lớp và các em vẫn hiểu bài- nhất là những lớp không phải cuối cấp.
Bởi lẽ, chương trình 2018 đã giao quyền tự chủ cho giáo viên. Số lượng kiến thức trong mỗi bài học cũng không quá nhiều và giáo viên có quyền chủ động, linh hoạt với mỗi bài học trên lớp của mình với mục đích là phát huy phẩm chất, năng lực của người học.
Trong khi, giáo viên dạy trên lớp bây giờ có mấy khi bị dự giờ đột xuất hay thanh tra, kiểm tra đột xuất như trước đây đâu. Mỗi năm, tổ chuyên môn dự nhiều nhất cũng chỉ vài ba tiết dạy và thường là báo trước, lên lịch trước. Thanh tra phòng, sở thì cũng 1-2 năm mới về trường thanh, kiểm tra chuyên môn một lần.
Vì thế, trong lớp chủ yếu là thầy và trò làm việc với nhau. Nếu giáo viên khéo léo, chuẩn bị bài tốt, giao nhiệm vụ cho học trò phù hợp là thầy trò giải quyết gọn gàng khi học trên lớp.
Khi kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ đều có những tiết ôn tập nên thầy và trò chủ động được mọi tình huống. Hơn nữa, nếu không phải là học sinh lớp 9, lớp 12 thì đề kiểm tra định kỳ chủ yếu là do trường ra đề. Thậm chí, hiện nay một số địa phương còn chủ trương không ra đề kiểm tra định kỳ mà giao toàn quyền cho các nhà trường.
Việc trường ra đề, cũng đồng nghĩa là giáo viên của từng chuyên môn ra đề. Trước khi ra đề, giáo viên trong từng khối, tổ chuyên môn sẽ thống nhất ra chỗ nào, ra những kiến thức nào rất cụ thể.
Tôi vẫn động viên học trò không phải đi học thêm môn mình dạy
Thời gian qua, dư luận lại tiếp tục bàn luận râm ran về dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm mà Bộ đã công bố để lấy ý kiến góp ý.
Thông qua những bài viết trên các trang báo, chúng tôi thấy dư luận ái ngại khi dự thảo Thông tư không còn cấm dạy thêm cho học sinh chính khóa. Vì thế, việc dạy thêm ngoài nhà trường tới đây cũng trở nên thuận lợi hơn. Với đà này, tôi nghĩ tình trạng dạy thêm, học thêm những năm tới đây có thể sẽ có những diễn biến phức tạp.
Là một giáo viên liên tục dạy cho học sinh cuối cấp hàng chục năm qua, tôi vẫn nói học trò của mình rằng các em không phải đi học thêm môn của thầy. Nhưng, khi học trên lớp phải nghiêm túc, tập trung để thầy trò giải quyết hết bài học, bài tập. Ở nhà, tranh thủ chuẩn bị một số nhiệm vụ thầy giao.
Vì thế, phần nhiều học trò lớp tôi dạy chỉ ôn tuyển sinh 1 tháng theo kế hoạch của nhà trường trước khi thi tuyển sinh 10. Thế nhưng, nhiều em vẫn đạt điểm cao và điểm trung bình lớp tôi dạy thi tuyển sinh điểm số luôn ổn, không thấp hơn đồng nghiệp dạy cùng môn.
Tôi thấy nhiều giáo viên bây giờ đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh mà dạy thêm nhiều lắm. Điểm tổng kết trung bình môn cho học sinh khi học trên lớp cũng rất cao (vì tôi là người thống kê báo cáo cho nhà trường hằng năm về chất lượng bộ môn) nhưng thi tuyển sinh thì điểm không tương đồng với đánh giá trên lớp.
Lẽ ra, giáo viên dạy giỏi các cấp thì phải dạy cho học sinh hiểu bài khi học trên lớp, chứ cần gì học sinh phải đi học thêm nữa mới hiểu bài? Học sinh không hiểu bài thì mới phải đi học thêm chứ?
Nếu giáo viên được tôn vinh là giáo viên giỏi các cấp sẽ dạy cho học sinh nắm được những kiến thức cơ bản của bài học, môn học mới xứng đáng với danh hiệu. Nhưng, một số giáo viên có danh hiệu giáo viên giỏi để kéo học trò đến lớp học thêm thì lạ lắm.
Qua tìm hiểu và cũng nhiều lần chứng kiến, chúng tôi thấy phần nhiều giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường là dạy trước chương trình. Đến khi học chính khóa trên lớp, học sinh đã biết đáp án nên không tập trung. Một đơn vị kiến thức mà học đi, học lại trong một khoảng thời gian kề cận nhau khiến cho học sinh chán kiến thức.
Một khi giáo viên đã dạy thêm trước chương trình, cũng đồng nghĩa đã “làm cỗ” sẵn cho học trò nên khi lên lớp chính khóa thấy học sinh học hành chểnh mảng cũng khó nói, tổng kết cũng không thể để điểm thấp. Bệnh thành tích trong giáo dục một phần cũng từ dạy thêm, học thêm mà ra.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.