Đầu Xuân Giáp Thìn lắng nghe thầy cô chia sẻ quan điểm về trường học hạnh phúc

20/02/2024 06:48
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trường học hạnh phúc là nơi học sinh cảm thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng và cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương từ thầy cô, bạn bè.

Khi những ánh nắng tươi hồng và làn gió xuân mơn man những sắc hoa - một mùa xuân mới đã trở về với đất trời và lòng người. Mùa xuân là mùa của niềm tin, mùa của hy vọng, mùa của những khát khao khơi lên ngọn lửa của tình yêu nghề, lòng yêu trẻ và gợi lên những nghĩ suy về trường học hạnh phúc mà mỗi thầy cô, mỗi học sinh, mỗi bậc phụ huynh và toàn xã hội mong muốn.

Trong những ngày đầu xuân, cô giáo Phạm Thị Diệp Anh – Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) và thầy Đỗ Văn Lợi - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã có những chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về trường học hạnh phúc.

Trường học hạnh phúc là nơi an toàn, yêu thương và tôn trọng

Theo cô Diệp Anh, trường học hạnh phúc là trường học thân thiện, đem đến sự hài lòng, thỏa mãn và đáp ứng tốt nhu cầu, quyền được học tập, giáo dục, rèn luyện một cách toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ của người học.

Trường học hạnh phúc là nơi mà ở đó kỷ luật vẫn nghiêm, kỷ cương vẫn được thực hiện, nhưng niềm vui và hạnh phúc vẫn có được từ sự tự giác và ý thức tích cực của mỗi cá nhân. Khi con người có hạnh phúc, sẽ tạo động lực tinh thần để người học không ngừng nỗ lực vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức nhân loại, để khẳng định mình và góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ.

GDVN_thcs-CVA-4.jpeg
Trường Trung học cơ sở Chu Văn An luôn nỗ lực xây dựng trường học hạnh phúc (Ảnh: DA)

Xuất phát từ thực tiễn của nền giáo dục và định hướng phát triển lâu dài của mỗi nhà trường, bên cạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn thì việc tạo ra môi trường học tập tích cực, thân thiện tiến đến mục tiêu “Trường học hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc” không chỉ là đích đến mà còn là khát vọng của toàn xã hội đã và đang hướng tới.

Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An cho biết, để mô hình trường học hạnh phúc không dừng lại ở khẩu hiệu, phong trào nhất thời, nhiều năm qua, nhà trường đã nâng cao nhận thức của toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh trong việc kiến tạo môi trường học tập, giáo dục lành mạnh, nhân văn và phát triển;

Đồng thời xây dựng những mục tiêu phù hợp với người dạy, người học và với điều kiện thực tiễn của nhà trường, trong đó có mục tiêu “làm cho các cá nhân, tập thể trong đó yêu trường, yêu lớp, cùng tiến bộ trên cơ sở những giá trị tốt đẹp” dựa vào ba tiêu chí cốt lõi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lựa chọn: An toàn, yêu thương và tôn trọng.

“Trước hết, trường học hạnh phúc phải là nơi an toàn cho người dạy và người học. Đó là trường học đảm bảo tối thiểu có đủ cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ cho hoạt động giáo dục.

Trường Trung học cơ sở Chu Văn An được xây dựng trên khuôn viên rộng 6.301 m2, cơ sở vật chất và cảnh quan nhà trường ngày càng được hiện đại hóa, sạch đẹp và tiên tiến với 3 dãy phòng học, một khu hiệu bộ phục vụ trực tiếp cho các hoạt động dạy và học của nhà trường.

Năm học 2023-2024, số lớp tăng lên, nhà trường đã bố trí không gian học tập cho học sinh với tổng cộng 34 phòng học, 06 phòng chức năng phục vụ cho các bộ môn đặc thù, có phòng học riêng cho lớp tiếng Nhật, khu nhà thể thao đa năng cho hoạt động rèn luyện giáo dục thể chất.

Tất cả các phòng học đều được lắp bảng tương tác thông minh cùng với trang thiết bị mới nhất về âm thanh, ánh sáng, điều hòa không khí đáp ứng cho nhu cầu học tập của 50 lớp với 2.585 học sinh.

Khung cảnh mô phạm của trường lớp: bồn hoa, hàng cây, chậu cảnh; hình ảnh chuẩn mực của thầy cô, bè bạn; cảnh quan xanh - sạch - đẹp trong trường đều góp phần làm nên xúc cảm hạnh phúc, vui tươi, phấn khởi trong suy nghĩ tuổi học trò.

GDVN_truong-thcs-CVA-3.jpg
Cô giáo Phạm Thị Diệp Anh - Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (đứng thứ 3 từ trái sang) có những chia sẻ về trường học hạnh phúc (Ảnh: NVCC)

Có thể khẳng định Trường Trung học cơ sở Chu Văn An đang là một trong những ngôi trường có cảnh quan đẹp và cơ sở vật chất hiện đại bậc nhất thành phố. Không gian xinh đẹp, an toàn và hiện đại ấy là điều kiện lý tưởng để thầy trò nhà trường thực hiện các hoạt động khám phá, chiếm lĩnh thế giới tri thức muôn màu”, cô giáo Diệp Anh chia sẻ.

Cũng theo cô Diệp Anh, trường học hạnh phúc là khi mỗi học sinh cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương tỏa ra từ thầy cô, bạn bè. Hạnh phúc với thầy và trò đôi khi rất giản dị, một lời động viên, một lời phê tích cực thể hiện tình yêu thương; một giờ giảng hay, hấp dẫn; một phong cách giản dị, trong sáng, chuẩn mực với trí tuệ của thầy cô đều để lại những ấn tượng, hình ảnh đẹp trong các em học sinh.

Hạnh phúc còn là khi nỗ lực, cố gắng được đền đáp, ghi nhận qua những điểm số chính xác, bằng những phần thưởng nhỏ động viên... Ngoài ra, những hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng là một “điểm sáng” về lòng yêu thương, sự sẻ chia của thầy cô và học sinh nhà trường.

Nhiều năm qua, thầy cô giáo và học sinh nhà trường đã hưởng ứng tốt các phong trào như: Tình nguyện mùa đông, Áo ấm tặng bạn, Túi gạo nghĩa tình, Góp những đồng tiền nhỏ vì nghĩa tình lớn, mua tăm tre nhân đạo...

Hàng năm, nhà trường tặng bảo hiểm y tế, quần áo đồng phục, sách vở và hỗ trợ bền vững cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường với mong muốn tình yêu thương, sự sẻ chia, nhân ái của thầy và trò nhà trường sẽ góp phần xây đắp những ước mơ hạnh phúc cho các em.

Một trong những tiêu chí không thể thiếu để xây dựng trường học hạnh phúc đó là sự tôn trọng. Đây là phẩm chất đầu tiên cần có trong môi trường giáo dục để tạo nên cảm xúc an toàn và yêu thương.

Nhà trường tạo điều kiện thuận lợi giúp cho học sinh phát triển và tiến bộ, không gây áp lực kết quả học tập, rèn luyện, tạo cơ hội thuận lợi để các em mạnh dạn thể hiện những tâm tư, nguyện vọng và luôn lắng nghe, khi các em mắc sai lầm, khuyết điểm trong quá trình tham gia các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức nhằm giúp các em trưởng thành hơn.

Bên cạnh đó, nhà trường tôn trọng tinh thần tự chủ, sáng tạo trong giảng dạy, học tập của thầy và trò, tích cực hỗ trợ thầy cô về kỹ năng quản lý, kỹ năng nghề nghiệp và đảm bảo môi trường làm việc tích cực, mô phạm, an toàn.

Những tiết học đầy say mê, hứng thú; những buổi thực hành nghiên cứu tập trung; bao nhiêu tâm huyết, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo của thầy; bao nhiêu háo hức, chủ động, tích cực của trò đều được bung nở rực rỡ thành những bông hoa thành tích đáng tự hào.

Xây dựng trường học hạnh phúc là quyết tâm của ngành giáo dục Hải Phòng

Ông Đỗ Văn Lợi - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho rằng, trường học hạnh phúc là nơi ngập tràn sự yêu thương, chia sẻ, an toàn và tôn trọng. Để có trường học hạnh phúc thì vai trò của hiệu trưởng đặc biệt quan trọng.

Người hiệu trưởng điều hành ngôi trường với những thầy cô giáo luôn cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ từ đó được lan tỏa đến các em học sinh. Muốn học sinh thành công thì thầy cô phải thành công. Muốn học sinh hạnh phúc thì thầy cô phải hạnh phúc.

Vậy, để có trường học hạnh phúc thì ngay từ bây giờ bản thân mỗi thầy cô giáo, nhà quản lý giáo dục phải thay đổi, từ nhận thức đến hành động, thay đổi từ những điều nhỏ nhất.

GDVN_truong-thcs-CVA-2.jpg
Xây dựng trường học hạnh phúc là quyết tâm của ngành giáo dục và đào tạo Hải Phòng (Ảnh: DA)

Vì thế, nhiệm vụ của các thầy cô bây giờ, không chỉ đơn giản là lên lớp với những bài giảng trong sách vở mà đó còn là làm thế nào để trường học trở thành một nơi thú vị để các em học tập và khám phá chính bản thân mình.

Đó là một mục tiêu mà tất cả những người làm công tác giáo dục đều hướng đến vì tương lai của học sinh.

Cũng theo ông Lợi, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã tăng cường chỉ đạo, tập huấn để cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động hiểu đủ, đúng về trách nhiệm của mình trong xây dựng trường học hạnh phúc.

Mỗi nhà trường cần xây dựng, triển khai bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường để nâng cao năng lực ứng xử văn hóa trong nhà trường.

Đồng thời đổi mới phương pháp giảng dạy, phương thức tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa giúp các em có cơ hội phát triển, khẳng định năng lực, giá trị bản thân.

Ở đây cần chấp nhận sự khác biệt về tâm lý, thể chất, hoàn cảnh, nhưng không được phân biệt đối xử.

Ngoài ra, các biện pháp giáo dục kỷ luật học trò phải tích cực, bao dung, có sự phối hợp và hợp tác hiệu quả với phụ huynh cũng như các đơn vị liên quan.

Mỗi trường sẽ tự xây dựng cho mình mục tiêu, sứ mệnh phù hợp với người dạy, người học và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương. Trong đó, tất cả các cơ sở giáo dục phải làm bật lên được mục tiêu “làm cho các cá nhân, tập thể trong đó yêu trường, yêu lớp, cùng tiến bộ trên cơ sở những giá trị tốt đẹp”.

“Tất cả vì mục tiêu “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, việc giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ có tri thức, trí tuệ, nhân cách là trách nhiệm của thế hệ đi trước, của cả cộng đồng, trong đó đội ngũ thầy cô giáo giữ vai trò quan trọng.

Mục tiêu của giáo dục là lấy người học làm trung tâm, giúp họ phát triển toàn diện năng lực phẩm chất để ngày càng hoàn thiện nhân cách, trở thành những con người hữu ích cho xã hội.

Xây dựng “Trường học hạnh phúc” là quyết tâm lớn của ngành Giáo dục thành phố nói riêng, cả nước nói chung nhằm đáp ứng những yêu cầu xã hội đặt ra hiện nay”, ông Đỗ Văn Lợi nhấn mạnh.

LÃ TIẾN