Tháng 11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Nghị quyết nêu rõ, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018.
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW chính sách tiền lương mới sẽ được cải cách theo hướng bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng chế độ tiền lương mới, theo đó mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ “Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập” được ban hành đã tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh việc thực hiện tự chủ tài chính.
Theo Khoản b, Điều 12 Nghị định 60 quy định, kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, đơn vị tự chủ nhóm 1, nhóm 2 được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp; quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).
Việc chi trả tiền lương cho người lao động trong đơn vị được thực hiện theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công tác theo quy định của pháp luật và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
Về quy định này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Công Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, nếu nhà trường được thực hiện trả lương cho cán bộ giảng viên “theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp”, hy vọng chế độ tiền lương sẽ cao hơn, từ đó giảm bớt gánh nặng về cơm áo gạo tiền cho cán bộ giảng viên.
“Theo tôi, nếu được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp thì quy chế chi tiêu nội bộ của trường cũng phải có những điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của cán bộ giảng viên, nhân viên”, thầy Tuấn bày tỏ.
Chia sẻ về đời sống của một số giảng viên nhà trường, thầy Tuấn cho biết, bên cạnh sự nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu, nhiều giảng viên của nhà trường cũng làm thêm các công việc khác để gia tăng thu nhập.
Ví dụ như, một số giảng viên chuyên môn thanh nhạc có thể dạy thêm cho học viên ngoài trường về kỹ năng thanh nhạc; giảng viên có năng khiếu, trình độ về ngoại ngữ sẽ dạy thêm ở một số trung tâm, gia sư đào tạo về ngoại ngữ;...
Thầy Tuấn mong muốn, năm 2024, khi chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, nếu được chi trả tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp sẽ giúp cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho cán bộ giảng viên trong nhà trường.
Mặt khác, thầy Tuấn cho rằng, việc tự chủ, áp dụng hình thức trả lương mới theo Nghị định 60 có thể khiến nhà trường đối mặt với khó khăn. Do đó, thầy Tuấn mong muốn, trong quá trình thực hiện tự chủ, nhà trường sẽ tiếp tục được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học (máy tính, máy chiếu,...) để xây dựng môi trường học văn minh, chất lượng hơn.
Cùng bàn về nội dung này, chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Phi Long – Trưởng phòng Đào tạo Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, việc thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp được quy định tại Khoản b, Điều 12 Nghị định 60 sẽ giúp học viện chủ động hơn trong xác định quỹ lương. Từ đó, giúp học viện xây dựng chính sách thu nhập hợp lý cho viên chức, người lao động đang công tác tại học viện.
“Việc thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp cũng góp phần tạo ra sự cạnh tranh và thu hút nhân sự chất lượng hơn”, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ.
Theo thầy Long, bên cạnh thuận lợi, việc thực hiện tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp cũng có khó khăn. Trong đó, khó khăn chủ yếu đối với học viện là tổng nguồn thu của trường nhỏ và chủ yếu từ học phí.
Học viện coi trọng chất lượng hơn chạy theo số lượng người học, quy mô đào tạo của trường nhỏ, mức học phí thấp nên cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối nếu thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo Nghị định 60.
Việc quy định "đơn vị sự nghiệp công được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp" là chủ trương rất đúng, trúng và kịp thời của Chính phủ.
Chia sẻ với phóng viên, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, căn cứ tình hình tài chính của đơn vị, nhà trường thực hiện được cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp. Điều này giúp tạo sự cạnh tranh sòng phẳng giữa các trường đại học với nhau, cũng như giữa các trường đại học và các doanh nghiệp.
Theo thầy Trình, các cơ sở giáo dục cũng cần đặt việc cạnh tranh trong thu hút nguồn nhân lực giảng viên chất lượng cao. Các trường phải tuyển dụng được những giảng viên giỏi nhất thì mới đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao nhất phục vụ cho xã hội. Đối với những giảng viên có trình độ cao, nhà trường phải trả cho họ mức lương tương xứng. Mức lương này có thể không cao hơn khi họ làm ở doanh nghiệp nhưng cũng nên ở mức cạnh tranh.
Quy định về cơ chế tự chủ trả lương như kết quả hoạt động của doanh nghiệp sẽ cho phép các trường đại học được hạch toán đủ chi phí tiền lương và trích lập quỹ dự phòng, đảm bảo tính đủ chi phí đào tạo cần thiết. Khi đó, các trường đại học sẽ minh bạch trong việc sử dụng nguồn tài chính và thực hiện trách nhiệm giải trình với các bên liên quan.
"Để tăng cường tính ổn định và phát triển bền vững khi tự chủ tiền lương, nhà trường coi trọng công tác quản trị đại học, tái cấu trúc, quy định rõ vị trí việc làm và áp dụng chặt chẽ KPI đến từng cán bộ, giảng viên, cán bộ quản lý các cấp trong trường, và áp dụng hệ thống quản trị số. Với mức thu nhập mới, thu nhập của giảng viên trong nhà trường có thể cạnh tranh được với các trường khác và với một số doanh nghiệp công nghệ kỹ thuật, đặc biệt là doanh nghiệp FDI.
Khi điều chỉnh quy chế chi tiêu nội bộ, nhà trường ưu tiên cho đội ngũ cán bộ tiến sĩ trẻ, cán bộ tạo nguồn để các thầy cô có mức thu nhập đáp ứng được điều kiện, nhu cầu sinh hoạt tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, nhà trường có chính sách giữ sinh viên tốt nghiệp thủ khoa, á khoa ở lại trường để xây dựng đội ngũ cán bộ tạo nguồn. Hiện nay, mức thu nhập của cán bộ tạo nguồn này có thể so sánh được với một số vị trí công việc nếu họ làm ở doanh nghiệp FDI", thầy Trình chia sẻ.
Theo Khoản b, Điều 12 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ “Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập” quy định kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, đơn vị nhóm 1 và nhóm 2 căn cứ tình hình tài chính, đơn vị sự nghiệp công được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hạng I, hạng II); quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).
Đơn vị nhóm 1 và nhóm 2 xác định quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện và phân phối tiền lương theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tiền lương làm căn cứ xây dựng quỹ lương kế hoạch hằng năm để chi trả cho viên chức và người lao động, đảm bảo cân đối về lợi ích của người lao động và Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.
Căn cứ vào quỹ tiền lương thực hiện, đơn vị sự nghiệp công được trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau. Mức dự phòng hằng năm do đơn vị quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện. Việc trích lập quỹ dự phòng tiền lương phải đảm bảo sau khi trích lập, đơn vị có chênh lệch thu lớn hơn chi; trường hợp đơn vị không có chênh lệch thu lớn hơn chi thì không được trích đủ 17%.