Môn Lịch sử thành môn bắt buộc, lãnh đạo nhiều trường nói "không có gì khó hết"

13/07/2022 07:01
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các trường trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang chờ các hướng dẫn chi tiết từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc

Ngày 11/7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch 770/KH-BGDĐT, về việc thực hiện môn Lịch sử trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho năm học mới.

Kế hoạch này vừa hướng tới việc Ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT theo trình tự, thủ tục rút gọn, vừa hướng tới việc “Xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh chương trình Lịch sử bắt buộc cấp trung học phổ thông trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018”.

Nội dung hoạt động của kế hoạch là xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10,11,12) để dạy cho học sinh.

Cùng đó, biên soạn, thẩm định tài liệu tập huấn chương trình Lịch sử bắt buộc, tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các Sở Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện chương trình Lịch sử phần bắt buộc 52 tiết đối với lớp 10,11,12.

Thành lập Ban phát triển chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông, thực hiện nhiệm vụ xây dựng, rà soát, điều chỉnh chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông, biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình.

Bên cạnh đó, thành lập và tổ chức thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông phần bắt buộc đối với lớp 10,11,12.

Môn Lịch sử cấp trung học phổ thông sẽ có 52 tiết/năm học (ảnh minh họa: P.L)

Môn Lịch sử cấp trung học phổ thông sẽ có 52 tiết/năm học (ảnh minh họa: P.L)

Về vấn đề này, thầy Trần Công Bình – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Tân Phong, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, việc môn Lịch sử được quyết định đưa vào môn học bắt buộc, với 52 tiết/năm học cũng sẽ không có gì quá khó khăn với các trường trung học phổ thông.

Bởi lẽ, thầy Bình lý giải, nếu trở thành bắt buộc thì cũng phải học 1,5 tiết/tuần, học kỳ 1 học 1 tiết/tuần, học kỳ 2 học 2 tiết/tuần hay ngược lại. Về sách giáo khoa thì hiện nay thành phố vẫn chưa có quyết định chính thức sẽ chọn sách nào, nên trường cũng chưa thể chọn được.

Khi nào có quyết định chính thức về sách, hội đồng chuyên môn của trường mới họp, sẽ có hướng dẫn cụ thể là chọn dạy bài nào, chuyên đề nào thì tập trung vào nội dung đó, còn lại sẽ chuyển sang phần tự chọn cho học sinh học.

Theo thầy Trần Công Bình, hiện các trường trung học phổ thông vẫn đang tiếp tục chờ các hướng dẫn chi tiết từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, để có thể triển khai thực tế vào đơn vị của mình.

“Do các thầy cô phần lớn cũng đã được tập huấn về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nên chắc chắn sẽ triển khai được bình thường, hoàn toàn không có vấn đề gì lớn. Giáo viên cũng đã nghiên cứu, đọc nhiều loại sách rồi, nên chọn sách nào cũng sẽ không có nhiều bỡ ngỡ” – thầy Trần Công Bình nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh cũng nói rằng, việc đưa Lịch sử trở thành môn học bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hoàn toàn không có gì khó hết.

Việc Lịch sử trở thành môn bắt buộc, chỉ đơn giản là làm giảm số môn học tự chọn trong các tổ hợp mà thôi. Còn số tiết thì không thay đổi, chương trình có khi cũng không cần phải biên soạn lại.

“Vấn đề chính ở chỗ này chỉ là việc phân bổ số tiết trên số bài cần dạy cho học sinh” – thầy Huỳnh Thanh Phú cho biết.

Cũng với ý kiến như vậy, tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Ánh Mai – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh thì lại cho rằng, với 52 tiết học Lịch sử/năm học bắt buộc, thì chương trình dạy học nên nhẹ nhàng hơn là chương trình tự chọn.

Dù giáo viên của trường cô Mai nói không có gì là khó khăn khi triển khai, nhưng các thầy cô vẫn mong có một chương trình nhẹ hơn, còn chương trình Lịch sử tự chọn chủ yếu dạy các chuyên đề chuyên sâu.

Theo cô Nguyễn Thị Ánh Mai, nếu dạy chương trình bắt buộc cũng giống như chương trình tự chọn thì e ngại là học sinh sẽ không kham nổi.

“Học sinh nào muốn học chuyên sâu về Lịch sử thì sẽ học chương trình tự chọn, còn khi trở thành môn học bắt buộc thì nên có thiết kế, xây dựng lại chương trình” – cô Nguyễn Thị Ánh Mai đề xuất.

Việt Dũng