Nếu tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học, ai được hưởng lợi?

24/11/2023 06:34
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo một số chia sẻ, nếu ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học tăng lên thì các bên liên quan đều sẽ hưởng lợi, đặc biệt là người học.

Trong Hội thảo Giáo dục 2023 với chủ đề “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề xuất rằng cần tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học lên gấp đôi, tức chiếm khoảng 0,5% GDP.

Theo một số tài liệu, ngân sách chi cho giáo dục đại học ở nước ta hiện nay chỉ chiếm 0,25%-0,27% GDP. Do đó, đề xuất tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học đang thu hút nhiều sự quan tâm của lãnh đạo các trường đại học.

Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) trong tiết thực hành. Ảnh nhà trường cung cấp.

Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) trong tiết thực hành. Ảnh nhà trường cung cấp.

Bàn về đề xuất tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ quan điểm nhất trí với đề xuất tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học lên khoảng 0,5% GDP.

Tuy nhiên, thầy Lý băn khoăn trước vấn đề đặt ra là nếu tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học khoảng 0,5% thì tăng vào nhân lực hay cơ sở vật chất, đầu tư vào người học hay trường đại học để chất lượng đào tạo được tốt nhất?

“Việc gia tăng các nguồn thu khác (từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ,...) giúp cho hoạt động của các trường bớt phụ thuộc vào nguồn thu từ học phí, gián tiếp nâng cao chất lượng đào tạo thông qua tăng cường nghiên cứu nhưng lại không làm giảm chi phí đào tạo và học phí.

Tôi cho rằng, tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học lên khoảng 0,5% GDP có thể vẫn là mức thấp so với một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, mức tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học nếu được sử dụng hợp lý, đúng người, đúng việc, đúng thời điểm sẽ là "cú hích" lớn cho sự phát triển của giáo dục đại học”, thầy Lý chia sẻ.

Cùng bàn về đề xuất tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học lên khoảng 0,5% GDP, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Văn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) cho rằng: "“Giáo dục là quốc sách hàng đầu” nên đề xuất tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học sẽ giúp ích cho nền giáo dục nước nhà và người hưởng lợi trực tiếp, đầu tiên chính là người học”.

Cũng theo thầy Văn chia sẻ, rõ ràng hiện nay đầu tư cho giáo dục đại học ở nước ta còn thấp so với một số nước. Ví dụ, đầu tư cho giáo dục đại học nếu tính theo tỷ lệ trong GDP, Thái Lan chi khoảng 0,64%, Trung Quốc khoảng 0,87%, Hàn Quốc 1,0%,...

Chính vì thế, đề xuất tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học lên khoảng 0,5% GDP sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ của các trường. Nhưng việc tăng ngân sách đầu tư vào đâu thì cần phải có tính toán khoa học ở cấp độ vĩ mô, có khảo sát thực tế, chứ không thể theo cảm tính.

Còn thầy Lý cho hay, nếu tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học lên khoảng 0,5% GDP sẽ giúp nâng chất lượng đào tạo thông qua nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn như đầu tư cho các nhà khoa học được học tập và nghiên cứu tại các nước tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh đó, nếu đầu tư vào cơ sở vật chất, các trường sẽ có cơ hội tiếp cận với thiết bị khoa học hiện đại.

Hơn nữa, nếu tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học cũng sẽ làm các trường yên tâm để có kinh phí bổ sung, phát triển cơ sở vật chất, từ đó nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu, chất lượng thực hành của sinh viên.

Song, theo thầy Lý, cũng cần đầu tư cơ sở vật chất cho các trường đại học theo các hình thức phù hợp, có thể là cơ sở hạ tầng cơ bản như: phòng học, trụ sở làm việc và nghiên cứu hoặc trang thiết bị thực hành, thực tập, thí nghiệm, thông qua các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học.

“Nếu ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học tăng lên thì các bên liên quan đều sẽ hưởng lợi, đặc biệt là người học.

Cụ thể, khi các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư đồng bộ, hiện đại thì người học sẽ được thụ hưởng chất lượng đào tạo tương ứng”

_Tiến sĩ Trần Đình Lý_

Chia sẻ về thực tế của nhà trường, thầy Lý cho biết, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh chưa thực hiện tự chủ tài chính, học phí thu theo quy định của nhà nước, sinh viên chủ yếu đến từ các vùng nông thôn, vì vậy, nguồn thu của nhà trường khá khó khăn để đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Nếu được tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học, thầy Lý đề xuất cần thiết đầu tư thông qua việc giao các đề tài, dự án theo dạng đặt hàng và có chế độ hỗ trợ trường đặc thù về nông nghiệp. Ngoài ra, cũng cần đầu tư vào cơ sở vật chất thông qua các phòng thí nghiệm, phòng thực hành thực tập công nghệ cao đáp ứng yêu cầu thực tế.

“Đối với Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường có 2 phân hiệu đặt tại tỉnh Gia Lai và tỉnh Ninh Thuận. Vì sự phát triển của các địa phương và khu vực miền Trung, Tây Nguyên, nếu được tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học, cần thiết đầu tư cho 2 phân hiệu của nhà trường cả về cơ sở vật chất, nhân lực và cơ chế đặc thù để phân hiệu phát triển phù hợp với tầm nhìn, sứ mạng”, thầy Lý chia sẻ.

Ngọc Mai