GS.Lê Anh Tuấn: Cần cơ chế đặc thù và bước chạy đà tích cực thúc đẩy tự chủ ĐH

12/02/2024 06:24
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Cần sớm xây dựng cơ chế để cơ sở giáo dục đại học có thể huy động nguồn tài chính dồi dào từ xã hội và từ doanh nghiệp thông qua quỹ hiến tặng.

LTS: Là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, giáo dục đại học ở Việt Nam luôn được cả xã hội quan tâm. Trong hơn 35 năm đổi mới, giáo dục đại học đã đạt được những thành tựu không nhỏ, song cũng còn nhiều tồn tại.

Trước những hạn chế đó, Trung ương yêu cầu đẩy nhanh đổi mới căn bản và toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trọng tâm là hiện đại hóa, thay đổi phương thức trong giáo dục đại học. Tại Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ: Đẩy mạnh tự chủ đại học, có chính sách đột phá, phát triển nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng đại học, Đại học Bách khoa Hà Nội để lắng nghe chia sẻ của thầy về vấn đề tự chủ đại học và xây dựng cơ sở giáo dục đại học đẳng cấp quốc tế.

Phóng viên: Thực tế cho thấy, hầu hết các trường tham gia thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP đều có bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu. Xin thầy chia sẻ kinh nghiệm và bài học xây dựng và phát triển mô hình đại học công lập tự chủ của Đại học Bách khoa Hà Nội?

Giáo sư Lê Anh Tuấn: Trước tiên cần khẳng định tự chủ đại học là xu thế tất yếu. Tự chủ là cơ sở để các cơ sở giáo dục đại học chủ động, sáng tạo trong mọi hoạt động, đặc biệt là trong học thuật, trong khuôn khổ luật pháp và các quy định do Nhà nước ban hành. Tự chủ để thực hiện tốt hơn một trong những sứ mạng quan trọng của cơ sở giáo dục đại học công lập đó là gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) với linh hồn chủ đạo là tự chủ đại học chính là bước đột phá trong phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện thí điểm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Quyết định số 1211/QĐ-BGDĐT ngày 28 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2016, Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện tự chủ theo Quyết định số 1924/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là văn bản cụ thể hóa Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 (Nghị quyết số 77/2014).

Giáo sư Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng đại học, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST

Giáo sư Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng đại học, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST

Tiếp sau đó là giai đoạn tự chủ theo Luật số 34/2018/QH14 và việc chuyển đổi mô hình thành Đại học theo Quyết định số 1512/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ là thành quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài, bền bỉ của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Đến tháng 12 năm 2023, bộ máy Đại học Bách khoa Hà Nội gồm 5 Trường, 6 Viện/Trung tâm nghiên cứu, 3 Khoa đại cương, 4 Khoa quản ngành, 1 Văn phòng và 11 Ban, 8 Trung tâm dịch vụ & hỗ trợ và 1 Viện đào tạo đang trong quá trình chuyển đổi thành Trường. Hệ thống doanh nghiệp BK-Holdings là mảnh ghép quan trọng trong hệ sinh thái đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, khởi nguồn.

Như vậy, số lượng đầu mối đơn vị cấp 2 đã giảm từ 65 (năm 2016) xuống còn 39 (giảm 40%). Đội ngũ 1690 cán bộ viên chức gồm 1066 giảng viên, trong đó tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ lớn hơn 2 lần mức trung bình của cả nước. Tỷ lệ đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị cao thể hiện một trong những khía cạnh quan trọng về mức độ tập trung tài năng của một cơ sở giáo dục đại học.

Đại học Bách khoa Hà Nội hiện đào tạo 40 ngành, trong đó 33/40 ngành thuộc khối kỹ thuật – công nghệ, chiếm 82.5%. 67 chương trình đào tạo, trong đó 57/67 chương trình thuộc khối kỹ thuật – công nghệ, chiếm 85%. Tỷ lệ ngành và chương trình đào tạo thuộc khối kỹ thuật – công nghệ chiếm đa số thể hiện đúng chiến lược phát triển của một đại học “đa ngành, đa lĩnh vực, nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ”.

Mô hình tiên tiến, bộ máy tinh gọn; hệ thống quy chế, quy định hoàn thiện; đội ngũ cán bộ vững mạnh; cơ sở vật chất ngày càng được hiện đại hóa; chương trình đào tạo được cải tiến và chuẩn hóa kết hợp với một hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong ngày càng hoàn thiện; hệ sinh thái đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo được hình thành… chính là thành quả của quá trình tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình. Đây là nền tảng để Đại học Bách khoa Hà Nội định hướng chiến lược phát triển thành một đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực.

Một thành quả quan trọng không thể không nhắc đến đó là nhận thức của cả hệ thống từ cán bộ cho đến sinh viên đã thay đổi mang tính đột phá. Tư duy chủ đạo là lấy người học làm trung tâm của mọi hoạt động đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, còn giảng viên đóng vai trò là người định hướng, là chủ thể phát triển của cơ sở giáo dục đại học. Cần nhấn mạnh rằng đích đến cuối cùng và quan trọng nhất của tự chủ là phải nâng cao được chất lượng đào tạo, nâng cao và mở rộng được tầm ảnh hưởng của cơ sở giáo dục đại học.

Bài học kinh nghiệm lớn nhất của quá trình tự chủ đó là sự quyết tâm cao của toàn thể hệ thống chính trị; có chiến lược và mục tiêu phát triển rõ ràng tạo niềm tin, động lực cho đội ngũ và tạo cơ hội cho quá trình tập trung nguồn lực; truyền thông nội bộ tốt để tạo sự đồng lòng của toàn thể đội ngũ cán bộ, viên chức và người học; đề cao tính cam kết, trách nhiệm và dân chủ trong các hoạt động.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, nhà nước cần tiếp tục dành sự quan tâm lớn hơn cho đại học, trong đó chính sách phát huy tự chủ đại học. Theo thầy, sự quan tâm đó cần được thể hiện như thế nào để thực sự mang lại hiệu quả trong thời gian tới?

Giáo sư Lê Anh Tuấn: Đảng và Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết, định hướng cho phát triển giáo dục và phát triển khoa học công nghệ, xây dựng đội ngũ trí thức. Điển hình như Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và quốc tế hóa, cũng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã định hướng rõ nét chủ trương giáo dục, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24 tháng 11 năm 2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới của Ban Chấp hành Trung ương một lần nữa khẳng định sự quan tâm sát sao và cụ thể của Đảng đến giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Nghị quyết số 81/2023/QH-15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội đặt rõ mục tiêu “Phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á”.

Đại học Bách khoa Hà Nội hiện đào tạo 40 ngành, trong đó 33/40 ngành thuộc khối kỹ thuật – công nghệ, chiếm 82.5% (ảnh minh họa: HUST)

Đại học Bách khoa Hà Nội hiện đào tạo 40 ngành, trong đó 33/40 ngành thuộc khối kỹ thuật – công nghệ, chiếm 82.5% (ảnh minh họa: HUST)

Luật số 34/2018 đã thổi vào các cơ sở giáo dục đại học một làn gió tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, tạo ra sự thay đổi lớn từ quan điểm, nhận thức đến hành động nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ, nâng cao vai trò và ảnh hưởng của cơ sở giáo dục đại học đối với xã hội, với cộng đồng. Tự chủ đại học chính là cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học phát huy nguồn lực sẵn có, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách và tập trung tài năng. Bên cạnh đó tự chủ đại học cũng nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học đối với cơ quan chủ quản và các bên liên quan.

Tuy nhiên từ kinh nghiệm của 23 cơ sở giáo dục đại học được tự chủ theo Nghị quyết số 77/2014, của các cơ sở giáo dục đại học triển khai tự chủ theo Luật số 34/2018, cho thấy bên cạnh những thành công rõ nét ở trên, còn không ít điểm hạn chế trong cơ chế vận hành bên trong cơ sở giáo dục đại học, trong quan điểm chỉ đạo và phối hợp giữa bộ chủ quản với bộ máy quản trị của cơ sở giáo dục đại học, và đặc biệt là sự thiếu đồng bộ giữa các Luật, nghị định, thông tư và các quy chế, quy định liên quan.

Đơn cử như việc coi cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc nhóm đơn vị sự nghiệp công lập và phải chịu sự quản lý chặt chẽ bằng các khung quy định liên quan đến cơ cấu tổ chức, bộ máy, đội ngũ, mức độ tự chủ tài chính, cơ cấu tài chính, lương và thu nhập… tương tự các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc/trực thuộc Chính phủ, bộ, ngành và tỉnh thành đã hạn chế cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học tập trung nguồn lực con người, cơ hội hợp tác trong và ngoài nước để hỗ trợ cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo cũng như nâng cao nguồn thu ngoài ngân sách và ngoài học phí. Về vấn đề này, nên xem xét cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc nhóm đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù, hoạt động theo Luật và các văn bản pháp quy chuyên ngành.

Ngoài ra, một số chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, hợp tác quốc tế, và các chính sách thu hút nguồn lực tài chính ngoài ngân sách, ngoài học phí cần được quan tâm tạo dựng và khuyến khích triển khai. Điển hình như:

Cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư trong nghiên cứu, khuyến khích nhà khoa học toàn tâm toàn ý với nghiên cứu và sáng tạo bằng cách tháo các nút thắt về sở hữu sản phẩm nghiên cứu; cho phép giảng viên, nhà khoa học có thể tham gia doanh nghiệp và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu.

Cần xây dựng cơ chế tăng phần kinh phí quản lý chung (overhead cost) cho các đơn vị chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu nhằm hỗ trợ hoạt động quản lý và duy trì và phát triển môi trường nghiên cứu của đơn vị chủ trì. Theo Thông tư 03/2023/TT-BTC ngày 10 tháng 01 năm 2023 của Bộ Tài chính thì kinh phí này bằng 5% tổng dự toán nhiệm vụ và không quá 300 triệu đồng/nhiệm vụ. Số liệu này thường là 20-25% tại các nước phát triển, là 28% (Viện Công nghệ MIT, Mỹ), có thể lên tới 40% (Đại học Queens, Canada).

Cần sớm xây dựng cơ chế để cơ sở giáo dục đại học có thể huy động nguồn tài chính dồi dào từ xã hội và từ doanh nghiệp thông qua quỹ hiến tặng (endowment fund). Các đại học đẳng cấp quốc tế (đặc biệt ở Mỹ), nguồn đầu tư từ quỹ hiến tặng có thể lên tới hàng chục tỷ USD. Đại học Havard có quy mô quỹ hiến tặng đứng đầu thế giới với khoảng hơn 50 tỷ USD. Theo báo cáo tài chính công bố năm 2023 của đại học này, trong tổng doanh thu xấp xỉ 6 tỷ USD thì nguồn từ quỹ hiến tặng chiếm 37% (2,2 tỷ USD). Quỹ hiến tặng thường được hình thành từ các nguồn hiến tặng và kinh phí đối ứng của Nhà nước hoặc của đại học, tỷ lệ đối ứng mà Đại học Oxford của Anh Quốc đưa ra trong chương trình gây quỹ năm 2015 là 2:1 (2 pound từ nhà hiến tặng, đối ứng 1 pound từ quỹ của đại học).

Còn tại Singapore, để thúc đẩy văn hóa xuất sắc và đổi mới sáng tạo trong các đơn vị công lập, Singapore xây dựng Chương trình gây quỹ thông qua Dự án tái thiết dịch vụ công SP21. Đại học Quốc gia Singapore (NUS) là tổ chức được hưởng lợi từ Dự án SP21 ngay từ ngày đầu thành lập. Với Dự án này, nếu NUS thu hút được một khoản hiến tặng, chính phủ Singapore sẽ đầu tư một khoản gấp 3 lần để đưa vào quỹ hiến tặng của NUS. Hiện nay, quỹ hiến tặng này đã phát triển lên đến 5,9 tỷ USD, có đóng góp rất lớn vào sự phát triển của NUS.

Phóng viên: Xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam đạt trình độ đào tạo, nghiên cứu hàng đầu, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Đó là một trong những nội dung được nêu trong Quyết định 145/2006/QĐ-TTg. Theo thầy, vì sao gần 20 năm qua chúng ta vẫn loay hoay trong xây dựng trường đẳng cấp quốc tế?

Giáo sư Lê Anh Tuấn: Chuẩn mực chung để trở thành một đại học đẳng cấp quốc tế được cấu thành bởi 3 nhóm yếu tố chính, gồm: Tài năng (tập trung); Nguồn lực tài chính (dồi dào) và Quản trị (thuận lợi). Cụ thể:

Tài năng (tập trung): Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, người lao động, người học xuất sắc. Đội ngũ tài năng chính là tài sản lớn nhất của một cơ sở giáo dục đại học, là động lực cho sự phát triển. Sinh viên xuất sắc từ đầu vào cũng như đầu ra chính là giá trị về tri thức quan trọng nhất mà một đại học có thể mang lại cho xã hội và cộng đồng. Trong môi trường quốc tế hóa, tài năng không chỉ hội tụ từ các vùng miền khác nhau của đất nước mà còn đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

Nguồn lực tài chính (dồi dào): Nguồn lực tài chính là cơ sở để có khuôn viên hiện đại, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và định hướng khoa học công nghệ. Tài chính cũng là yếu tố đảm bảo và hấp dẫn trong tập trung tài năng. Đối với một đại học đẳng cấp quốc tế, nguồn lực tài chính chủ yếu đến từ ngân sách Nhà nước, kinh phí hiến tặng, học phí và tài trợ nghiên cứu.

Quản trị (thuận lợi): Các Luật và quy chế, quy định liên quan do Nhà nước ban hành tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho đại học phát triển. Cơ chế tự chủ và tự do học thuật là nền tảng cho các quy chế, quy định và quy trình nội bộ được xây dựng và vận hành. Đội ngũ lãnh đạo có khả năng truyền cảm hứng, kiên trì và đặt cao tính cam kết. Quản trị còn thể hiện ở tầm nhìn chiến lược và văn hóa xuất sắc của cơ sở giáo dục đại học.

Luật số 34/2018 đã thổi vào các cơ sở giáo dục đại học một làn gió tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình (ảnh minh họa: HUST)

Luật số 34/2018 đã thổi vào các cơ sở giáo dục đại học một làn gió tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình (ảnh minh họa: HUST)

Sự giao thoa của 3 nhóm yếu tố này tạo ra đại học đẳng cấp quốc tế - WCU (World Class University). Độ giao thoa càng lớn thể hiện tầm ảnh hưởng và giá trị càng cao của sản phẩm đào tạo, sản phẩm nghiên cứu và sản phẩm chuyển giao công nghệ mà cơ sở giáo dục đại học đóng góp cho khoa học, cho xã hội và cộng đồng.

Quyết định số 145/2006/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương và những định hướng lớn xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế đã có cách tiếp cận đúng theo 3 nhóm yếu tố ở trên, trong đó nhấn mạnh đến đầu tư cơ sở vật chất, tài chính chủ đạo từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên thực tế triển khai Quyết định số 145/2006/QĐ-TTg đến nay, sau 18 năm, chưa đủ dài để một cơ sở giáo dục đại học thành lập mới khẳng định được vị thế cả trong nước và quốc tế. Điều quan trọng hơn đó là sự đầu tư hạn chế và cơ chế hoạt động bị giới hạn bởi nhiều quy định hành chính, dẫn tới sự giao thoa mờ nhạt của 3 nhóm yếu tố ở trên.

Cần nhấn mạnh rằng để xây dựng được các cơ sở giáo dục đại học đẳng cấp quốc tế cần thiết phải có sự đầu tư vượt trội về tài chính, bao gồm đầu tư từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn vay nước ngoài và đầu tư thông qua các cơ chế huy động nguồn lực tài chính từ nguồn ngoài ngân sách như kinh nghiệm của các đại học lớn được kể tên ở trên. Thực trạng nguồn lực tài chính phụ thuộc chủ yếu vào học phí tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam như hiện nay cho thấy chiến lược tài chính thiếu cơ hội để bền vững. Hệ quả là mục tiêu trở thành đại học đẳng cấp quốc tế sẽ rất gian nan.

Phóng viên: Quốc tế hóa giáo dục đại học là một xu thế tất yếu trong phát triển giáo dục đại học của các quốc gia trên thế giới và tự chủ đại học là một điều kiện hàng đầu nhằm thúc đẩy quốc tế hóa, phát triển đại học. Thưa thầy, lối đi nào để Việt Nam có thể xây dựng được những trường đại học đẳng cấp quốc tế nhanh nhất?

Giáo sư Lê Anh Tuấn: Nhóm yếu tố “tập trung tài năng” ở trên đã chỉ rõ tài năng không chỉ đến từ một đất nước mà cần đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Quốc tế hóa giáo dục đại học không chỉ tạo ra cơ hội tập trung tài năng mà còn là điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học định vị được vị trí của mình trong hệ thống các trường đại học đẳng cấp quốc tế. Đối sánh với các đại học đẳng cấp quốc tế giúp các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam định hình các chuẩn mực, mục tiêu phát triển, chuẩn mực trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, và quan trọng hơn đó là cập nhật tri thức của nhân loại để kiến tạo tri thức phục vụ thực tiễn, bên cạnh những bài học kinh nghiệm để gìn giữ và phát triển truyền thống văn hóa dân tộc.

Cần phải nhìn nhận thực chất rằng, để thu hút được các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, sinh viên giỏi quốc tế đến Việt Nam, bên cạnh tiềm lực tài chính đủ mạnh, cơ sở vật chất, khuôn viên hiện đại, cần thiết phải tạo dựng môi trường quốc tế hóa trong cơ sở giáo dục đại học, bao gồm các hệ thống quy chế, quy định, hỗ trợ, hướng dẫn được chuyển sang và vận hành theo ngôn ngữ quốc tế; một tỷ lệ các chương trình đào tạo, bài giảng cần được xây dựng và vận hành bằng tiếng Anh; một số nhóm nghiên cứu được vận hành trên cơ sở hợp tác với mạng lưới các chuyên gia nước ngoài…

Để xây dựng các cơ sở giáo dục đại học đẳng cấp quốc tế trước tiên cần phải có sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ thông qua các cơ chế, chính sách thúc đẩy tự chủ đại học, chính sách đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho một số cơ sở giáo dục đại học có tiềm năng. Tôi kỳ vọng Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học sắp được Chính phủ ban hành sẽ cung cấp cho chúng ta thực trạng và kỳ vọng phát triển của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Bản Quy hoạch cũng là nền tảng để xây dựng các đề án, chương trình hướng tới phát triển một số cơ sở giáo dục đại học đạt đẳng cấp quốc tế.

Tuy nhiên, trước mắt, Chính phủ cần quan tâm tháo gỡ một số điểm nghẽn trong thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục đại học như nới lỏng quy định về số lần đi công tác nước ngoài của lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học; như đặt văn phòng đại diện ở nước ngoài, ký kết hợp tác, chủ trì và phối hợp tổ chức hội nghị hội thảo, sự kiện quốc tế. Ngoài ra, cần có cơ chế tạo thuận lợi cho người nước ngoài học tập và làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Trong đó, bao gồm việc giao quyền cho cơ sở giáo dục đại học xác định nhu cầu, quyết định vị trí việc làm và điều kiện, cơ chế tuyển chọn, đãi ngộ, đánh giá kèm theo trách nhiệm báo cáo, giải trình.

Phóng viên: Bước sang năm Giáp Thìn, theo thầy, trong năm 2024 cơ quan quản lý cần rốt ráo làm gì để hệ thống giáo dục đại học từng bước được gỡ khó?

Giáo sư Lê Anh Tuấn: Bước sang năm Giáp Thìn 2024, tôi hy vọng hệ thống giáo dục đại học tiếp tục có những bước chạy đà tích cực trong thúc đẩy tự chủ đại học song song với việc triển khai các chương trình, đề án đầu tư trọng tâm, trọng điểm thực hiện mục tiêu xây dựng một số cơ sở giáo dục đại học hàng đầu Châu Á.

Để làm được điều đó, các cơ quan quản lý cần quan tâm tháo gỡ các điểm nghẽn trong thúc đẩy tự chủ đại học và trong phát triển cơ sở giáo dục đại học như đã được trình bày ở trên, bao gồm việc ban hành Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo; ban hành sửa đổi, bổ sung Nghị định 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ và xem xét xây dựng nghị định riêng về tự chủ đại học.

Ngoài ra, cần quan tâm tạo dựng các cơ chế khả thi thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư tài chính từ xã hội, từ doanh nghiệp cho giáo dục đại học nhằm giảm gánh nặng phụ thuộc vào học phí. Các cơ chế gây quỹ hiến tặng, thúc đẩy hợp tác công tư, phát triển quỹ khoa học công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học từ nguồn hợp pháp và nguồn hợp tác khoa học công nghệ với doanh nghiệp là những giải pháp căn cơ, đảm bảo tính bền vững trong chiến lược tài chính của cơ sở giáo dục đại học.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Giáo sư Lê Anh Tuấn.

Thùy Linh (thực hiện)