Tự chủ ĐH: Học phí giữ nguyên nhưng chi phí phục vụ cho việc đào tạo tăng cao

15/04/2023 06:31
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nếu không có quản trị rủi ro tốt, đánh giá được xu thế, nhu cầu của xã hội, cơ sở giáo dục đại học tự chủ có thể đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Tự chủ tài chính giúp cho các cơ sở giáo dục đại học phát huy được tính chủ động, năng động và nâng cao được chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, nếu không có chiến lược, sự chuẩn bị, nhiều cơ sở sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị thụt lùi với xã hội, chậm phát triển và thậm chí là bị xóa sổ.

Vừa qua, Đại học Iowa Wesleyan (tại Mỹ) dù đã có lịch sử hoạt động đào tạo 181 năm vẫn phải “ngậm ngùi” đóng cửa do những thách thức, áp lực tài chính không thể giải quyết. Liệu đây có phải là thách thức đặt ra cho vấn đề tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học nước ta trong thời gian tới?

Trước vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội cho hay:

“Tài chính là xương sống của một cơ sở giáo dục đại học và là nhiệm vụ quan trọng bởi không có tài chính, cơ sở cũng không thể tuyển dụng được giảng viên giỏi, không xây dựng được cơ sở vật chất, không phát triển, kiểm định được chương trình đào tạo,...

Do vậy, mỗi cơ sở giáo dục đại học tự chủ cần phải có cho mình bộ phận quản trị rủi ro tốt, từ đó đánh giá, dự báo được xu thế phát triển của thị trường để xây dựng chương trình, đào tạo các ngành học mà xã hội cần trong cả thời điểm hiện tại và tương lai. Đặc biệt, phải chú trọng cân đối thu chi, chất lượng đào tạo và sản phẩm mà cơ sở sẽ đào tạo ra”, thầy Hiệp nhấn mạnh.

Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội trong Ngày hội việc làm do trường tổ chức. (Nguồn: Website nhà trường).
Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội trong Ngày hội việc làm do trường tổ chức. (Nguồn: Website nhà trường).

Theo thầy Hiệp, không chỉ riêng Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội mà các cơ sở giáo dục đại học tự chủ hiện nay đã và đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tự chủ tài chính.

Tác động của dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến thu nhập của người dân. Trong khi đó, học phí tại các cơ sở giáo dục đại học tự chủ cao hơn nên việc tuyển sinh tương đối khó khăn.

Chi phí thu được từ học phí (phụ thuộc vào tuyển sinh) lại chiếm tỉ trọng lớn trong tổng thể nguồn tài chính của các cơ sở giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, nguồn chi của các cơ sở giáo dục đại học tự chủ cũng tăng lên tương đối cao. Lý do là các cơ sở khi thực hiện tự chủ phải đối mặt với những chi phí phục vụ cho việc đào tạo tăng cao như chi phí về điện, chi phí về vật tư, thiết bị cho quá trình đào tạo, chi phí tiền lương cho nhân sự...

Mặc dù các khoản chi tăng nhưng nguồn thu chính là học phí thì trong 2 năm học 2021-2022 và 2022-2023 theo yêu cầu của Chính phủ lại không được tăng. Do vậy, các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong cân đối thu - chi.

Trong tương lai gần, các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về tài chính hơn trong quá trình thực hiện tự chủ của mình.

Thách thức lớn nhất là sự phát triển của khoa học công nghệ đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học phải thay đổi nhanh và tiến bộ kịp trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, để có đội ngũ nhân lực đáp ứng được xu thế phát triển và nhu cầu của xã hội. Nếu không, các cơ sở sẽ gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, và nếu không tuyển sinh được, cũng sẽ không có nguồn thu để đảm bảo sự phát triển.

Các cơ sở giáo dục đại học tự chủ cũng đang phải đứng trước những thách thức về mặt đội ngũ khi bị hạn chế trong việc trả lương cho những giảng viên giỏi, có trình độ cao. Nếu lãnh đạo cơ sở không quản lý tốt trong việc đảm bảo thu nhập cho giảng viên, có thể dẫn tới sự biến động về đội ngũ giảng viên, ảnh hưởng lớn đến công tác đào tạo của chính cơ sở ấy.

Với sự phát triển của công nghiệp 4.0 hay sản xuất xanh, việc đầu tư cơ sở vật chất theo được những xu thế đào tạo này là thách thức lớn với các cơ sở giáo dục đại học tự chủ. Bởi các ngành học theo xu thế này có mức đầu tư rất cao.

Trước những khó khăn và thách thức trên, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội đã đưa ra một số những giải pháp, đề xuất để việc tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục đại học được diễn ra thuận lợi hơn.

Thứ nhất, các cơ sở giáo dục đại học cần phải đảm bảo nguồn thu về mặt tài chính. Để làm được việc này, cơ sở phải nâng cao chất lượng đào tạo của tất cả các ngành, đồng thời duy trì phát triển thương hiệu để công tác tuyển sinh ngày càng tốt hơn.

Không những vậy, cần phải nghiên cứu phát triển các ngành đào tạo mới đáp ứng được xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng được xu thế về chuỗi cung ứng xanh, sản xuất xanh để tăng nguồn thu.

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động đào tạo, các cơ sở nên tăng cường nghiên cứu khoa học, tăng cường ký kết với các doanh nghiệp; phát triển những chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; tiến hành các hoạt động thực tập sản xuất, thực tập tốt nghiệp kết hợp để tạo nguồn thu cho đơn vị mình.

Thứ hai, về mặt nguồn chi, các cơ sở giáo dục đại học phải có chính sách tiết kiệm nguồn chi một cách ngặt nghèo. Trong đó, các nguồn chi cho con người cần được ưu tiên chính như ưu tiên việc chi cho những giảng viên giỏi, đặc biệt là những giảng viên tạo nhiều nguồn thu cho cơ sở ấy.

Ngoài ra, cũng cần ưu tiên vào những nguồn chi cho cơ sở vật chất để đảm bảo sự phát triển chất lượng đào tạo. Các nguồn chi cho văn phòng phẩm hay công tác quản lý,... nên được tiết chế lại.

Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách đối với những cơ sở giáo dục đại học đào tạo nhân lực, thực hiện nghiên cứu khoa học theo hướng sản xuất xanh, công nghiệp 4.0, giúp các cơ sở tiếp cận được những nguồn vốn khác nhau với những lĩnh vực phù hợp xu thế phát triển hiện nay.

Với thực tiễn cơ sở mình, theo thầy Hiệp, mặc dù việc tự chủ tài chính đã mang đến cho trường những thuận lợi trong việc bàn bạc, trao đổi và đưa ra những thống nhất, quyết định nhanh hơn với những khoản thu chi được pháp luật hiện hành cho phép.

Tuy nhiên, trường vẫn còn gặp vướng mắc với những thủ tục liên quan đến đầu tư công; phải tuân thủ Luật đầu tư công và những hướng dẫn khác của nhà nước trong việc đầu tư; một số quy định hiện hành cũng đang có xu thế "bó" lại công tác tự chủ của trường nên cũng gây ra khó khăn nhất định.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội, năm học 2023-2024 tới, trường dự kiến tăng học phí nhưng không quá mức 10%. Nguồn học phí tăng thêm cũng sẽ được trường sử dụng một cách có hiệu quả, hợp lý, bù đắp vào những mặt thu chi đang cần mà 2 năm học qua chưa đáp ứng được.

Sau hai năm giữ nguyên mức thu học phí, không chỉ Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội mà nhiều cơ sở giáo dục đại học tự chủ khác cũng đang đồng loạt dự kiến tăng học phí cho khóa tuyển sinh 2023 - 2024.

Việc tăng học phí sẽ giúp các cơ sở tăng nguồn thu; tạo điều kiện tăng thu nhập cho giảng viên; đầu tư hơn cho cơ sở vật chất, hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập cho sinh viên tốt hơn, đồng thời kéo theo tăng chất lượng đào tạo được nâng cao hơn.

Khánh An