Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra định mức giờ dạy của giáo viên trong một tuần chắc chắn đã có sự tính toán công sức lao động hợp lý cho nhà giáo. Khi nhà giáo dạy thêm giờ nghĩa là làm việc vượt năng xuất lao động thì những tiết dạy vượt giờ ấy bắt buộc phải được chi trả theo đúng quy định của nhà nước mà không thể lấy lý do dịch bệnh để xí xóa, cào bằng.
Việc dạy tăng tiết cho học sinh nhiều giáo viên đã vô cùng áp lực (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại) |
Vậy mà, điều vô lý này vẫn đang diễn ra trong ngành giáo dục từ năm 2019-2020 và có nguy cơ sẽ được lặp lại trong năm học 2021-2022 khi dịch bệnh Covid bất ngờ trở lại.
Thừa hay thiếu giáo viên không phải lỗi của các thầy cô giáo
Một trường thiếu giáo viên đương nhiên phải hợp đồng giáo viên giảng dạy. Tuy thế không ít trường học hiện nay ở nhiều tỉnh thành phía Nam, không thể hợp đồng giáo viên vì nếu tính tỷ lệ giáo viên/lớp của trường có khi lại vừa đủ thậm chí còn dôi dư.
Vì vậy, có trường buộc giáo viên tổ chuyên môn còn thiếu phải dạy tăng tiết nhưng không thể tính tăng giờ. Có trường lại bố trí giáo viên dạy tréo ngoe như thầy cô chuyên môn Anh văn dạy thêm môn Thể dục, giáo viên Toán dạy thêm môn Giáo dục công dân, giáo viên Sử dạy luôn cả Toán, Lý mà chẳng cần biết chất lượng ra sao, miễn là bố trí chuyên môn đầy đủ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên dẫn đến việc phân công chuyên môn bất hợp lý như này là do việc tuyển dụng giáo viên một cách ồ ạt, không có sự tính toán nhân lực dài hơi. Để chuyện này xảy ra, những người có trách nhiệm phải tìm cách khắc phục sao cho hợp lý thì lại bắt giáo viên và học sinh phải gánh chịu thiệt thòi.
Dạy quần quật cả năm, nghỉ Covid 5 tuần là xóa sạch công sức
Cô giáo H. giáo viên tiểu học tại An Giang kể rằng, năm học 2019-2020 cô và nhiều đồng nghiệp dạy tăng tiết suốt 30 tuần. Vì nhà cô ở cách trường khá xa nên buổi trưa phải ở lại đến chiều dạy tiếp.
Những bữa cơm ăn ké nhà đồng nghiệp hoặc ra ăn ngoài quán, những giấc ngủ nơi văn phòng hoặc lớp học luôn chập chờn vì học trò đi học khá sớm.
Dạy quần quật suốt ngày, đêm về lại ôm giáo án, hồ sơ trong khi nhiều đồng nghiệp ở trường chỉ dạy một buổi và dạy đúng tiêu chuẩn quy định.
Thế mà, 5 tuần còn lại dịch Covid bùng phát nên học sinh không đến trường. Chỉ 5 tuần nghỉ học ở trường vì dịch bệnh nhưng cuối năm nhà trường không trả cho cô và một số giáo viên khác một đồng nào tiền tăng tiết.
Thầy giáo Đ. một giáo viên trung học tại Bình Thuận đã dạy tới 200 tiết tăng giờ suốt 28 tuần nhưng cũng không nhận được một đồng vì nhà trường cho rằng giáo viên dạy chưa đúng số tuần quy định (35 tuần) nên lấy số tiết đã dạy tăng trong 28 tuần bù qua.
Thầy giáo Ph., cô giáo Th. và rất nhiều nhà giáo khác cũng cùng chung cảnh ngộ khi số tiền tăng tiết đã được nhận trước đó buộc phải trả lại cho nhà trường cũng với lý do giáo viên trong năm không dạy đủ 35 tuần.
Giáo viên thắc mắc, nếu mình không dạy tăng tiết thì nhà trường phải hợp đồng giáo viên thỉnh giảng. Và như thế, nhà trường cũng phải bỏ ra khoản tiền trả cho giáo viên thỉnh giảng (dạy tuần nào phải thanh toán tuần đó).
Nay, không trả cho giáo viên số tiền tăng tiết thì khoản tiền này sẽ được hạch toán về đâu?
Trái với một số trường cương quyết không trả tiền tăng tiết, một số trường học khác vẫn trả cho giáo viên bình thường với lý lẽ sắc bén của hiệu trưởng đây là công sức của giáo viên. Họ dạy tăng tiết tuần nào chúng tôi trả tăng tiết tuần đó. Những tuần không dạy tăng do học sinh nghỉ dịch bệnh ở nhà thì không tính.
Chỉ trong một tỉnh đã xảy ra tình trạng trường được trả tăng tiết trường lại không gây nên bức xúc, khiếu nại kéo dài là thế.
Liệu giáo viên có tiếp tục bị cắt tiền tăng tiết như năm học 2019-2020 hay không?
Năm học 2021-2022, nhiều trường học tại Bình Thuận vẫn thiếu giáo viên. Có trường học hiện nay, giáo viên phải dạy tăng hơn 10 tiết. Không riêng Bình Thuận, những tỉnh thành khác thiếu giáo viên cũng vậy, các thầy cô giáo vẫn đang gồng mình dạy tăng tiết để đảm bảo cho học sinh được học đúng chương trình.
Năm học này dịch bệnh vẫn đang hoành hành, điều làm giáo viên băn khoăn nhất liệu rằng “lịch sử” có lập lại? Giáo viên có tiếp tục bị cắt tiền dạy tăng tiết hay không?
Năm học mới đã tới nhưng nhiều địa phương học sinh vẫn chưa thể đến trường. Nhiều thầy cô giáo hiện vẫn đang ở tuyến đầu phục vụ công tác chống dịch.
Những giáo viên ở nhà ngoài việc dạy đủ số tiết quy định còn phải dạy tăng tiết do thiếu giáo viên và dạy luôn cả phần của những đồng nghiệp đang đi chống dịch.
Những giáo viên dạy online ở nhà, ngoài những giờ lên lớp, các thầy cô giáo vẫn phải lên trường dọn dẹp trường khi làm cơ sở cách ly, khi làm bệnh viện dã chiến, khi lấy chỗ để cho người dân vào tiêm chủng, test Covid…
Ngày dạy rồi làm công tác phục vụ chống dịch, tối soạn giáo án, liên hệ với phụ huynh và học sinh. Đây cũng chính là sự hy sinh cho giáo dục, cho cộng đồng vào mùa dịch nên cũng không ai đòi hỏi hay than vãn.
Tuy nhiên, vì dịch bệnh năm học chắc chắn sẽ không còn 35 tuần như quy định. Sẽ có những địa phương vùng xanh học sinh được đến trường đầy đủ nhưng không ít địa phương sẽ phải cắt giảm số tuần thực học.
Dạy không đủ 35 tuần trên trường (dù những tuần nghỉ giáo viên vẫn giảng dạy dưới nhiều hình thức), những thầy cô hiện đang phải dạy gấp rưỡi số tiết chuẩn theo quy định vì thiếu giáo viên, liệu có bị cắt số tiết đã dạy tăng trước đó như năm học 2019-2020?
Yêu cầu tính tiền tăng tiết, quy đổi tiết dạy là nguyện vọng chính đáng của giáo viên
Yêu cầu tính tiền tăng tiết hay quy đổi tiết dạy mùa dịch của giáo viên không phải là sự đòi hỏi quá đáng vì những điều này đã được quy định rất rõ ràng.
Thông tư liên tịch số: 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ trả thêm giờ đối với giáo viên dạy trong các cơ sở giáo dục công lập kèm theo chế độ làm việc của giáo viên phổ thông tại Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT sửa đổi chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rất rõ về cách tính tiền lương dạy thêm giờ cho giáo viên các cấp.
Vì thế, giáo viên dạy tăng tiết yêu cầu được hưởng tăng giờ là quyền lợi chính đáng của nhà giáo.
Việc quy đổi tiết dạy cho giáo viên mùa dịch cũng đã được Bộ Giáo dục quy định trong Công văn 1366/BGDĐT-NGCBQLGD, tuy nhiên Bộ không hướng dẫn công thức quy đổi các tiết dạy trực tuyến chung cho cả nước mà giao quyền cho các trường học tự làm mới xảy ra tình trạng trăm hoa đua nở.
Năm nay dịch bệnh đang xảy ra cũng không thể biết những năm tới có còn dịch bệnh hay không. Để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên và học sinh, vẫn rất cần những quy định rõ ràng từ Bộ Giáo dục, để tránh tình trạng mỗi năm học gặp phải dịch bệnh nhiều trường học lại rối tinh rối mù trong việc quy đổi tiết dạy và tính tiền tăng tiết.
Công khai minh bạch chuyện dạy tăng tiết và quy đổi tiết dạy cũng tránh cho một số địa phương lợi dụng dịch bệnh để không phải chi trả tiền dạy phụ trội cho nhiều thầy cô giáo như thời gian vừa qua.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.