Trường y dược phải “liệu cơm gắp mắm” vì không được tăng học phí

15/01/2023 06:32
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo tính toán của Trường Đại học Y dược Cần Thơ, chênh lệch giữa tổng chi dự kiến và mức thu là khoảng 150 tỷ đồng.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165 về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 – 2023, yêu cầu các cơ sở giữ ổn định mức thu năm học này bằng với năm học 2021 - 2022.

Với nhiều cơ sở đào tạo y dược, việc không tăng học phí là một áp lực lớn vì chi phí đào tạo cao, các trường phải “liệu cơm gắp mắm” để tính toán cân đối thu – chi.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bắc – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lâu nay học phí đại học không cao do được nhà nước bao cấp. Còn với các trường đại học đã tự chủ thì trường được tự xác định mức học phí của mình theo quy định của Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Bắc cho rằng, học phí cao nhà trường sẽ đầu tư nhiều hơn cho chất lượng giáo dục. Ảnh: Website Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh

Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Bắc cho rằng, học phí cao nhà trường sẽ đầu tư nhiều hơn cho chất lượng giáo dục. Ảnh: Website Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, theo tinh thần của Nghị quyết 165, chính sách của Nhà nước ta là nhằm hỗ trợ người học trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Và khi có Nghị quyết của Chính phủ thì Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh nghiêm túc thực hiện.

Khi yêu cầu giữ ổn định mức học phí bằng với năm học 2021 - 2022, nhà trường phải đảm bảo cân đối, điều chỉnh thu chi thật hợp lý, phải “liệu cơm gắp mắm”, cố gắng duy trì các khoản chi sao cho phù hợp với mức thu, hoặc có nhiều hình thức quản trị để điều chỉnh làm sao cho nhân sự của mình được hưởng mức lương, thưởng xứng đáng.

“Khi có điều kiện, có khả năng thu học phí cao hơn thì sẽ có sự đầu tư nhiều hơn, từ chương trình giảng dạy, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, và cả đầu tư cho nguồn lực,...

Đầu tư cao sẽ có kết quả cao, tất nhiên mức đầu tư đó phải đi kèm với việc thực hiện của trường. Thu học phí nhiều thì sẽ đầu tư nhiều để nâng cao chất lượng. Tương ứng với mức thu học phí cao thì có sự đầu tư để người học thấy rằng, học phí đó xứng đáng với chất lượng đào tạo họ nhận được”, Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Bắc chia sẻ thêm.

Theo Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết của Chính phủ ra hơi muộn, cũng đã gây một số trở ngại nhất định cho các hoạt động của trường. Chính sách nên ra trước năm học để các trường công bố mức học phí và tiến hành thu học phí.

Tất nhiên, khi có quy định, nhà trường sẽ thực hiện nghiêm túc nhưng trường cũng phải nghiên cứu lại để điều chỉnh, hoàn trả lại học phí cho sinh viên. Và cả những dự toán, kế hoạch trong năm học của trường cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

Bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết, những năm qua, nhà trường đều thu học phí ở mức thấp so với mặt bằng chung của các trường y dược.

Trường đã thực hiện tự chủ từ năm 2017 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và có khung học phí theo từng năm, nhà trường thu theo khung học phí đó.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Ảnh: Doãn Nhàn

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Ảnh: Doãn Nhàn

Năm học 2021 - 2022, vì tình hình dịch bệnh, theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường giữ mức học phí giống như năm học 2020 - 2021. Bước sang năm học 2022-2023, nhà trường và Hội đồng trường đã nghiên cứu và phê duyệt mức học phí theo Nghị định 81. Tuy nhiên, trường vẫn tính mức học phí ở mức thấp, dù đã thực hiện tự chủ, đồng thời các chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng.

Năm học 2022 - 2023, nhà trường đã tiến hành thu học phí của sinh viên. Tuy nhiên, tháng 12 vừa qua, khi có Nghị quyết 165 của Chính phủ, trường đã nghiêm túc thực hiện, cân đối lại học phí học kỳ 2, học kỳ 3, còn học phí dôi dư sẽ gửi lại cho sinh viên vào cuối học kỳ 3.

“Khi học phí vẫn phải duy trì như mức năm học trước thì có một số vấn đề phát sinh. Hội đồng trường cũng đã họp bàn về việc thực hiện Nghị quyết 165, quay lại với mức học phí của 3 năm trước.

Như vậy, ba năm nay, nhà trường vẫn giữ nguyên mức học phí. Dẫu vậy, các chi phí chi trả cho các bệnh viện thực hành cũng như hỗ trợ học bổng của sinh viên đều tăng theo mức mới. Vì vậy, điều này đã gây khó khăn cho trường trong triển khai một số hoạt động.

Nhà trường cũng phải tiết kiệm chi tiêu một số nội dung để có thể triển khai được các hoạt động theo kế hoạch đã đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025”, cô Minh Phương chia sẻ.

Theo tính toán của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, chênh lệch giữa tổng chi dự kiến và mức thu là khoảng 150 tỷ đồng, đó cũng là một con số khá lớn.

Phó Giáo sư Nguyễn Minh Phương cho rằng, khi các trường đăng ký đề án tuyển sinh, trong đó đã có công bố mức học phí dự kiến, nhưng về vấn đề học phí, Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Chính phủ khá chậm.

Trường đã thu học phí và những dự toán chi của nhà trường trong năm học đều theo khung học phí mới. Nhưng bây giờ có quy định mới, trường chỉ điều chỉnh duy nhất học phí, điều này dẫn tới bài toán thu chi, triển khai hoạt động của trường gặp nhiều khó khăn vì vẫn chi theo mức chi mới, làm giảm nguồn thu lớn của nhà trường. Trong khi trường đã thực hiện tự chủ từ năm 2017, đến nay, nhà trường không nhận được khoản kinh phí hỗ trợ nào từ Ngân sách nhà nước.

Nghị quyết ra muộn và thay đổi hoàn toàn so với quy định của Nghị định 81 (quy định mức học phí theo khối ngành, theo mức độ tự chủ, theo các chương trình đã được kiểm định chất lượng,...).

Trong khi đó, khối ngành y dược lại cần kinh phí lớn đảm bảo cho sinh viên thực hành tại các cơ sở bệnh viện cũng như mua sắm trang thiết bị cho sinh viên thực hành. Do đó, những quy định về học phí cần được ban hành trước năm học để các trường có kế hoạch tốt nhất cho bài toán thu - chi, đảm bảo các hoạt động và chất lượng giáo dục. Khi quy định ra muộn thì không riêng trường y dược, mà tất cả các trường đều sẽ gặp khó khăn.

Trường Đại học Y dược Cần thơ phải cân đối thu chi từ nguồn thu được tích lũy qua nhiều năm học trước. Việc cân đối thu chi và triển khai các hoạt động từ nay đến năm 2025 nhà trường không gặp quá nhiều khó khăn, nhưng nếu kéo dài tình trạng này thì kế hoạch phát triển của nhà trường đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 sẽ không thể đảm bảo. Nhà trường đã có kế hoạch xây dựng những hạng mục công trình phục vụ cho sinh viên, xây dựng những khu thực hành ở những cơ sở thực hành của sinh viên, nếu nguồn thu không đủ lớn thì sẽ không thực hiện được những mục tiêu, kế hoạch dài hạn đã đặt ra.

Phạm Minh