Bình Thuận yêu cầu rà soát việc chi trả tiền thêm giờ cho GV năm học 2019-2020

18/11/2023 07:32
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kiểm tra, rà soát lại việc chi trả tiền thêm giờ cho giáo viên các trường mẫu giáo, tiểu học trung học cơ sở trong năm học 2019-2020 trên phạm vi toàn tỉnh.

Ngày 13/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành Công văn số 4413/UBND-KGVXNV về việc liên quan chi trả tiền thêm giờ cho giáo viên trong năm học 2019-2020.

Công văn nêu rõ: Xét đề nghị của Sở Nội vụ về việc kiến nghị liên quan việc chi trả tiền thêm giờ cho giáo viên trong năm học 2019-2020, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát lại việc chi trả tiền thêm giờ cho giáo viên các trường mẫu giáo, tiểu học trung học cơ sở trong năm học 2019-2020 trên phạm vi toàn tỉnh.

Công văn chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận (ảnh P.T)
Công văn chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận (ảnh P.T)

Trên cơ sở đó, báo cáo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý theo quy định. Kết quả thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trong tháng 11/2023.

Theo tìm hiểu của người viết, trong năm học 2019-2020 do dịch Covid nên toàn tỉnh, giáo viên đã dạy 28 tuần. 7 tuần còn lại, nhà trường thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo “dừng đến trường nhưng không ngừng học”.

Vì thế, nhà trường đã chỉ đạo cho các tổ chuyên môn, cho giáo viên dạy học bằng nhiều hình thức.

Có trường tổ chức dạy trực tuyến, trường quay clip hướng dẫn học sinh tham gia học, trường lại gửi bài trên zalo, tin nhắn, email, đưa bài trực tiếp đến tận nhà…

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 1366/BGDĐT-NGCBQLGD về việc quy đổi tiết dạy trực tuyến, dạy học trên truyền hình cho nhà giáo. Công văn của Bộ nêu rõ:

1. Chế độ làm việc của giáo viên cùng với các chế độ chính sách khác liên quan (kiêm nhiệm, thừa giờ...) vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ GDĐT. Tuy nhiên, vì dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, trong học kỳ II năm học 2019-2020 Bộ GDĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục cho học sinh học tại nhà (tạm dừng đến trường, không dừng học).

Qua đó, giáo viên thực hiện các công việc như: dạy học, giáo dục trẻ em/học sinh; kiểm tra đánh giá học sinh,...thông qua các công cụ trực tuyến: qua Internet, trên truyền hình. Do đó, khi xác định chế độ làm việc của giáo viên, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần lưu ý chỉ đạo các trường:

a) Căn cứ vào tình hình thực tế việc tổ chức dạy học, giáo dục của nhà trường và các hoạt động cụ thể của giáo viên, hiệu trưởng trao đổi với tổ/nhóm chuyên môn để xác định số tiết thực dạy và tính toán, quy đổi thời gian thực hiện các công việc chuyên môn khác ra tiết dạy, từ đó xác định tổng số tiết dạy của giáo viên (trong đó có cả các tiết quy đổi);

b) Ngoài ra, nếu giáo viên được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình được dùng chung cho nhiều nhóm/lớp, nhiều cấp học hoặc địa phương thì hiệu trưởng nhà trường căn cứ vào điều kiện cụ thể và tính chất công việc để tính toán, quy đổi thành số tiết dạy phù hợp đối với giáo viên đó hoặc tính toán, quy đổi cho cả những người cùng tham gia đảm bảo đúng người, đúng việc;

c) Việc quy đổi số tiết dạy của giáo viên phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) hoặc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông) theo quy định.

Thực tế, cuối năm học này, khi tính tiết dạy, trường học không thực hiện việc quy đổi mà mặc nhiên cho rằng giáo viên dạy 28 tuần (644 tiết) là thiếu 7 tuần (161 tiết) so với quy định.

Vì thế, trong 28 tuần, giáo viên dạy tăng tiết do trường học thiếu giáo viên, do một số giáo viên nghỉ thai sản, số khác về hưu trong năm học, dạy do kiêm nhiệm các chức danh (có người dư 200 tiết) cũng bị bù vào số tiết bị coi là còn thiếu của 7 tuần học sinh nghỉ học.

Phan Tuyết