Tăng phụ cấp ưu đãi GV mầm non, tiểu học là cấp thiết, mong CP, QH sớm xem xét

06/06/2023 06:38
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với Bộ Nội vụ và thống nhất theo hướng tăng phụ cấp ưu đãi cho bậc mầm non thêm 10%, sẽ áp dụng từ ngày 1/7.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ và thống nhất theo hướng tăng phụ cấp ưu đãi cho bậc mầm non thêm 10%, bậc tiểu học thêm 5%. Phương án này đang chờ Bộ Tài chính cho ý kiến.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo điện tử Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo điện tử Chính phủ.

Được biết, quy định về mức phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập được nêu tại khoản 1 Mục II Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC.

Theo đó, mức phụ cấp 50% được áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Như vậy trong trường hợp được tăng thêm 10%, giáo viên mầm non thuộc vùng trên sẽ được nhận mức phụ cấp ưu đãi là 60%, vùng đặc biệt khó khăn là 80%.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Đào - Hiệu trưởng Trường mầm non Trung Chải (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) bày tỏ niềm vui: "Việc tăng phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non là rất hợp lý. Mầm non là bậc học có khối lượng công việc nhiều, giáo viên cấp này cũng tương đối vất vả vì ngoài chăm sóc, nuôi dưỡng còn phải hoàn thành công việc giảng dạy hàng ngày".

Ngoài ra, vị hiệu trưởng cho biết làm công tác lãnh đạo nhiều năm trong môi trường giáo dục vùng cao nên rất thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của các đồng nghiệp. Ngoài gặp khó khăn trong vấn đề đi lại do địa hình hiểm trở, việc dạy trẻ vùng cao còn gặp nhiều rào cản về ngôn ngữ, trình độ giữa các nhóm trẻ cũng chênh lệnh.

Với những đặc thù như vậy buộc các thầy, cô giáo phải không ngừng cố gắng, thích nghi để có thể mang lại điều kiện học tập tốt nhất cho các em.

Một giáo viên đang giảng dạy ở một trường mầm non thị trấn của tỉnh Điện Biên chia sẻ: "Hiện tại tôi đang công tác tại khu vực 1 nên được hưởng mức phụ cấp ưu đãi là 50% theo quy định. Công tác trong nghề được gần 18 năm, tôi đang là giáo viên bậc 6 với hệ số lương là 3,65, lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP. Như vậy tôi đang có mức phụ cấp ưu đãi tương đương khoảng hơn 2,7 triệu đồng/ tháng (cụ thể là 2.719.250 đồng/tháng)".

Theo cô, với mức ưu đãi hiện nay nếu được tăng thêm 10% là niềm vui chung đối với giáo viên mầm non đang công tác ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, con số 10% vẫn chưa thực sự thỏa đáng với khối lượng công việc hàng ngày của giáo viên mầm non.

Cô lý giải, hiện nay giáo viên nghỉ việc rất nhiều, phần lớn là do chưa được hưởng mức lương, mức ưu đãi phù hợp.

Vấn đề cấp thiết là cần đảm bảo mức đãi ngộ tốt để giữ chân nguồn nhân lực giảng dạy, đặc biệt là đối với những giáo trẻ, nếu duy trì mức lương như hiện tại họ sẽ không đảm bảo được cuộc sống.

Đối với giáo viên mầm non vùng sâu, vùng xa ngoài việc thực hiện công tác chính là chăm sóc, nuôi dưỡng còn kiêm nhiệm các công việc như thực hiện tất cả nội dung văn bản của cấp trên chỉ đạo, đảm bảo chế độ chính sách của học sinh (đối tượng nghèo, cận nghèo, đặc biệt khó khăn).

Đặc thù nhất phải kể đến việc dạy tiếng phổ thông cho học sinh theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025".

Cũng theo cô, công việc của giáo viên mầm non rất vất vả, họ đều bắt đầu công việc từ 6h45 phút và làm liên tục đến 17h. Giáo viên vùng cao còn phải vượt đèo cao, suối sâu để đi làm, nhiều thầy cô đứng lớp một mình phải hoàn thành công tác trực trưa (2 tiếng) cho học sinh cũng không được hưởng bất cứ một khoản hỗ trợ nào.

Cô bộc bạch: "Gắn bó trong nghề đến gần 20 năm, nhưng hiện nay hàng tháng mức lương tôi nhận về chưa được 10 triệu đồng/tháng. Không chỉ giáo viên có thâm niên như tôi tủi thân, mà giáo viên trẻ cũng vô cùng buồn, lương các bạn chỉ được khoảng 5 triệu đồng/tháng thì làm sao đảm bảo được cuộc sống".

Vị giáo viên mong rằng, có sự thay đổi nhanh chóng về mức lương để giáo viên có thể yên tâm công tác. Đặc biệt, cần quan tâm đối với giáo viên mới để họ có động lực bám nghề, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa nói riêng.

Hơn 10 năm bám bản, đứng lớp trong điều kiện không có điện lưới quốc gia, thầy Mùa A Câu (giáo viên tại điểm trường mầm non Nậm Vản, xã Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) hiện đang được hưởng mức phụ cấp ưu đãi là 70% đối với vùng đặc biệt khó khăn theo quy định.

Được biết, thầy Câu đang là giáo viên bậc 5 với hệ số lương là 2,66. Do thuộc khu vực biên giới, vùng đặc biệt khó khăn nên thầy được hưởng phụ cấp ưu đãi 70% tương đương khoảng hơn 2,7 triệu đồng/tháng (cụ thể là 2.774.380 đồng/tháng).

Theo đó, nếu được tăng thêm 10%, mức phụ cấp ưu đãi của thầy Câu được hưởng sẽ là 80%. Nhận được thông tin này, thầy cho biết rất phấn khởi khi đã được quan tâm và động viên.

Thầy Câu mong muốn được quan tâm hơn và có chính sách riêng đối với giáo viên mầm non vùng đặc biệt khó khăn như thầy. Bởi ngoài lương và mức ưu đãi thì thầy Câu đang không được nhận thêm bất cứ một chính sách hỗ trợ nào khác.

Trong khi đó, thầy Mùa A Câu đang một mình nuôi dạy 38 trẻ tại điểm trường (2 đến 5 tuổi), từ việc đi chợ mua thức ăn, đến soạn giảng hàng ngày, làm đồ chơi, vệ sinh trường lớp, đặc biệt thầy còn chăm sóc 3 trẻ trong cả tuần đi học (do nhà cách trường 10km).

Chưa kể, đường sá đi lại cheo leo, lầy lội, hàng tuần thầy còn vượt 23km đến trường trung tâm để soạn giảng vì điểm trường chưa có điện. Phụ huynh 100% là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên công tác huy động trẻ đến lớp, phổ cập giáo dục của thầy càng chật vật.

Thầy Câu bày tỏ mong muốn có một chính sách ưu đãi, sự quan tâm đặc biệt đối với giáo viên vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, cần có chính sách về tăng mức lương cơ sở, hỗ trợ chế độ trực trưa đối với giáo viên vùng cao.

Không ai có thể phủ nhận công việc vất vả, sự cống hiến bền bỉ, tận tụy của giáo viên mầm non. Vì vậy để đảm bảo được cuộc sống cho giáo viên cũng như tạo động lực để họ bám nghề, mức phụ cấp ưu đãi được điều chỉnh tăng lên 10% là điều cần thiết và cấp thiết.

Vì thế, thầy cô mong rằng đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ sẽ được Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội sớm xem xét và ủng hộ đề xuất này để thầy cô giáo viên, mầm non bớt đi phần nào khó khăn.

Phương Nga