Nếu chỉ hưởng 1 trong 2 chế độ giảm định mức hoặc phụ cấp, tổ trưởng tâm tư

02/01/2025 06:40
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nên tiếp tục duy trì chế độ vừa được giảm tiết dạy và hưởng phụ cấp chức vụ như hiện nay và bổ sung tổ trưởng, tổ phó chuyên môn là vị trí việc làm quản lý.

Dự thảo về chế độ làm việc mới của giáo viên phổ thông nhận được sự quan tâm của giáo viên cả nước. Trong đó có nội dung nhận được nhiều ý kiến trái chiều về chế độ cho tổ trưởng, tổ phó chuyên môn nếu được giảm tiết dạy thì không được hưởng phụ cấp chức vụ và ngược lại vì công việc của tổ trưởng chuyên môn hiện nay khá vất vả, áp lực.

Người viết cũng hơn 15 năm đảm nhiệm nhiệm vụ tổ trưởng chuyên môn nên thấy rõ sự vất vả của tổ trưởng, tổ phó chuyên môn. Nhiều giáo viên giỏi nhưng khi đề bạt tổ trưởng, tổ phó chuyên môn thì họ hay từ chối vì áp lực lớn, tổ chuyên môn chính là trường học thu nhỏ mà tổ trưởng, tổ phó phải quản lý, điều hành để hoạt động được suôn sẻ, nếu quản lý không khéo léo, yếu chuyên môn sẽ dễ dẫn đến mất đoàn kết, thưa kiện kéo dài.

Anhr nhà giáo.jpg
Ảnh minh họa

Tổ trưởng, tổ phó chuyên môn có phải viên chức quản lý?

Khoản 1 Điều 3 Luật Viên chức 2019 quy định viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý.

Mục 1 Điều 3 Nghị định 115/2020/NĐ-CP được bổ sung sửa đổi bởi Nghị định 85/2023/NĐ-CP quy định, viên chức được phân thành 02 loại: viên chức quản lý và viên chức không giữ chức vụ quản lý.

Nội dung này quy định rõ viên chức quản lý là người được bổ nhiệm chức vụ viên chức quản lý có thời hạn… và được hưởng phụ cấp chức vụ.

Cơ bản, người được bổ nhiệm và được hưởng phụ cấp chức vụ thì được gọi là viên chức quản lý.

Việc chi trả phụ cấp chức vụ đối với tổ trưởng chuyên môn và tương đương (tổ trưởng), tổ phó chuyên môn và tương đương (tổ phó) trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư 33/2005/TT-BGDĐT ngày 08/12/2005 về hướng dẫn tạm thời chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Theo đó, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó được hưởng phụ cấp chức vụ nên được xem là viên chức quản lý.

Về cơ bản, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn thỏa mãn điều kiện được xem là viên chức quản lý vì được bổ nhiệm và hưởng phụ cấp chức vụ.

Tuy vậy, theo Thông tư 19, 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo mầm non, phổ thông công lập quy định về định mức số lượng người làm việc vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý:

Hiệu trưởng: Mỗi trường được bố trí 01 hiệu trưởng.

Phó hiệu trưởng: số lượng phó hiệu trưởng thực hiện theo quy định về số lượng cấp phó tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

Như vậy, theo Thông tư 19, 20/2023/TT-BGDĐT chỉ có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là viên chức quản lý, tổ trưởng, tổ phó được xếp vào vị trí chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và quản lý tổ chuyên môn, không phải viên chức quản lý.

Vẫn còn có sự chưa thống nhất trong việc xác định tổ trưởng, tổ phó chuyên môn có phải là viên chức quản lý hay không.

Quy định hiện nay, tổ trưởng chuyên môn được giảm tiết, phụ cấp ra sao?

Thông tư 33/2005/TT-BGDĐT ngày 08/12/2005 về hướng dẫn tạm thời chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Theo đó, tổ trưởng trường trung học phổ thông được hưởng phụ cấp chức vụ 0,25, các trường còn lại phụ cấp chức vụ 0,2; đối với tổ phó chuyên môn thì tất cả các cấp học được hưởng phụ cấp chức vụ 0,15, mức phụ cấp = mức lương cơ sở x hệ số phụ cấp.

Như vậy tổ trưởng, tổ phó chuyên môn được hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,15 đến 0,25 tùy theo loại trường công tác và vị trí đảm nhận.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 8 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT (được bổ sung bởi Khoản 8 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT), chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn được quy định như sau: Tổ trưởng bộ môn được giảm 3 tiết/tuần; Tổ phó chuyên môn được giảm 1 tiết/tuần.

Giáo viên kiêm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn được giảm tiết dạy và được hưởng một khoản phụ cấp chức vụ. Tuy vậy, mức phụ cấp này cũng không nhiều nên ít giáo viên mặn mà khi được giao làm tổ trưởng.

Dự thảo chế độ làm việc mới tổ trưởng, tổ phó sẽ hưởng chế độ ra sao?

Dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Theo đó, tại Dự thảo có những đề xuất đáng chú ý với tổ trưởng chuyên môn như sau.

Cụ thể, theo Điều 8 Dự thảo Thông tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề xuất về chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn như sau:

Giáo viên chủ nhiệm lớp ở các trường phổ thông được giảm 04 tiết/tuần.

Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường dự bị đại học được giảm 03 tiết/tuần.

Tổ trưởng chuyên môn hoặc tổ trưởng tổ quản lý học sinh (trong trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú) được giảm 03 tiết/tuần.

Tổ phó chuyên môn hoặc tổ phó tổ quản lý học sinh (trong trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú) được giảm 01 tiết/tuần.

Giáo viên kiêm phụ trách phòng học bộ môn (nếu không có viên chức thiết bị, thí nghiệm) được giảm 03 tiết/môn/tuần.

Giáo viên kiêm trưởng phòng chức năng trường dự bị đại học được giảm 03 tiết/tuần; giáo viên kiêm phó trưởng phòng chức năng trường dự bị đại học được giảm 01 tiết/tuần.

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến vẫn sẽ duy trì việc giảm định mức 03 tiết (đối với tổ trưởng) và 01 tiết (đối với tổ phó)/tuần.

Mặc dù tại Dự thảo Thông tư vẫn đề xuất giữ nguyên việc giảm định mức tiết dạy đối với tổ trưởng chuyên môn.

Tuy nhiên, tại Khoản 3 Điều 4 Dự thảo Thông tư có đề xuất như sau:

Mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 02 nhiệm vụ quy định tại Điều 8, 9, và 10 Dự thảo Thông tư. Đối với các vị trí kiêm nhiệm và các hoạt động chuyên môn theo quy định tại Chương III Thông tư này (trừ kiêm nhiệm công tác công đoàn, bí thư đoàn, phó bí thư đoàn cấp trường) nếu đã được nhận tiền thù lao hoặc tiền phụ cấp thì không được quy đổi ra tiết dạy.

Theo đó, có thể thấy, Dự thảo Thông tư đang được xây dựng theo hướng bỏ phụ cấp chức vụ hoặc không giảm định mức giảng dạy đối với tổ trưởng và tổ phó chuyên môn. Tức là những nhà giáo hiện đang kiêm nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn ở các trường phổ thông dự kiến sẽ chỉ được hưởng 1 trong 2 chế độ nêu trên.

Nên duy trì phụ cấp chức vụ cho tổ trưởng, tổ phó chuyên môn và tăng nhiệm kỳ lên 03 năm

Người viết cho rằng trong giai đoạn hiện nay công việc của tổ trưởng chuyên môn rất vất vả, áp lực, quy định mới mỗi tổ chuyên môn phải có ít nhất 7 thành viên và 2 mảng công việc trở lên khiến công việc tổ trưởng, tổ phó chuyên môn nặng nề hơn, nếu chỉ giảm tiết dạy (hoặc chỉ được hưởng phụ cấp 0,1-0,25) là chưa tương xứng tính chất, mức độ phức tạp của công việc.

Nên, người viết cho rằng nên tiếp tục duy trì chế độ cho tổ trưởng, tổ phó chuyên môn vừa được giảm tiết dạy và hưởng phụ cấp chức vụ như hiện nay, bổ sung vào Thông tư 19, 20/2023/TT-BGDĐT tổ trưởng, tổ phó chuyên môn là vị trí việc làm quản lý, lãnh đạo để phù hợp với Luật Viên chức, Nghị định 115/2020/NĐ-CP được bổ sung sửa đổi bởi Nghị định 85/2023/NĐ-CP.

Vì, phụ cấp chức vụ với hệ số 0,15-0,25 cho tổ trưởng là số tiền không lớn, nếu cân đối chi phù hợp sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tài chính của đơn vị.

Ví dụ, một trường trung học cơ sở có 3 tổ chuyên môn, có 3 tổ trưởng và 3 tổ phó, mỗi tháng chi phụ cấp chức vụ tổ trưởng 0,2 x 2,34 x 3 triệu là 1,404 triệu, 3 tổ phó là 0,15 x 2,34 triệu x 3 là 1,053 triệu, tổng cộng mỗi tháng chi phụ cấp cho tổ trưởng, tổ phó không đến 2,5 triệu, con số nhỏ, nên giữ lại để động viên tổ chuyên môn thực hiện tốt nhiệm vụ, vì các tổ chuyên môn là cánh tay nối dài của hiệu trưởng đến từng thành viên, tổ trưởng làm việc hiệu quả, trường sẽ phát triển tốt.

Hiện nay nhiệm kỳ của tổ trưởng chuyên môn chỉ là 01 năm học, người viết cho rằng quá ngắn, mỗi năm lại phải tổ chức bình bầu theo quy trình 5 bước của Nghị định 115/2020/NĐ-CP được bổ sung sửa đổi bởi Nghị định 85/2023/NĐ-CP là khá phức tạp, hình thức nên người viết cho rằng nên tăng nhiệm kỳ của tổ trưởng, tổ phó chuyên môn lên 3 năm một lần.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên