Thi tốt nghiệp từ năm 2025: ĐBQH và lãnh đạo Sở GD ủng hộ phương án thi 4 môn

04/11/2023 06:31
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An, lựa chọn phương án 2+2 vừa giảm áp lực, giảm căng thẳng cho học sinh, vừa giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 - kỳ thi tốt nghiệp dành cho học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra 2 lựa chọn:

Lựa chọn 4+2: thí sinh học chương trình trung học phổ thông thi 04 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 02 môn tự chọn. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông thi bắt buộc 03 môn (Ngữ văn, Toán, Lịch sử) và 02 môn tự chọn.

Lựa chọn 3+2: thí sinh học chương trình trung học phổ thông thi bắt buộc 03 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 02 môn tự chọn (bao gồm cả môn Lịch sử). Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông thi bắt buộc 02 môn (Ngữ văn, Toán) và 02 môn tự chọn.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang có thêm ý kiến đề xuất về lựa chọn 2+2 (thí sinh học chương trình trung học phổ thông và chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông phải thi 04 môn, gồm thi bắt buộc 02 môn (Toán, Ngữ văn) và 02 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Ngoại ngữ, Lịch sử).

Vấn đề đặt ra là lựa chọn phương án nào, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 ra sao để giảm áp lực cho học sinh nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy và đánh giá được chất lượng học sinh theo mục tiêu của Chương trình giáo dục mới.

Ông Đào Công Lợi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An

Ông Đào Công Lợi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đào Công Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nêu quan điểm: Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 nên lựa chọn phương án 2+2 (gồm 2 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn).

Về lý do chọn phương án này, ông Đào Công Lợi cho biết, môn Toán được coi là môn học cơ bản, là nền tảng cho nhiều môn học khác, là công cụ để phát triển tư duy logic cho học sinh và đại diện cho lĩnh vực khoa học tự nhiên. Còn môn Ngữ văn là môn học đại diện cho lĩnh vực khoa học xã hội, nhằm hình thành năng lực giao tiếp; giáo dục giá trị nhân văn, đạo đức, bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc; bồi dưỡng cảm xúc, tâm hồn con người.

Hai môn thi còn lại tuỳ học sinh lựa chọn. Nếu các em muốn phát triển năng lực ngoại ngữ để hội nhập quốc tế thì có thể lựa chọn thi môn tiếng Anh cùng với một môn học khác, hoặc tuỳ theo các tổ hợp xét tuyển đại học và định hướng nghề nghiệp để các em lựa chọn môn thi theo sở trường, nguyện vọng của mình.

Phương án này cũng đảm bảo mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực, năng khiếu, sở trường của từng học sinh.

Theo ông Đào Công Lợi, lựa chọn phương án 2+2 vừa giảm áp lực, giảm căng thẳng cho học sinh, vừa giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.

“Lâu nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông rất bài bản, hiệu quả, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và chất lượng. Với kỳ thi từ năm 2025, yêu cầu đặt ra là phải có đề thi đánh giá năng lực, việc này không phải dễ dàng.

Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải lựa chọn được đội ngũ chuyên gia để xây dựng ngân hàng đề thi theo đánh giá năng lực, và có sự chuẩn bị công phu, chu đáo để đảm bảo đề thi phản ánh đúng Chương trình giáo dục phổ thông mới và phù hợp với thực tiễn dạy học của các nhà trường, đồng thời đánh giá và giúp học sinh phát huy được năng lực của mình”, ông Đào Công Lợi chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An kiến nghị, sau này, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập được những trung tâm khảo thí đánh giá năng lực ở các vùng/địa phương thì khi đó thí sinh có thể chỉ cần thi tập trung 2 môn Toán và Ngữ văn.

Các môn thi còn lại, thí sinh có thể thi vào những thời điểm khác nhau trong năm học do các Trung tâm khảo thí tổ chức, thậm chí có thể chọn thi nhiều lần. Theo cách này, các em đều được thi đánh giá năng lực tất cả các môn học, các em được cấp giấy chứng nhận và kết quả cũng được số hoá vào hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ đó tạo thuận lợi cho việc xét tuyển đại học, cao đẳng.

Và tương lai xa hơn, khi các Trung tâm khảo thí đã đảm bảo các yếu tố về hạ tầng công nghệ thông tin, có đủ năng lực và được vận hành hiệu quả thì có thể tiến tới xét tốt nghiệp trung học phổ thông. Các trung tâm sẽ tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực vào nhiều thời điểm trong năm để phục vụ công tác xét tuyển đại học, cao đẳng. Dù vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn phải xây dựng và quản lý ngân hàng đề thi cho từng môn để đảm bảo tính khách quan, công bằng cho học sinh trên cả nước.

Như vậy, việc tổ chức thi vẫn đảm bảo được chất lượng, giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm tốn kém cho xã hội, và đồng thời vẫn đánh giá được chất lượng giáo dục trên diện rộng và so sánh được chất lượng giáo dục của các địa phương. Kết quả thi sẽ được công bố công khai để các trường đổi mới cách quản trị, điều chỉnh cách dạy, cách học và tổ chức các hoạt động giáo dục của mình.

Lựa chọn 2+2 để kỳ thi nhẹ nhàng hơn

Cùng trao đổi về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) cũng đề xuất phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 với lựa chọn 2+2, gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn, trong đó có Ngoại ngữ và Lịch sử cũng là một trong những môn thi tự chọn cùng với các môn còn lại.

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh. Ảnh: Quochoi.vn

Như vậy, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, không gây áp lực cho học sinh và gia đình, giảm được kinh phí cho nhà nước và xã hội. Việc lựa chọn 2 môn Văn, Toán vẫn đảm bảo cân bằng giữa môn tự nhiên và môn xã hội.

“Các môn tự chọn là để phân luồng học sinh theo đúng với tinh thần của Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội”, Đại biểu Dương Minh Ánh nêu quan điểm.

Cô Dương Minh Ánh cũng đề xuất, sau này nên để các trường đại học, cao đẳng được tự chủ tuyển sinh giống một số nước như: Úc , Nhật, Hàn Quốc.

Đồng quan điểm với cô Dương Minh Ánh, đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) chia sẻ, năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm hướng tới mục tiêu giảm áp lực thi cử cũng như đảm bảo độ tin cậy cho kỳ thi thì nên chọn phương án thi 4 môn (bao gồm 02 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn và 02 môn tự chọn).

Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt. Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, cần phải đảm bảo đề thi, nội dung thi phù hợp, đáp ứng đúng mục tiêu chương trình mới, đánh giá được năng lực của học sinh.

Cùng với đó, quá trình triển khai chương trình mới, cần tạo điều kiện thuận lợi để học sinh phát triển các kỹ năng, năng lực thông qua những môn học lựa chọn.

Để kỳ thi tốt nghiệp đảm bảo độ tin cậy thì cần đảm bảo tính minh bạch trong việc tổ chức thi và chấm thi của học sinh; tổ chức đào tạo bài bản cho giáo viên coi thi để thực hiện công tác coi thi một cách nghiêm túc, hiệu quả.

Phạm Minh