Xưng hô thầy trò chỉ nên thống nhất trong phạm vi từng trường, không luật hóa

19/02/2022 07:03
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Giáo sư Phạm Tất Dong, việc quy định cách xưng hô của thầy cô đối với học sinh là không cần thiết, điều này vô tình tạo nên sự cứng nhắc trong giao tiếp.

Xuất phát từ một tấm ảnh trên mạng xã hội “Chào mừng các con học sinh trở lại trường học”, một lần nữa lại dấy lên tranh luận thầy cô có nên gọi học sinh là “con”.

Trên trang cá nhân, nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lại Nguyên Ân bày tỏ quan điểm: Yêu cầu giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học sinh là “con”.

Ông yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm soạn thảo một quy chế về xưng hô trong nhà trường nói chung, trước hết là tại các trường phổ thông, trong đó giáo viên không gọi học trò là "con", "các con" mà phải gọi là "trò", "các trò", "các em", "các bạn".

Cũng theo quan điểm của ông Lại Nguyên Ân, các phương tiện truyền thông cũng không nên gọi học trò mọi cấp (từ mẫu giáo đến đại học) là “các con”, “con". Ông Ân khuyến khích học trò các cấp, nhất là sinh viên đại học, xưng “tôi” trước giáo viên, ngay cả trong không gian trường học.

Trước quan điểm gây nhiều tranh cãi của nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia, giảng viên về vấn đề này.

Không nên quan trọng hóa vấn đề

Theo Giáo sư Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, việc đưa ra quy định nghiêm ngặt về cách xưng hô của thầy cô với học sinh là không cần thiết, điều này vô tình tạo nên sự cứng nhắc, khiên cưỡng trong giao tiếp.

Giáo sư Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. (Ảnh: Thùy Linh)

Giáo sư Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. (Ảnh: Thùy Linh)

Nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, vấn đề xưng hô giữa thầy cô và học trò chỉ là một phần trong giáo dục nhà trường, cách thức xưng hô cũng không thể đánh giá hoàn toàn chất lượng giáo dục.

Vấn đề các cơ sở giáo dục cần quan tâm đó là cách ứng xử, thái độ học tập của học sinh. Mặt khác, nhà giáo không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy cách làm người, hình thành và phát triển nhân cách người học nên mỗi thầy cô phải là những tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức để học sinh noi theo.

"Gọi trò là "con" thì giáo viên phải có trách nhiệm dạy dỗ, bảo ban học sinh đó như con của mình chứ không vì thế mà có những hành vi sai trái như xúc phạm, bạo hành học trò. Nếu xảy ra tình trạng như vậy thì cần phải lên án.

Theo tôi, tùy vào tình huống giao tiếp, độ tuổi, văn hóa địa phương... giáo viên sẽ mềm dẻo, linh hoạt khi xưng hô, thể hiện được sự tích cực trong mối quan hệ hai bên. Thực tế, nhiều phụ huynh mong muốn con em mình được thầy cô gọi là "con" song, cũng không ít người phản đối", Giáo sư Phạm Tất Dong nêu quan điểm.

Xưng hô phù hợp theo từng cấp học

Cùng chia sẻ về vấn đề trên, Giáo sư Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, cách xưng hô trong môi trường học đường cần phải nhìn nhận ở cả mặt lý luận, tâm lý giáo dục và truyền thống tôn sư trọng đạo của Việt Nam.

"Nhiều học sinh xưng "con" với thầy cô bởi "thầy cô như cha mẹ hiền", khi đó cách gọi này hết sức bình thường và tạo sự thân mật, gần gũi. Tuy nhiên quan niệm xưng “con” sẽ tình cảm hơn xưng “em” là không đúng. Theo tôi, giáo viên và học sinh xưng hô với nhau thế nào còn tùy thuộc vào tình huống, văn hoá vùng/miền, ngữ cảnh...", Giáo sư Đinh Quang Báo nói.

Theo nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cách xưng hô của thầy và trò cũng nên đặt trong sự phù hợp của từng cấp học.

Với khối mầm non và tiểu học, giáo viên có thể xưng hô "thầy/cô-con" để tạo cảm giác gần gũi, quan tâm.

Đến cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo viên nên chuyển cách xưng hô từ "thầy/cô-con" sang "thầy/cô-em" bởi nhiều giáo viên trẻ mới đi dạy một vài năm, khoảng cách tuổi tác giữa thầy và trò không lớn, nếu gọi trò là "con" sẽ gây phản cảm.

Đối với bậc đại học, cao đẳng... giảng viên nên xưng hô "tôi-các bạn/các anh, chị" vì ở cấp học này, người học đã có tư cách công dân, việc xưng hô như vậy sẽ thể hiện sự tôn trọng của người dạy đối với sinh viên, học viên, tạo môi trường bình đẳng, dân chủ trong không gian học đường.

Giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Xuân Trung.

Giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Xuân Trung.

Trước đề xuất soạn thảo và ban hành quy chế về xưng hô trong nhà trường của nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lại Nguyên Ân, Giáo sư Đinh Quang Báo cho rằng, các nhà trường nên thống nhất về cách xưng hô nhưng không nên luật hóa, quá khắt khe trong vấn đề này.

"Theo tôi, quy chế này chỉ nên mang tính hướng dẫn để thầy cô dựa vào đó tìm cho mình cách xưng hô phù hợp, chuẩn mực, vừa đúng với ngữ cảnh, tình huống, vừa thể hiện sự tôn trọng, thương yêu của giáo viên đối với học trò", nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ.

Cũng về vấn đề này, Phó Giáo sư Phạm Mạnh Hà - hiện công tác tại Khoa Quản lý Giáo dục - Trường Đại học Giáo dục Hà Nội (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện tại Luật Giáo dục của Việt Nam không có quy định cụ thể về xưng hô đối với từng đối tượng trong trường học.

Phó Giáo sư Phạm Mạnh Hà nhận định, việc xưng hô trong nhà trường không chỉ thể hiện nguyên tắc của giáo dục mà còn cho thấy văn hóa ứng xử giữa thầy và trò.

"Tôi thấy việc tạo ra một quy định cứng nhắc về xưng hô trong nhà trường là không cần thiết nhưng nên có một sự thống nhất chung tại các trường học. Xưng hô giữa thầy và trò cần dựa trên yếu tố văn hóa, thứ bậc và phản ánh đúng vị thế của người dạy lẫn người học.

Ở mỗi cấp học, thầy cô sẽ có cách xưng hô với học trò khác nhau. Cá nhân tôi, khi đi dạy tôi ít khi gọi sinh viên là "em" mà thường xưng hô "thầy-các bạn", gọi như vậy để thể hiện sự tôn trọng của tôi dành cho sinh viên của mình.

Ngược lại, tôi cũng yêu cầu sinh viên xưng hô "em-thầy" khi muốn trao đổi, phát biểu ý kiến tại lớp học. Đối với học viên cao học, nghiên cứu sinh thì sẽ dùng đại từ nhân xưng "tôi" bởi nhiều trường hợp học viên lớn tuổi, nếu tôi quy định họ phải gọi "thầy" xưng "em" hoặc xưng "con" sẽ rất vô lý", Phó Giáo sư Phạm Mạnh Hà cho hay.

Ngọc Ánh