Vì đâu nên nỗi trường đại học chưa tạo được niềm tin với doanh nghiệp?

22/09/2023 06:24
Minh Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Trường ĐH có thế mạnh là nguồn nhân lực các nhà KH dồi dào, tuy nhiên vì sao các DN lại không "mặn mà" với việc đặt hàng trường đại học NCKH?

Hiện nay, trường đại học có 3 nguồn thu chính đến từ: học phí; ngân sách nhà nước (ngân sách chi thường xuyên hoặc chi đầu tư); hợp tác với doanh nghiệp, nguồn tài trợ từ bên ngoài, các tổ chức, cá nhân…

Bước vào tự chủ, nhiều trường đại học bị cắt giảm ngân sách, trong khi đó, tài chính chi cho con người, cho hoạt động đào tạo là rất lớn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trường đại học cần đa dạng hóa các nguồn thu để giảm gánh nặng tài chính lên người học. Tuy nhiên, thực tế nguồn thu từ hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, hay nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân của nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay vẫn rất thấp.

Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đặt hàng nghiên cứu khoa học của trường đại học?

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Anh Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai cho biết, các hoạt động hợp tác với tổ chức, doanh nghiệp của đơn vị vẫn chưa diễn ra nhiều.

Theo đó, hiện các hoạt động hợp tác chủ yếu trong lĩnh vực sư phạm (nhà trường cung cấp các khóa đào tạo cho trường phổ thông). Các lĩnh vực ngoài sư phạm mới bắt đầu có những hoạt động hợp tác trong hai năm gần đây.

“Bước đầu, đã có một số doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ cho trường về nhân lực là các chuyên gia, hỗ trợ về kỹ thuật để xây dựng các chương trình đào tạo, đưa sinh viên đến thực tập, thực hành,...”, thầy Đức chia sẻ.

Trong hình là lãnh đạo và các giảng viên Trường Đại học Đồng Nai đến thực địa tại Công ty TNHH MTV Tinh Nguyên Hảo (đầu năm 2023). Ảnh: website nhà trường

Trong hình là lãnh đạo và các giảng viên Trường Đại học Đồng Nai đến thực địa tại Công ty TNHH MTV Tinh Nguyên Hảo (đầu năm 2023). Ảnh: website nhà trường

Được biết, năm học 2023-2024, Trường Đại học Đồng Nai mở thêm 2 ngành đào tạo mới là Kỹ thuật điện - điện tử và Cơ khí. Quá trình xây dựng chương trình đào tạo hai ngành mới cũng nhận được sự tham gia hỗ trợ, góp ý từ phía các doanh nghiệp Nhật Bản.

Bên cạnh đó, trường cũng có thêm nguồn hỗ trợ học bổng cho sinh viên vượt khó, sinh viên có thành tích học tập tốt từ các ngân hàng lớn.

“Có 3 ngân hàng lớn thường tham gia hỗ trợ Trường là Vietcombank, Vietinbank, Agribank, mỗi ngân hàng hỗ trợ khoảng hơn 200 triệu đồng/năm”, vị Hiệu trưởng cho biết.

Đối với vấn đề doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu khoa học của trường đại học, Tiến sĩ Lê Anh Đức thừa nhận hoạt động này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo đó, hiện các hoạt động hợp tác trong nghiên cứu khoa học mới chỉ dừng lại ở những bước đơn giản ban đầu. Còn những đặt hàng nghiên cứu mới giúp cho doanh nghiệp thì chưa có nhiều.

Chỉ ra nguyên nhân, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai cho rằng, điểm nghẽn đầu tiên chính là trường đại học chưa tìm được những khó khăn của doanh nghiệp để đề xuất cùng tháo gỡ.

Ngoài ra, xuất phát từ trường đại học, các nghiên cứu chủ yếu vẫn mang tính hàn lâm, trong khi đó doanh nghiệp lại đề cao khả năng ứng dụng trong thực tiễn. Theo đó, hiện nay, chưa có nhiều nghiên cứu khoa học có tiềm năng ứng dụng ngay vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (các nghiên cứu phần lớn không phải nghiên cứu ứng dụng hoặc nghiên cứu chưa gắn với thực tế, nhu cầu sản xuất trong nước).

"Một trong những rào cản khác khiến trường đại học vẫn chưa tạo được niềm tin cho doanh nghiệp khi muốn bắt tay hợp tác chính là doanh nghiệp chưa biết được năng lực của trường", Tiến sĩ Lê Anh Đức chia sẻ thêm.

Một nguồn khác các trường đại học có thể thu được là hoạt động hiến tặng. Đối tượng hiến tặng có thể là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân,... Nhiều hoạt động hiến tặng đa dạng như tặng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, quyên góp tiền,...

Khác với nhiều ý kiến nhận định rằng văn hóa hiến tặng chưa được hình thành nhiều. Tiến sĩ Lê Anh Đức lại cho rằng, thực tế đã có các doanh nghiệp tài trợ cho các trường phòng thí nghiệm, thực hành, thiết bị đào tạo,... với giá trị rất lớn. Tuy nhiên, thầy Đức cũng nhận định, không phải tất cả các cơ sở đào tạo đều tiếp cận được với những nguồn hiến tặng.

Một trong những lý do quyết định đến việc trường đại học có nguồn hiến tặng từ các doanh nghiệp chính là thương hiệu của đơn vị. Thương hiệu ở đây là thương hiệu về chất lượng, năng lực đào tạo thực tế,... Từ đội ngũ nhân lực đào tạo ra đến sản phẩm khoa học đều phải chứng minh được năng lực với doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp sẽ tìm đến các trường đại học nhiều hơn để có các hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học và đẩy mạnh hợp tác trên nhiều mặt hơn.

Do vậy, để nâng cao hiệu quả hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, trước tiên về phía các cơ sở giáo dục đại học, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học,... và năng lực thực hiện.

“Năng lực ở đây phải là năng lực thực hiện. Bởi nếu giỏi mà không thực hiện, hoặc giấu đi thì cũng không giúp ích gì được cho các doanh nghiệp”, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai nhấn mạnh.

Khó thay thế vai trò của học phí?

Ảnh minh họa: TL

Ảnh minh họa: TL

Đây cũng là ý kiến đề xuất của Phó Giáo sư Đinh Văn Châu - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực. Theo thầy Châu, hiện nay các trường đang hướng tới sử dụng những thế mạnh của mình như đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tư vấn,... để tăng thêm nguồn thu. Tuy nhiên do đặc thù thị trường dịch vụ, thị trường khoa học công nghệ quy mô chưa lớn, nên hiệu quả từ những hoạt động này nhìn chung vẫn còn hạn chế.

Cũng nhìn nhận giống với Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai, hai nguyên nhân chính theo thầy Châu là xuất phát từ nhà trường và ở các doanh nghiệp.

Cụ thể, về chất lượng cung cấp dịch vụ của trường đại học, theo thầy Châu đây vẫn là vấn đề cần phải bàn bạc thêm. Đối với doanh nghiệp, nhìn chung các đơn vị vẫn chưa bắt tay sâu với trường đại học để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, đặc biệt ở những lĩnh vực như kỹ thuật.

Do đó, Phó giáo sư Đinh Văn Châu cho rằng, để tăng hiệu quả nguồn thu từ các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, các trường đại học cần nâng cao hơn nữa năng lực và chất lượng cung cấp dịch vụ. Đồng thời, đi sâu vào thực tiễn doanh nghiệp, “bắt đúng, bắt trúng” yêu cầu của đối tượng khách hàng.

Bàn luận thêm, lãnh đạo các trường đại học cũng thừa nhận rằng, những giải pháp đề ra chỉ là giải pháp để cải thiện hiệu quả cung cấp các dịch vụ hợp pháp của trường đại học, hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học, hay tìm kiếm thêm những tài trợ khác từ bên ngoài,... Tuy nhiên, để nguồn thu từ các hoạt động này thay thế, hoặc chiếm phần lớn trong cơ cấu nguồn thu của trường là điều khó.

“Ngay cả những trường đại học có nguồn thu trên nghìn tỷ/năm ở nước ta, nguồn thu từ học phí cũng chiếm tới 70-80%. Thậm chí, ở các nước tiên tiến nguồn thu của họ cũng chủ yếu tập trung vào học phí. Giải pháp khả quan hơn là các trường tiến tới phấn đấu mục tiêu cân bằng tỷ lệ cơ cấu nguồn thu hợp lý”, một vị lãnh đạo nói.

Minh Chi