ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa: Kỳ vọng về sự khởi sắc của tự chủ ĐH trong năm 2024

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa: Kỳ vọng về sự khởi sắc của tự chủ ĐH trong năm 2024

11/02/2024 06:52
Thủy Tiên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa kỳ vọng về sự khởi sắc của tự chủ đại học; có lộ trình nâng dần tỉ trọng ngân sách chi cho giáo dục đại học.

Năm 2023 vừa khép lại, giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học nói riêng đã tiếp tục ghi nhiều dấu ấn tích cực, đặc biệt đối với vấn đề tự chủ đại học.

Nhân dịp bước qua thềm năm mới, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về những thành công giáo dục đại học trong năm qua, đồng thời chia sẻ, gửi gắm những kỳ vọng trong thời gian tới.

Phóng viên: Thưa Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, nhắc đến những dấu ấn tích cực trong năm 2023 về giáo dục đại học, bà có thể chia sẻ những đánh giá của mình?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Có thể khẳng định năm 2023 là năm giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục gặt hái nhiều thành công với những dấu ấn đậm nét.

Công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học được đẩy mạnh; tính đến tháng 8/2023, có 261 cơ sở đào tạo hoàn thành đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn trong nước; 194 cơ sở đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước; 9 cơ sở đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài. Nhiều trường đại học Việt Nam tiếp tục duy trì và giữ vị trí tốt trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.

Lần đầu tiên, ngành giáo dục đưa vào khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS), phục vụ cho công tác tuyển sinh thực hiện trực tuyến trên HEMIS. Hệ thống HEMIS đã kết nối thông suốt với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; thực hiện đồng bộ dữ liệu về lao động, việc làm của trên 97.000 sinh viên tốt nghiệp năm 2022 và gần 7.400 sinh viên tốt nghiệp năm 2023. Có lẽ vì vậy, chuyển đổi số được chọn là một trong mười dấu ấn nổi bật nhất năm 2023 của lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Năm 2023 cũng là năm chứng kiến bước tiến lớn trong lộ trình thực hiện tự chủ đại học. Đến nay, cả nước có 170/174 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (đạt tỉ lệ 97,4%); và điều quan trọng hơn là tinh thần tự chủ đã trở thành nhu cầu tự thân, có hiệu ứng tác động mạnh mẽ tới mỗi cơ sở giáo dục đại học; từ đổi mới trong công tác quản trị, điều hành đến sự năng động, sáng tạo, linh hoạt trong tuyển dụng, quản lý nhân sự và thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đặc biệt, cũng trong năm 2023, dự thảo Chỉ thị đẩy mạnh tự chủ đại học ở Việt Nam đang được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành, nhằm tập trung triển khai một số nhiệm vụ cụ thể để tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để hướng tới tự chủ đại học hiệu quả, thực chất.

gdvn_ANH.png

Phóng viên: Năm 2024 là năm tiếp tục đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường đại học, đặc biệt là cơ sở đào tạo giáo viên tập trung đổi mới chương trình, phương pháp để sinh viên ra trường có thể nhập cuộc ngay với phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá ở phổ thông. Đại biểu đánh giá như thế nào về vai trò của các cơ sở đào tạo giáo viên đối với nhiệm vụ này trong thời gian tới? Bà có lưu ý gì đối với các cơ sở đào tạo giáo viên trong giai đoạn này?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi cho rằng, ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các trường sư phạm là một định hướng hết sức quan trọng, cho thấy đổi mới đào tạo giáo viên là một yêu cầu cấp thiết, là điều kiện để thực hiện tốt các yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông; cũng là sự khẳng định vai trò quan trọng của các trường đại học, cao đẳng sư phạm đối với các trường phổ thông trong việc đào tạo, sử dụng, bồi dưỡng phát triển đội ngũ giáo viên.

Để có được đội ngũ giáo viên phổ thông đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, chuẩn về chất lượng, rất cần đến vai trò tiên phong và sự đồng hành của các trường sư phạm thể hiện qua nhiệm vụ kép: Vừa đào tạo đội ngũ giáo viên có đủ năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu thực tiễn giáo dục; vừa hỗ trợ, bồi dưỡng để phát triển năng lực nghề nghiệp suốt đời cho giáo viên phổ thông, để họ có đủ năng lực và sự tự tin triển khai thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới.

s pham.gif

Kết quả giám sát vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông cho thấy, thông qua Chương trình ETEP của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, trong giai đoạn 2016-2022, các trường sư phạm đã thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ 30.127 giáo viên cốt cán và 3.815 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán hoàn thành chương trình bồi dưỡng thường xuyên; 319.158 giáo viên và 22.860 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục hoàn thành chương trình bồi dưỡng đại trà.

Cũng xin nói thêm, đây là quan hệ tác động qua lại: Các trường sư phạm có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực ngành giáo dục và trong triển khai đổi mới giáo dục phổ thông; đồng thời, sự đổi mới của giáo dục phổ thông cũng sẽ thúc đẩy sự đổi mới của các trường sư phạm.

Trước mắt, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đang đi vào giai đoạn nước rút với rất nhiều thách thức, trong đó có vấn đề đội ngũ.

Cả nước còn thiếu 62.877 giáo viên phổ thông; thừa cục bộ 5.091 giáo viên. Từ nay đến năm học 2024-2025, cấp tiểu học thiếu 6.621 giáo viên môn Tin học và 5.780 giáo viên môn Ngoại ngữ; cấp trung học cơ sở thiếu 6.631 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý, thừa cục bộ 375 giáo viên; thiếu 2.366 giáo viên môn Khoa học tự nhiên, thừa cục bộ 4.627 giáo viên; thiếu 4.321 giáo viên môn Nghệ thuật, thừa cục bộ 885 giáo viên.

Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để các trường sư phạm phát huy vai trò của mình; tức là cần chuyển mình nhanh hơn, tiên phong hơn trong công cuộc đổi mới.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau giám sát cũng xác định trách nhiệm của ngành sư phạm là tổ chức đào tạo đủ nguồn giáo viên dạy các môn học mới; nâng cao chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng, tập huấn cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên; phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán.

Muốn vậy, cần rà soát, phân tích hệ thống dữ liệu về đội ngũ nhà giáo phổ thông, đánh giá nhu cầu và khả năng để nắm thế chủ động trong xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cho cả giai đoạn và kế hoạch cụ thể cho từng năm học.

Phóng viên: Một trong những nhiệm vụ cụ thể, quan trọng tiếp theo là Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với góc độ Đại biểu Quốc hội, xin bà chia sẻ ý kiến đối với nội dung này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi được biết, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là quy hoạch ngành quốc gia, có nhiệm vụ hết sức quan trọng, tác động trực tiếp tới việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao bảo đảm yêu cầu về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Mục đích của việc lập quy hoạch là sắp xếp, phân bố không gian phát triển cho các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm theo một cách tối ưu nhằm giải quyết những bất cập của mạng lưới hiện nay, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển trong nhiều năm tới.

Vì ý nghĩa đó, tôi cho rằng việc xây dựng Quy hoạch cần được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, thận trọng, hướng tới mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, tăng quy mô gắn với điều chỉnh cân đối về cơ cấu đào tạo, ưu tiên nâng cao chất lượng, trong đó quan tâm làm rõ nhu cầu và giải pháp phát triển các ngành công nghệ cao, các ngành khoa học cơ bản, cốt lõi, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cần sắp xếp, phân bố không gian phát triển các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm (bao gồm cả cao đẳng sư phạm) bảo đảm tinh gọn, hợp lý, đồng bộ với Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045; chú trọng liên kết mạng lưới trong - ngoài/ngang - dọc/trong không gian thực và trên không gian số; phát triển hệ thống cơ sở đại học, bao gồm đại học quốc gia/đại học vùng, tiểu vùng/cơ sở giáo dục đại học trọng điểm đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt phát triển toàn hệ thống theo vùng, ngành, lĩnh vực.

Trong điều kiện ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học còn hạn hẹp, quy hoạch cần được tính toán một cách kỹ lưỡng để bảo đảm đầu tư nguồn lực công một cách hợp lý, hiệu quả; khuyến khích xã hội hoá, phát triển hệ thống cơ sở giáo dục đại học tư thục chất lượng cao.

Đối với quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo ngành sư phạm, dự thảo định hướng quy mô phát triển trong hệ thống gồm 3/5 đại học quốc gia (Hà Nội, Huế, Đà Nẵng); 3/5 đại học vùng (Thái Nguyên, Vinh, Tây Nguyên), 2/18 cơ sở đại học trọng điểm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh).

Tuy nhiên, theo tôi, cả khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ chỉ có 1 cơ sở đào tạo sư phạm trọng điểm là Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thì khó đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực.

Có lẽ cần bổ sung thêm 1 cơ sở trọng điểm nữa, chẳng hạn như Trường Đại học Đồng Tháp - đại diện cho 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (đây cũng là cơ sở đào tạo có thế mạnh và truyền thống đào tạo giáo viên, quy mô tuyển sinh hàng năm khá lớn, đầy đủ các ngành học đáp ứng chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông mới).

GDVN_ảnh.png

Phóng viên: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; đến nay, giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ về lượng và chất. Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng, vẫn cần thiết xây dựng một nghị định riêng cho các trường đại học tự chủ. Xin Đại biểu chia sẻ quan điểm về nội dung này?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Đề xuất xây dựng một nghị định riêng cho các trường đại học tự chủ chính là ý tưởng của đại diện một số cơ sở giáo dục đại học thể hiện trên một số diễn đàn gần đây. Ý tưởng ấy xuất phát từ thực tiễn những năm qua, khi tự chủ đại học luôn là một giải pháp mang tính đột phá, có ý nghĩa tạo động lực cho giáo dục đại học phát triển.

Việc thực hiện tự chủ đại học được quy định trong Luật Giáo dục đại học 2012 (sửa đổi một số điều năm 2018) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Vấn đề tài chính đại học còn được quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để tự chủ đại học được phát huy, nhiều chính sách phù hợp đã được ban hành, có tính dẫn dắt, định hướng trong các cơ sở; tạo động lực cho sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc triển khai tự chủ đại học hiện nay còn nhiều bất cập do nhận thức chưa đầy đủ, thiếu thống nhất về mô hình tự chủ, phân cấp, phân quyền trong quản lý đối với các cơ sở giáo dục đại học; cách tiếp cận đồng nhất tự chủ đại học với tự chủ tài chính là rào cản, hạn chế đầu tư công đối với giáo dục đại học.

Vì vậy, tôi hoàn toàn chia sẻ với ý kiến đề xuất xây dựng một nghị định riêng cho tự chủ đại học.

Nhưng để nghị định có tính khả thi, phát huy hiệu quả, hiệu lực cao nhất thì cần tổ chức tổng kết thực tiễn làm căn cứ lập đề nghị, xây dựng nghị định đúng quy trình, xác định chính sách phù hợp, đánh giá kỹ lưỡng tác động chính sách dự kiến được đưa vào nghị định, làm cho nghị định (nếu được ban hành) sẽ sát thực tế, bảo đảm tính khả thi.

Trước mắt, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Đây là cơ hội để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong việc thực hiện phân cấp quản lý, tăng cường tự chủ đại học; tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn, bảo đảm đồng bộ giữa các quy định của pháp luật; đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền, gắn với việc thực hiện trách nhiệm giải trình.

GDVN_ảnh 5.gif

Phóng viên: Bước sang năm mới 2024, Đại biểu có kỳ vọng gì đối với những chính sách liên quan đến đổi mới, phát triển giáo dục đại học?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, do vậy, chúng ta có quyền kỳ vọng vào những chính sách lớn, mang tính đột phá dành cho lĩnh vực giáo dục đại học.

Đó là sự kỳ vọng về những chính sách tạo chuyển biến lớn về quy mô, cơ cấu và chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên.

Kỳ vọng về sự chuyển dịch mạnh mẽ, hợp lý về cơ cấu ngành nghề đào tạo, trong đó, mở rộng quy mô đào tạo các ngành mới, nhập cuộc nhanh vào đường đua cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ Cách mạng 4.0.

Kỳ vọng về sự khởi sắc của tự chủ đại học, hoàn thiện thể chế, xây dựng môi trường đại học tự chủ, năng động và sáng tạo; có lộ trình nâng dần tỉ trọng ngân sách chi cho giáo dục đại học tính trên GDP đạt mức trung bình của các nước trong khu vực.

GDVN_anh 2024.png

Phóng viên: Nhân dịp Tết Nguyên đán 2024, Đại biểu có điều gì muốn nhắn nhủ đến các cán bộ, nhà giáo đang công tác trong ngành giáo dục?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Mùa Xuân mới đang về, xin mượn lời người xưa để gửi gắm niềm tin tới các cán bộ, nhà giáo đang công tác trong ngành giáo dục: “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân (một ngày mới, ngày ngày mới, ngày một mới)”! Trân trọng gửi tới các thầy cô lời chúc thành công trong hành trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo năm 2024 và những năm tiếp theo!

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những những chia sẻ của Đại biểu!

gdvn-ttta-1752.png

Mặc dù cho rằng chưa cần thiết phải xây dựng một nghị định riêng cho các trường tự chủ, song, theo Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, có thể nghĩ đến việc xây dựng một chương riêng trong Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tự chủ đại học.

Cụ thể, nữ đại biểu phân tích: “Tự chủ đại học gặp khó không phải vì không có công cụ, mà khó ở khâu triển khai thực hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2019/NĐ-CP nhằm tháo gỡ một số vướng mắc khi thực hiện tự chủ đại học. Nội dung này đã bắt đầu lấy ý kiến từ tháng 4/2023 nhưng đến này vẫn chưa ngã ngũ.

Một số cơ sở giáo dục đại học đề xuất có một nghị định riêng, theo tôi, đó là một quan điểm cũng rất chính đáng. Tuy nhiên, để xây dựng một chính sách cũng không phải là dễ.

Chính vì vậy, thay vì xây dựng một nghị định mới hoàn toàn về tự chủ đại học, chúng ta nên tập trung tham khảo ý kiến của các bên liên quan để sửa một cách triệt để những vướng mắc lâu nay đang tồn tại mà Nghị định 99/2019/NĐ-CP chưa giải quyết được. Trong đó, có thể bổ sung một chương riêng cho các trường tự chủ, để tạo thuận lợi cho các trường triển khai thực hiện”.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh dẫn chứng thêm: “Tinh thần của Luật Giáo dục đại học, Hội đồng trường là thiết chế cao nhất, quyền lực quan trọng nhất trong một trường đại học. Vậy, chúng ta phải tập trung để xây dựng quyền lực của Hội đồng trường như thế nào, thay vì vẫn chưa phân định rõ vai trò giữa Hội đồng trường và Ban giám hiệu như thời gian qua - ai là chủ tài khoản thì người đó quan trọng...

Thứ hai, đối với tự chủ về mặt nhân sự, mặc dù được trao quyền tự chủ trong việc quyết định tuyển dụng và phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhưng lâu nay vẫn phải thực hiện theo những quy định chồng chéo khác nhau.

Như tôi đã từng chia sẻ, trong một trường đại học, cho dù có ứng dụng công nghệ hiện đại đến đâu, người thầy, người cô vẫn là “linh hồn” của hoạt động giảng dạy. Cho nên, nếu mỗi nhà trường không được quyền tự quyết định, phát triển đội ngũ, thì rất khó để nói đến tự chủ”.

Đồng thời, nữ đại biểu cũng đề cập: “Để thực hiện tự chủ, cần một lộ trình, cần thực hiện từng giai đoạn: Giai đoạn đầu phải nhấn mạnh vào xây dựng nền tảng vững chắc về quản trị đại học, quản lý và chất lượng giáo dục, sau đó mới tiến đến tăng cường về tự chủ tài chính. Trong khi đó, lâu nay, các cơ sở giáo dục hay từ chính góc độ các nhà quản lý, cũng đang ngầm định tự chủ đầu tiên là tự chủ tài chính. Nhưng nếu chưa đảm bảo được chất lượng thì sao có thể tăng học phí?

Cần có một hệ thống tiêu chí cụ thể để thường xuyên đánh giá và rà soát lại mức độ tự chủ của cơ sở giáo dục, đó chính là thước đo phản ánh sự phù hợp về phát triển của hệ thống giáo dục và nhu cầu của xã hội... Chúng ta phải làm theo từng bước tuần tự như vậy, mới có thể tiến hành tự chủ một cách thành công”.

Bàn về hệ thống các tiêu chí, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nhấn mạnh: “Tiêu chí đầu tiên là hiệu suất và chất lượng - chúng ta cần phải có bộ tiêu chí về hiệu suất giảng dạy của giảng viên và kết quả học tập của sinh viên (đã có trong mô hình kiểm định, cần phải áp dụng triệt để).

Tiêu chí thứ hai là sự minh bạch và trách nhiệm giải trình - cần phải có các yêu cầu về báo cáo tài chính, quản lý hành chính và trách nhiệm đối với cộng đồng, phải thường xuyên được cập nhật, thường xuyên được công khai, công bố để cộng đồng, sinh viên và phụ huynh, hay ngay chính các nhà quản lý cũng được biết.

Có như vậy, mới thực hiện được tự chủ đại học một cách bền vững”.

Thủy Tiên