Trong bài viết trước, "Ngày nào còn định kiến với trường tư, giáo dục Hà Nội khó cất cánh", chúng tôi đã phân tích một phần vị trí, vai trò và đóng góp không thể phủ nhận của các trường tư thục đối với giáo dục Thủ đô.
Tại bài viết này, chúng tôi xin nêu một số kiến nghị chính sách với ngành giáo dục Hà Nội;
Thiết nghĩ, chỉ cần quý thầy lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thực sự lắng nghe và cầu thị, là có thể tìm thấy ngay những giải pháp cấp thời giảm áp lực sĩ số trường công hiệu quả, không tốn ngân sách và có thể làm ngay.
Trước khi đề xuất, chúng tôi xin nêu thêm một ví dụ nữa về sự "bất lực" của giáo dục công lập Hà Nội ở các quận nội thành trong việc giảm áp lực sĩ số;
Trong khi đây lại là điều kiện tiên quyết để nâng chất lượng, chống dạy thêm tràn lan và lạm thu, cũng như lối thoát gần như duy nhất của giáo dục nội đô Hà Nội nằm ở các trường tư thục.
Giờ học tại Trường THCS Thái Thịnh, quận Ðống Ða, Hà Nội. Ảnh minh họa, nguồn: Minh Anh / Báo Nhân Dân. |
Theo Báo Công an Nhân dân ngày 11/7/2017, quận Cầu Giấy hiện có 88 trường học, trong đó có 35 trường công lập và 53 trường dân lập (tư thục).
Để giải quyết nhu cầu thiếu trường công lập, trong khi nhu cầu của người dân tăng cao, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phải dùng nhiều biện pháp tình thế trong đó có việc buộc phải tăng sĩ số lớp lên gấp rưỡi.
Theo quy định hiện nay, với cấp tiểu học sỹ số là 35-40 học sinh/lớp, nhưng thực tế tại nhiều trường thuộc các quận nội thành, khu đô thị, sĩ số học sinh rất đông, đều trên dưới 60 em/lớp.
Bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch quận Cầu Giấy cho biết:
Số lượng học sinh trên địa bàn quận cũng tăng rất nhanh, ví dụ năm 2016 tăng 10% tương đương với 6.200 em học sinh.
Trước tình hình đó, hàng năm quận Cầu Giấy đều dành từ 35-40% ngân sách để đầu tư cho giáo dục bao gồm các hoạt động như cải tạo, sửa chữa và xây mới trường học.
Tuy nhiên, cũng theo bà Trịnh Thị Dung:
"Quỹ đất giáo dục như hiện nay cũng có hạn, không thể mở rộng ra được. Với tình hình này, chúng tôi đã tính đến phương án xây nâng tầng (trường) học lên."
"...Với những khu đô thị đã đi hoạt động nhưng không dành ra được quỹ đất cho giáo dục, các hộ dân chuyển đến sinh sống phải có những đóng góp nhất định để chính quyền có thêm nguồn ngân sách xây dựng và cải tạo lại các trường học cho phù hợp.
Hội thảo Tuyển sinh trường tư thục: Thực trạng và giải pháp |
Chúng ta không nên dồn hết trách nhiệm về chính quyền địa phương trong việc giải bài toán thiếu trường học." [1]
53/88 trường học ở quận Cầu Giấy là trường tư thục, chiếm 60%.
Vậy nhưng các trường tư thục không hề được nhắc tới về những đóng góp cho giáo dục quận này, cũng như tiềm năng giải phóng áp lực trường công khi chính quyền gần như rất khó xoay sở.
Nếu lại huy động dân đóng góp để xây trường công ở nơi tấc đất tấc vàng, quỹ đất "không thể mở rộng ra được" thì thà rằng cho con em mình theo học trường tư sẽ là lựa chọn của nhiều phụ huynh.
Quay trở lại với các giải pháp cấp thời, hiệu quả, có thể làm ngay để giảm áp lực sĩ số trường công tại nội thành Hà Nội.
Chúng tôi xin bắt đầu từ câu chuyện tuyển sinh đầu cấp và các rào cản vô hình mà ngành giáo dục nói chung, giáo dục Thủ đô nói riêng, đang trói chặt các trường tư.
Liên quan đến việc "nới lỏng" lệnh cấm thi tuyển lớp 6, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo thì giải thích, lệnh cấm thi tuyển lớp 6 của Bộ là để thực hiện chính sách "phổ cập giáo dục" bậc trung học cơ sở. [2]
Bộ chỉ biết mục tiêu "phổ cập" mà quên mất điều kiện thực tiễn để có giải pháp chính sách thực hiện mục tiêu phổ cập ấy.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm thi tuyển lớp 6 không được thì nới lệnh cấm bằng việc sửa đổi thông tư, cho phép một số trường "đặc thù" được tuyển sinh lớp 6 bằng "xét tuyển kết hợp kiểm tra, đánh giá năng lực".
Giờ thực hành môn Tin học của học sinh Hà Nội. Ảnh minh họa, nguồn: Quý Trung/Thông tấn xã Việt Nam. |
Chúng tôi đã phân tích cái trái khoáy của "kiểm tra, đánh giá năng lực" trong bài viết trước.
Thực sự nó gây rất nhiều áp lực cho các trương tư thục, mà đáng lẽ phải được tạo cơ hội để phát triển, gánh bớt áp lực ngân sách, áp lực sĩ số cho nhà nước phải đổ vào các trường công.
Và có điều lạ là, trong khi Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác cho phép các trường tư thục được tự chủ tuyển sinh theo tinh thần Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT, thì Hà Nội vẫn trói chặt trường tư bằng cách "cấp hạn ngạch thi tuyển lớp 6" cho một số ít trường tư thục.
Nhưng không phải là thi tuyển bình thường như các trường vẫn làm như trước khi lệnh cấm được ban hành, mà phải "kiểm tra, đánh giá năng lực" theo đề của Sở;
Số lượng môn thi tăng từ 2-3 môn (Văn, Toán, có thể thêm Tiếng Anh) trước đây lên 6 môn (Toán, Khoa học, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý) trong năm học này.
Do đó, chỉ cần giáo dục Hà Nội "tháo chốt" chính sách, để các trường tư thục được tự chủ tuyển sinh thôi, cũng đã giảm áp lực không nhỏ cho các trường công lập, cho ngân sách nhà nước.
Chúng tôi thiết nghĩ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, đúng mực và cầu thị về vai trò, đóng góp và tiềm năng của các trường tư thục ắt sẽ có những giải pháp phát triển giáo dục Thủ đô, giảm bớt bất cập một cách hiệu quả mà không tốn kém.
Việc đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo có thể làm và nên làm, là cho phép các trường tư thục tự chủ tuyển sinh theo đúng quy chế hoạt động của các trường tư thục tại Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT.
Ngày nào còn định kiến với trường tư, giáo dục Hà Nội khó cất cánh |
Việc thứ hai, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không nên quy định tuyển sinh đầu cấp đồng loạt vào một, hai ngày như hiện nay.
Quy định khai giảng thì có thể đồng loạt một ngày, nhưng hãy để các trường tư thục được tuyển sinh quanh năm, tùy kế hoạch và thỏa thuận giữa nhà trường với cha mẹ học sinh.
Chính việc "tháo chốt" này không chỉ tăng cơ hội lựa chọn cho học sinh, cha mẹ học sinh, mà đồng thời cũng giúp các trường tư có thời gian tiếp cận, giới thiệu chương trình, xúc tiến tuyển sinh hiệu quả, đặc biệt là các trường mới thành lập.
Đây là nội dung giải pháp rất quan trọng và thiết thực của xã hội hóa giáo dục theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, Chính phủ.
Việc thứ ba, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên tuân thủ triệt để các quy định tại Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT để các trường tư thục được phát triển mạnh mẽ, bỏ lệnh cấm trường tư thục tựu trường sớm;
Bởi Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT cho phép các trường tư được bổ sung thời gian học tập không quá 4 tuần/ năm ngoài quy định đối với trường phổ thông công lập cùng cấp học.
Trên đây là những giải pháp cấp thời chúng tôi thiết nghĩ rất hiệu quả, không tốn ngân sách và dễ thực hiện để giảm áp lực trường công tại nội đô Hà Nội trong mùa tuyển sinh năm nay.
Còn để giải quyết rốt ráo những bất cập của giáo dục phổ thông Hà Nội, tạo môi trường thông thoáng để giáo dục tư thục phát triển lành mạnh, thúc đẩy giáo dục Thủ đô phát triển, chúng tôi xin phân tích ở các bài viết tiếp theo.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://cand.com.vn/dia-oc/Giam-tai-truong-hoc-Bao-gio-het-giai-phap-tinh-the-449012/