Giáo viên tiểu học mong muốn được giảm định mức tiết dạy

09/07/2024 08:54
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Bộ GD&ĐT đã đăng tải dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học trên cổng thông tin của Bộ để lấy ý kiến góp ý.

Nhìn chung, dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học được nhiều giáo viên đánh giá là rõ ràng, chi tiết, cụ thể, dễ hiểu.

Bên cạnh đó vẫn còn những ý kiến băn khoăn về định mức tiết dạy của giáo viên các cấp học, càng lên cấp cao hơn càng giảm, liệu có hợp lý.

Hiện nay, dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học quy định định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học vẫn là 23 tiết/tuần, giáo viên trung học cơ sở 19 tiết/tuần, giáo viên trung học phổ thông 17 tiết/tuần. [1]

Cô giáo Vũ Thị Loan, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Minh Châu (Bà Rịa – Vũng Tàu) chia sẻ: “Tôi thấy dự thảo quy định giáo viên tiểu học 23 tiết/tuần, tức là cũng như trước đây, chưa hợp lý với tính chất phức tạp của việc dạy ở bậc tiểu học hiện nay khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thực tế, giáo viên dạy tiểu học rất vất vả, vừa là cô giáo, vừa phải là bảo mẫu, là chị, là mẹ… của học trò.

Học sinh tiểu học còn nhỏ, ý thức tự giác, nhận thức chưa được như học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, vì vậy, khi dạy giáo viên phải bao quát, chú ý từng học sinh, rất vất vả.

Học sinh tiểu học mới chuyển từ mầm non lên, trong khi đó dạy học mầm non đang được đề nghị là nghề nặng nhọc nghỉ hưu ở tuổi 55.

Đối tượng học sinh mà giáo viên dạy ở tiểu học cũng chỉ hơn một vài tuổi, cũng đâu có thua kém gì mấy về mức độ phức tạp của công việc. Giáo viên tiểu học cũng chịu nhiều áp lực.

Chuẩn bằng cấp của giáo viên tiểu học cũng như giáo viên trung học, đều là cử nhân, cũng có quy định chia hạng như nhau. Vậy liệu định mức tiết dạy giáo viên tiểu học cao nhất có phù hợp?

Bên cạnh đó, giáo viên tiểu học phải dạy kiến thức nhiều bộ môn khác nhau, đâu phải rành rẽ kiến thức từng môn như trung học, nên độ phức tạp của công việc cũng cao hơn.

Theo tôi, vẫn giữ định mức giáo viên tiểu học 23 tiết/tuần, cao nhất trong giáo dục phổ thông là chưa hợp lý”.

gdvn_t.giaoduc.net.vn  .jfif
Cô giáo Hồng Lam, giáo viên trường Tiểu học Bưng Riềng cùng học trò lớp chủ nhiệm

Cô giáo Hồng Lam, giáo viên trường Tiểu học Bưng Riềng chia sẻ: “Với tiểu học, theo tôi nên giảm định mức xuống, tương đương với giáo viên trung học là hợp lý, vì khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến nay, tôi thấy công việc nặng hơn rõ rệt.

Giáo viên tiểu học đang phải dạy nhiều môn, cần có thêm thời gian để nghiên cứu xây dựng bài dạy các môn chuyên trách; đảm nhiệm nhiều tiết học và môn học, nếu cứ giữ định mức 23 tiết/tuần sẽ vất vả, ảnh hưởng chất lượng tiết dạy.

Giáo viên tiểu học có thời lượng 35 phút/tiết, nhưng đối tượng dạy lại còn nhỏ, mới từ mẫu giáo lên, mới làm quen khuôn khổ, nhận thức về tổ chức kỉ luật còn hạn chế đòi hỏi giáo viên phải uốn nắn từng cá nhân, nên giáo viên rất vất vả.

Cho nên, theo tôi, nên giảm định mức tiết dạy cho giáo viên tiểu học, thống nhất định mức tiết dạy của giáo viên phổ thông như nhau cho đảm bảo công bằng”.

Một người đã từng dạy cả tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, thầy giáo Phan Thế Hùng, giáo viên giáo dục thể chất, trường Trung học cơ sở Xuyên Mộc (Bà Rịa -Vũng tàu) cho biết:

“Từng dạy hợp đồng tại tiểu học, trung học phổ thông, tôi thấy dạy tiểu học là vất vả nhất, vì học sinh tiểu học còn nhỏ, vừa dạy vừa dỗ, vừa làm thầy, làm cha, làm anh luôn.

Như vậy, giáo viên tiểu học có định mức tiết dạy nhiều nhất trong giáo dục phổ thông, trong khi đó cùng tính chất, mức độ phức tạp của công việc không muốn nói là giáo viên tiểu học phức tạp hơn.

Vì thế, dù không dạy tiểu học nữa, tôi vẫn đề xuất giảm định mức tiết dạy cho giáo viên tiểu học, tương đương với định mức của giáo viên trung học, tốt nhất là đã cùng có vị trí việc làm như nhau, nên có cùng định mức lao động như nhau cho tất cả giáo viên”.

Cô giáo Hà Thị Mai Hương, giáo viên trường Trường Tiểu học Trưng Vương (Đắk Lắk) chia sẻ: “Bậc tiểu học là bước chuyển từ mầm non lên, tôi đã có 10 năm dạy lớp 1. Các bé còn rất nhỏ, chưa có kỹ năng cũng như ý thức học tập nên tôi như vừa làm cô, vừa làm mẹ, đặc biệt khi thực hiện chương trình mới lại vất vả hơn.

Mỗi giáo viên tiểu học vừa giáo dục dạy kiến thức vừa hướng dẫn cách học tập thay vì ăn ngủ chơi như ở mẫu giáo. Chúng tôi lại phải dạy nhiều môn nữa nó đặc thù hơn so với bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, nên mong muốn được giảm định mức tiết dạy cho phù hợp.

Tôi đề nghị, Bộ nên có đánh giá lại về mức độ, tính chất công việc của giáo viên tiểu học khi thực hiện chương trình giáo dục 2018 để có định mức cho giáo viên tiểu học nói riêng, giáo viên phổ thông nói chung, phù hợp với thực tế khi thực hiện chương trình mới".

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1654

Sơn Quang Huyến