Chương trình GDPT thêm Sử thành 6 môn bắt buộc hay loại 1 môn để vẫn là 5?

15/07/2022 06:40
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc đưa Lịch sử trở thành môn bắt buộc khiến nhiều trường phải xây dựng lại chương trình, tuyển bổ sung thêm giáo viên để giảng dạy khi năm học mới đã cận kề.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Kế hoạch 770 /KH- BGDĐT về việc thực hiện môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho năm học 2022-2023.

Theo đó, xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy cho tất cả học sinh.

Môn Lịch sử sẽ trở thành môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: AN

Môn Lịch sử sẽ trở thành môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: AN

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng nhìn nhận việc triển khai một cách gấp gáp, cập rập như vậy cũng gây ra không ít khó khăn cho các Sở và trường phổ thông. Nhưng vấn đề này nằm ngoài mong muốn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Trước đó, trên các diễn đàn Quốc hội, các đại biểu có ý kiến về việc đưa môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc và Quốc hội cũng đã ra Nghị quyết thì Bộ phải chấp hành. Từ lúc chấp hành đến lúc triển khai cần phải có một quá trình.

Nếu chuyển môn Lịch sử từ tự chọn sang bắt buộc thì có đến 6 môn bắt buộc bao gồm: Toán, Văn, Anh, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh và Lịch sử. Trong khi đó số môn tự chọn trong các tổ hợp chỉ còn 4 môn.

Vì vậy các trường sẽ phải xây dựng lại phương án lựa chọn môn học cho học sinh dựa vào các thay đổi nói trên. Đây là nội dung mới mà Bộ đang triển khai đến các Sở và trường trung học phổ thông”.

Cũng theo ông Linh, các trường cũng xác định việc triển khai này là khó khăn. “Tại Đà Nẵng, chúng tôi vừa mới tiếp nhận văn bản và cũng đang nghiên cứu để hướng dẫn tạm thời đến các trường.

Còn các trường đã xây dựng kế hoạch trước đó rồi thì phải chấp nhận thay đổi, điều chỉnh lại. Tinh thần là chấp hành ý kiến chỉ đạo của Bộ cũng như Quốc hội. Dù bị động và sẽ gặp nhiều vướng mắc khi triển khai nhưng vướng chỗ nào, khó chỗ nào thì tháo gỡ chỗ đấy”, ông Linh nói.

Thầy Trần Đạt – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) chia sẻ, việc tổ chức các tổ hợp để học sinh lựa chọn thì hầu hết các trường đã làm rồi. Tuy nhiên, hầu hết đều là phương án dự phòng vì phải đợi hướng dẫn chính thức từ phía Sở và Bộ.

“Trước đây, khi mới nghe Quốc hội thảo luận về việc lựa chọn môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc, chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị, chuẩn bị cho trường hợp này xảy ra. Hơn nữa, nhà trường đã tổ chức thành 4 lớp tự nhiên và 4 lớp xã hội.

Trong 4 lớp xã hội đó có môn Lịch sử rồi, còn 4 lớp tự nhiên, 2 lớp có môn Lịch sử thuộc diện tự chọn. Giờ trường chờ công văn hướng dẫn của Bộ, Sở yêu cầu để chuyển 2 lớp có môn tự chọn sang bắt buộc.

Hiện nay có một vấn đề chưa rõ ràng là nếu trong 5 môn bắt buộc đó thêm môn Lịch sử nữa thì thành 6. Vậy phải loại một môn trong đó để thêm Lịch sử vào hay là cứ như vậy thêm vào, không rút môn nào ra (6 môn cùng tồn tại). Đây là điều mà các trường cũng đang băn khoăn”.

Cũng theo thầy Đạt, trong khi đợi hướng dẫn, nhà trường cũng đã chủ động xây dựng các kế hoạch lựa chọn tổ hợp môn.

“Chắc chắn trường nào cũng phải chủ động trong vấn đề này. Dù chủ trương ra chậm nhưng thông qua các kênh thông tin, các trường đã chủ động sẵn trước.

Về vấn đề đội ngũ giáo viên dành cho môn Lịch sử khi nó trở thành môn học bắt buộc cũng là một trở ngại lớn đối với nhiều trường. Nhất là trong bối cảnh nhiều trường thiếu giáo viên bộ môn này.

Còn về cơ bản trường mình đủ giáo viên nên việc bố trí các tổ hợp phù hợp với tình hình điều kiện của trường cũng không quá khó khăn”, thầy Đạt thông tin thêm.

Thầy Nguyễn Công Tươi – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Võ Chí Công (Đà Nẵng) cho rằng, kế hoạch của Bộ cũng chưa đi vào chi tiết và nó chỉ là một kế hoạch bước đầu trong nhiều kế hoạch tiếp theo để đưa môn Lịch sử từ tự chọn trở thành môn bắt buộc. Theo hướng đó, tất cả những tổ hợp môn lựa chọn thì môn Lịch sử không còn nữa.

“Với quy mô không lớn thì nhà trường chỉ cần có một động tác là chuyển môn Lịch sử từ tự chọn sang bắt buộc thôi chứ không có ảnh hưởng nhiều. Số lượng giáo viên môn Lịch sử của nhà trường cũng đáp ứng được”.

Thầy Tươi chia sẻ thêm, hiện kế hoạch của Bộ chưa diễn giải một cách cụ thể nhưng qua tìm hiểu thì định hướng rõ là không còn môn Lịch sử lựa chọn trong các tổ hợp. Còn em nào thích thì lựa chọn học chuyên đề môn Lịch sử.

“Qua khảo sát các trường trung học cơ sở có đăng ký vào trường, đa số các em đều chọn môn lựa chọn là môn Lịch sử. Nên giờ trường chuyển qua thôi, trong đó sẽ giảm số tiết đi. Bởi nếu trước đó là 72 tiết (môn lựa chọn), giờ thành 52 tiết, bị cắt mất 18 tiết.

Nhưng nếu các em chọn chuyên đề bổ sung môn Lịch sử sẽ có thêm 35 tiết nữa. Đó là sự kết hợp giữa kế hoạch của Bộ và các thông tin chính thống nên nhà trường chuẩn bị như thế chứ không có gì quá bị động. Các trường có quy mô lớp lớn hơn thì sẽ gặp khó khăn trong việc tổ chức hơn”, thầy Tươi nói.

AN NGUYÊN