Bức tranh ngân sách giáo dục qua những con số (2)

20/02/2024 06:43
Tiến sĩ Dương Xuân Thành (Ban Nghiên cứu và Phân tích chính sách – Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam)
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Muốn tỷ lệ chi cho giáo dục đào tạo từ ngân sách nhà nước đạt tối thiểu 20%, cần quy trách nhiệm cụ thể, cần chế tài được luật hóa và nhất là minh bạch.

(Tiếp theo phần 1)

Về phía chính quyền địa phương

“Qua báo cáo kế hoạch dự toán ngân sách cho GD-ĐT năm 2022 của 63 tỉnh, thành cho thấy chỉ khoảng 50% địa phương bảo đảm tỷ lệ chi cho hoạt động giảng dạy và học tập tối thiểu, trong đó một số địa phương đạt trên 20%.

Các địa phương khó khăn không bảo đảm tỷ lệ chi chuyên môn tối thiểu, trong đó có những địa phương dưới 15% trong tổng chi ngân sách cho GD-ĐT gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chung của ngành”. [23]

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về hoạt động giáo dục và việc thực hiện ngân sách giáo dục năm 2022 được báo Thanhnien.vn đăng tải cho thấy hơn 30 tỉnh, thành phố chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo không đạt quy định.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cũng cho biết, kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm trên phạm vi toàn quốc cho thấy, chi thường xuyên cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo không đạt dự toán đề ra. Đặc biệt, có địa phương việc giao dự toán chi cho giáo dục đào tạo, dạy nghề thấp hơn nhiều so với dự toán do trung ương giao; có tình trạng giao dự toán chưa đúng, chưa đủ theo quy định. [24]

Tiếng nói của các cơ quan và cá nhân liên quan

Một bài đăng trên báo Thoibaotaichinhvietnam.vn, cơ quan của Bộ Tài chính viết:

“Số liệu từ Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, cùng với chi đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết 7 nghìn tỷ đồng cho giáo dục đào tạo trong quốc phòng an ninh, thì tổng nguồn NSNN dành cho lĩnh vực giáo dục đào tạo năm 2015 là 224.826 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng chi NSNN. Tỷ lệ chi này đảm bảo theo Nghị quyết của Quốc hội”. [25]

Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 78/2014/QH13 của Quốc hội về dự toán ngân sách năm 2015 thì dự chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo là 18,98%.

Ngày 10/10/2022, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền Thủ tướng ký báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về hoạt động giáo dục và thực hiện ngân sách giáo dục năm 2022, báo cáo nêu rõ:

“Chính phủ kiến nghị Quốc hội đảm bảo tỷ lệ chi cho giáo dục đạt tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm, theo yêu cầu tại Nghị quyết 37 và Luật Giáo dục”. [26]

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đưa tin:

“Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Quốc hội khi quyết định dự toán ngân sách hằng năm, quan tâm, đảm bảo tỷ lệ ngân sách nhà nước cho giáo dục đạt tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước theo yêu cầu tại Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 ngày 03/12/2004 của Quốc hội và quy định tại điều 96, Luật Giáo dục số 43/2019/QH14”. [27]

Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát ngày 08/10/2023 cho biết:

“Tỷ lệ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo trong giai đoạn 2021-2023 được Quốc hội phê chuẩn đạt từ 13,81% đến 15,45%, giảm so với giai đoạn 2016-2020”. [28]

Một vài số liệu mà hai bộ thuộc Chính phủ (Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo) công bố cho thấy chính các cơ quan này cũng không có số liệu chính xác về chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV nêu ý kiến:

“Báo cáo về hoạt động giáo dục và thực hiện ngân sách giáo dục năm 2022 của Chính phủ cho thấy, dự toán chi thường xuyên lĩnh vực GD-ĐT là 275.709 tỷ đồng trên tổng số 1.784.600 tỷ đồng chi ngân sách nhà nước, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 15,45% tổng chi ngân sách. Trong khi, luật đưa ra con số tối thiểu là 20%, nghĩa là các địa phương phải đạt mức cao hơn, nếu chỉ đạt ở mức tối thiểu này thì chưa đáp ứng yêu cầu”. [29]

Quy định trong Nghị quyết số 34/2021/QH15 của Quốc hội thì tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo năm 2022 là 14,45%, đó không phải là tỷ lệ Chính phủ tự đặt ra.

Dữ liệu nào là chính xác?

Tại hội nghị tổng kết 10 năm triển khai nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, sáng 14/12/2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, vấn đề ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo được nêu ra. Theo đó, trong 10 năm qua, ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo ở mức 15-19%, chưa năm nào đạt mức tối thiểu là 20% như mục tiêu đã đề ra.

Báo VnExpress.net vẽ đồ thị và giới thiệu trong bài “Đầu tư cho giáo dục 10 năm không đạt mức 20%” nguồn dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Hình 2) [30]

Hình 2: Số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục được Báo VnExpress thể hiện.

Hình 2: Số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục được Báo VnExpress thể hiện.

Để có cái nhìn toàn cảnh về chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo, cần đối chiếu số liệu do Quốc hội, Tổng cục Thống kê, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Khoảng thời gian so sánh là 11 năm - từ 2013 đến 2023 - như thời gian Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chọn. (Bảng 3)

Cơ quan
Năm
Quốc hội
(Dự toán - %)
Tổng cục
Thống kê (%)
Bộ Giáo dục và Đào tạo (%)
Ghi chú
2013
19,87
14,83
15,7

2014
20,21
14,83
16,5

2015
18,98
13,90
16,2

2016
15,36
13,71
16,5

2017
15,47
15,09
18,1

2018
15,04
15,36
18,9

2019
14,99
15,57
19,1

2020
14,80
14,15
17,9

2021
14,81
17,52
17,1

2022
15,45
15,45
17,9

2023
13,80
15,80
15,8

Bảng 3: Tỷ lệ dự chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo trong 11 năm

Ghi chú: Số liệu cột Tổng cục Thống kê năm 2022, 2023 dựa vào nguồn [10], [11], [12].

Từ Bảng 3 nhận thấy hai điều:

Thứ nhất, không có sự giống nhau giữa số liệu của ba cơ quan Nhà nước về cùng một nội dung là tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo. Số liệu dự toán của Quốc hội giảm theo thời gian, số liệu của Chính phủ ít thay đổi, dao động từ 14 đến 17%.

Đáng lưu ý là số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo với những con số gây băn khoăn, chẳng hạn tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo năm 2019 lên đến 19,1%. (Bảng 3)

Theo Nghị quyết số 70/2018/QH14 của Quốc hội và công bố ngày 19/08/2021 của Bộ Tài chính (tại Quyết định số 1592/QĐ-BTC - biểu số 29) thì tổng chi ngân sách nhà nước năm 2019 là 1.633.300 tỷ đồng, chi cho giáo dục và đào tạo là 244,835 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 14,99%. (số liệu của Tổng cục Thống kê là 15,57%).

Vì người viết không có số liệu chi cho giáo dục và đào tạo của 63 tỉnh, thành phố nên xin dựa vào số liệu của Quốc hội và Tổng cục Thống kê để phân tích.

Thứ hai, trong 11 năm, tỷ lệ bình quân dự chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo do Quốc hội quyết là 16,27%, tỷ lệ tương ứng của Chính phủ là 15,11%.

Có phải Chính phủ phải thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội nên thực chi cho giáo dục và đào tạo không năm nào đạt 20%?

Kết luận

Chính phủ - cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo - đã không ít lần nêu ý kiến về chuyện ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo không đạt quy định trong Luật Giáo dục.

Tuy nhiên các con số cho thấy cả Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương đều thực hiện “giảm chi” nên cuối cùng thì tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo không phải là con số do một trong các cơ quan này công bố mà phải được tính toán bằng cách tổ hợp số liệu của cả Quốc hội, Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Muốn tỷ lệ chi cho giáo dục và đào tạo từ ngân sách nhà nước đạt tối thiểu 20% thì cần quy trách nhiệm cụ thể, cần chế tài được luật hóa và nhất là minh bạch, công khai trước nhân dân.

Một câu hỏi được đặt ra là vì sao kinh tế phát triển, GDP tăng liên tục nhưng dự toán chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo một số năm lại có chiều hướng giảm?

Tài liệu tham khảo:

[10] https://vietnamnet.vn/chi-cho-giao-duc-moi-chiem-15-45-tong-chi-ngan-sach-chua-dat-muc-tieu-2091383.html

[11] https://vtv.vn/giao-duc/chi-ngan-sach-nha-nuoc-cho-giao-duc-dao-tao-chua-dat-toi-thieu-20-20231214160312073.htm

[12] https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2022/12/2506-btc.signed.pdf

[23] https://thanhnien.vn/ngan-sach-cho-giao-duc-phan-lon-de-tra-luong-chi-cho-chuyen-mon-khong-dam-bao-1851510453.htm

[24] https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/ngan-sach-nha-nuoc-chi-cho-giao-duc-dai-hoc-moi-nam-dat-0-18-gdp-khong-co-da-cho-khoa-hoc-but-pha-i352342/

[25] https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dam-bao-20-tong-chi-ngan-sach-cho-giao-duc-dao-tao-61069.html

[26] https://vnexpress.net/chinh-phu-de-nghi-dam-bao-chi-20-ngan-sach-cho-giao-duc-4523022.html

[27] https://dangcongsan.vn/giao-duc/dam-bao-ty-le-ngan-sach-nha-nuoc-cho-giao-duc-dat-toi-thieu-20-622150.html

[28] https://quochoitv.vn/de-nghi-muc-chi-cho-giao-duc-dung-du-toan-ngan-sach-nha-nuoc-192797.htm

[29] https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/muoi-nam-loay-hoay-doi-moi-giao-duc-va-noi-lo-quoc-sach-hang-dau-bai-4-thao-go-diem-nghen-de-thuc-day-giao-duc-phat-trien-751351

[30] https://vnexpress.net/dau-tu-cho-giao-duc-10-nam-khong-dat-muc-20-4688816.html

Tiến sĩ Dương Xuân Thành (Ban Nghiên cứu và Phân tích chính sách – Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam)