6 ưu điểm khi học ở trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên

22/03/2024 06:42
Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thầy Lưu Quốc Hương, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Bát Xát – Lào Cai, khuyên học sinh có lực học trung bình khá nên chọn học nơi này vì có nhiều ưu điểm.

Theo quy định tại Luật Giáo dục, giáo dục thường xuyên là giáo dục để thực hiện một chương trình giáo dục nhất định, được tổ chức linh hoạt về hình thức thực hiện chương trình, thời gian, phương pháp, địa điểm, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học.

Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục thường xuyên ban hành kèm theo Thông tư 10/2021/TT-BGDĐT quy định trung tâm giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục thường xuyên thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý, chỉ đạo Trung tâm.

Trước đây, việc học sinh theo học ở trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên là điều mà nhiều học sinh và nhiều bậc phụ huynh còn băn khoăn.

Thậm chí không ít phụ huynh còn cho rằng các cơ sở này là nơi “hứng” học sinh trượt công lập, học lực yếu kém, quậy phá, nghịch ngợm…

Điều này đồng nghĩa với chất lượng trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên được cho là không tốt, không thể nào bằng chương trình học của các trường trung học phổ thông.

401677931_736169875214524_502364808512258198_n.jpg
Thầy giáo Lưu Quốc Hương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Bát Xát – Lào Cai. (Ảnh: NVCC)

Tuy vậy, chia sẻ với người viết, thầy giáo Lưu Quốc Hương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Bát Xát – Lào Cai, khuyên học sinh có lực học trung bình khá nên chọn vào cơ sở này vì có nhiều ưu điểm.

Thầy Lưu Quốc Hương nói rằng, với những học sinh thực sự học giỏi, xuất sắc thì các em không nên vào học trung tâm giáo dục thường xuyên mà nên thi vào một trường trung học phổ thông có chất lượng càng cao càng tốt.

Nhưng nếu học sinh chỉ học bình thường, học lực ở mức trung bình khá, nhất là những em mà gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn thì việc lựa chọn trung tâm giáo dục thường xuyên là con đường đi đúng đắn.

Thứ nhất, theo Thông tư 12/2022/TT-BGDĐT, chương trình Giáo dục thường xuyên bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp, các chuyên đề học tập lựa chọn, các môn học và hoạt động giáo dục tự chọn.

Bên cạnh đó, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc. Ngoài ra, còn có các môn học, hoạt động tự chọn gồm ngoại ngữ, tiếng dân tộc thiểu số, nội dung giáo dục địa phương.

Như vậy, Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông không thua kém gì so với Chương trình trung học phổ thông.

Chương trình này cụ thể hoá mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giúp người học làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống, có khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở thích và năng lực.

Thứ hai, học ở trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, học sinh được học song song cả chương trình văn hoá và trung cấp nghề.

Sau khi tốt nghiệp, học sinh vừa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và bằng trung cấp nghề, các em có thể đi làm, trở thành công viên chức cấp xã, cấp huyện ở các cơ quan ban ngành của địa phương.

431266540_7527921697227925_6208530965970347309_n.jpg
Giáo viên, học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Bát Xát – Lào Cai trong ngày tư vấn hướng nghiệp. (Ảnh: NVCC)

Thứ ba, học ở trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, học sinh vẫn có cơ hội đi học đại học giống như các bạn học trung học phổ thông. Bằng trung học phổ thông và bằng giáo dục thường xuyên có giá trị tương đương.

Nếu để ý, không ít trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên đang phát triển xu hướng đưa học sinh học giỏi, có điều kiện kinh tế đi du học.

Giám đốc Lưu Quốc Hương cho biết, năm 2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Bát Xát đã đưa được 4 học sinh đi du học kết hợp với lao động tại Nhật Bản.

Năm học này, Trung tâm đang phấn đấu để có 4-5 học sinh đi học đại học sư phạm. Vì đa số học sinh ở Trung tâm gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn nên việc định hướng các em chọn vào đại học sư phạm là hợp lí.

Học sinh đi học ở các trường đại học sư phạm không phải nộp học phí và còn được Nhà nước hỗ trợ thêm 3,6 triệu đồng/tháng.

Thứ tư, học trung cấp nghề, học sinh không phải đóng góp gì vì Nhà nước đã chi trả học phí. Thêm vào đó học sinh hộ nghèo, cận nghèo, mồ côi, khuyết tật học nghề 1 tháng còn được hưởng 1,8 triệu đồng.

Thầy Lưu Quốc Hương kể, nhiều học sinh chăm ngoan, hiếu học, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông (hệ giáo dục thường xuyên) vẫn tiết kiệm được cả chục triệu đồng mua xe gắn máy đi học, đi làm.

Thứ năm, học giáo dục thường xuyên, học sinh không phải lo mua sách vở, đồng phục vì các em được Nhà nước trợ cấp tiền để mua.

Các khoản đóng góp ở trung tâm rất ít. Các em chỉ đóng góp khoảng 150 nghìn đồng các khoản chi nhỏ dành cho bản thân trong 9 tháng học tập.

Thứ sáu, các ngành đào tạo nghề trung cấp ở trung tâm giáo dục thường xuyên rất đa dạng, học sinh được đăng kí theo nguyện vọng cá nhân.

Cứ đủ 30 - 38 học sinh là nhà trường sẽ mở các lớp như: cắt tóc; gội đầu; nail (làm móng); xoa bóp, bấm huyệt (chăm sóc sắc đẹp); điện dân dụng và công nghiệp; nhà hàng khách sạn; chế biến món ăn; xây dựng; tiếng Trung; tiếng Nhật; tiếng Hàn; logictic...

Học sinh thường xuyên được thực hành qua trải nghiệm thực tế như cắt tóc cho các bạn ở các trường tiểu học, trung học cơ sở. Các em được chế biến món ăn tại cuộc thi nữ công gia chánh vào các ngày 20/10; 8/3 hay sửa điện cho các hộ gia đình...

Thầy giáo Lưu Quốc Hương nêu minh chứng, chất lượng học tập của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Bát Xát được nâng cao rõ rệt khi có 6/8 học sinh đi thi đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh 2 môn Văn, Toán; có 1 dự án thi nghiên cứu khoa học cấp tỉnh đạt giải chuyên đề của cuộc thi và 20% học sinh đạt học sinh loại giỏi kì 1 năm học 2023 - 2024.

Cùng với đó, học sinh ở Trung tâm không còn hư, không còn nghịch, không còn đánh nhau như trước. Báo cáo cho biết, 6 tháng nay không hề có học sinh đánh nhau. Học sinh vi phạm giao thông giảm rõ rệt.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao đa dạng phong phú làm cho học sinh hứng thú hơn với việc học tập.

Ngoài ra, các thầy cô của Trung tâm rất yêu thương quan tâm học sinh. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Bát Xát – Lào Cai thực sự là một gia đình lớn cho các em học sinh tìm đến để chung sống và rèn luyện mình.

Phan Thế Hoài