Băn khoăn với đề xuất giáo viên chủ nhiệm lớp 1 có phụ cấp cao hơn

30/11/2024 06:56
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nếu được tăng phụ cấp ưu đãi thì tất cả giáo viên ở bậc học này đều xứng đáng được nhận mà không riêng gì chỉ giáo viên dạy lớp 1.

Trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà giáo tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Nguyễn Thanh Phong, (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long) đã đề nghị cần phải có phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác cho giáo viên chủ nhiệm lớp 1 cao hơn so với các nhà giáo khác để có thêm động lực nỗ lực nhiều hơn.[1]

gdvn-hình T.jpg
Ảnh minh họa

Giáo viên lớp 1 có vất vả hơn giáo viên các lớp khác ở bậc tiểu học?

Đại biểu cho rằng, vai trò của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp 1 rất quan trọng và khối lượng công việc cũng nhiều.

Bên cạnh việc rèn chữ, giáo viên phải rèn tác phong, nề nếp cho các em. Ngay cả trong thực hiện các phong trào, cuộc thi, giáo viên lớp 1 cũng phải lo tập trung nhiều hơn để rèn giũa cho học sinh vì các em chưa ổn định được nề nếp.

Là giáo viên tiểu học, người viết có một số chia sẻ về đề xuất này. Thực tế người viết thấy rằng, mỗi khối lớp ở bậc tiểu học, giáo viên đều có những nỗi khổ khác nhau. Tuy nhiên, tất cả giáo viên tiểu học đều rất vất vả và áp lực.

Nếu giáo viên lớp 1 khổ nhất là rèn đọc, rèn chữ, rèn việc thực hiện nền nếp thì giáo viên lớp các khối còn lại thầy cô phải rèn đọc thông viết thạo, biết viết đoạn văn, biết nêu cảm xúc, biết tính toán…

Học sinh ở các khối lớp này đang ở độ tuổi ương ương nên giáo viên cũng đều vất vả. Nếu như học sinh lớp 1, thầy cô nói là nghe, bảo làm thì cứ răm rắp thực hiện theo. Học sinh khối 2, 3, 4, 5 đôi khi nói khản hơi có em còn chưa thực hiện. Nhiều việc, giáo viên còn phải làm thay.

Ở nhiều trường học hiện nay, vẫn thường miễn khá nhiều hoạt động phong trào cho học sinh lớp 1, lớp 2 vì các em còn quá nhỏ. Các khối lớp còn lại đều phải tham gia 100%.

Vấn đề nảy sinh nếu giáo viên lớp 1 được hưởng chế độ phụ cấp cao hơn

Giáo viên tiểu học được đào tạo dạy toàn cấp. Vì thế, cứ vài năm nhà trường lại luân chuyển giáo viên giữa các khối lớp một lần.

Ngoài một số giáo viên lớp 1 làm công tác chủ nhiệm, còn có một số giáo viên dạy các bộ môn khác như giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, ngoại ngữ.

Ngoài ra, sẽ có một số giáo viên không chủ nhiệm nhưng vẫn được phân công vào dạy lớp 1 tuần vài tiết.

Bên cạnh đó, sẽ có những thầy cô giáo được điều động dạy thay khi giáo viên lớp 1 nghỉ bệnh hoặc nghỉ hộ sản dài ngày.

Nếu như giáo viên chủ nhiệm lớp 1 được hưởng phụ cấp nhiều hơn giáo viên các khối lớp khác thì sẽ tính chế độ thế nào đối với những thầy cô giáo mỗi tuần chỉ dạy lớp 1 vài tiết hoặc dạy thay vài tuần, vài tháng?

Chuyên môn nhà trường sẽ phải theo dõi sát sao, kế toán cũng phải thay đổi liên tục cách tính. Rồi sẽ có những so đo, thắc mắc, những kiến nghị xảy ra ảnh hưởng không nhỏ đến mối đoàn kết nội bộ.

Giáo viên tiểu học đều có chung nỗi vất vả như nhau

Giáo viên tiểu học luôn có mặt tại trường từ rất sớm. 6 giờ 20 phút, nhiều thầy cô giáo có mặt tại trường để làm công tác vệ sinh cùng học trò. Nói là cùng làm nhưng thực chất chỉ thầy cô giáo làm vì học sinh tiểu học phần đông còn chưa biết cầm cây chổi.

Hiện nay, mỗi gia đình chỉ có 2 con nên một số phụ huynh chăm bẵm, bao bọc con cái khá kỹ. Vì thế, mọi việc ở trường đều đến tay thầy cô. Chúng tôi vẫn thường nói với nhau, dạy tiểu học chẳng khác nào chăm trẻ.

Ở những trường bán trú, mỗi giờ trưa, giáo viên tiểu học phải quét dọn phòng học, kê bàn cho học sinh ăn uống. Những bé ăn khó, ăn ít, giáo viên phải bón từng thìa.

Có em bị cảm, bị mệt đôi khi ăn bị ói, bị đổ dơ trên sàn, thầy cô lại phải cần mẫn lau dọn cho sạch sẽ. Khi trẻ ăn xong, một lần nữa giáo viên phải quét dọn, kê lại bàn cho các em ngủ rồi thầy cô mới tranh thủ đi ăn.

Đầu giờ chiều, gọi học sinh dậy, thầy cô lại kê bàn ghế và chuẩn bị cho tiết học buổi chiều. Ngoài vai trò giáo viên, bảo mẫu, thầy cô tiểu học còn đóng vai luật sư, quan tòa khi các bé hờn dỗi, cãi lộn, đánh nhau hoặc mất đồ.

Nếu như lớp 1, giáo viên vất vả khi các em vừa rời môi trường mầm non vừa học vừa chơi để chuyển sang môi trường học tập với hàng chục môn học thì các thầy cô giáo ở các khối còn lại phải chịu thêm áp lực vì học trò thường xuyên đánh nhau, chửi bậy.

Giờ ra chơi, thầy cô liên tục bị các em réo gọi khi thì tố bạn này đánh con, bạn kia chửi bậy, bạn nọ bị u đầu sứt trán…giáo viên xử lý không khéo đôi khi bị phụ huynh trách cứ chửi bới, thậm chí bị phụ huynh "tố" trên mạng xã hội.

Quan tâm đến đội ngũ nhà giáo bậc tiểu học, nhiều năm qua, giáo viên tiểu học cũng đã nhận được chế độ ưu đãi đứng lớp nhiều hơn 2 bậc trung học là 5%.

Vì thế, nếu được tăng mức ưu đãi lên thì tất cả giáo viên ở bậc học này đều xứng đáng được nhận mà không riêng gì chỉ giáo viên chủ nhiệm dạy lớp 1.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baodaknong.vn/de-nghi-bo-sung-giao-vien-chu-nhiem-lop-1-duoc-phu-cap-cao-hon-so-voi-nha-giao-khac-233919.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết