Bỏ 14 lĩnh vực trong hội thi Khoa học kỹ thuật: Nơi đồng tình, người tiếc nuối

24/11/2023 06:29
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo lãnh đạo Sở, việc bỏ một số lĩnh vực trong cuộc thi là phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nội dung giáo dục STEM.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy chế hội thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông để thay thế Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT.

Dự thảo có đề cập một số điểm mới về yêu cầu nội dung nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh phải đảm bảo thiết thực, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; thúc đẩy giáo dục STEM theo mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông,…

Ngoài ra, tại dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng bỏ nội dung khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học.

Thông tư hiện hành bộc lộ những điểm chưa phù hợp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cho biết, qua nhiều năm áp dụng, Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT đã bộc lộ một số vấn đề chưa phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Dự thảo Thông tư quy chế thi khoa học, kỹ thuật học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông có bổ sung và lược bớt một số nội dung so với Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 2/11/2012 để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nội dung giáo dục STEM trong giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh là điều nên thực hiện.

Tại dự thảo cũng lược bỏ một số lĩnh vực của hội thi như Y sinh và khoa học Sức khỏe; Kỹ thuật Y sinh; Sinh học tế bào và phân tử; Hệ thống nhúng; Kỹ thuật cơ khí; Vi sinh; Rô bốt và máy thông minh;…

Thạc sĩ Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang. Ảnh: website Sở.

Thạc sĩ Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang. Ảnh: website Sở.

Theo thầy Khanh, thay đổi lớn nhất tại dự thảo là điều chỉnh về số lượng và nội dung các lĩnh vực của hội thi. “Thoạt nhìn thấy học sinh sẽ mất nhiều cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học do số lượng lĩnh vực giảm đáng kể, tuy nhiên, khi xem xét lại với chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nội dung giáo dục STEM, tôi thấy hoàn toàn hợp lý.

Bởi tại Thông tư 38/2012/TT/BGDĐT, một số lĩnh vực yêu cầu kiến thức chuyên sâu, không phù hợp với trình độ nhận thức và tâm lý lứa tuổi học sinh, dẫn đến có sự trợ giúp của các nhà khoa học. Điều này khó xác định đâu là sự sáng tạo của học sinh, đâu là kiến thức của các nhà khoa học gây nên những dư luận trái chiều.

Tại những lĩnh vực được đề cập tại dự thảo gần gũi với kiến thức mà các em học được sau khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, Thạc sĩ Trần Tuấn Khanh nhận định.

Bày tỏ quan điểm về vai trò của cuộc thi khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học đối với giáo dục toàn diện và phát triển năng lực học sinh, thầy Khanh nói: “Ý nghĩa lớn nhất khi tham gia nghiên cứu khoa học là tập cho học sinh làm quen với việc nghiên cứu khoa học, có thêm mục đích, động lực học tập, hướng nghiệp bản thân và nhiều phẩm chất khác.

Qua hoạt động nghiên cứu khoa học, học sinh hình thành rất rõ những ngành nghề yêu thích trong tương lai giúp các em định hình phương pháp học tập, gắn kiến thức tiếp thu vào giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, xã hội. Điều này được minh chứng qua lời tâm sự của học sinh và giáo viên hướng dẫn sau nghiên cứu”.

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học có mục đích khuyến khích học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tại nhưng sau 10 năm thực hiện, tồn tại những dấu hiệu tiêu cực như đề tài trùng lặp, có đề tài hàn lâm, “vượt sức” học sinh trung học.

Trước thực tế này, thầy Khanh chia sẻ rằng: “Học sinh đạt giải Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia có nhiều quyền lợi khi tham gia xét hồ sơ tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục đại học. Điều này làm phát sinh mặt trái là có sự hỗ trợ, can thiệp của người lớn để các em được hưởng những quyền lợi đó, làm biến dạng cuộc thi, tuy nhiên, số lượng này không nhiều. Chúng ta tin tưởng vào dự thảo có nhiều điều đổi mới giúp loại bớt tình trạng này”.

Tiếc nuối khi một số lĩnh vực bị lược bỏ

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Lê Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoa Lư A (tỉnh Ninh Bình) đồng tình với những điểm mới tại dự thảo do phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuy nhiên, bày tỏ tiếc nuối khi đề cập đến việc bỏ một số lĩnh vực tại cuộc thi như dự thảo đã đề cập, thầy Huy nói: “Theo quan điểm cá nhân, tôi thấy hơi tiếc khi một số lĩnh vực bị lược bỏ, do được đánh giá “vượt sức” đối với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Song trên thực tế, một số cơ sở giáo dục phổ thông có thế mạnh về lĩnh vực này sẽ bị thiệt thòi”.

Thầy Lê Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoa Lư A (tỉnh Ninh Bình). Ảnh: NTCC.

Thầy Lê Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoa Lư A (tỉnh Ninh Bình). Ảnh: NTCC.

Theo thầy Huy, học sinh Trường Trung học phổ thông Hoa Lư A được tiếp xúc và định hướng tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật từ lớp 10 bằng cách thực hiện khảo sát mong muốn, nhu cầu của các bạn. Việc định hướng và tham gia nghiên cứu khoa học với mục đích gắn liền học tập với thực hành thực tiễn, có ý nghĩa tốt trong việc phát triển giáo dục toàn diện và năng lực của học sinh.

Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức các cuộc thi như Cuộc thi Khoa học, kĩ thuật cấp trường, Cuộc thi Sáng tạo trẻ thanh thiếu niên và nhi đồng nhằm khuyến khích học sinh tham gia. Các dự án được học sinh nhen nhóm hình thành từ lớp 10, sau quá trình dài thực hiện nghiên cứu và kiểm chứng, lớp 12, các em sẽ có dự án hoàn chỉnh đem dự thi. Học sinh sẽ theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu dựa trên thế mạnh và sở thích, từ đó, nhà trường sẽ có những định hướng, phân công giáo viên hướng dẫn phù hợp với lĩnh vực mà các em đang thực hiện.

“Đối với học sinh trung học phổ thông, để đạt giải cấp quốc gia, giáo viên hướng dẫn và các em sẽ phải thực hiện và theo đuổi dự án trong một hành trình dài. Điều này có thể quá sức đối với các bạn nhưng để chinh phục được đỉnh cao, các em cần phải có sự nỗ lực và cố gắng. Đồng thời, cuộc thi cũng nên được duy trì để học sinh có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, kỹ thuật sẽ không ngừng phấn đấu thực hiện ước mơ”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoa Lư A bày tỏ quan điểm.

Thảo Ly