CSGDĐH công lập hoạt động phi lợi nhuận phải đóng khoản thuế 2% có phù hợp?

02/01/2025 09:13
Hồng Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo lãnh đạo các trường đại học, nếu bỏ khoản thuế 2% hoạt động giáo dục sẽ giảm bớt gánh nặng tài chính cho cả nhà trường và người học.

Khoản 5, Điều 3, Văn bản hợp nhất 66/VBHN-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp nêu rõ: các hoạt động giáo dục được xem là loại dịch vụ và phải chịu thuế 2%. Điều này khiến nhiều chuyên gia băn khoăn học phí có phải là một loại hình dịch vụ hay không? Nếu coi học phí là hoạt động dịch vụ, các trường đại học công lập hiện nay phải nộp thuế 2%.

Tuy nhiên học phí là khoản tiền mà sinh viên và phụ huynh đóng góp để trang trải chi phí vận hành của trường, chứ không phải khoản lợi nhuận. Chính vì thế, nhiều trường đại học đề xuất Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi nên xem xét bỏ nội dung này.

Bỏ thuế 2% hoạt động giáo dục sẽ tạo điều kiện để các trường tái đầu tư

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Ngọ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Điện lực cho biết, hiện nay, nhìn chung hầu hết các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam hoạt động với quy mô chưa lớn, thậm chí, nhiều đơn vị còn có quy mô rất nhỏ. Do đó, đề xuất bỏ khoản thuế 2% hoạt động giáo dục cho các cơ sở giáo dục đại học là phù hợp và cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Đối với Trường Đại học Điện lực, nhà trường có quy mô tài chính khoảng hơn 300 tỷ đồng với tổng số gần 700 cán bộ, viên chức và người lao động, cùng khoảng 17.000 sinh viên. Để đảm bảo chi phí vận hành, nhà trường phải thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm. Trong khi đó, các yêu cầu về đảm bảo chất lượng theo chuẩn cơ sở giáo dục đại học ngày càng cao, đặt ra không ít thách thức cho các đơn vị đào tạo.

Bên cạnh đó, hiện nay, chính sách của nhà nước hạn chế đầu tư vào các cơ sở giáo dục đã được tự chủ. Vì vậy, việc bỏ khoản thuế 2% cho hoạt động giáo dục sẽ tạo điều kiện cho các trường đại học có thêm nguồn thu nhập đầu tư vào xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị thực hành, thực tập; đồng thời hỗ trợ người học cũng như nâng cao đời sống cán bộ, giảng viên. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để thúc đẩy chất lượng giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.

Nếu chuyển các cơ sở giáo dục hoạt động giống mô hình một doanh nghiệp và kinh doanh có lãi thì việc các trường đại học phải đóng thuế là đúng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ bản chất hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập nước ta hiện nay là phi lợi nhuận, tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Vì vậy, việc thu thuế đối với hoạt động phi lợi nhuận là chưa hợp lý.

Theo khoản 1, Điều 14, Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập quy định kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ (nếu có).

Mặc dù một số trường đại học có chênh lệch thu, chi, nhưng đây không phải là nguồn thu bền vững. Nguồn ngân sách tích lũy này chủ yếu xuất phát từ các chính sách, quy định về đầu tư và chiến lược phát triển dài hạn của các nhà trường. Nếu còn một khoản kinh phí mà nhà trường có thể chưa sử dụng trong năm thì có thể sẽ sử dụng vào năm sau. Ví dụ, nhiều cơ sở giáo dục thường dồn kinh phí từ năm này sang năm khác để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hoặc triển khai các dự án.

Điểm khác biệt giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp là trong khi doanh nghiệp phải hạch toán thu chi theo năm tài chính và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nếu có lãi, thì các trường đại học hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận. Hầu hết các khoản chi đều được quản lý chặt chẽ và tiết kiệm, nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Nếu buộc các trường phải sử dụng toàn bộ ngân sách trong năm để tránh chênh lệch thu, chi, sẽ dẫn đến rủi ro cho kế hoạch phát triển dài hạn, đặc biệt khi quy mô tuyển sinh của các trường có thể biến động qua từng năm.

Trong bối cảnh nguồn thu của nhiều trường đại học tự chủ còn hạn chế, việc bỏ thuế 2% hoạt động giáo dục sẽ tạo điều kiện để các trường tái đầu tư vào cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo và đời sống cho cán bộ, giảng viên. Đồng thời, chính sách này cũng giúp giảm áp lực tăng học phí, tạo cơ hội học tập tốt hơn cho người học.

gdvn-dl-4086.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Ngọ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Điện lực. (Ảnh: Minh Quân)

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ rằng, cơ quan thuế đưa ra cơ sở thu 2% dựa trên quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, ngành giáo dục và đào tạo có tính đặc thù riêng. Nếu là dịch vụ đào tạo có thu và có lợi nhuận thì việc nộp thuế là hợp lý. Nhưng tại Việt Nam, các cơ sở giáo dục đào tạo công lập mang tính phi lợi nhuận, các trường đang thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm của Nhà nước cũng như xã hội. Học phí được thu để bù đắp chi phí hoạt động, không thể xem đó là dịch vụ kinh doanh để áp thuế.

Hiện nay, gần như 100% các trường xây dựng mức học phí dựa trên Thông tư 14/2019/TT-BGDĐT hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Theo hướng dẫn này, học phí được tính toán trên nguyên tắc thu đủ bù chi, không bao gồm các khoản thuế. Tức là, học phí chỉ được xây dựng để trang trải chi phí hoạt động, hoàn toàn không tính thêm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hiện, cơ quan thuế đang đề nghị thu thuế học phí các cơ sở giáo dục đại học, thậm chí yêu cầu truy thu đối với một số trường. Việc này là rất khó cho các trường vì khi xây dựng học phí, các trường đã tính toán theo nguyên tắc thu đủ bù chi mà không có khoản thuế này. Toàn bộ nguồn thu đã được sử dụng cho các chi phí cần thiết, nên không đủ nguồn kinh phí để nộp thuế theo yêu cầu.

Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã nộp thuế 2% cho các hoạt động dịch vụ, như chuyển giao công nghệ hay nhiều dịch vụ khác. Tuy nhiên, với khoản thuế 2% học phí nhà trường vẫn chưa nộp vì không đủ kinh phí.

Xét trên góc độ trách nhiệm xã hội và vai trò của Nhà nước trong phát triển giáo dục, đề xuất bỏ thuế 2% hoạt động giáo dục là hoàn toàn hợp lý. Nếu hoạt động giáo dục mang tính dịch vụ có lợi nhuận thì việc thu thuế là chính đáng, tuy nhiên, giáo dục là hoạt động phi lợi nhuận.

Thực tế, các trường buộc phải thu học phí từ người học để bù đắp chi phí, việc thu lại khoản thuế 2% hoạt động giáo dục là chưa hợp lý. Xét trên phương diện phát triển giáo dục và đào tạo, quy định này cần được xem xét điều chỉnh để tạo điều kiện tốt hơn cho các cơ sở giáo dục. Vì vậy, tôi kiến nghị Nhà nước cần làm rõ căn cứ pháp lý cho việc thu thuế, đặc biệt đối với các dịch vụ đào tạo công lập.

0ecbd8b5bb03065d5f12.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh NVCC)

Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương cho hay: “Trường Đại học Hùng Vương là cơ sở giáo dục đại học của địa phương, thuộc nhóm ba về tự chủ tài chính, hiện chỉ đảm bảo hơn 40% kinh phí, phần còn lại vẫn phải phụ thuộc vào ngân sách hỗ trợ.

Hiện nay, học phí của nhà trường được thu theo khung giá do Nhà nước quy định nhưng vẫn chưa đủ để trang trải chi phí đào tạo. Thậm chí, tỉnh phải cấp thêm ngân sách bù đắp kinh phí để hỗ trợ hoạt động của nhà trường. Trong bối cảnh này, việc yêu cầu các trường nộp thuế 2% hoạt động giáo dục càng làm tăng thêm khó khăn cho nhà trường.

Nhà trường thu học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo với mức thấp, chỉ đạt 47% tự chủ tài chính. Nếu phải nộp thêm 2% thuế thu nhập doanh nghiệp, gánh nặng tài chính sẽ càng lớn, khiến nhà trường gặp nhiều khó khăn hơn.

Trong khi đó, tỉnh đã yêu cầu nhà trường phải nâng cao tỷ lệ tự chủ tài chính, nhưng với mức học phí thấp như hiện nay, cộng thêm khoản thuế này, việc thực hiện sẽ càng trở nên khó khăn. Đáng nói, nguồn thu chính của nhà trường hiện chỉ dựa vào học phí, nếu tăng quá cao sẽ tạo áp lực lớn cho phụ huynh và học sinh.

Ngoài ra, là trường đại học địa phương, nếu học phí ngang bằng với các trường đại học ở thành phố lớn sẽ mất đi ý nghĩa và vai trò phục vụ cộng đồng địa phương. Vì thế, khoản thuế 2% hoạt động giáo dục cần được xem xét lại.

Các cơ sở giáo dục đại học địa phương đang thu học phí ở mức rất thấp, chưa đủ chi phí hoạt động, và phải nhờ ngân sách tỉnh cấp bù. Nếu vướng mắc này được tháo gỡ, các trường sẽ giảm bớt khó khăn đáng kể”.

0f1a4036-8136.jpg
Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: UHL

Giảm thuế hoạt động giáo dục là giảm áp lực lên người học

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Ngọ, đối với các cơ sở giáo dục đại học tự chủ 100% như Trường Đại học Điện lực, nhà trường phải cân đối tất cả các khoản thu, chi. Mức học phí của người học được xác định đủ để đảm bảo một phần chi phí trong hoạt động chi thường xuyên cũng như công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường.

Nguồn tài chính hiện nay chủ yếu đến từ học phí do người học đóng góp. Vì vậy, nếu áp dụng thêm khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, gánh nặng tài chính này cuối cùng sẽ dồn lên người học, tác động trực tiếp đến học phí, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh viên và phụ huynh.

Trong khi đó, đối tượng được đào tạo ở các cơ sở giáo dục đại học bao gồm cả sinh viên nông thôn, miền núi, nhiều em có điều kiện kinh tế khó khăn. Do đó, nếu giảm thuế 2% hoạt động giáo dục đồng nghĩa với việc giảm áp lực lên người học.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục tại Việt Nam nhìn chung quy mô vẫn còn nhỏ. Dù nhiều đơn vị đã tự chủ tài chính, song vẫn chưa thực sự phát triển bền vững. Nhà nước xác định đầu tư cho giáo dục là quốc sách hàng đầu, bởi đây là lĩnh vực then chốt để phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Trước yêu cầu cấp thiết về đào tạo nguồn nhân lực, trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục đại học cần được tạo điều kiện để phát triển ổn định.

Chỉ đến khi cơ sở giáo dục hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và quản lý theo nguyên tắc bình đẳng, việc đóng thuế như các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác mới là phù hợp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều quốc gia trên thế giới vẫn tiếp tục đầu tư cho cả các trường đại học tư nhân, không chỉ riêng các trường công lập. Điều này nhằm phục vụ mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong nhận định: “Nếu phải nộp thuế 2%, các trường sẽ gặp khó khăn về tài chính, thậm chí không có khả năng chi trả. Hiện tại, mức học phí của Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng mà không bao gồm khoản thuế 2%.

Trong trường hợp buộc phải nộp, nhà trường có thể phải tăng học phí thêm 2%, đồng nghĩa với việc người học phải gánh thêm một khoản chi phí. Điều này có thể làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học đối với những sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Đây là điều bất hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh Nhà nước đang khuyến khích phát triển giáo dục, tạo điều kiện để mọi người tiếp cận cơ hội học tập chất lượng. Việc buộc người học gánh thêm các loại thuế và phí sẽ gây cản trở, đi ngược lại mục tiêu thúc đẩy giáo dục và đào tạo.

Trong bối cảnh điều kiện giảng dạy và học tập còn nhiều thiếu thốn, nếu được bỏ khoản thuế 2%, các trường có thể sử dụng kinh phí này để cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo. Nếu áp dụng thuế, các trường sẽ phải tìm cách bù đắp, có thể bằng cách tăng học phí, gây áp lực lên người học hoặc cắt giảm các khoản đầu tư khác.

Thay vì yêu cầu các trường đóng thêm thuế, Nhà nước nên cân nhắc bỏ khoản thuế 2% hoạt động giáo dục để các trường tập trung vào nhiệm vụ giáo dục và đào tạo nhân lực chất lượng cao”.

547049a032168f48d607.jpg
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NTCC)

Về phía Trường Đại học Hùng Vương, Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh chia sẻ, học phí của nhà trường hiện đang thu ở mức thấp do Phú Thọ là tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn, đa phần người dân có thu nhập thấp. Vì vậy, mức học phí được áp dụng theo khung quy định của Chính phủ với mức thu thấp nhất.

Trước năm 2021, nhà trường thu học phí theo mức quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, việc thu học phí đã được thực hiện theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng vẫn giữ mức thu thấp để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ và khu vực lân cận.

Với hoàn cảnh kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, việc áp dụng mức thuế 2% hoạt động giáo dục thực sự là một thách thức lớn đối với nhà trường. Điều này đặt ra bài toán nan giải về nguồn tài chính và khả năng cân đối ngân sách, trong khi mục tiêu của trường là tạo điều kiện cho người học có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận giáo dục chất lượng với mức chi phí hợp lý.

Nếu buộc phải thu thuế, nhà trường sẽ phải tăng học phí. Tuy nhiên, việc tăng học phí sẽ tác động trực tiếp đến người học, đặc biệt là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nếu phải trích thêm 2% từ học phí để nộp thuế, tình hình tài chính sẽ càng khó khăn hơn, ảnh hưởng đến cả chất lượng đào tạo lẫn cơ hội tiếp cận giáo dục của sinh viên".

Hồng Mai