Cảm ơn Bộ Nội vụ từng bước tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập cho giáo viên

02/07/2023 07:33
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bỏ được thi và xét thăng hạng để trả lương theo vị trí việc làm là việc đông đảo cán bộ, công chức, viên chức mong mỏi, kỳ vọng sẽ tạo được công bằng.

Thời gian qua, Bộ Nội vụ luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng ngành giáo dục, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan ngành giáo dục cũng được Bộ Nội vụ quan tâm và có nhiều công văn, hướng dẫn giải quyết, tháo gỡ được đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên đồng tình.

Ảnh minh họa: Ngân Chi

Ảnh minh họa: Ngân Chi

Xin được điểm lại những đề xuất, thay đổi từ Bộ Nội vụ gỡ khó cho giáo viên, ngành giáo dục thời gian qua.

Thứ nhất, ban hành công văn tuyển dụng đặc cách giáo viên

Ngày 5/11/2019 Bộ Nội vụ có Công văn số 5378/BNV-CCVC về tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước. Sau khi có Công văn trên của Bộ Nội vụ, các địa phương trong toàn quốc đã triển khai thực hiện chủ trương lớn này nhằm giúp đội ngũ giáo viên nói trên yên tâm công tác, nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần ổn định xã hội.

Mục 2 công văn quy định “Đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách là giáo viên đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, đã có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.”

Công văn này cũng đã tuyển dụng đặc cách được một số lượng lớn giáo viên được vào biên chế, yên tâm công tác.

Tuy nhiên, hiện nay do còn vướng mắc nên ở một số địa phương vẫn còn tình trạng giáo viên hợp đồng giảng dạy hơn 20 năm, vẫn mức lương 2-3 triệu đồng mỗi tháng, mong Bộ Nội vụ cùng ngành giáo dục sớm xem xét những đối tượng giáo viên hợp đồng này.

Thứ hai, đề xuất cắt giảm nhiều loại loại chứng chỉ cho giáo viên

Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 2499/BNV-CCVC về rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức. Trong đó, Bộ Nội vụ có đề xuất việc cắt giảm một số chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên.

Từ những hạn chế, bất cập trong việc cấp chứng chỉ đối với cán bộ, viên chức nêu trên, Bộ Nội vụ đã kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ:

- Đề nghị bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức…

- Cắt giảm các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng trong cùng một nhóm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm….

Tiếp đó, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 89/2021/NĐ-CP chính thức cắt giảm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên, từ 3 chứng chỉ còn 1 chứng chỉ duy nhất, bỏ nhiều loại chứng chỉ ngoại ngữ, tin học,...

Thứ ba, đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT

Ngày 05/11/2021 Bộ Nội vụ ban hành Văn bản số 5555/BNV-CCVC gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo đó Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Nghiên cứu, chỉnh sửa phù hợp với quy định về chuyển xếp lương từ chức danh nghề nghiệp lương (cũ) sang chức danh nghề nghiệp (mới) tương ứng bảo đảm nguyên tắc khi chuyển xếp không kết hợp với thăng hạng và đảm bảo tương quan về chính sách giữa các đối tượng giáo viên và thống nhất với các lĩnh vực sự nghiệp khác, phù hợp với thực tiễn khi tổ chức thực hiện….”

Đây là cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT với nhiều điểm điều chỉnh có lợi cho giáo viên.

Thứ tư, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 89/2021/NĐ-CP giảm nhiều chứng chỉ không cần thiết

Dưới sự tham mưu của Bộ Nội vụ, ngày 18/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2021.

Theo đó, có nhiều điểm mới trong Nghị định được đông đảo giáo viên đồng tình như:Công chức, viên chức không phải bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học; giáo viên chỉ cần có chứng chỉ Bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức mà không cần phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng I, II, III trước đây.

Thứ năm, sẽ bỏ thi thăng hạng viên chức

Bộ Trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang về việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định về cán bộ, công chức, viên chức.

Đáng chú ý, dự thảo nghị định lần này sửa đổi quy định về thi nâng ngạch công chức, thăng hạng và chuyển đổi chức danh nghề nghiệp viên chức để cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng cho đội ngũ công chức, viên chức. Cụ thể, quy định bắt buộc tổ chức thi trắc nghiệm kiến thức chung trên máy vi tính, đồng thời bỏ thi môn tin học.

Đối với môn ngoại ngữ nếu không có sự thay đổi về trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu của ngạch đang giữ với ngạch dự thi thì không phải tổ chức thi.

Cùng với đó, bổ sung quy định miễn thi ngoại ngữ trong trường hợp có chứng chỉ ngoại ngữ còn trong thời hạn được cơ quan có thẩm quyền quy định giá trị tương đương với yêu cầu của ngạch dự thi; mở rộng hình thức thi viết theo một trong hai phương thức viết tự luận hoặc trắc nghiệm.

Đối với viên chức, Bộ Nội vụ đề xuất bỏ hình thức thi thăng hạng. Viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của hạng cao hơn liền kề sẽ được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Đồng thời, sửa đổi quy định để tăng cường phân cấp trong tổ chức tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức, viên chức. Còn đối với viên chức, cơ quan quản lý viên chức chủ trì xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I và bổ nhiệm, xếp lương viên chức loại A3 mà không cần phải có ý kiến của Bộ Nội vụ.

Việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II và hạng III được giao cơ quan được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng thực hiện để phù hợp với việc bỏ quy định về thi thăng hạng, đồng thời đẩy mạnh chủ trương phân cấp.

Đây đều là những đề xuất hợp tình, hợp lý, giảm gánh nặng cho hàng triệu viên chức cả nước trong đó có lực lượng giáo viên.

Thứ sáu, sẽ bỏ cả thi và xét thăng hạng viên chức để trả lương theo vị trí việc làm

Sau đề xuất bỏ thi thăng hạng viên chức nhận được sự quan tâm, đồng tình cao của đông đảo đội ngũ công chức, viên chức, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết thời gian tới sẽ bỏ thi và xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để trả lương theo vị trí việc làm tại cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Hội Nhà báo Việt Nam vào ngày 13/6.

Về thi thăng hạng, Bộ Nội vụ đang đề xuất Chính phủ bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để giảm gánh nặng thi cử, tốn kém, nhưng trước mắt vẫn giữ hình thức xét thăng hạng theo tiêu chuẩn, điều kiện. "Chúng tôi đang tính toán một vài năm nữa sẽ đề xuất bỏ cả thi và xét thăng hạng viên chức để trả lương theo vị trí việc làm. Trên thế giới không có nước nào thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức", Bộ trưởng Nội vụ thông tin.

Bỏ được cả thi và xét thăng hạng để trả lương theo vị trí việc làm là việc đông đảo cán bộ, công chức, viên chức mong mỏi, kỳ vọng sẽ tạo được công bằng, hợp lý trong trả lương thời gian tới, giảm áp lực thi cử, hồ sơ thi, xét thăng hạng.

Thứ bảy, thống nhất cùng Bộ Giáo dục tăng phụ cấp giáo viên

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã nhiều lần làm việc với Bộ Nội vụ và trong phạm vi điều kiện có thể, hai bên đã thống nhất theo hướng tăng phụ cấp ưu đãi cho bậc mầm non lên 10%, bậc tiểu học là 5%. Hiện phương án đang chờ Bộ Tài chính cho ý kiến.

Trước đó, Bộ Nội vụ đã cũng nhiều lần phát biểu đề nghị ngành giáo dục tham mưu, đề xuất phương án cải thiện thu nhập cho nhà giáo.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, ngành Nội vụ đã có nhiều văn bản tháo gỡ, giúp cho ngành giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ của mình như cắt giảm chứng chỉ, tuyển dụng, bổ nhiệm,…được đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên đồng tình, hy vọng thời gian tới, Bộ Nội vụ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiếp tục có những giải pháp như cải thiện thu nhập nhà giáo, tuyển dụng giáo viên,…để ngành giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của mình.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên