TS Nguyễn Viết Hương: NCKH là đầu tư dài hạn về vật chất và tinh thần kiên trì

20/11/2024 08:56
Thi Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Hương, nghiên cứu khoa học là một sự đầu tư dài hạn cả về vật chất, tinh thần kiên trì bền bỉ và cả một chút may mắn.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Hương - Phó Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Trường Đại học Phenikaa là một trong 10 tài năng trẻ nhận được Giải thưởng khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2024.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Hương là tác giả của 40 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI, trong đó có 33 bài báo ISI-Q1. Bên cạnh đó, thầy cũng sở hữu một bằng sáng chế quốc tế.

Đối với Tiến sĩ Nguyễn Viết Hương, bước ngoặt đầu tiên trên con đường học tập của thầy chính là việc thi đậu vào lớp chuyên Toán A1 - khối Trung học phổ thông Chuyên, Trường Đại học Vinh. Tại đây, với sự dìu dắt của thầy cô, cậu học trò ngày ấy có cơ hội phát triển về tư duy tự nhiên, tạo nền tảng tốt để tiếp thu được các kiến thức khoa học và kỹ thuật sau này.

Trở về nước cống hiến sau 9 năm học tập, nghiên cứu ở nước ngoài

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hương cho hay, năm 2018, khi còn làm Postdoc (nghiên cứu sau Tiến sĩ - PV) ở Pháp, thầy quyết định về nước sau 9 năm học tập, làm việc ở nước ngoài.

Trước đó, khi đang là sinh viên năm nhất khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ nano, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), thầy Hương nhận được học bổng của Đề án 322 - đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Thầy lựa chọn theo đuổi ngành Khoa học vật liệu và Công nghệ nano tại INSA de Lyon (Học viện Khoa học ứng dụng quốc gia Lyon) - trường đào tạo kỹ sư hàng đầu nước Pháp. Hành trình học tập miệt mài, không ngừng nỗ lực, luận án tiến sĩ của thầy được xếp loại xuất sắc bởi Hội hóa học Pháp – mảng Hóa học chất rắn.

ce6130be-4c95-4c3e-a316-34520734b958.jpeg
Tiến sĩ Nguyễn Viết Hương hiện là Phó Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Trường Đại học Phenikaa. Ảnh: NVCC.

"Sau 9 năm sống, học tập và nghiên cứu ở Pháp, tôi cũng được một số cơ sở nghiên cứu đề xuất vị trí làm việc lâu dài, có thể định cư dễ dàng và sống khá thoải mái ở đây. Tuy nhiên, suy nghĩ thôi thúc tôi trở về Việt Nam, là việc không thể chỉ nghĩ cho bản thân được, phải có hoài bão gì lớn hơn, đóng góp lớn hơn cho quê hương. Tôi nhìn thấy rằng lực lượng nghiên cứu trong nước còn chưa mạnh, mặc dù người Việt khắp năm châu rất giỏi, phát triển rực rỡ ở nước ngoài, nhưng thiết nghĩ yêu thương và muốn thay đổi điều gì, cách tốt nhất có lẽ là bắt đầu từ chính bên trong nó. Vì thế, tôi về nước", thầy Hương bộc bạch.

Thầy Hương chia sẻ, bản thân thầy học được công nghệ SALD (lắng đọng đơn lớp nguyên tử kiểu không gian) từ những bước đầu tiên khi xây dựng hệ thiết bị, đến khi làm nghiên cứu sinh và post-doc thầy cũng là người trực tiếp vận hành và hiểu rất rõ làm như thế nào để tối ưu hóa và cải tiến hệ thống cho phù hợp. Từ đó, ý nghĩ "phải đưa công nghệ SALD đã làm chủ được về Việt Nam và triển khai" luôn thôi thúc Tiến sĩ Nguyễn Viết Hương trở về.

Năm 2019, thầy Hương bắt đầu làm việc tại Trường Đại học Phenikaa. Thầy Hương chủ trì dự án xây dựng, tự thiết kế hệ thống SALD - hệ lắng đọng đơn lớp nguyên tử ở áp suất khí quyển đầu tiên trong nước. SALD là một trong những công nghệ chế tạo nano tiên tiến nhất hiện nay.

Tháng 02/2022, dưới sự hỗ trợ của Trường Đại học Phenikaa, Tập đoàn Phenikaa, thầy Hương cùng nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công hệ SALD đầu tiên ở Việt Nam, cho phép chế tạo các màng mỏng nano ô xít kim loại bán dẫn với mức độ điều khiển bề dày tới từng đơn lớp nguyên tử, trong điều kiện nhiệt độ thấp và ở áp suất khí quyển. Hệ thiết bị tự xây dựng có giá thành thấp hơn khoảng 5 lần so với mua thương mại. Đặc biệt, các thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh có thể tự vận hành và nhóm nghiên cứu cũng có thể tự bảo dưỡng nếu có hỏng hóc.

Đây cũng là công trình khiến Tiến sĩ Hương tự hào nhất. Thầy chia sẻ: "ALD được biết đến là một trong những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, cho phép kiểm soát quá trình lắng đọng màng mỏng nano đến từng đơn lớp nguyên tử. Tuy nhiên, công nghệ ALD truyền thống có chi phí cao do yêu cầu hệ thống chân không phức tạp và tốc độ lắng đọng chậm, khiến nó chưa phù hợp với nhiều ứng dụng công nghiệp đòi hỏi diện tích phủ lớn và tốc độ nhanh.

Kế thừa các nghiên cứu trước đó trên thế giới, tôi đã cải tiến, thiết kế và phát triển hệ thống SALD đầu tiên trong nước, cho phép chế tạo màng mỏng nano ở nhiệt độ thấp, tốc độ cao, không sử dụng buồng chân không. Nhóm nghiên cứu công nghệ SALD đã và đang ứng dụng màng mỏng bán dẫn nano trong các linh kiện quang điện tử, cảm biến khí, pin năng lượng mặt trời, pin lưu trữ... Đặc biệt, việc tự chủ trong phát triển hệ thống thiết bị công nghệ cao cho lắng đọng màng mỏng nano không chỉ giúp tiết kiệm hàng tỷ đồng so với việc nhập khẩu thiết bị thương mại mà còn mở ra cơ hội lớn cho các hướng nghiên cứu mới và phục vụ công tác đào tạo.

Công trình này khiến tôi tự hào bởi vì lời tự hứa với bản thân phải mang được điều tốt đẹp gì đó học được ở nước ngoài về Việt Nam có vẻ đã thành hiện thực. Việc tiếp theo là hiện thực hóa tiềm năng của nó thành các công trình ứng dụng cụ thể, mang lại giá trị thiết thực cho cuộc sống".

Cảm hứng, động lực lớn nhất, thúc đẩy tôi tiến lên trong sự nghiệp nghiên cứu có lẽ đơn giản chỉ là ước muốn để lại dấu ấn gì tốt đẹp trong cuộc đời, cố gắng làm điều gì đó có ích trong khả năng của bản thân để phục vụ Tổ quốc.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Hương

Nghiên cứu khoa học là hành trình vất vả nhưng thú vị

Chia sẻ về những niềm vui, khó khăn trong nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Nguyễn Viết Hương nhìn nhận, về bản chất, nghiên cứu khoa học là một quá trình tìm hiểu cái mới, khám phá những quy luật tự nhiên và phát triển những công nghệ tiên tiến hướng tới cải thiện cuộc sống của con người.

"Quá trình này hết sức thú vị, vì chúng ta được trưởng thành hơn, được trải qua cảm giác vui sướng của sự khám phá, được tiếp xúc với cộng đồng khoa học trong và ngoài nước. Tuy nhiên, quá trình này cũng rất vất vả, chủ yếu là thất bại, thành công chỉ đến khi chúng ta đã thất bại đủ nhiều và rút ra được nhiều bài học. Do đó, các bạn trẻ khi dấn thân vào con đường thú vị nhưng chông gai này phải chuẩn bị cho bản thân một tâm thế lạc quan, sẵn sàng đón nhận những thất bại để sau cùng, chúng ta đóng góp được những công trình thực sự có giá trị", thầy Hương tâm sự.

a4-9392.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Viết Hương (thứ hai từ trái sang) cùng các cộng sự. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, cũng theo thầy Hương, điều quan trọng trong quá trình thực hiện công trình nghiên cứu chính là sự hợp tác. Thầy lý giải, các vấn đề khoa học, kỹ thuật, thường có tính chất liên ngành, không ai là chuyên gia trong mọi lĩnh vực. Do đó, việc biết cách làm việc với các chuyên gia trong các mảng khác nhau để hiện thực hóa được mục tiêu là rất quan trọng.

Nghiên cứu khoa học là một sự đầu tư dài hạn cả về vật chất, tinh thần kiên trì bền bỉ và cả một chút may mắn, như người leo núi chỉ nhìn thấy đỉnh núi nhưng không lường trước hết được khó khăn của con đường đang đi. Về dài hạn, tôi kỳ vọng rằng các nghiên cứu của tôi sẽ mang lại hiệu quả tích cực về mặt chuyển giao công nghệ.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Hương

Thất bại trong nghiên cứu đều là những sự kiện nhỏ trên chặng đường lớn

Khối lượng công việc của nhà khoa học rất lớn, với cường độ làm việc áp lực cao, tuy nhiên, thầy Hương chia sẻ, bản thân là một người lạc quan. Thầy đã rèn luyện được tâm thế này trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

"Có lẽ bởi vì nguồn cảm hứng dành cho khoa học và công nghệ trong tôi luôn dồi dào. Hơn nữa vì lý tưởng làm việc để dành những điều tốt đẹp cho mai sau nên tôi cảm thấy các thất bại trong công việc nghiên cứu, nếu có, đều là những sự kiện nhỏ trên chặng đường lớn. Tôi chưa từng có ý nghĩ từ bỏ", thầy nhấn mạnh.

Những ngày đầu mới bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học, thầy Hương lúc nào cũng rất háo hức và luôn chờ đợi sự thành công. Bởi vậy, có nhiều lúc bị “tổn thương” do kết quả nghiên cứu không được như kỳ vọng, hoặc do những công trình gửi đăng trên các tạp chí khoa học uy tín, không được chấp nhận.

Mặc dù vậy, theo thời gian, khi trở thành một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, thầy nhận ra rằng quá trình đi đến thành công trong nghiên cứu khoa học – đạt được tri thức mới, công nghệ mới, vật liệu mới, ứng dụng mới, và có được sự ghi nhận của cộng đồng khoa học) chắc chắn phải đi qua nhiều khó khăn trở ngại, thậm chí là thất bại.

3c9a5464-866e-45a5-801a-5251f22b9080.jpeg
Theo thầy Hương, quá trình đi đến thành công trong nghiên cứu khoa học phải đi qua nhiều khó khăn trở ngại, thậm chí là thất bại. Ảnh: NVCC.

Thầy Hương bộc bạch: "Tôi luôn giữ suy nghĩ tích cực, rằng những điều vĩ đại sẽ không dễ dàng đạt được, thậm chí phải đánh đổi bằng sự cố gắng vượt bậc. Nếu gặp thất bại, tôi sẽ nghĩ, chắc chắn là công trình của mình chưa tốt, có những điểm cần cải tiến, hoàn thiện, quá trình “xử lý các thất bại” đó cũng là lúc tôi cùng nhóm nghiên cứu của mình trưởng thành hơn.

Tôi luôn muốn truyền tải thông điệp này cho các em sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh rằng không có ai sinh ra là hoàn hảo, hãy cứ mạnh dạn cho phép mình được sai, thận trọng học hỏi từ cái sai của mình, của người khác bằng tất cả sự trách nhiệm và cầu tiến".

Trên hành trình nghiên cứu khoa học, vượt qua những khó khăn trong nghiên cứu, thầy Hương đã đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm cho bản thân. Đó là xây dựng mục tiêu đủ lớn, và đừng gán nó với bản thân mình, hãy gán mục tiêu đó với cộng đồng, trách nhiệm với quê hương, sẽ tạo nhiều động lực để không từ bỏ. Thầy cho rằng, nếu chỉ cố gắng vì bản thân, đến một lúc nào đó, sẽ tự hài lòng và sớm dừng lại.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Hương cũng thừa nhận có khó khăn để cân bằng thời gian giữa đam mê nghiên cứu khoa học với trách nhiệm điều hành các hoạt động của cơ quan, đơn vị. Thầy cho biết, Khoa khoa học và Kỹ thuật vật liệu là đơn vị có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở bậc đại học (3 chương trình đào tạo) , thạc sĩ (1 chương trình đào tạo) và 2 chương trình đào tạo tiến sĩ. Bên cạnh đó, khoa cũng thực hiện các nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực vật liệu điện tử, vật liệu quang điện tử, vật liệu chuyển đổi và tích trữ năng lượng, vật liệu y sinh và công nghệ nano.

"Khoa đã xây dựng được đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn cao, hơn 80% giảng viên tốt nghiệp tiến sĩ, nghiên cứu sau tiến sĩ tại các nước phát triển. Công việc vận hành và đảm bảo chất lượng đào tạo khá nặng nề đối với một người làm quản lý chưa có nhiều kinh nghiệm như tôi.

Các công việc liên quan đến hành chính và quản lý khoa, tôi thường thực hiện vào buổi sáng và đầu giờ chiều. Buổi chiều và buổi tối là phần thời gian dành cho nghiên cứu và các cuộc họp nhóm nghiên cứu. Quỹ thời gian ít lại cũng khiến tôi phải sắp xếp một cách hợp lý hơn so với trước đây, để đảm bảo được hoạt động nghiên cứu khoa học diễn ra bình thường", Tiến sĩ Nguyễn Viết Hương cho hay.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Hương cũng nhắn gửi đến các nhà khoa học trẻ, sinh viên: "Để tiếp tục đưa đất nước tiến bộ hơn nữa, việc làm chủ các công nghệ, cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất lao động và gia tăng giá trị sản phẩm, hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo là con đường đúng đắn và duy nhất.

Do đó, với trách nhiệm là thanh niên Việt Nam, tôi nghĩ mỗi bạn trẻ đều phải nuôi dưỡng tinh thần lao động bền bỉ, sáng tạo, mạnh dạn dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo để sớm đưa hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, vì một Việt Nam hùng cường".

Thi Thi