Bạc Liêu sẵn sàng chi 500 triệu/giáo sư nhưng 10 năm vẫn chưa thu hút được ai

29/09/2023 06:36
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về tỉnh làm việc, Bạc Liêu sẵn sàng chi 500 triệu đồng cho giáo sư với cam kết làm việc từ 7 năm trở lên.

Đẩy mạnh thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

Thông tin với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Trương Ngọc Thảo, Trưởng Ban Pháp chế - Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu cho biết, Hội đồng nhân dân tỉnh vừa thông qua nghị quyết quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức; chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 30/9.

Theo Nghị quyết, mức hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao được hưởng chế độ một lần quy định như sau:

Đối với giáo sư mức hỗ trợ là 500 triệu đồng, phó giáo sư là 400 triệu đồng, tiến sĩ là 300 triệu đồng, bác sĩ chuyên khoa II là 200 triệu đồng (cam kết thời gian làm việc tối thiểu 7 năm).

Đối với thạc sĩ mức hỗ trợ là 100 triệu đồng, bác sĩ nội trú là 150 triệu đồng, sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc là 30 triệu đồng (cam kết thời gian làm việc tối thiểu 5 năm).

Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu biểu quyết thông qua nghị quyết trình tại kỳ họp. (Ảnh: baclieu.gov.vn)

Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu biểu quyết thông qua nghị quyết trình tại kỳ họp. (Ảnh: baclieu.gov.vn)

Ngoài ra, nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu cũng quy định mức hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi đào tạo theo đúng chuyên ngành và phù hợp với công việc đang đảm nhận.

Theo đó, tiến sĩ được hỗ trợ 130 triệu đồng, bác sĩ chuyên khoa II được hỗ trợ 110 triệu đồng, dược sĩ chuyên khoa II được hỗ trợ 80 triệu đồng, bác sĩ chuyên khoa I và dược sĩ chuyên khoa I được hỗ trợ lần lượt là 40 triệu đồng và 30 triệu đồng.

Để hưởng chính sách này, người lao động cần cam kết thời gian phục vụ ít nhất gấp hai lần thời gian đào tạo. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức là nữ hoặc người dân tộc thiểu số còn được hưởng thêm 5 triệu đồng.

Khoản hỗ trợ này sẽ được nhận 1 lần khi người lao động về công tác hoặc hỗ trợ 1 lần sau khi cán bộ tại các đơn vị tốt nghiệp và nhận bằng. Kinh phí được chi từ nguồn ngân sách địa phương.

Để được hưởng chính sách người lao động cần cam kết làm việc tối thiểu 5-7 năm. (Ảnh chụp màn hình)

Để được hưởng chính sách người lao động cần cam kết làm việc tối thiểu 5-7 năm. (Ảnh chụp màn hình)

Nhiều cán bộ, công chức, viên chức thiếu kỹ năng ngoại ngữ

Đây được đánh giá là một trong những chính sách thiết thực để thu hút nhân tài về địa phương làm việc. Tuy nhiên, đó cũng không phải năm đầu tiên tỉnh Bạc Liêu thực hiện chính sách này. Từ năm 2013 tỉnh Bạc Liêu đã công bố sẽ đón các giáo sư, tiến sĩ về công tác tại địa phương với mức hỗ trợ kinh phí một lần khi nhận nhiệm vụ là 500 triệu đồng/giáo sư. Nhưng từ đó đến nay, chưa có lao động chất lượng cao nào về tỉnh và chính thức nhận các mức hỗ trợ này.

Trưởng Ban Pháp chế (Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “Theo như tôi cập nhật, năm 2010, Nghị quyết số 22 của Hội đồng nhân dân tỉnh có quy định một số chính sách đối với cán bộ tỉnh Bạc Liêu, trong đó có chế độ đối với cán bộ tự nguyện về tỉnh công tác nhưng đến nay chưa có trường hợp nào theo đối tượng quy định đăng ký về công tác tại tỉnh. Chủ yếu là hỗ trợ cho cán bộ tại các đơn vị sau khi tốt nghiệp các loại hình đào tạo theo quy định”.

Bà Trương Ngọc Thảo, Trưởng Ban pháp chế tỉnh Bạc Liêu trong một buổi làm việc tại tỉnh. (Ảnh: baclieu.gov.vn)

Bà Trương Ngọc Thảo, Trưởng Ban pháp chế tỉnh Bạc Liêu trong một buổi làm việc tại tỉnh. (Ảnh: baclieu.gov.vn)

Chia sẻ về chất lượng nguồn nhân lực hiện tại ở tỉnh Bạc Liêu, bà Thảo cho biết thêm: Hiện nay, tỉnh vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là yêu cầu về ngoại ngữ. Đây cũng là lý do khiến các dự án hợp tác quốc tế còn hạn chế. Chính vì thế, thông qua chính sách này, tỉnh Bạc Liêu mong muốn thu hút được nhiều nhân lực chất lượng cao.

“Hiện, tỉnh còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt yêu cầu về ngoại ngữ để làm việc trong môi trường quốc tế; Thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên một số lĩnh vực trọng tâm, trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo, du lịch, y tế chất lượng cao…”, bà Thảo thông tin.

Do đó, việc ban hành nghị quyết quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức; chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao chính là “trải thảm đỏ” rước nhân tài. Thế nhưng sau khi họ về địa phương công tác có thực sự phát huy được hết năng lực hay không là điều người lao động quan tâm. Bên cạnh đó, việc thu hút nhân tài đã khó nhưng giữ chân được họ lại càng khó hơn.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Thảo cho biết: “Thực tế là môi trường làm việc cũng như tốc độ phát triển của tỉnh Bạc Liêu chưa bằng các thành phố lớn, chính sách đặt ra trước mắt có thể kêu gọi những người con quê hương nếu được thì trở về cống hiến cho tỉnh nhà. Năm 2022, Tỉnh ủy cũng có ban hành Nghị quyết số 12 về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”.

Chính sách hỗ trợ đối với nguồn nhân lực chất lượng cao từng được nhiều địa phương áp dụng. Tuy nhiên, không ít tỉnh quy định “chỉ tuyển ứng viên có hộ khẩu trong tỉnh”. Điều này cũng gây hạn chế với nhiều người tài có năng lực ở các tỉnh thành khác muốn về địa phương làm việc.

Đối với tỉnh Bạc Liêu, bà Thảo khẳng định mức hỗ trợ thu hút này áp dụng cho tất cả các trường hợp nếu về công tác ở tỉnh kể cả có hộ khẩu trong hay ngoài tỉnh.

Nhật Lệ