Tuyển sinh lớp 10: Còn nhân đôi hệ số sẽ còn tâm lý môn chính, môn phụ

11/03/2023 06:33
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Dù được bàn luận trong vài năm gần đây về cách tính điểm nhân hệ số với thi, TS lớp 10, năm 2023, một số nơi vẫn giữ nguyên cách tính này. 

Đến thời điểm hiện tại, nhiều tỉnh/thành phố đã công bố phương án, các môn thi, tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024. Trong đó, các địa phương đã công bố sẽ thi 3 môn gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ,... Theo đó, kỳ thi lớp 10 tại các địa phương này diễn ra vào khoảng tháng 6/2023 với 3 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. [1]

Tuy nhiên, cách tính điểm thi vào 10 của mỗi địa phương lại mỗi khác, đơn cử như có nơi nhân hệ số 2 môn Toán, Ngữ văn, còn Ngoại ngữ hệ số 1 nhưng cũng có một số địa phương không nhân hệ số các môn thi.

Trước việc này, có ý kiến cho rằng, việc nhân đôi hệ số đã không còn phù hợp. Với mong muốn người học được phát triển toàn diện thì không cần nhân đôi hệ số 2 môn Toán, Ngữ văn vì dễ nảy sinh tâm lý môn chính, môn phụ, gia tăng việc học lệch, học tủ.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, theo thông tư hiện hành về quy chế tuyển sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, việc tổ chức thi tuyển, xét tuyển hay kết hợp thi tuyển và xét tuyển giao cho các địa phương chủ động thực hiện, sao cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC).

Nhìn nhận từ thực tế, trình độ Ngoại ngữ của nhiều học sinh ở nước ta hiện nay vẫn chưa được tốt. Ở một số nơi, các em chưa có điều kiện đầy đủ để học môn này nên một vài địa phương lựa chọn ưu tiên 2 môn Toán và Ngữ văn để nhân đôi hệ số điểm.

Tuy nhiên, khó có thể giỏi toàn diện được tất cả các môn, có em năng lực về các môn khoa học tự nhiên tốt, có em phát triển về năng lực các môn khoa học xã hội và có em lại có năng khiếu nổi trội về Ngoại ngữ. Do đó, nhân đôi hệ số với riêng 2 môn Toán, Ngữ văn thì đối với những em học giỏi Ngoại ngữ sẽ bị thiệt thòi, mất lợi thế.

"Vì thế, theo quan điểm của tôi, không nên nhân đôi hệ số điểm môn học nào trong kỳ thi, tuyển sinh vào lớp 10 mà tất cả đều tính như nhau để đảm bảo sự công bằng cho tất cả các em học sinh”, thầy Hồng bày tỏ quan điểm.

Thầy Hồng cũng cho rằng, việc tuyển sinh vào trường trung học phổ thông hiện nay còn đang gặp vướng mắc do công tác phân luồng học sinh sau bậc trung học cơ sở chưa thực sự hiệu quả. Học sinh, phụ huynh đa phần mong muốn các em tiếp tục học lên tại trường trung học phổ thông chứ không lựa chọn phù hợp theo năng lực của người học.

Cũng bàn về vấn đề trên, thầy Phan Như Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 1 Mường Khương (Lào Cai) cho biết, hiện tỉnh Lào Cai chưa có hướng dẫn chi tiết và thông báo về phương án tổ chức thi, tuyển sinh vào lớp 10 năm nay. Tuy nhiên, nhiều khả năng sẽ giữ ổn định phương án như năm học trước, thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ với hệ số điểm như nhau.

Theo thầy Quỳnh, mặc dù việc tổ chức tuyển sinh trung học phổ thông phụ thuộc vào mục tiêu giáo dục và điều kiện của từng tỉnh. Tuy nhiên, khi nhân đôi hệ số điểm cho 2 môn Toán, Ngữ văn chắc chắn sẽ nảy sinh vấn đề: học sinh sẽ tập trung vào hai môn này hơn, gây ra tâm lý học môn chính, môn phụ, học lệch.

Bên cạnh đó, với bối cảnh hội nhập như hiện nay, thì việc phát triển khả năng học Ngoại ngữ, Tin học là phù hợp với xu thế tất yếu. Nhìn nhận từ thực tế có thể thấy, những người có năng lực tốt về Ngoại ngữ, Tin học đều có cơ hội việc làm và mức thu nhập cao. Vì thế, không nên đặt nặng môn nào để tính việc nhân đôi hệ số (trừ trường hợp tuyển sinh lớp chuyên).

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 1 Mường Khương (Lào Cai) cho hay, sắp tới trường cũng đang cân nhắc ý kiến sẽ đề xuất với tỉnh về phương án thi, tuyển sinh vào lớp 10 cho những năm học tới, để phù hợp với tiến độ triển khai của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ví dụ như bên cạnh 3 môn thi bắt buộc, những em có năng lực phát triển theo khối nào, có thể đăng ký thi thêm môn liên quan đến khối đó, như nhóm môn khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên.

Cách thi như vậy vừa đảm bảo tính công bằng và đánh giá được chính xác hơn năng lực thực chất của người học, vừa tránh việc các em học lệch, học tủ; giúp học sinh được học theo đúng mục tiêu, nguyện vọng và năng lực của cá nhân, gia đình và cả nhà trường cũng như hướng tới mục tiêu học gì thi đấy thay vì chỉ thi 3 môn như hiện nay.

Hơn nữa, cách thức thi này cũng phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới là phát triển phẩm chất và năng lực của người học.

Bên cạnh các địa phương tổ chức thi tuyển, năm 2023, có tỉnh không tổ chức thi tuyển vào lớp 10 mà xét tuyển như tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long.

Phương thức xét tuyển của tỉnh Đồng Tháp dựa vào kết quả rèn luyện, học tập trong 4 năm bậc trung học cơ sở của học sinh đủ điều kiện. Dự kiến, tỉnh này sẽ tuyển 70% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở trong tỉnh vào học lớp 10 các trường trung học phổ thông. Những học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 sẽ tham gia học nghề hoặc học chương trình giáo dục thường xuyên.

Còn tại Vĩnh Long, lý giải việc không tổ chức thi tuyển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long - Trương Thanh Nhuận cho biết, phương thức xét tuyển có nhiều ưu điểm: Xét tuyển đơn giản, công khai, minh bạch và mang tính ổn định, đánh giá đúng quá trình 4 năm học trung học cơ sở của các em học sinh. [2]

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://kinhtedothi.vn/ky-thi-vao-lop-10-nam-hoc-2023-2024-nhieu-dia-phuong-chon-thi-3-mon.html

[2]: https://baochinhphu.vn/nam-2023-hai-dia-phuong-khong-to-chuc-thi-vao-lop-10-10223022308085599.htm

Khánh An