Trường học hạnh phúc không phải học ít đi mà học sáng tạo, thích thú hơn

30/11/2024 06:23
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho rằng, xây dựng trường học không chỉ dừng ở khẩu hiệu, mà cần đi vào chiều sâu.

Ngày 29/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết một năm thực hiện trường học hạnh phúc, triển khai nhiệm vụ của năm học 2024 – 2025.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng đã đến tham dự, có bài phát biểu chỉ đạo tại hội nghị này.

gdvn_soketTHHP.jpg
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết một năm thực hiện trường học hạnh phúc tại Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: V.D)

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe những cách làm hay của các trường học trên địa bàn thành phố xây dựng trường học hạnh phúc.

Thành lập nhiều ban trong trường học để xây dựng trường học hạnh phúc

Chia sẻ tại hội nghị này, cô Lê Trà Mi – Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông Tân Phú (Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, trường đã thành lập nhiều ban, với nhiều nhiệm vụ khác nhau để xây dựng trường thành trường học hạnh phúc.

Cụ thể: Ban EHS (Ban môi trường, sức khỏe, an toàn) đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường học tập, làm việc an toàn, lành mạnh cho học sinh.

Ban bảo vệ trẻ em, do hiệu trưởng làm trưởng ban sẵn sàng tiếp nhận và xử lý kịp thời mọi thông tin liên quan đến quyền bảo vệ trẻ em, các hành vi có thể gây xâm hại đến học sinh.

Ban 5S (sẵn sàng, săn sóc, sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ) giúp tạo ra không gian học tập, làm việc thật sạch sẽ, ngăn nắp và hiệu quả.

Cuối cùng là Ban An toàn thực phẩm, có sự tham gia của bộ phận y tế đảm bảo nguồn thực phẩm được cung cấp bởi các nhà cung cấp uy tín; ban giám sát quy trình chế biến thực phẩm tại bếp ăn, căng tin để đảm bảo sức khỏe của học sinh.

Song song đó, nhà trường còn tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, phát triển môi trường học tập tràn ngập yêu thương với việc thầy cô dạy học theo phương pháp tích cực, có chuyên viên tâm lý luôn lắng nghe học sinh nói.

100% cơ sở giáo dục tại thành phố thực hiện trường học hạnh phúc

Báo cáo tại hội nghị sơ kết, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, toàn thành phố có 2.362 trường học, trong đó có 1.275 trường mầm non, 520 trường tiểu học, 295 trường trung học cơ sở, 205 trường trung học phổ thông, 31 cơ sở giáo dục thường xuyên và 36 cơ sở giáo dục chuyên biệt.

Ông Dương Trí Dũng – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, cách đây đúng 1 năm., vào năm học 2023 – 2024, Sở đã triển khai bộ tiêu chí trường học hạnh phúc, triển khai kế hoạch thực hiện trường học hạnh phúc đến tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.

Bộ tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc có 18 tiêu chí, được chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn về con người, về dạy học và hoạt động giáo dục, về môi trường giáo dục. Cho đến nay, đã có 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã triển khai xây dựng trường học hạnh phúc, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục, cải thiện được kết quả học tập của học sinh.

Sau một năm triển khai bộ tiêu chí trường học hạnh phúc, ông Dương Trí Dũng cho rằng, Sở cũng cần có thêm những nghiên cứu, tham khảo và học hỏi từ những mô hình xây dựng trường học hạnh phúc, trường học tiên tiến trong và ngoài nước, nhằm có cơ sở để tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong việc triển khai kế hoạch đến tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

gdvn_soketTHHPc.jpg
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Dương Trí Dũng phát biểu (ảnh: V.D)

Ngoài ra, ông Dương Trí Dũng đề xuất trong thời gian tới, bộ tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc cũng cần tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá thực tế để có sự điều chỉnh cho phù hợp với các yêu cầu mới của ngành giáo dục và đào tạo, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội.

Để các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố thực hiện tốt bộ tiêu chí trường học hạnh phúc, ngành giáo dục thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức khác…thực hiện các buổi chuyên đề để hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm ứng xử các tình huống sư phạm.

Đồng thời, sẽ thực hiện việc mời các chuyên gia tư vấn để nhận diện, xử lý các tình huống vi phạm các quy định đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật của các cán bộ, giáo viên, nhân viên trong lao động nghề nghiệp; tổ chức các buổi tọa đàm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên, phụ huynh học sinh về trường học hạnh phúc, về sự đồng cảm, khoan dung…

Trường học hạnh phúc cần đi vào chiều sâu

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai bài bản xây dựng trường học hạnh phúc.

Trong năm vừa qua, thành phố đã khẳng định vai trò tiên phong, sáng tạo trong việc triển khai mô hình này. Trường học trên địa bàn thành phố không chỉ là nơi truyền tải kiến thức và kỹ năng, mà từng bước trở thành những ngôi nhà thứ hai thật sự hạnh phúc của học sinh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, ở đó mỗi học sinh sẽ được tôn trọng sự khác biệt, được cảm nhận sự yêu thương và sẻ chia từ bạn bè và thầy cô.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc mong rằng, mỗi thầy cô giáo, mỗi cán bộ, giáo viên sẽ xem đây là trách nhiệm, và cũng là cơ hội để đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

gdvn_soketTHHPb.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (ảnh: V.D)

Đối với các bộ tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị cần phải được triển khai một cách bài bản, tránh mang tính hình thức hoặc đánh giá theo lối hành chính.

Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy tinh thần này, duy trì và nhân rộng được các giá trị cốt lõi, đảm bảo trường học hạnh phúc không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, mà phải đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực.

“Học tập ở trường học hạnh phúc không phải là học ít hơn, mà là học trong sự thích thú, sáng tạo, học trong sự hạnh phúc. Do đó, theo đuổi mô hình trường học hạnh phúc không tách rời công cuộc đổi mới giáo dục” – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Việt Dũng