Nhà giáo Vĩnh Thụy: Nghề giáo không chỉ dạy kiến thức mà còn gieo mầm hy vọng

19/11/2024 07:06
Anh Tú
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Nghề giáo không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà còn là hành trình gieo mầm hy vọng, khơi dậy niềm đam mê học hỏi và giúp HS nhận thức được giá trị của việc học.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2024.

Cô Đặng Thị Vĩnh Thụy (sinh năm 1978), Tổ trưởng tổ Hóa, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (tỉnh Kon Tum), vinh dự là một trong 251 nhà giáo tiêu biểu.

Cô Đặng Thị Vĩnh Thụy vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu năm 2024 (Ảnh_ NVCC)..JPG
Cô Đặng Thị Vĩnh Thụy vinh dự nhận danh hiệu nhà giáo tiêu biểu năm 2024. Ảnh: NVCC.

Triết lý giáo dục thực hành

Sinh ra và lớn lên tại vùng biển Quy Nhơn, nhưng ngay sau khi tốt nghiệp Khoa Hoá, Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn (nay là Trường Đại học Quy Nhơn), cô Đặng Thị Vĩnh Thụy đã đến vùng biên giới Kon Tum để thực hiện ước mơ của mình. Với mong mỏi “gieo chữ” ở huyện miền biên giới, có nhiều thành phần dân tộc thiểu số cùng sinh sống, cô đã gắn bó với mảnh đất này trong suốt 24 năm qua.

Nhớ lại niềm đam mê ấp ủ từ khi tấm bé, cô giáo Vĩnh Thụy chia sẻ: “Ngay từ khi còn là học sinh, tôi đã rất yêu thích việc học, đặc biệt là môn Hóa học. Khi lớn lên, tôi nhận ra rằng, giáo dục không chỉ là việc truyền đạt kiến thức mà còn là sứ mệnh của người thầy.

Chỉ có tri thức mới giúp con người bớt khó khăn. Phải có người dìu dắt những mầm non tương lai đi đúng hướng, cả về kiến thức lẫn cách sống”.

Nhắc về khoảng thời gian mới bước chân vào nghề, cô Thụy vẫn chưa quên được những khó khăn ban đầu. Bản thân cô đã gặp không ít thử thách: Môn Hóa học vốn được nhiều học sinh coi là khô khan và khó hiểu. Khi ấy, là một giáo viên trẻ, cô cũng loay hoay tìm kiếm phương pháp để giúp học sinh yêu thích môn học này:

“Tôi nhớ, khi mới bắt đầu, học sinh thường xuyên gặp khó khăn trong việc tiếp thu các kiến thức trừu tượng của môn Hóa. Tôi phải tìm cách để các em thấy rằng, Hóa học không chỉ là những công thức khô khan, mà là một phần thú vị của cuộc sống xung quanh mình”.

Để làm được điều ấy, cô Thụy đã không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng những phương pháp sinh động, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. “Tôi thường xuyên đưa ra những ví dụ gần gũi, dễ hiểu từ cuộc sống, để học sinh có thể nhìn thấy mối liên hệ giữa môn học và thực tiễn. Đồng thời, tôi sử dụng thí nghiệm thực tế trong lớp học, giúp học sinh dễ dàng hình dung và hiểu sâu các vấn đề lý thuyết” - cô kể.

Với chuyên môn sâu, cô giáo Đặng Thị Vĩnh Thụy luôn được nhà trường tin tưởng giao cho nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi. Cô đã giúp đỡ rất nhiều thế hệ học trò đạt được những thành công trong các kỳ thi. Từ năm học 2019-2020 đến 2023-2024, cô Vĩnh Thụy đã bồi dưỡng được 12 học sinh đoạt giải cấp tỉnh (2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 2 giải Ba, 2 giải Khuyến Khích).

Theo nữ nhà giáo tiêu biểu năm 2024, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi không chỉ là việc truyền đạt kiến thức mà còn là quá trình đồng hành cùng các em phát triển khả năng tư duy độc lập và sáng tạo.

“Một sáng kiến kinh nghiệm của tôi được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng có tên “Một số kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi môn Hóa chủ đề Hydrocarbon”. Nội dung chính của sáng kiến là tổ chức các buổi ôn tập chuyên sâu theo từng chuyên đề, kết hợp với các bài tập thực tế giúp học sinh rèn luyện kỹ năng phân tích và tư duy logic” - cô chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, với triết lý giáo dục thực hành, nữ giáo viên cũng tạo môi trường học tập thân thiện, khuyến khích học sinh tham gia vào các cuộc thi mô phỏng, để tăng cường sự tự tin và khả năng làm bài dưới áp lực thời gian.

Hơn nữa, theo cô Thụy, việc tổ chức các buổi thi thử và phân tích kết quả cùng các học sinh, sẽ giúp các em nhận ra điểm mạnh - yếu của mình, từ đó, cải thiện chiến lược làm bài. Nhờ sự kiên trì và nỗ lực này, học sinh cô đã đạt được thành tích cao trong các kỳ thi cấp tỉnh, mang lại niềm tự hào cho trường và gia đình.

Cô Thụy đồng hành cùng học sinh trong quá trinh phát triển khả năng tư duy độc lập, sáng tạo (Ảnh_ NVCC)..JPG
Cô Thụy đồng hành cùng học sinh trong quá trình phát triển khả năng tư duy độc lập, sáng tạo. Ảnh: NVCC.

Không chỉ là dạy kiến thức mà còn là trao cho học sinh hy vọng và niềm tin vào tương lai

Sau 24 năm gắn bó với nghề giáo, cô giáo Đặng Thị Vĩnh Thụy nhận ra rằng, để học sinh yêu môn học, điều quan trọng không chỉ là phương pháp giảng dạy mà còn là mối quan hệ giữa thầy và trò.

Nữ giáo viên bộc bạch, mỗi học sinh đều có thế mạnh và những khó khăn riêng. Bản thân cô cũng cố gắng hiểu học sinh, giúp các em cảm thấy thoải mái, tự tin khi học. Theo cô, khi học sinh cảm thấy mình được tôn trọng và yêu thương, các em sẽ dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn.

Bồi hồi nhớ lại kỷ niệm 3 năm trước, cô Thụy không khỏi xúc động khi kể về cậu học trò cũ của mình: “Đó là cậu học trò tôi dạy vào năm 2021. Em sinh ra trong một gia đình khó khăn, bố mất sớm, mẹ là lao động phổ thông, thu nhập bấp bênh. Cuộc sống thiếu thốn khiến ban đầu, em rất ít nói, thường xuyên mặc cảm, thậm chí còn có ý định nghỉ học để phụ giúp gia đình.

Khi biết được hoàn cảnh của học sinh ấy, tôi thường xuyên đến động viên và trò chuyện với em, giúp em nhận ra tầm quan trọng của việc học tập cho tương lai.

Qua thời gian, cậu học trò nhỏ bắt đầu thay đổi, cố gắng học tốt hơn từng ngày và tích cực tham gia các hoạt động trong lớp. Đặc biệt, tôi đã giới thiệu em tham gia chương trình học bổng hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học, giúp em có thêm động lực và giảm bớt gánh nặng tài chính...

Kết quả, em đã tốt nghiệp trung học phổ thông với thành tích xuất sắc và đậu vào Trường Đại học Ngoại thương. Chứng kiến sự trưởng thành và nỗ lực của em, tôi càng hiểu thêm về ý nghĩa của công việc mình đang làm - không chỉ là dạy kiến thức mà còn là trao cho học sinh hy vọng và niềm tin vào tương lai”.

Đã biết bao thế hệ học trò đi qua, bao nhiêu tấm gương thành công in hằn tình yêu dành cho học sinh của nhà giáo tiêu biểu Đặng Thị Vĩnh Thụy.

Tất cả được cô hun đúc thành quan niệm sống: “Mỗi nỗ lực dù nhỏ bé của người thầy đều có thể tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống của học sinh, đây cũng chính là động lực để tôi tiếp tục con đường giáo dục”.

Cô Thuỵ đề cao mối quan hệ giữa thầy và trò.JPG
Cô Thụy đề cao xây dựng mối quan hệ giữa thầy và trò. Ảnh: NVCC.

24 năm - 1 cuộc hành trình giáo dục đầy thấu hiểu, cô Thụy mong muốn truyền cảm hứng cho các thế hệ giáo viên trẻ về sự tận tâm, kiên nhẫn và tình yêu thương đối với học sinh.

Cô luôn tin rằng, nghề giáo không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà còn là một hành trình gieo mầm hy vọng, khơi dậy niềm đam mê học hỏi và giúp học sinh nhận thức được giá trị của việc học.

Theo cô Thụy, thế hệ giáo viên trẻ cần hiểu rằng, mỗi giờ giảng dạy là một cơ hội để thay đổi cuộc đời của học sinh, để các em không chỉ trở thành những người học giỏi, mà còn là những công dân có ích cho xã hội.

Bên cạnh đó, cô Thụy cũng mong muốn các giáo viên trẻ luôn duy trì sự sáng tạo và linh hoạt trong công việc, không ngừng học hỏi và hoàn thiện bản thân, để góp phần xây dựng một cộng đồng giáo dục ngày càng phát triển và bền vững.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, cô Đặng Thị Vĩnh Thụy đã có nhiều thành tích, danh hiệu khen thưởng và được ghi nhận từ các cấp: 5 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

Những thành tích này không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của cô trong công tác giảng dạy mà còn là minh chứng cho tình yêu nghề và sự tận tụy mà cô giáo Vĩnh Thụy đã dành cho học trò.

Anh Tú