Nhà giáo tiêu biểu 2024 Dương Kim Anh: Từ cử nhân Kinh tế đến PGS Xã hội học

Nhà giáo tiêu biểu 2024 Dương Kim Anh: Từ cử nhân Kinh tế đến PGS Xã hội học

30/11/2024 06:52
Hồng Linh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Kim Anh (Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam) là người có uy tín, ảnh hưởng sâu rộng trong ngành Giới và Phát triển.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Kim Anh (1974) hiện đang giữ vị trí Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam. Cô là 1 trong 96 nhà giáo trong khối giáo dục đại học được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu năm 2024.

1.png

Chia sẻ với Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Kim Anh nói: "Danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu năm 2024 nhắc nhở tôi về trách nhiệm lớn lao với nghề nghiệp. Trong vai trò người thầy, tôi không chỉ truyền tải kiến thức cho sinh viên mà cần phải đóng góp cho sự phát triển của thế hệ trẻ.

Với tôi, đây là dấu mốc ý nghĩa trên hành trình giảng dạy, khẳng định những giá trị mà tôi đã và đang hướng tới. Tôi sẽ tiếp tục phấn đấu, hoàn thiện bản thân để xứng đáng sự tin tưởng này".

Được biết, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Kim Anh tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương, chuyên ngành Kinh tế năm 1996. Sau 10 năm làm việc tại các doanh nghiệp, cô quyết định chuyển hướng, theo đuổi lĩnh vực hoàn toàn mới.

Năm 2006, cô Kim Anh được trao bằng Thạc sĩ ngành Khoa học phát triển, chuyên ngành Chính sách công và Quản lý, chuyên ngành phụ Giới tại Học viện Xã hội học Quốc tế (ISS) (Hà Lan).

Năm 2014, cô nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Giới và Phụ nữ học tại Đại học Waikato (New Zealand).

Năm 2023, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam được công nhận Phó Giáo sư ngành Xã hội học. Nói về sự kiện đặc biệt này, cô Kim Anh bộc bạch: “Khi được cầm trên tay quyết định công nhận phó giáo sư chuyên ngành Xã hội học Giới và Gia đình. Tôi không thể kìm nén được nước mắt vì quá đỗi hạnh phúc.

Xuất phát điểm là cử nhân ngành kinh tế, mặc dù yêu nghề kinh doanh nhưng tôi đã có sự thay đổi bất ngờ về hướng đi sau 10 năm. Khi chuyển sang lĩnh vực mới, tôi phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng cơ duyên với nghề nghiệp đã gắn chặt tôi với ngành Giới và Phát triển.

Tôi đi sâu vào chuyên ngành Giới với khát vọng tạo ra sự thay đổi tích cực, đặc biệt là trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em và các đối tượng dễ bị tổn thương”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Kim Anh có niềm đam mê mãnh liệt với nghề dạy học và mong muốn mang lại giá trị cho cộng đồng, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các nữ sinh viên.

Được biết, cô là tiến sĩ chủ trì mở ngành Giới và Phát triển, kiêm Trưởng khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Cô Kim Anh bày tỏ: “Tôi có tình yêu đặc biệt với ngành Giới và Phát triển. Là phụ nữ, tôi thấu hiểu những khó khăn phụ nữ gặp phải trong thực hiện vai trò giới, trong cân bằng cuộc sống và công việc.

Tôi hiểu rằng thúc đẩy nâng cao quyền năng, tăng cường sự tự tin, tự chủ cho các đối tượng dễ bị tổn thương là rất cần thiết nhằm phát huy nội lực con người.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức giới, tăng cường các kỹ năng thực hành giới, thực hành phát triển, góp phần giải quyết các vấn đề giới, vấn đề phát triển”.

Project Goals (1).png

Tháng 9/2019, sinh viên khóa đầu tiên của ngành Giới và Phát triển tốt nghiệp. Tính đến nay đã có 5 khóa sinh viên ra trường. Cô Kim Anh không khỏi xúc động khi chứng kiến sự trưởng thành và tự tin của sinh viên ngành Giới và Phát triển. Các em bước vào cuộc sống với tinh thần trách nhiệm cao cùng kiến thức chuyên môn vững vàng.

Điều này đã tiếp thêm cho cô sức mạnh để vượt qua những khó khăn, thử thách, tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy, nâng cao chất lượng của ngành Giới và Phát triển nói riêng và công tác đào tạo của Học viện Phụ nữ Việt Nam nói chung.

2.png

Tháng 11 là tháng đặc biệt có ý nghĩa với bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Kim Anh thông tin, tại Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (15/11 - 15/12) với chủ đề "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái".

Cô Kim Anh cho biết, trong 3 đến 5 năm trở lại đây, vai trò của phụ nữ Việt Nam ngày càng được khẳng định trên nhiều lĩnh vực. Phụ nữ không chỉ đóng vai trò quan trọng trong gia đình mà còn trở thành những nhân tố tích cực trong sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội.

Phụ nữ xuất hiện nhiều hơn trong các vị trí lãnh đạo, từ khu vực công đến khu vực tư nhân, góp phần thúc đẩy sự đổi mới và phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, phụ nữ vẫn còn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là thách thức trong việc thực hiện tốt các vai trò giới, đáp ứng kỳ vọng của gia đình, xã hội. Ngoài ra, vấn đề về bạo lực với phụ nữ vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Thực tế, bạo lực đối với phụ nữ không chỉ giới hạn ở hành hạ về thể chất mà bao gồm cả những hình thức bạo lực tinh thần như đe dọa, lăng mạ, kiểm soát tài chính, cô lập khỏi xã hội và nhiều biểu hiện khác.

Những tổn thương này tuy vô hình nhưng có thể để lại những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và lòng tự tin của người phụ nữ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Kim Anh nhấn mạnh: "Phụ nữ ngày nay vẫn phải đối mặt với bạo lực tinh thần dưới nhiều hình thức, đôi khi rất tinh vi và khó nhận diện.

Áp lực xã hội, định kiến giới, kỳ vọng quá mức từ gia đình hay người thân cũng có thể là một dạng bạo hành tinh thần. Nhiều phụ nữ thậm chí không nhận ra mình đang chịu đựng điều đó, vì họ đã quen với những khuôn mẫu áp đặt.

Để nhận biết bạo lực tinh thần, phụ nữ cần nâng cao nhận thức và hiểu rõ các dấu hiệu của việc bị kiểm soát hoặc lạm dụng cảm xúc, cũng như không ngừng tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, và các tổ chức xã hội.

Việc lắng nghe cảm xúc của mình, nhận ra những dấu hiệu tâm lý như căng thẳng kéo dài, mất tự tin hay cảm giác cô đơn cũng là một cách để nhận diện sớm bạo lực tinh thần.

Khi phụ nữ vẫn phải đối mặt với các hình thức bạo lực tinh thần và thể chất, chúng ta chưa thể nói đến 1 xã hội bình đẳng thực sự. Bạo lực đối với phụ nữ không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là vấn đề xã hội.

Để tạo ra sự bình đẳng thực sự, chúng ta cần nâng cao nhận thức cộng đồng, xóa bỏ những định kiến giới và thúc đẩy sự tôn trọng, thấu hiểu trong các mối quan hệ. Khi phụ nữ cảm thấy an toàn và tự do, họ mới có thể phát huy hết tiềm năng, góp phần xây dựng xã hội thịnh vượng và công bằng hơn".

Background.png

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Kim Anh cũng đề cập đến 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua năm 2015, trong đó, mục tiêu phát triển bền vững số 5 là Bình đẳng giới.

Theo Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, để đạt được mục tiêu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, cần có các chính sách mạnh mẽ để bảo vệ quyền, nhân phẩm của phụ nữ, đặc biệt là những biện pháp bảo vệ phụ nữ trước bạo lực trên cơ sở giới và phân biệt đối xử.

Điều này bao gồm việc tăng cường các chính sách hỗ trợ phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục và y tế, cũng như đảm bảo phụ nữ có tiếng nói trong các quyết sách xã hội.

Đồng thời, công tác tuyên truyền về quyền của phụ nữ cũng cần được đẩy mạnh để cộng đồng nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của bình đẳng giới trong một xã hội phát triển bền vững.

Cô Kim Anh nhấn mạnh: “Chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ chính là sự thay đổi trong tư duy và nhận thức xã hội, thúc đẩy sự cam kết của nam giới trong phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Giáo dục đóng vai trò quan trọng, giúp cả nam và nữ hiểu rõ về quyền và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc xây dựng mối quan hệ tôn trọng và công bằng.

Bên cạnh đó, cần có 1 hệ thống pháp lý mạnh mẽ, minh bạch để bảo vệ phụ nữ và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Cuối cùng, sự chung tay từ các tổ chức xã hội, gia đình và cá nhân, đặc biệt là nam giới trong việc lên tiếng, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân là yếu tố không thể thiếu để ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới một cách triệt để”.

Hồng Linh