Xây trường MN ở KCN xong nhưng nhu cầu gửi trẻ của công nhân lại không nhiều

08/04/2023 06:32
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong khi có nơi nhu cầu gửi trẻ là con của công nhân tăng cao thì cũng có nơi trường mầm non trong khu công nghiệp chưa tận dụng hết công suất. 

Những năm qua, chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non nói chung, hỗ trợ cho cơ sở mầm non tại địa bàn có khu công nghiệp nói riêng của Hà Nội từng bước mang lại ý nghĩa thiết thực.

Như Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND “Quy định chính sách hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp của thành phố Hà Nội” giúp con em công nhân ở khu công nghiệp có điều kiện để học tốt hơn.

Ảnh minh hoạ: Ngọc Mai
Ảnh minh hoạ: Ngọc Mai

Bàn về việc thực hiện chính sách hỗ trợ, cũng như thực tế nhu cầu gửi con ra lớp của công nhân trên địa bàn huyện Mê Linh, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Hậu – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết, ở khu công nghiệp của huyện có 2 trường mầm non công lập, 1 trường mầm non tư thục, và một số nhóm trẻ. Đa số công nhân thuê trọ gần khu công nghiệp để tiện cho việc đi làm thì đều có nhu cầu gửi con ra lớp.

Theo thầy Hậu, con công nhân hiện học ở cả trường mầm non công lập và tư thục trên địa bàn có khu công nghiệp của huyện Mê Linh. Trong đó, học sinh của trường mầm non tư thục chủ yếu là con của công nhân.

"Với số lượng trường, nhóm lớp mầm non tư thục hiện nay cơ bản đáp ứng được nhu cầu gửi con ra lớp của công nhân tại khu công nghiệp", thầy Hậu chia sẻ.

Về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, thầy Hậu cho biết, Phòng hướng dẫn chỉ đạo theo đúng quy trình, yêu cầu đại diện các nhóm trẻ, nhà trường tập trung để họp và hướng dẫn hoàn thiện đầy đủ các thủ tục nhận hỗ trợ.

2 năm trước, toàn huyện có trên 30 cơ sở mầm non tư thục thuộc diện hỗ trợ. Hiện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện rà soát, lên danh sách và hướng dẫn các cơ sở mầm non, nhóm trẻ độc lập, tư thục làm hồ sơ theo quy định tại Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND.

Cùng bàn về vấn đề này, chia sẻ với phóng viên, thầy Nguyễn Đức Hòa – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ (Hà Nội) thông tin, khu công nghiệp trên địa bàn huyện Chương Mỹ có đa số là công nhân ở các xã lân cận di chuyển đến làm việc nên hầu hết công nhân gửi trẻ ở các trường mầm non ngay tại xã (nơi họ sinh sống) nhiều hơn là cho con học tại trường trong khu công nghiệp.

Hiện tại, toàn huyện có 36 trường mầm non công lập, 6 trường mầm non tư thục. Xã có khu công nghiệp gồm 2 trường mầm non công lập (trong đó, 1 trường nằm ngay trong khuôn viên của khu công nghiệp, có 3 lớp, quy mô bé và đều là con công nhân).

“Huyện có một khu công nghiệp Phú Nghĩa. Trong khu công nghiệp này có 1 trường mầm non công lập. Những công nhân là người địa phương thường cho con học tại các trường mầm non trong xã thay vì cho con đến học tại trường ở khu công nghiệp nên số học sinh không nhiều”, thầy Hòa nói.

Cũng do công nhân là người địa phương nên việc xác nhận giấy tờ cho con em công nhân để được nhận chính sách có nhiều thuận lợi. Chỉ công nhân ở xã nào đó trong huyện đến thuê trọ trong khu công nghiệp thì công nhân mới cần xác minh. Còn lại, công nhân là người địa phương, ban quản lý khu công nghiệp cũng là người địa phương nên họ xác minh hộ khẩu, làm thủ tục giấy tờ nhanh chóng hơn.

“Huyện có chủ trương xây dựng các trường mầm non ở khu công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân đi làm, trẻ được ra lớp. Nhưng thực tế, trường xây xong để đáp ứng hết công suất (đủ số học sinh cho các phòng học, lớp học) thì nhu cầu gửi con của công nhân lại không có nhiều.

Như vậy, điều kiện cơ sở vật chất của trường đảm bảo nhưng học sinh không có. Theo khảo sát, công nhân ngoài địa bàn huyện đến làm việc và có con trong độ tuổi gửi ở trường tại khu công nghiệp ít, chưa tận dụng hết số phòng học”, thầy Hòa chia sẻ.

Thầy Hoà cho biết, trường mầm non nằm trong khu công nghiệp hiện có khoảng 60-70 học sinh đều là con của công nhân. Trong đó, có 4 nhóm tuổi nhưng chỉ có 3 lớp (do thiếu số lượng học sinh để mở lớp riêng nên 2 nhóm tuổi được ghép vào 1 lớp).

Hiện, cũng có nhiều phụ huynh gửi con ở các nhóm trẻ tại nhà tuy nhiên nếu học sinh ra lớp 100% thì cũng khá vất vả cho giáo viên, cơ sở giáo dục mầm non. Huyện đã tham mưu để yêu cầu các xã quản lý, kiểm soát cũng như cấp giấy phép cho cơ sở nếu đủ điều kiện hoạt động, giảm tải cho các trường mầm non công lập, tư thục hiện nay.

“Khó khăn ở việc phải làm công tác tư tưởng để chuyển một số học sinh là con công nhân học ở trường mầm non công lập trong xã sang trường mầm non tại khu công nghiệp để vừa phân luồng giảm tải học sinh, vừa tận dụng lớp học ở trường trong khu công nghiệp còn bỏ trống, từ đó tạo sự cân bằng.

Giữa các trường có sự trao đổi thống nhất trên tinh thần để gia đình nào ở gần khu công nghiệp thì tuyên truyền cho phụ huynh lựa chọn trường gửi con phù hợp, không ấn định phụ huynh nào phải gửi con ở trường này hay trường kia”, thầy Hòa cho biết.

Về thực hiện chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non, học sinh và giáo viên, theo thầy Hòa, công tác tổ chức triển khai diễn ra bình thường, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã nhận hỗ trợ. Phòng thực hiện theo đúng quy trình: rà soát hồ sơ, công khai hỗ trợ, sau đó mới thực hiện nội dung chi trả. Đối tượng học sinh là con của công nhân đang học tại các trường mầm non độc lập, tư thục, năm học trước huyện đã khảo sát, và giải quyết chi trả được 2-3 đợt.

Ngọc Mai