Hoạt động giáo dục được ưu đãi thuế sẽ giảm áp lực tài chính cho chính HS, SV

11/12/2024 06:32
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Lãnh đạo một số trường đại học cho rằng, khoản thuế 2% hoạt động giáo dục tuy nhỏ nhưng nếu được bỏ thì sinh viên được hưởng lợi rất nhiều. 

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, phát biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề về khoản thuế 2% hoạt động giáo dục và đề nghị cân nhắc áp mức thuế này.

Theo vị đại biểu quốc hội này, có nên xem giáo dục đại học như một loại hoạt động dịch vụ để áp thuế hay không?. Bởi lẽ, khi khảo sát thực tế một số quốc gia, ví dụ như Mỹ, các trường đại học phi lợi nhuận thường không phải chịu thuế.

Trong khi tại Việt Nam, các hoạt động giáo dục, y tế, biểu diễn nghệ thuật được xem là loại dịch vụ và quy định hiện hành phải chịu thuế 2%.

Qua đó, ông Quân cho rằng, nếu áp dụng mức thuế 2%, khoản thuế này cũng sẽ được tính vào học phí, nghĩa là gánh nặng cho sinh viên và phụ huynh. (1) Không chỉ với cơ sở giáo dục đại học là đơn vị sự nghiệp công lập, nhiều cơ sở giáo dục đại học tư thục cũng mong muốn có chính sách ưu đãi thuế để giảm áp lực tài chính cho người học.

Nếu bỏ được khoản thuế 2% hoạt động giáo dục, gánh nặng với sinh viên được giảm bớt

Liên quan đến việc này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có ghi nhận quan điểm từ lãnh đạo của một số trường đại học nhận định về vấn đề này.

Bày tỏ quan điểm với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cho rằng, nếu các nhà quản lý, cơ quan ban hành luật có thể cân nhắc bỏ việc áp khoản thuế này là giảm áp lực với chính sinh viên.

Vị lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cho biết thêm: "Từ trước đến nay, Nhà nước ta luôn coi trọng vai trò của giáo dục và có rất nhiều quyết sách để thúc đẩy giáo dục phát triển.

Trong bối cảnh vẫn còn nhiều sinh viên dù gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng rất hiếu học thì việc giảm tải một phần nào đó gánh nặng về kinh tế cho các em và gia đình là một điều nhân văn và nên làm. Vì thế, tôi thấy rằng, nếu có thể bỏ được khoản thuế này thì cũng nên cân nhắc.

Với các trường đại học công lập thì đang áp mức chuẩn là 2% theo đúng quy định, nhưng có thể với một số trường đại học ngoài công lập mức thuế này có thể ở mức cao hơn, điều này thực tế là tạo ra gánh nặng rất lớn đối với các phụ huynh khi phải lo kinh tế cho con theo học".

thay-nguyen-dinh-tuong-9745.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Nghệ An. Ảnh: naue.edu.vn

Qua đó, thầy Tường cũng đã chia sẻ một số phương án mà Trường Đại học Kinh tế Nghệ An đang áp dụng để có thể giúp đỡ và chia sẻ áp lực tài chính với sinh viên, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Vị lãnh đạo này nhấn mạnh: "Trường Đại học Kinh tế Nghệ An là một cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc sự quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An nhưng trong 4 năm gần đây chúng tôi cũng đã có đề nghị với lãnh đạo tỉnh là không tăng học phí.

Bởi lẽ ngoài nguồn thu từ học phí thì nhà trường đang nhận được sự hỗ trợ từ tiền ngân sách. Bên cạnh đó, chúng tôi xác định rằng, nếu có thể làm được điều gì tốt nhất để sinh viên yên tâm theo học thì lãnh đạo nhà trường sẽ quyết tâm.

Nghĩa là hiện tại mức thu học phí tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An đang ở mức vừa phải, phù hợp với điều kiện kinh tế của đa phần sinh viên theo học.

Nếu trong tương lai, khoản thuế 2% này được bỏ thì sinh viên nhà trường sẽ được nhẹ gánh hơn.

Ngoài việc không tăng học phí trong nhiều năm, nhà trường cũng có nhiều nguồn học bổng từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để hỗ trợ sinh viên. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng có nhiều hỗ trợ thực tế cho sinh viên khi thực tập, thực hành tại doanh nghiệp thân thiết với nhà trường".

Có nên áp thuế đối với lĩnh vực giáo dục hay không là điều nên tính toán kỹ lưỡng

Lãnh đạo nhiều trường đại học cũng cho rằng, không chỉ với khối các trường đại học công lập mà các trường ngoài công lập cũng rất mong đợi.

Theo Tiến sĩ Phạm Kim Thư - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị, hiện nay, các trường đại học ngoài công lập đang được hưởng một số chính sách ưu đãi về thuế, thể hiện tinh thần nhân văn, sự coi trọng giáo dục và khuyến khích xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.

Vị này nêu dẫn chứng, về thuế thu nhập doanh nghiệp: các doanh nghiệp thông thường phải đóng 20%, trong khi các trường đại học tư thục chỉ đóng 10%.

Ngoài ra, các trường tư được miễn giảm thuế trong giai đoạn đầu hoạt động. Cụ thể, được miễn thuế trong 4 năm đầu kể từ khi thành lập và giảm 50% thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế, các trường phải đáp ứng một số điều kiện, không phải trường nào cũng đạt được. Một trong những tiêu chí khắt khe là phải đảm bảo 55m2 đất trên mỗi sinh viên (Quyết định số 1466/QĐ - TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường ). Nếu không đáp ứng các tiêu chí này, các trường sẽ bị truy thu thuế và hiện nay, chưa có nhiều trường đại học tư thục đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này.

thay-thu-988.jpg
Tiến sĩ Phạm Kim Thư - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị. Ảnh: NVCC

"Việc có nên tính thuế đối với lĩnh vực giáo dục hay không là một vấn đề cần được cân nhắc và tính toán kỹ. Bởi lẽ, giáo dục là lĩnh vực thiết yếu, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Việc miễn hoặc giảm thuế có thể giúp giảm gánh nặng tài chính cho các tổ chức giáo dục, tạo điều kiện để họ tập trung vào cải thiện chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất.

Chính sách ưu đãi thuế có thể coi là một cách thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với việc phổ cập, nâng cao giáo dục và khuyến khích đầu tư vào giáo dục", Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị cho hay.

Cũng theo chia sẻ của Tiến sĩ Phạm Kim Thư, hiện nay nếu thu học phí thấp thì sẽ không đảm bảo chất lượng đào tạo, vì các nhà trường phải đầu tư rất nhiều cho cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, thực tập...Tuy nhiên, nếu áp các mức thuế cộng vào học phí, đồng nghĩa với việc học phí sẽ cao, tạo áp lực cho sinh viên và gia đình các em đó.

Vì thế theo quan điểm của vị Phó Hiệu trưởng này, để giảm học phí, giảm áp lực cho người học cần một số chính sách đủ mạnh để trước hết hỗ trợ chính các nhà trường như: giao đất không thu tiền sử dụng đất cho các cơ sở giáo dục, miễn giảm thuế trong lĩnh vực giáo dục, chính sách tín dụng ưu đãi cho sinh viên….

Theo vị này, khi giảm bớt khó khăn cho các cơ sở giáo dục, thì cũng gián tiếp để các nhà trường có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ ngược lại cho người học, tạo điều kiện để họ tập trung học tập, đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy.

Cùng chung quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khắc Thường - Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Thiết cho rằng, khối các trường đại học ngoài công lập cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và cơ quan ban hành luật để có thể tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên trong việc giảm tải gánh nặng tài chính.

Vị hiệu trưởng này cho rằng, việc miễn hoặc giảm các khoản thuế với hoạt động giáo dục sẽ giúp giảm cho chính học sinh, sinh viên.

4-8-6624-1602.jpeg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khắc Thường - Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Thiết. Ảnh: upt.edu.vn

"Với đặc thù là trường đại học tư thục ở tỉnh lẻ, việc tuyển sinh hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh khốc liệt với các trường đại học khác thì nếu có ưu đãi về thuế sẽ giúp cho cơ sở giáo dục rất nhiều.

Điều này sẽ làm cơ sở để các trường đại học tư thục tính toán và đưa ra mức thu học phí phù hợp sau khi đã được áp dụng ưu đãi thuế. Từ đó, sẽ có những mức học phí đáp ứng với ngưỡng và khả năng kinh tế của đa phần nhiều sinh viên. Nó không chỉ giảm gánh nặng và áp lực với phụ huynh và còn góp phần giúp cho tất cả mọi người có nhu cầu học tập đều được tiếp cận với môi trường giáo dục đại học", Phó Giáo sư Võ Khắc Thường bày tỏ.

Tư liệu tham khảo:

(1) https://tuoitre.vn/giam-doc-dh-quoc-gia-tp-hcm-danh-thue-hoat-dong-giao-duc-tao-ganh-nang-hoc-phi-cho-phu-huynh-20241122151038464.htm

Trung Dũng