Chữ nổi (Braille) là cầu nối giúp người khiếm thị tiếp cận tri thức, giao tiếp và hòa nhập xã hội. Để tôn vinh hệ thống này, Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn ngày 4/1 (ngày sinh của Louis Braille, người sáng lập ra chữ nổi) làm Ngày Chữ nổi Thế giới, sự kiện được tổ chức lần đầu vào năm 2019.
Đối với người khiếm thị, việc học chữ nổi khác với người sáng mắt, và để người khiếm thị dạy cho người đồng cảnh ngộ không phải là dễ. Trong những năm tháng tham gia giảng dạy chữ nổi, bà Trần Việt Anh (Chủ tịch Hội người mù huyện Phú Xuyên, Hà Nội), có những kỉ niệm đáng nhớ, khó quên.
Bà Trần Việt Anh sinh ra bị khiếm thị bẩm sinh. Trước đây, công tác tuyên truyền về việc học chữ nổi không được phổ biến như hiện nay. Vì vậy, năm 16 tuổi bà mới biết và đi học chữ nổi, học kiến thức văn hóa cùng những người khiếm thị.
Từ đó, bà học tin học văn phòng với các phần mềm hỗ trợ người khiếm thị, rồi học đại học và tốt nghiệp chuyên ngành Luật. Trong giai đoạn 2000-2008, bà tham gia giảng dạy kiến thức văn hóa và dạy đọc, viết chữ nổi cho người khiếm thị.
"Chữ nổi có vai trò vô cùng quan trọng với người khiếm thị. Nếu họ muốn phát triển tốt khả năng của bản thân, thì họ cần phải biết sử dụng chữ nổi, để giúp họ có kiến thức văn hóa", bà Việt Anh chia sẻ những gì bản thân từng trải.
Trong kí ức về việc giảng dạy chữ nổi của bà Trần Việt Anh, bà ấn tượng nhất là với trường hợp một bé trai khiếm thị ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Khi đó, bà Việt Anh tham gia giảng dạy chữ nổi ở Hội người mù tỉnh Vĩnh Phúc, trong lớp có một cháu bé bảy tuổi bị khiếm thị từ nhỏ. Ở nhà, gia đình thường chăm chút, chiều chuộng cháu, nên cháu chưa biết đánh răng, rửa mặt, cầm thìa để xúc cơm...
"Khi cháu đến lớp học chữ nổi và ở tại hội, tôi phải dạy dỗ cho cháu bé các kỹ năng như cầm thìa xúc cơm, đánh răng...", bà Việt Anh nhớ lại.
Trong khoảng thời gian học tập ở hội, cháu bé cảm thấy khó chịu vì thay đổi môi trường sống, vì vậy cháu không có hứng thú học tập.
Chủ tịch Hội người huyện Phú Xuyên nhớ lại, có lần trong khi bà đang giảng dạy trên lớp, cháu bé bỏ đồ chơi ra chơi và đi ra khỏi lớp. Khi này bà Việt Anh yêu cầu cháu quay trở lại lớp, nhưng cháu không nghe lời, chạy xuống tầng một...
"Khi này, tôi ôm được cháu và bị cháu cắn mạnh vào tay, làm tay tôi bị chảy máu, sưng to. Tôi đã khuyên nhủ cháu về sự cần thiết của việc học như nào, nếu không học cuộc sống của cháu sẽ vất vả ra sao", bà Việt Anh nhớ lại vết cắn đó để lại sẹo nhiều năm liền cho bà sau này.
Bà Trần Việt Anh chia sẻ thêm, sau khi được bà khuyên nhủ, cháu bé đã nghe lời và ở lại học tập. Đến nay, cháu đã học xong cấp trung học phổ thông và đi học, làm chủ cơ sở xoa bóp bấm huyệt.
Học chữ nổi đòi hỏi sự cảm nhận của xúc giác
Bà Việt Anh cho hay, đối với những người học chữ nổi, dựa trên sự ghi nhớ thông qua sự nhạy cảm của bàn tay. Có những người học tốt, chỉ khoảng nửa tháng là đọc thông, viết thạo.
Bà Việt Anh chia sẻ, bảng chữ nổi braille là ký tự được mã hóa bằng mật mã, nằm trong sáu chấm nhỏ. Trong sáu chấm này sẽ được biến đổi vị trí thành cấu trúc của 29 chữ cái. Giả dụ, chấm 1 là chữ "a", thêm một chấm nữa sẽ là chữ "b".
Bảng chữ nổi chia làm hai bộ phận chính, gồm mặt sàn ở trên để người viết di chuyển ngòi bút trong ô sáu chấm này, không nhảy sang ô khác. Ở phía dưới là các lỗ nhỏ để người viết ấn ngòi bút xuống nó sẽ hằn xuống mặt phía dưới.
Đối với người khiếm thị, họ sẽ đọc từ trái sang phải như người bình thường. Còn với việc viết, họ sẽ viết chữ nổi từ phải qua trái.
Đối với việc giảng dạy chữ nổi cho người khiếm thị, cần phải có các dụng cụ như sách giáo khoa, bảng bút, con cắn, bảng tính. Người học bắt đầu học xóa mù chữ sẽ được trang bị một bộ sách giáo khoa M1 (kiến thức đến lớp 2), và bộ sách giáo khoa M2 được xây dựng ở mức nâng cao hơn (kiến thức lớp 3 - lớp 5).
"Hiện nay, người học có thể học chữ bằng máy tính, điện thoại thông minh nhưng phải phụ thuộc vào việc đầu tư trang thiết bị, đồng thời hạn chế trong việc ghi nhớ, ghi chép dữ liệu. Còn với việc học bằng chữ nổi, sẽ giúp họ ôn luyện lại, ghi nhớ được nhiều thông tin.
Sự hạn chế của việc học chữ nổi là bảng chữ nổi cồng kềnh, người dùng tốn kém chi phí khi phải mua giấy viết", bà Việt Anh chia sẻ.
Chia sẻ hoạt động giảng dạy chữ nổi của Hội người mù huyện Phú Xuyên, bà Trần Việt Anh cho hay, đơn vị tổ chức lớp dạy chữ nổi miễn phí cho người khiếm thị và khi có đủ số lượng học viên 10-15 người. Người học được tài trợ miễn phí việc ăn, ở sinh hoạt tại hội.
"Tùy vào thời điểm trong năm, giả dụ như với các cháu nhỏ, thời gian học chữ nổi 2-3 tháng, học tập trung các ngày trong tuần. Trước đây, hội thường mở vào tháng 8 đến tháng 10, phù hợp với người học lớn tuổi. Hiện nay, đối với các cháu học sinh, hội sẽ mở vào dịp mùa hè.
Khi chúng tôi khảo sát để tuyển người học, thí sinh có nhận thức về mặt trí tuệ bình thường, tuổi không quá cao là có thể học được chữ nổi. Không có tiêu chí gì quá khắt khe...", Chủ tịch Hội người mù huyện Phú Xuyên nói.
Về kinh phí để phục vụ cho việc giảng dạy, bà Trần Việt Anh cho hay, có những khóa, hội phải tự vận động kinh phí hoặc có lúc lấy từ ngân sách của hội để chi trả cho người học. Hội người mù Thành phố Hà Nội cũng có những đợt tài trợ sách giáo khoa, bảng, bút viết chữ nổi cho đơn vị để giúp đơn vị hỗ trợ người học.