Từ 1/7 tăng lương, nếu trường ĐH vẫn không được tăng học phí sẽ gặp khó khăn lớn

02/05/2023 06:37
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa thể đưa ra đề án tuyển sinh 2023-2024 do sợ tăng rồi lại phải hoàn trả như năm trước.

Ngay từ đầu năm học 2022-2023, nhiều trường đại học đã công bố mức học phí năm tăng theo lộ trình theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Tuy nhiên, đến ngày 20/12/2022, Chính phủ đã ra Nghị quyết 165/NQ-CP yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 do cơ sở giáo dục ban hành để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên. Điều này đã khiến cho nhiều trường phải ban hành lại quyết định về quy định mức học phí năm học 2022-2023, đồng thời bố trí nhân sự tính toán mức học phí đã thu thừa để trả lại cho sinh viên.

Do vậy, hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học hoang mang, không biết năm nay có được tăng học phí theo lộ trình Nghị định 81 hay không để đưa ra trong Đề án tuyển sinh 2023 của trường. Hơn nữa, sau 2 năm dịch COVID-19, việc không được tăng học phí cũng đã khiến nhiều trường gặp khó khăn, phải dùng đến cả quỹ dự phòng.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Quang Vũ, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho biết, đến thời điểm hiện tại, trường vẫn chưa thể đưa ra Đề án tuyển sinh chính thức 2023 một phần cũng vì do chưa biết các quy định về học phí đối với cơ sở giáo dục đại học năm nay từ Chính phủ sẽ thế nào. Trường cũng có tính toán đến phương án tăng học phí của một số ngành với mức tăng không quá 10% của 1 số ngành nhưng hiện vẫn chưa thể quyết định được.

Sinh viên Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tham gia tuyển sinh tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Nguồn: Website nhà trường).
Sinh viên Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tham gia tuyển sinh tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Nguồn: Website nhà trường).

Như năm học 2022-2023, trường đã khá khó khăn do trường đã có thông báo về việc tăng học phí và dự toán sắp xếp phân bổ sắp xếp kinh phí một cách phù hợp cho trường nhưng phải trả lại theo Nghị quyết 165 của Chính phủ về học phí đối với các cơ sở giáo dục - đào tạo công lập năm học 2022 - 2023, trong đó có yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học công lập giữ ổn định mức thu năm học này bằng với năm học 2021 - 2022. Không những vậy, công tác hoàn trả lại học phí cho sinh viên cũng có đôi chút khó khăn.

Đáng nói, đối với hầu hết các cơ sở giáo dục đại học công lập hiện nay, học phí là nguồn thu chính, chiếm tỉ trọng lớn nhất trong nguồn thu của các trường.

Do đó, thầy Vũ cho rằng, nếu năm nay lại tiếp tục không được tăng học phí, trường sẽ gặp khó khăn do sắp tới lương cán bộ công chức, viên chức tăng mà học phí lại không tăng, khiến nguồn thu chính của trường bị ảnh hưởng. Trường sẽ phải cân đối lại giữa thu và chi của nhà trường cũng như phải tính toán lại cắt giảm đi nhiều thứ.

Mặt khác, theo thầy Vũ, hiện nhà nước đã có chủ trương chính sách về việc hỗ trợ cho phần tiền lương cho giảng viên của trường, thế nhưng đến nay, lộ trình thực hiện thế nào vẫn chưa rõ.

Cũng theo thầy Vũ, hiện nay, đa số các ngành khoa học cơ bản hiện đều gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh bởi các ngành này đòi hỏi đầu vào cao (định hướng làm nghiên cứu), tuy nhiên, việc làm cho số ngành này sau này lại không nhiều.

Bên cạnh đó, sự đầu tư của Nhà nước đối với khối ngành khoa học cơ bản chưa có những chính sách, hướng dẫn cụ thể, chưa có chính sách hỗ trợ cho sinh viên khối ngành này. Thầy Vũ mong rằng, nhà nước có thể quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học đào tạo khối ngành khoa học cơ bản cũng như có thêm chính hỗ trợ đầu ra và trong cả quá trình học tập cho các em. Bởi, đây là nguồn nhân lực làm nghiên cứu, sẽ ảnh hưởng sự phát triển của một quốc gia.

Để đẩy mạnh thêm nguồn thu cho trường, hiện Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cũng đã đẩy mạnh quảng bá tuyển sinh để tăng thêm đầu vào nhằm tăng nguồn thu cho trường.

Hơn nữa, trường cũng đang tăng cường thêm các nguồn thu từ dịch vụ như việc nghiên cứu khoa học công nghệ,... Tuy nhiên, những nguồn này đóng góp vào nguồn thu tài chính của trường cũng không đáng kể, bởi chủ yếu nguồn thu đó sẽ dành cho những giảng viên làm đề tài, nghiên cứu khoa học công nghệ đó, còn nhà trường chỉ nhận lại phần rất nhỏ với 5% quản lý đề tài.

Theo chia sẻ từ Tiến sĩ Quách Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện trường đã thống nhất đề án kinh tế kỹ thuật của trường cho năm học 2023-2024 tới, tuy nhiên vẫn chưa thể đưa ra Đề án tuyển sinh cho năm học 2023-2024 cũng một phần vì chưa biết năm học tới này có được tăng học phí hay không.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ thực hành (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ thực hành (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Thầy Hải cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nền kinh tế bị suy giảm, năm học 2021-2022, trường đã không những không tăng học phí mà còn giảm học phí để chung tay hỗ trợ với xã hội.

Tuy nhiên, đến năm học 2022-2023, Chính phủ đã ra Nghị quyết 165/NQ-CP yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 do cơ sở giáo dục ban hành nên trường lại tiếp tục không được tăng học phí.

Do đó, nếu năm học 2023-2024 không được tăng học phí, trường cũng sẽ phải đứng trước nhiều thách thức và rủi ro, có thể phải dùng đến quỹ tích lũy của nhà trường. Đặc biệt là trong vấn đề về đội ngũ giảng viên tinh hoa của trường, một số người đã bắt đầu nhen nhóm suy nghĩ chuyển sang các đơn vị khác với mức thu nhập tốt hơn bởi nguồn thu của trường sẽ bị ảnh nghiêm trọng nếu không được tăng học phí, trong khi tới đây, theo Nghị quyết 69/2022/QH15, từ ngày 01/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức.

Theo thầy Hải, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đang tự chủ ở mức độ cao nhất là tự chủ cả chi thường xuyên và đầu tư. Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ nêu, học phí từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026 của các cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí tại điểm a khoản này tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.

Tuy nhiên, trên thực tế, các trường cũng phải tính toán cụ thể, chi tiết trên cơ sở đề án kinh tế kỹ thuật để có thể tính toán chi phí cho một sản phẩm đào tạo là bao nhiêu để có thể duy trì hoạt động và thiết lập được các quỹ chứ không thể áp nguyên trần học phí như vậy được.

Hơn nữa, mỗi trường sẽ cần đưa ra mức học phí phù hợp với điều kiện của mỗi vùng miền bởi người dân mỗi nơi lại có kinh tế khác nhau; các trường cũng cần thiết lập quỹ học bổng để hỗ trợ cho các em ở vùng khó khăn cũng như sức cạnh tranh của mình, cách quản trị khác nhau,...

Hiện tại, sau khi tính xong đề án kinh tế kỹ thuật chi tiết cho từng mục, trường cũng đang tính tới việc năm 2023 do kinh tế của người dân vẫn còn chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên có thể trường sẽ áp dụng mức trần của năm 2022 để chia sẻ khó khăn với xã hội.

Cũng theo Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, hiện trường vẫn đang cố gắng đa dạng thêm nguồn thu từ các nguồn khác nhau bên cạnh nguồn thu từ học phí như chuyển giao công nghệ nhiều hơn, kết hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp, tăng thêm đơn đặt hàng đào tạo của các doanh nghiệp, đẩy mạnh nguồn tài trợ. Nhưng nhìn nhận từ thực tế, với điều kiện và tình hình hiện nay, để đẩy mạnh các nguồn thu này phát triển hơn trong các cơ sở giáo dục đại học công lập vẫn còn rất khó thực hiện.

Khánh An