Trong bối cảnh toàn cầu hóa và vận hội mới của đất nước, giáo dục đại học của Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội để chuyển đổi và phát triển.
Khi đề cập đến “vận hội”, thông thường được hiểu đó là cơ hội có tính lịch sử, hàm ý về sự thay đổi tích cực, với sự phát triển, chuyển mình của một quốc gia hoặc một tổ chức... Ở thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng vận hội mới cũng đã mở ra. Kỉ nguyên số là thời cơ để chúng ta tiếp cận lợi thế, kiến tạo nền giáo dục hiện đại trên nền tảng văn hóa Việt nhằm hiện thực hóa khát vọng quốc gia hùng cường, thịnh vượng.
Kỉ nguyên mới với vận hội mới
Trong thời gian qua, Việt Nam đã chủ động hội nhập quốc tế, kí kết và tham gia nhiều diễn đàn, hiệp định song phương và đa phương. Điều đó đã tạo ra cơ hội lớn đối với việc mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất và thu hút đầu tư phát triển. Trước xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam đang chuyển đổi, và chuyển đổi số đã từng bước thâm nhập vào nền kinh tế, mở ra cơ hội tốt để thúc đẩy tăng năng suất lao lao động, nâng cao chất lượng dịch vụ. Công nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ bước đầu đã phát triển và hệ sinh thái khởi nghiệp cũng đã hình thành có nhiều tiềm năng giúp Việt Nam chuyển mình lớn mạnh.
Về tự nhiên, Việt Nam là quốc gia có độ đa dạng sinh học cao, là điều kiện thuận lợi để phát triển nền kinh tế xanh. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh kết hợp sẽ là cơ hội thúc đẩy phát triển bền vững.
Về xã hội, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, thông minh, với tinh thần ham học hỏi. Với tố chất của người Việt, việc tiếp cận các ngành thuộc lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) rất thuận lợi. Đây là lợi thế rất căn bản và nền tảng để thúc đẩy nền kinh tế vượt trội và bền vững trong kỉ nguyên số.
Mặt khác, vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế cũng đã thay đổi đáng kể, nhất là việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhiều quốc gia lớn trên thế giới, đã mở ra cơ hội thúc đẩy về đầu tư, thương mại,… ngày càng thuận lợi hơn.
Giáo dục đại học có những cơ hội lớn để chuyển đổi
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và vận hội mới của đất nước, giáo dục đại học của Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội để chuyển đổi và phát triển.
Thứ nhất, chuyển đổi số đang diễn ra, công nghệ giáo dục và học tập trực tuyến là cơ hội để thúc đẩy giáo dục đại học. Nền tảng học tập trực tuyến, lớp học ảo, sử dụng trí tuệ nhân tạo được áp dụng cho phép sinh viên tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và giảm chi phí học tập. Mặt khác, dữ liệu lớn (big data) hỗ trợ để phân tích nhu cầu và năng lực người học, từ đó cá nhân hóa các chương trình học tập cũng thuận lợi hơn…
Thứ hai, hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học ngày càng thuận lợi. Các trường đại học Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội thuận lợi để mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, qua đó phát triển các chương trình liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên và giảng viên. Từ đó, cơ hội tiếp cận với chương trình đào tạo tiên tiến, cơ hội học tập, nghiên cứu quốc tế, giao lưu văn hóa một cách dễ dàng ngay khi chưa có điều kiện về tài chính để du học hoặc ra nước ngoài học tập ngắn hạn.
Thông qua sự kết nối dữ liệu và mạng lưới, hợp tác nghiên cứu cũng ngày càng tốt hơn; cơ hội tiếp cận các nguồn tài trợ, tri thức khoa học tiên tiến; khai thác tốt văn hóa truyền thống của các nước để góp phần phát triển giáo dục và trực tiếp vận dụng vào thực tế sản xuất, quản lí... Ngoài ra, các trường đại học của Việt Nam có cơ hội tham gia nhiều hơn vào các dự án hợp tác, tiếp cận tốt hơn các chương trình tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), UNESCO và các tổ chức khác. Theo đó, cơ hội cũng mở ra đối với việc tham gia, hội nhập với các hiệp hội và diễn đàn quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và nâng cao vị thế.
Thứ ba, với xu thế phát triển rất nhanh của dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, sản xuất công nghiệp tự động, vật liệu mới, năng lượng tái tạo… cơ cấu lao động theo các ngành nghề mới xuất hiện và cần nguồn lao động chất lượng cao, các trường có cơ hội chuyển đổi để thích ứng và đóng góp vào sự phát triển xã hội. Tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp khoa học cũng sẽ là một xu hướng của giới trẻ. Khi đó, các trường đại học sẽ tham gia ươm tạo và phát triển tài năng.
Thứ tư, trong nền kinh tế số và xã hội công nghệ, các doanh nghiệp và trường đại học chắc chắn sẽ hướng đến sự hợp tác chặt chẽ. Trường đại học tập trung vào xây “nền móng” tri thức; tinh thần, ý chí đổi mới sáng tạo và nhất là kiến tạo nền tảng văn hóa số. Doanh nghiệp hợp tác để đào tạo thực hành, đồng thời là môi trường thực tế để phát hiện vấn đề, phát minh sáng chế, đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ góp sức cùng các trường đại học trong đầu tư nghiên cứu, môi trường học tập, cập nhật nhu cầu của thị trường lao động. Khi cung cầu gặp nhau, cơ hội cho nhau ngày càng cao, góp phần cạnh tranh với thị trường rộng mở thúc đẩy cùng phát triển. Chỉ có tri thức khoa học và nền tảng văn hóa mới có thể định vị các doanh nghiệp và con người trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.
Thứ năm, một xã hội mới và thay đổi không ngừng, đòi hỏi việc học không chỉ dừng lại ở giai đoạn đại học. Do vậy, các trường đại học sẽ mở rộng chương trình đào tạo với nhiều phân khúc, phân kì khác nhau và người học có thể học tập suốt đời, đôi khi cũng không còn phụ thuộc quá nhiều vào bằng cấp mà phần nhiều thực học để thực nghiệp. Đào tạo ngắn hạn, đào tạo lại, cập nhật kiến thức, nâng cao kĩ năng cho người lao động có thể là một xu thế của bối cảnh mới.
Thứ sáu, tự chủ đại học sẽ là xu hướng tất yếu. Các trường tự quyết định nhiều hơn đối với tài chính, nhân sự và học thuật. Vấn đề này có thể là thách thức chuyển đổi ở giai đoạn đầu nhưng sẽ là cơ hội để tăng tốc ngay sau đó, nếu thể chế và hành lang pháp lí được thay đổi kịp thời, hỗ trợ các trường nâng cao hiệu quả quản trị, chất lượng đào tạo và nghiên cứu.
Cần nền tảng vững chắc từ giáo dục phổ thông
Để phát triển bền vững đất nước trên cơ sở cân bằng 3 mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường, chất lượng giáo dục đại học phải thực sự tốt để cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. Để có được chất lượng giáo dục đại học tốt, hệ thống giáo dục phổ thông cần xây dựng một cách nền tảng. Để hệ thống giáo dục phổ thông tốt phải có lực lượng giáo viên chuyên nghiệp. Và để có được điều đó cần có hệ thống các trường đại học sư phạm đúng tầm,… Do vậy tiếp cận hệ thống để đổi mới giáo dục và đào tạo là vấn đề then chốt trong bối cảnh hiện nay.
Trước hết, có thể nói để đào tạo đại học và sau đại học thực sự có chất lượng, cần phải minh định sứ mệnh của các cơ sở giáo dục đại học, phân biệt tường minh với hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Khi đường hướng rõ ràng thì chương trình đào tạo, tổ chức giảng dạy và nghiên cứu, đến triển khai đánh giá, đo lường chất lượng mới đảm bảo thống nhất và hướng đến chất lượng thật.
Thứ hai, để có chất lượng đào tạo đại học tốt, vượt trội và tinh hoa, chất lượng đầu vào của các trường đại học phải thật sự chất. Điều đó cũng có nghĩa là hệ thống giáo dục phổ thông cần phải có sự chuyển đổi căn bản và toàn diện. Chương trình giáo dục phổ thông đã chú trọng phát triển năng lực và phẩm chất, nhưng quá trình tổ chức triển khai hiện nay chưa thực sự thống nhất. Rất cần có sự chuyển đổi nhận thức thực sự căn bản trong tiếp cận dạy và học. Đảm bảo người học phát triển toàn diện, có khả năng thích ứng và phát triển; các tố chất được phát hiện và tài năng cá nhân được phát huy.
Thứ ba, để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là ưu tiên hàng đầu. Giáo viên là lực lượng lao động đặc thù, trước tiên phải là nhà giáo dục chuẩn mực và chuyên nghiệp, nhà chuyên môn vững vàng và là công dân gương mẫu. Trong kỉ nguyên số, giáo viên cần phải có năng lực số và năng lực giáo dục số; có khả năng giảng dạy tích hợp, có tư duy phản biện và giáo dục giá trị sống. Giáo viên phổ thông là những người có năng lực truyền cảm hứng cho học sinh tiếp cận tri thức, rèn luyện kĩ năng, biết hoạch định và lựa chọn nghề nghiệp…
Và như vậy, đào tạo ở trường sư phạm sẽ không thể nào đủ đầy mà cần phải học tập suốt đời, học tập song hành cùng dạy học. Giáo viên cần được tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực chuyên môn, kĩ năng sư phạm và khả năng ứng dụng công nghệ trong giảng dạy. Điều này giúp họ không chỉ làm tốt công việc giảng dạy hiện tại mà còn thích ứng với các xu hướng và yêu cầu giáo dục mới. Giáo viên phổ thông cũng cần phải được giao lưu, học tập ở các môi trường quốc tế, để mở rộng tầm nhìn nhằm tự đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy.
Thứ tư, để chất lượng giáo viên được cải thiện tốt nhất, trường đại học sư phạm vừa là cơ sở “sản xuất” vừa làm cơ sở “bảo hành”, “bảo trì”. Để làm được điều đó, trường đại học sư phạm phải được đầu tư đi trước về nhiều mặt và phải được phân bổ ngân sách tương xứng và thường xuyên để:
Cơ sở vật chất ở các trường sư phạm phải thực sự hiện đại, bao gồm hệ thống phòng thí nghiệm, trang thiết bị học tập công nghệ cao, hạ tầng công nghệ thông tin (phòng máy tính, phần mềm giáo dục). Có như vậy, sinh viên mới có môi trường học tập thuận lợi và giảng viên, giáo viên có điều kiện tốt hơn để áp dụng các phương pháp giảng dạy mới; nghiên cứu phát triển các công nghệ, kĩ thuật dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Thư viện và tài liệu học tập phải đảm bảo tốt nhất, đặc biệt tài liệu học tập số và các nguồn tài nguyên mở… để hỗ trợ cho quá trình tự học và nghiên cứu của sinh viên. Đối với các trường sư phạm, việc cung cấp tài liệu học tập cập nhật và chuyên sâu là rất quan trọng để giúp giáo viên tương lai nắm bắt các xu hướng giáo dục mới nhất.
Cần có chính sách hỗ trợ tài chính và điều kiện làm việc đối với nhà giáo nói chung và giảng viên đại học sư phạm nói riêng. Rõ ràng, yêu cầu đối với giảng viên sư phạm phải thực sự cao, nên cần phải có các chính sách đãi ngộ đặc thù, hấp dẫn để thu hút nhân tài vào công tác và cống hiến. Trước hết có thể là chính sách đào tạo sau đại học, đầu tư nghiên cứu khoa học giáo dục và phụ cấp đặc thù…
Thứ năm, cần đầu tư phát triển tư duy nghiên cứu từ phổ thông đến đại học. Ở cả cấp phổ thông và sinh viên các trường sư phạm, cần thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học, khuyến khích học sinh và sinh viên tham gia các dự án nghiên cứu sáng tạo. Điều này không chỉ giúp học sinh và sinh viên rèn luyện tư duy phản biện mà còn giúp giáo viên tương lai biết cách khơi dậy và phát triển tư duy khoa học cho học sinh. Chính phủ và các tổ chức giáo dục cần tăng cường hỗ trợ tài chính cho các dự án nghiên cứu về giáo dục, đặc biệt là những nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và quản lý giáo dục. Đây là một lĩnh vực rất quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Thứ sáu, cần thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp. Việc kết nối giữa các trường đại học, đặc biệt là các trường sư phạm với các doanh nghiệp và tổ chức xã hội giúp sinh viên có cơ hội thực tập, học hỏi kinh nghiệm thực tế và phát triển các kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Các trường đại học sư phạm có thể hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục công nghệ để phát triển các giải pháp giáo dục số và các sản phẩm công nghệ giáo dục tiên tiến, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.
Việc đầu tư toàn diện vào giáo dục phổ thông và đào tạo tại các trường đại học sư phạm sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của giáo dục đại học. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tóm lại, trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, sử liệu cũng đã chứng minh, thời nào đất nước vận dụng được cơ hội và vận hành đúng quy luật thì thành công và ngược lại. Kỉ nguyên số cần vận dụng đúng từ nguyên lí và chủ động đi trước một bước bằng cách đầu tư vào chất lượng nguồn nhân lực, đó sẽ là lựa chọn căn bản. Nguồn lực con người khi đầu tư khó thấy ngay kết quả trong ngày một ngày hai. Do vậy rất cần phải kiên định mục tiêu, kiên trì thực hiện và kiên quyết đổi mới… có như vậy mới hy vọng hiện thực hóa khát vọng quốc gia hùng cường, thịnh vượng trong kỉ nguyên mới.