Trước thềm năm học mới tỉnh Thanh Hóa đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (gọi tắt là Nghị quyết 29) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Qua tổng kết, nhiều mô hình, cách làm đã được chỉ ra, tạo động lực thôi thúc sự phấn đấu trong toàn ngành.
Đội ngũ giáo viên còn có nhiều bất cập
Tuy nhiên báo cáo cũng đã chỉ ra nhiều tồn tại, thách thức đối với ngành Giáo dục Thanh Hóa.
Trong đó vấn đề lớn nhất mà ngành giáo dục tỉnh này phải có phương án giải quyết trước mắt vẫn là thiếu đội ngũ giáo viên.
Theo báo cáo, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các đề án, kế hoạch xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo ; chỉ đạo xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo theo từng năm và giai đoạn.
Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 53.593 cán bộ quản lý và giáo viên (tăng 7.523 người so với năm 2013), trong đó, cán bộ quản lý 4.766 người, giáo viên 45.716 người, nhân viên 3.111 người.
Số lượng cán bộ, giáo viên công lập 50.733 người, chiếm 94,7%, ngoài công lập 2.860 người, chiếm 5,3%.
Đội ngũ giáo viên có phát triển qua từng năm, tuy nhiên, so với định mức biên chế theo quy định của tỉnh, hiện còn thiếu 7.043 giáo viên (theo Quyết định số 700-QĐ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 2220/QĐ-UBND ngày 24/6/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 1378/QĐ-UBND ngày 16/4/2015 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án “Bố trí, sắp xếp và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành giáo dục Thanh Hóa đến năm 2020”...).
Trong đó, bậc mầm non thiếu 1.190 người, tiểu học thiếu 3.758 người, trung học cơ sở thiếu 1.866 người, trung học phổ thông thiếu 229 người; so với định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh còn thiếu 10.474 giáo viên (mầm non thiếu 3.604 người, tiểu học thiếu 4.052 người, trung học cơ sở thiếu 2.466 người, trung học phổ thông thiếu 352 người).
Thanh Hóa hiện đang là tỉnh thiếu nhiều giáo viên nhất trên cả nước.
Thanh Hóa đang là tỉnh thiếu nhiều giáo viên nhất trên cả nước. Ảnh minh họa: Báo Thanh Hóa |
Theo đánh giá của tỉnh Thanh Hóa, nhìn chung, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn tỉnh có tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, tâm huyết với nghề, thực hiện tốt quy định về đạo đức nghề nghiệp; tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị.
Việc tuyển dụng, hợp đồng, điều động, luân chuyển cán bộ quản lý và giáo viên được thực hiện theo quy định. Đến nay, tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên toàn tỉnh đạt trình độ chuẩn chiếm 95% (trong đó trình độ trên chuẩn là 16.282 người, chiếm 32%).
Báo cáo cũng đã chỉ rõ: "Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn thiếu, bất cập về số lượng, cơ cấu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông chưa được giải quyết dứt điểm. Công tác tuyển dụng giáo viên, tuyển sinh ở một số địa phương còn để xảy ra vi phạm".
Cơ sở vật chất còn thiếu và lạc hậu
Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm chỉ đạo bổ sung, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách tài chính, huy động nguồn lực của nhà nước và của xã hội để đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo. Giai đoạn 2013-2022, nguồn ngân sách của tỉnh chi cho giáo dục và đào tạo là 85.043 tỷ đồng (chiếm 31,5% tổng chi ngân sách của tỉnh).
Cùng với đó, đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ngân sách nhà nước để đầu tư triển khai các chương trình, đề án, dự án giáo dục và đào tạo...
Các chính sách xã hội hóa giáo dục và đào tạo đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; đến nay, toàn tỉnh có 75 cơ sở giáo dục ngoài công lập, với tổng vốn đầu tư trên 2.650 tỷ đồng, trong đó: lĩnh vực dạy nghề 17 cơ sở, lĩnh vực giáo dục 58 cơ sở.
Các chính sách tín dụng, học bổng, hỗ trợ tài chính cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm triển khai thực hiện; đồng thời, phát huy hiệu quả nguồn vốn ODA đầu tư cho các dự án phát triển giáo dục tại khu vực bãi ngang ven biển, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trong đó, nguồn vốn ODA thuộc dự án phát triển giáo dục trung học phổ thông xây dựng phòng học, nhà bộ môn cho 8 trường trung học phổ thông và trung học cơ sở, 8 trường trung học cơ sở vùng bãi ngang ven biển từ năm 2016 đến 2022 với tổng kinh phí 57 tỷ đồng.
Tình trạng xuống cấp cơ sở vật chất ở miền núi. Ảnh chụp tại Trường Trung học cơ sở Văn Nho (Bá Thước). Ảnh: Báo Thanh Hóa |
Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đang tích cực chỉ đạo triển khai các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030; Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân các huyện miền núi, tạo cơ hội học tập và việc làm cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, trong báo cáo, Thanh Hóa cũng đã chỉ rõ tình trạng: "Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở một số đơn vị trường học còn thiếu và lạc hậu, xuống cấp; kinh phí chi nghiệp vụ ở các đơn vị giáo dục thuộc khối huyện không đảm bảo, gây khó khăn cho hoạt động dạy và học. Tình trạng thiếu trường lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp còn xảy ra.
Hệ thống quản lý, quản trị, kết nối khai thác dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo phục vụ công tác quản lý, điều hành dạy và học chưa đồng bộ. Tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở một số địa phương thực hiện chậm".