Bộ Giáo dục đề xuất, từ năm 2025 thi tốt nghiệp THPT 4 môn

14/11/2023 16:02
Theo vov.vn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sáng 14/11, tại cuộc họp Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, Bộ Giáo dục đã đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 theo Phương án 1.

Cụ thể, mỗi thí sinh thi 4 môn (Lựa chọn 2+2), gồm thi bắt buộc môn Ngữ văn, Toán và được lựa chọn 2 môn học trong lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, từ năm 2025, thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo “Lựa chọn 2 + 2”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, từ năm 2025, thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo “Lựa chọn 2 + 2”.

Nêu lý do lựa chọn phương án thi này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, các thí sinh sẽ chỉ còn thi 4 môn (hiện nay thi 6 môn).

Theo đó, đảm bảo những yêu cầu là giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội; số buổi thi giảm 1 buổi còn 3 buổi gọn nhẹ hơn, giảm áp lực và đỡ tốn kém cho xã hội.

“Phương án thi này không gây ra sự mất cân bằng giữa việc chọn khối khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên như hiện nay. Tạo điều kiện giúp thí sinh phát huy năng lực sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.

Cũng theo ông Thưởng, việc lựa chọn 2 trong số 9 môn học để thi, sẽ có 36 cách thức lựa chọn khác nhau, tạo điều kiện để thí sinh lựa chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp, năng lực, sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của thí sinh.

“Theo đó các em lựa chọn tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục đích tổ chức thi theo phương án này nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông, cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nêu ý kiến tại hội nghị, các chuyên gia, các nhà giáo dục bên cạnh đồng tình với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng cho rằng cần có ngân hàng đề lớn, đủ độ tin cậy; áp dụng công nghệ thông tin vào tổ chức thi...

Các chuyên gia cũng nhắc đến vấn đề học sinh có thể học chỉ tập trung vào các môn thi, do đó, để hạn chế tình trạng “học môn này bỏ môn kia”, cần tăng cường việc dạy học, giải quyết vấn đề từ các thầy cô, có sự cố gắng ủng hộ từ các thầy cô.

Theo các thành viên hội đồng, việc lựa chọn phương án thi nào cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm tạo điều kiện để thí sinh có định hướng nghề nghiệp năng lực, sở thích và điều kiện, hoàn cảnh của thí sinh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: “Làm thế nào để phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo khả thi, chú trọng định hướng nghề nghiệp, cần đảm bảo tính ổn định của phương án. Theo đó, công việc chuẩn bị đòi hỏi công phu, bản lĩnh, kiên định để đảm bảo phương án lựa chọn có tầm nhìn. Cân nhắc yếu tố đầu ra, triển khai thực chất dạy - học, lựa chọn môn thi từ cấp trung học cơ sở, xác định cho học sinh xu hướng”.

Tiêu đề do Tòa soạn đặt.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu 3 phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025

Phương án 1: Lựa chọn: 2 + 2: thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 ( Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ);

Phương án 2: Lựa chọn: 3 + 2: môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Phương án 3: Lựa chọn: 4 + 2: 4 môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12

Theo vov.vn