Vào học trước khi Luật 34 có hiệu lực, SV được cấp bằng cử nhân hay kỹ sư?

15/12/2023 06:25
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Việc quy định tối thiểu 150 tín chỉ theo Luật Giáo dục Đại học mới đã tạo thêm nhiều thuận lợi cho cả người học và xã hội.

Từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Luật 34/2018/QH14, gọi tắt là Luật 34) có hiệu lực (từ ngày 1/7/2019), đối với những khóa đã tuyển sinh trước đó, nhiều trường đào tạo về công nghệ, kỹ thuật đã có sự điều chỉnh về chương trình học cấp bằng kỹ sư nhằm đảm bảo quyền lợi cho sinh viên.

Cụ thể, theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, trình độ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù quy định chương trình có khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp trung học phổ thông và tương đương hoặc có khối lượng học tập từ 30 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp trình độ đại học.

Trong đó, có 7 ngành được cấp bằng đặc thù bao gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, dược sĩ, bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư và một số văn bằng khác theo quy định của Chính phủ.

Trường đại học điều chỉnh chương trình đào tạo

Trước vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Thái Doãn Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, trước kia, khái niệm về bằng kỹ sư, bằng cử nhân còn chưa rõ ràng.

Sinh viên Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Website nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Website nhà trường).

Theo thầy Thanh, trước khi có Luật 34, một số cơ sở giáo dục đại học có chương trình đào tạo về công nghệ, kỹ thuật với trên 130 tín chỉ hay trên 140 tín chỉ đã có thể cấp bằng kỹ sư cho người học.

Tại Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh trước đây, thường những chương trình đào tạo cấp bằng kỹ sư của nhà trường cũng sẽ dao động khoảng hơn 140 tín chỉ.

Tuy nhiên, từ sau khi Luật 34 có hiệu lực đã có quy định về số tín chỉ đối với chương trình cấp bằng cử nhân là tối thiểu 120 tín chỉ và những chương trình cấp bằng kỹ sư với tối thiểu 150 tín chỉ.

Do vậy, theo thầy Thanh, trường cũng đã có sự điều chỉnh chương trình học theo quy định này đối với các ngành đào tạo công nghệ, kỹ thuật cấp bằng kỹ sư.

Theo đó, khi thiết kế lại chương trình để đảm bảo 150 tín chỉ, cơ bản những tín chỉ tăng thêm được nhà trường xây dựng thành các môn học gắn liền với các hoạt động tại các doanh nghiệp.

Với những môn học này, sinh viên được thực hành, học tập trực tiếp tại doanh nghiệp, từ đó, tạo ra những kiến thức sát với thực tiễn, nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên sâu hơn cho ngành học của mình. Hơn nữa, sau khi tốt nghiệp, người học sẽ được cấp hai bằng là bằng cử nhân và bằng kỹ sư.

Có thể thấy rằng, việc quy định về số tín chỉ như vậy đã tạo thêm nhiều thuận lợi cho cả người học và xã hội nhằm tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Hơn nữa, việc tăng số lượng lên 150 tín chỉ đối các chương trình đào tạo kỹ sư đã giúp sinh viên được thuận lợi hơn trong việc học sau đại học. Bởi, nếu học lên chương trình thạc sỹ, sinh viên tốt nghiệp chương trình kỹ sư sẽ được miễn tối thiểu 15 tín chỉ (tương đương gần như số tín chỉ trong một học kỳ), do vậy, tất yếu cũng có quyền lợi hơn so với các bạn học chương trình cử nhân.

Cũng theo thầy Thanh, Luật 34 ra đời với những thay đổi cũng có mục đích là để các chương trình đào tạo của nước ta được tiệm cận hơn với các chương trình quốc tế, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Trên thực tế, ở một số quốc gia phát triển về giáo dục vốn đã phân biệt rất rõ ràng về chương trình cấp bằng cử nhân và chương trình cấp bằng kỹ sư như yêu cầu phải đảm bảo về số tín chỉ ra sao.

Chính vì vậy, khi xem xét, công nhận văn bằng của người học đến từ các quốc gia khác họ sẽ xem xét rất kỹ, đặc biệt là đối với bằng tốt nghiệp kỹ sư, bởi văn bằng này vốn được đánh giá cao hơn so với bằng tốt nghiệp cử nhân cùng ngành đào tạo.

Tất nhiên, khi đối chứng, nếu thấy số tín chỉ của văn bằng không đáp ứng, phần học phí chưa tương thích đủ số phần trăm yêu cầu tối thiểu cũng sẽ không công nhận, người học có thể bị yêu cầu học lại. Do đó, ảnh hưởng đến cả thời gian và chi phí đối với những người học đã có bằng kỹ sư có nhu cầu muốn đi học tập bậc cao hơn ở các nước trên thế giới.

Không những vậy, với bằng cấp có số tín chỉ, học phần đáp ứng với yêu cầu của các trường học ở quốc tế như vậy sẽ giúp người học sau khi tốt nghiệp chương trình kỹ sư tại Việt Nam có thể làm việc tại nước ngoài hoặc ở những tập đoàn đa quốc gia.

Cùng bàn về vấn đề trên, Tiến sĩ Quách Thanh Hải – Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, trước khi có Luật 34, chương trình đào tạo các ngành học cấp bằng kỹ sư cho sinh viên được trường xây dựng với 132 tín chỉ.

Chính vì vậy, trước khi Luật số 34 chuẩn bị được đưa vào áp dụng, nhà trường đã có sự điều chỉnh về chương trình học cấp bằng tốt nghiệp kỹ sư nhằm đáp ứng yêu cầu tối thiểu 150 tín chỉ đối với những khóa đã tuyển sinh trước khi Luật này có hiệu lực. Sự điều chỉnh còn diễn ra đối với cả chương trình liên thông và chương trình cao học.

Theo thầy Quách Thanh Hải, khi tuyển sinh, nhà trường đã ghi rõ thông tin với người học là chương trình này cấp bằng cử nhân hay bằng kỹ sư. Vậy nên, tất yếu trường phải có sự điều chỉnh về chương trình học để thể hiện cam kết của nhà trường với người học cũng như tránh gây ra thiệt thòi và đảm bảo quyền lợi cho các em.

Bởi trên thực tế, có thể thấy rằng, với bằng kỹ sư, người học vốn có nhiều quyền lợi hơn trong việc học sau đại học hay đi làm những công việc có liên quan so với những bạn có bằng tốt nghiệp cử nhân kỹ thuật.

Người học không nên quá băn khoăn cho về tên của bằng cấp

Tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, việc cấp bằng Kỹ sư cho các ngành kỹ thuật với các khóa tuyển sinh từ năm 2018 về trước (trước khi Luật 34 có hiệu lực) theo đúng các quy định đã có.

Đây là thông tin chia sẻ của Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng - Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thầy Thắng, từ khóa tuyển sinh năm 2019, nhà trường cấp bằng cử nhân với chương trình đào tạo từ 120-132 tín chỉ, theo đúng Luật 34 (Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018) và Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

"Trường Đại học Bách Khoa -Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh khẳng định mục tiêu đào tạo của trường, đối với các ngành kỹ thuật, là đào tạo các kỹ sư, đáp ứng nguồn nhân lực kỹ thuật của đất nước, sẵn sàng trở thành các lãnh đạo kỹ thuật trong tương lai. Tên gọi của bằng tốt nghiệp đại học thực hiện theo đúng Luật 34 là tốt nghiệp đại học được cấp bằng cử nhân.

Việc cấp bằng Kỹ sư cho các khóa đào tạo tuyển sinh từ khi Luật 34 có hiệu lực phải thực hiện đúng quy định", Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Cũng theo thầy Thắng, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trong quá trình ban hành các Chuẩn Chương trình đào tạo, trong đó, có có chuẩn cho chuyên sâu đặc thù (kỹ sư, ...) sẽ góp phần định vị rõ ràng hơn về bằng được cấp.

"Tuy vậy, theo thông lệ của đa số các nước trên thế giới, danh xưng Kỹ sư thường chỉ vị trí việc làm (chứng chỉ nghề nghiệp) với các yêu cầu khắt khe về kiến thức chuyên môn sâu, kinh nghiệm thực tiễn ở mức cao, và năng lực giải quyết các vấn đề kỹ thuật xuất sắc.

Người học không nên quá băn khoăn cho về tên gọi bằng cấp, mà nên định vị cá nhân mình ở vị trí việc làm như thế nào trong tương lai", Phó giáo sư Bùi Hoài Thắng bày tỏ.

Tường San