Những năm qua, ngành giáo dục đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách của ngành đến các nhà trường và đội ngũ giáo viên nhưng có những chủ trương, chính sách mới đã gặp những ý kiến trái chiều từ chính đội ngũ nhà giáo.
Những hạn chế này cũng đã được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu trong bài tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong những hạn chế được đề cập thì Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới việc “truyền thông nội bộ của ngành chưa tốt”…
Chúng tôi cho rằng, công tác truyền thông phải bắt đầu từ những lãnh đạo của các nhà trường, họ phải là những người nắm bắt tốt những chủ trương, chính sách mới của ngành để triển khai, giải đáp và khích lệ, động viên giáo viên trong đơn vị mình thực hiện.
Việc tập huấn chương trình mới cũng đang gặp một số ý kiến trái chiều từ đội ngũ nhà giáo (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Giáo viên thắc mắc và nêu ý kiến trái chiều đã được Bộ trưởng đề cập
Trong bài tham luận của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khái quát 9 thành tựu và 5 hạn chế của ngành sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
Chúng tôi đặc biệt chú ý đến hạn chế thứ năm mà Bộ trưởng đã nêu, đó là:
“Công tác truyền thông về giáo dục còn hạn chế, chưa tạo được đồng thuận cao trong xã hội khi bắt đầu triển khai nhiều chủ trương, chính sách mới của ngành. Truyền thông nội bộ ngành chưa hiệu quả, còn những ý kiến trái chiều ngay trong đội ngũ giáo viên khi triển khai chính sách mới”.
Điều Bộ trưởng nói hoàn toàn đúng bởi muốn thực hiện thành công một chủ trương mới thì việc đầu tiên phải nhận được sự đồng thuận từ những người thực hiện chủ trương đó.
Nhìn lại một công việc được xem là quan trọng nhất của ngành giáo dục trong mấy năm gần đây thì việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 có thể được xem như đã thể hiện rõ những bất cập này.
Ngay từ khi dự thảo chương trình tổng thể, chương trình môn học còn trong quá trình lấy ý kiến của xã hội thì nhiều giáo viên đã lo lắng về công việc của mình sẽ thực hiện trong những năm tới đây.
Sự lo lắng của đội ngũ giáo viên hay dư luận là hoàn toàn có cơ sở vì chẳng hạn như việc đưa 2 môn tích hợp vào giảng dạy ở cấp trung học cơ sở nhưng ngay cả những người viết chương trình cũng còn bỡ ngỡ.
Người viết chương trình tổng thể, chương trình môn học, sách giáo khoa đang là những chuyên gia, giảng viên, giáo viên đơn môn nhưng lại hướng tới việc giáo viên phổ thông trong những năm tới đây dạy cả môn tích hợp từ 2-3 môn học hiện nay.
Truyền thông của Bộ chưa tốt, chưa giải đáp được những thắc mắc, hoài nghi của dư luận. Trong khi, nhiều người trực tiếp quản lý ở các nhà trường cũng rất mơ hồ vì có nhiều người cũng không có điều kiện đọc hết được chương trình tổng thể, chương trình môn học.
Giáo viên thực hiện, tập huấn gặp khó khăn, muốn được tháo gỡ thì việc đầu tiên họ phải hỏi đến ban giám hiệu nhà trường nhưng một số thành viên ban giám hiệu thì trả lời theo kiểu: "chắc là"; "có lẽ" hoặc "thầy cô cứ thực hiện đi, khó khăn thì tháo gỡ dần dần"…
Nhiều thầy cô trong ban giám hiệu không nắm chắc được chủ trương đổi mới của ngành nên khi nhận được những văn bản ở trên gửi về thì triển khai cho giáo viên chưa thấu đáo. Thậm chí là không triển khai mà chỉ chuyển tiếp cái email rồi nói giáo viên thực hiện.
Chính vì Ban giám hiệu nắm không chắc chủ trương của ngành, triển khai không cặn kẽ, tường tận vấn đề nên giáo viên họ cũng mơ hồ, gặp áp lực trong quá trình thực hiện hàng ngày. Họ không biết kêu ai, chia sẻ cùng ai nên việc nêu ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng là điều dễ hiểu.
Công tác truyền thông của ngành giáo dục cần bắt đầu từ đâu?
Qua những gì Bộ trưởng chia sẻ cùng thực tiễn mà người viết quan sát được trong hoạt động giảng dạy, tập huấn chuyên môn và trao đổi với các đồng nghiệp, có thể nhận thấy lý do chủ yếu khiến các chủ trương mới của ngành "truyền mà chưa thông", là do cách thức đã lạc hậu, đó là triển khai và lấy ý kiến tuần tự theo ngành dọc.
Rất nhiều tiếng nói đóng góp xây dựng của giáo viên đã không được lắng nghe, không đến được với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Báo cáo ở dưới gửi lên gần như chỉ có một chiều ca ngợi, không mấy khi có ý kiến phản biện, phân tích và góp ý thay đổi.
Bộ cứ xem lại kết của của mô hình Trường học mới (VNEN) tại các địa phương và so sánh với báo cáo của các cục vụ chuyên môn, các sở giáo dục và đào tạo thì biết ngay.
Hoặc nữa, với những hạt sạn to đùng trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới bị dư luận phát hiện và Bộ buộc phải chỉ đạo tiếp thu sửa chữa, Bộ hãy đem các báo cáo, ý kiến phản hồi được nộp về từ địa phương theo ngành dọc xem sao.
Ngay trong lúc dư luận phản đối ầm ầm các lỗi sai này, thì một vị giám đốc sở giáo dục và đào tạo vẫn tuyên bố với báo giới, chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai năm đầu tiên (lớp 1) ở địa phương vị này quản lý rất thuận lợi, giáo viên không có ý kiến gì!
Do đó để các chủ trương, chính sách, văn bản mới của ngành truyền được thông suốt trong nội bộ, ngoài khâu truyền từ trên xuống dưới, thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thay đổi cách thức nhận ý kiến phản hồi từ dưới lên trên.
Bên cạnh các ý kiến được gửi chính thức theo ngành dọc, thì ý kiến của giáo viên trên các diễn đàn, nhất là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cũng cần được lưu tâm, nghiên cứu thấu đáo, trao đổi kịp thời, đồng thời so sánh giữa báo cáo ngành dọc với ý kiến trực tiếp của giáo viên đăng tải trên Tạp chí này để rút ra vấn đề đang nằm ở đâu mà tìm cách tháo gỡ.
Làm được như vậy thì không có gì Bộ "truyền" mà lại không thông suốt khắp cả!
Ngoài ra, chúng tôi cho rằng trong trường học thì ban giám hiệu nhà trường là người đầu tiên tiếp cận các văn bản của cấp trên gửi về.
Họ cũng là người thường xuyên được đi trước, đón đầu các chủ trương từ các cuộc họp giao ban, tập huấn từ sở, phòng giáo dục. Có nghĩa, họ là người biết trước các chủ trương, là người đứng ra phổ biến các chủ trương, chính sách của ngành đến giáo viên trong đơn vị.
Những thầy cô trong ban giám hiệu mà siêng đọc, ham học hỏi, có trách nhiệm và giỏi chuyên môn thì họ triển khai đến giáo viên rất nhanh gọn, dễ hiểu, họ biết sàng lọc những cái không (chưa) phù hợp để vận dụng vào công việc điều hành của nhà trường một cách giản đơn mà hiệu quả.
Thành viên nào trong ban giám hiệu mà không chú trọng chuyên môn, các công việc đều “chuyển” đến cho tổ chuyên môn và giáo viên thì đó là một điều đáng chê trách.
Đó là chưa kể một số thành viên ban giám hiệu rất ngại thay đổi quy cách làm việc, quản lý, không chịu thay đổi theo hướng tích cực, gọn nhẹ cho giáo viên mà quản lý theo kiểu …an toàn.
Họ cứ giao việc cho giáo viên, thừa không sao nhưng chỉ sợ phòng , sở về thanh tra thì quở trách ban giám hiệu. Với cách làm việc như vậy sẽ tạo thêm áp lực cho giáo viên và dẫn đến sự ức chế cho giáo viên trong trường.
Bởi trong mỗi đơn vị thì cũng luôn có nhiều thầy cô họ tiếp cận các văn bản mới, chủ trương mới của ngành triển khai hàng ngày. Việc tiếp cận các chủ trương mới bây giờ thông qua báo chí còn nhanh nhạy hơn nhiều việc chuyển tiếp thông tin qua đường nội bộ của ngành.
Vì thế, chúng tôi cho rằng, yếu tố làm nên sự thành công là các thành viên trong ban giám hiệu nhà trường phải nhanh nhạy, ham học hỏi và phải cầu tiến, làm việc hiệu quả. Đặc biệt là những thầy cô này sẽ là những người tiên phong trong công việc, biết khích lệ, động viên giáo viên trong trường.
Từ đó, mới hạn chế được "những ý kiến trái chiều ngay trong đội ngũ giáo viên khi triển khai chính sách mới” - như lời Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận định trong bài tham luận của mình tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Tìa liệu tham khảo:
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/bo-truong-phung-xuan-nha-neu-9-thanh-tuu-va-5-han-che-cua-nganh-giao-duc-708724.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.