LTS: Đến bao giờ những học sinh yếu kém chưa đạt yêu cầu về kiến thức, kĩ năng được quyền ở lại lớp, nhà giáo Mai Hoa đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Học sinh chuẩn bị thi cuối học kì, giáo viên nào cũng lo sốt vó, sợ học sinh làm bài không tốt. Lo cho các em là đang lo cho chính mình. Bởi chỉ tiêu chất lượng trên giao cao ngất ngưỡng.
Sợ rằng trò bị điểm thấp, giáo viên bị đánh giá dạy học chưa nhiệt tình, chất lượng giờ dạy chưa đạt hiệu quả…và kéo theo việc xếp loại thi đua của giáo viên cũng bị ảnh hưởng theo.
Thế là hàng ngày lên lớp, nhiều thầy cô (đặc biệt là giáo viên tiểu học) gần như bỏ cả giờ giải lao, giờ ra chơi để cùng học trò ôn bài, giúp đỡ học sinh còn yếu.
Ai đã tước đi quyền lưu ban của học sinh (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Nhiều môn học, thầy cô xin cho những trò yếu miễn học chỉ tập trung cho giáo viên ôn hai môn Toán, tiếng Việt.
Thế nhưng không ít em, học ở trường được chữ nào thì được, về nhà chẳng bao giờ ôn lại bài. Vì thế ngày mai lên trường, lại gần như chẳng còn nhớ gì cả.
Không ít thầy cô gọi điện nhờ phụ huynh hỗ trợ. Người nói “tôi còn bận làm ăn, việc học hành là trách nhiệm của cô sao cứ mời gọi hoài vậy?”.
Người lại đề nghị thẳng thừng “tôi biết con tôi yếu lắm, năm nay xin cô cứ để cháu ở lại lớp học cho chắc”.
Dù biết phụ huynh nói chẳng sai, nhưng đề nghị đó giáo viên làm sao có thể đáp ứng?
Cô giáo Thùy dạy lớp 1 nói rằng, chẳng bao giờ dám gọi cho phụ huynh nữa. Cũng giống như cô Thùy, thầy Dũng dạy lớp 3 cho biết, khi mời vài phụ huynh lên trao đổi việc học của các em và yêu cầu hợp tác.
Phụ huynh nói thẳng: “Từ lớp 1 tôi đã xin nhà trường cho con tôi ở lại vì cháu học quá yếu. Thế nhưng thầy cô lại không cho.
Nếu năm ấy cứ cho nó ở lại thì đâu có đến nỗi thế này. Học gì mà lớp 3 rặn không ra một tiếng. Tôi cũng chẳng kèm nổi. Thầy cứ cho nó ở lại lớp đi”.
Chẳng riêng gì cô Trang, thầy Dũng nhận lời đề nghị cho con họ lưu ban, khá nhiều giáo viên phản ánh chính họ có ít nhất một lần rơi vào tình cảnh ấy.
Phụ huynh gặp giáo viên, thậm chí đến tận nhà mang theo quà biếu chỉ để xin cho con được ở lại lớp.
Giáo viên biết rõ học sinh ấy lên lớp cũng chẳng học được gì nhưng cũng không dễ dàng cho các em ở lại. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến học trò ngày nay chây lười trong học tập.
Nghĩ lại thời ấy, chỉ cần thầy cô buông câu “không chịu học, cuối năm tôi sẽ cho ở lại lớp” thì đứa nào đứa nấy mặt mày xanh lét. Cũng vì sợ mới chịu khó học, chịu khó chăm ngoan để không phải lưu ban.
Thời đó, cũng từng có không ít phụ huynh đến nhà giáo viên năn nỉ, xin cho con được lên lớp. Vậy nên chỉ cần thầy cô gọi điện nói rằng con họ học yếu là y như rằng cha mẹ các em sẽ tích cực hợp tác.
Nay vì khống chế các chỉ tiêu ảnh hưởng đến việc giữ chuẩn, lên chuẩn của các trường. Học sinh các cấp đã gần như bị chặn đứng cơ hội lưu ban.
Trẻ nhởn nhơ học vì nghĩ rằng có học yếu cũng chẳng phải ở lại. Còn thầy cô lại lo sốt vó để tìm cách hợp thức hóa những học sinh chưa đủ chuẩn như thế.
Giáo dục từ Bắc chí Nam nơi đâu cũng có tình trạng thầy cô năn nỉ trò học bài, năn nỉ các em đến lớp, năn nỉ trò đi thi rồi đến cảnh năn nỉ phụ huynh đừng xin con ở lại lớp…
Vậy hỏi như thế thì làm sao học sinh còn biết sợ mà chăm lo cho việc học?