Trường ĐH Hạ Long đẩy mạnh trải nghiệm khi đào tạo liên ngành văn học – báo chí

16/04/2023 06:36
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường ĐH Hạ Long kỳ vọng ngành Văn học định hướng Văn-Báo chí-Truyền thông sẽ mang lại sinh khí mới trong việc đào tạo liên ngành ở Quảng Ninh.

Hiện nay, các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ, dịch vụ và du lịch đang phát triển mạnh và dần trở thành xu hướng chọn ngành, nghề đại học đối với nhiều phụ huynh, học sinh. Trong khi đó, tham gia các chương trình tư vấn tuyển sinh, nhiều thí sinh cũng như phụ huynh bày tỏ còn nhiều e ngại khi chọn ngành văn học.

Thực tế, ngành đào tạo văn học tại các trường đại học hiện nay đã có sự chuyển hướng sang văn học ứng dụng để đáp ứng nhu cầu xã hội. Sinh viên có nhiều cơ hội việc làm hơn như: báo chí truyền thống, trợ lý đạo diễn, thư ký trường quay, nghiên cứu và giảng dạy văn học, chuyên viên truyền thông,…

Khoa đào tạo liên ngành đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh

Nắm bắt nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh Quảng Ninh nói riêng cũng như nguyện vọng của sinh viên về ngành báo chí truyền thông, năm học 2022 – 2023, Trường Đại học Hạ Long đã mở thêm mã ngành đại học mới là Văn học định hướng Văn – Báo chí – Truyền thông. Đây cũng là mã đào tạo liên ngành đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Vương Trưởng, Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Hạ Long cho biết, năm nay là năm đầu tiên nhà trường mở mã ngành Văn học có định hướng văn học và báo chí truyền thông.

Đối với mã ngành này, khoa định hướng phát triển thứ nhất là chuyên môn văn học, thứ hai là công tác nghiên cứu văn học và những lĩnh vực có liên quan như báo chí, xuất bản, truyền thông; theo dõi và quản lý các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí, truyền thông.

Năm học 2022 – 2023, Trường Đại học Hạ Long đã mở thêm mã ngành đại học mới là Văn học định hướng Văn – Báo chí – Truyền thông. Đây cũng là mã đào tạo liên ngành đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Phạm Linh)

Năm học 2022 – 2023, Trường Đại học Hạ Long đã mở thêm mã ngành đại học mới là Văn học định hướng Văn – Báo chí – Truyền thông. Đây cũng là mã đào tạo liên ngành đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Phạm Linh)

“Tiên phong mở mã ngành văn học định hướng báo chí, truyền thông - mã đào tạo liên ngành đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh, nhà trường kỳ vọng góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội nói chung và tỉnh nói riêng.

Đặc biệt, sau khi Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh – mô hình cơ quan báo chí hợp nhất cấp tỉnh được đưa vào hoạt động từ năm 2019 kéo theo nhu cầu về nguồn nhân lực báo chí – truyền thông được đào tạo chính quy.

Theo đó, nhà trường sẽ bám sát nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh và tiếp đó là mở rộng ra tỉnh, thành phố trong khu vực” Tiến sĩ Vũ Vương Trưởng chia sẻ.

Sinh viên theo học ngành Văn học định hướng Văn - Báo chí - Truyền thông tại Trường Đại học Hạ Long sẽ được học 128 tín chỉ bao gồm khối kiến thức đại cương và khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp. Các học phần bắt buộc và học phần tự chọn được thiết kế khoa học, hợp lý và phù hợp với sinh viên.

Đặc biệt, nhà trường đưa học phần mang tên gọi là Văn học địa phương với 2 tín chỉ để trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về tiến trình phát triển của văn học Quảng Ninh, giá trị nội dung và nghệ thuật của một số loại hình văn học dân gian Quảng Ninh; những thành tựu, tác giả, tác phẩm tiêu biểu của văn học viết Quảng Ninh;…

Qua đó, sinh viên sẽ có kỹ năng phân tích tác giả, tác phẩm văn học, nhận ra được giá trị đích thực của văn học địa phương và có ý thức bảo tồn phát triển văn học địa phương trong thực tiễn cuộc sống.

Theo Tiến sĩ Bùi Thị Lan Hương – giảng viên môn Ngữ văn, Phó trưởng khoa Sư Phạm, Trưởng bộ môn Ngữ văn, tiếng Việt cho người nước ngoài cho biết, khoa Sư phạm của Trường Đại học Hạ Long trước đây là Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh đã có gần 70 năm xây dựng và phát triển.

Theo đó, đội ngũ giáo viên của nhà trường đã có kinh nghiệm lâu năm khi đều trưởng thành từ môi trường sư phạm văn qua đó khẳng định thế mạnh đào tạo giáo viên Ngữ văn của khoa.

Tiến sĩ Bùi Thị Lan Hương – giảng viên môn Ngữ văn, Phó trưởng khoa Sư Phạm, Trưởng bộ môn Ngữ văn (bên trái) cùng sinh viên thực hành kỹ năng phỏng vấn (Ảnh: Phạm Linh)

Tiến sĩ Bùi Thị Lan Hương – giảng viên môn Ngữ văn, Phó trưởng khoa Sư Phạm, Trưởng bộ môn Ngữ văn (bên trái) cùng sinh viên thực hành kỹ năng phỏng vấn (Ảnh: Phạm Linh)

Tiến sĩ Lan Hương chia sẻ thêm: “Đối với ngành báo chí, truyền thông, do khoa mới thành lập nên tất yếu sẽ còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc tuy nhiên đội ngũ giảng viên vẫn luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những trường bạn, tham khảo ý kiến chuyên gia, mặc dù mô hình đào tạo liên ngành văn học – báo chí, truyền thông còn rất mới.

Bản thân giảng viên cũng có ý thức phải trau dồi, có bước chuyển hướng nghiên cứu mở rộng cùng là kiến thức văn học, ngôn ngữ nhưng có sự liên hệ, đổi mới giúp học sinh vận dụng được vào thực tế. Nhà trường cũng xây dựng kế hoạch tuyển thêm giảng viên có chuyên môn báo chí, tuyên truyền.

Để tạo nền móng vững chắc cho sinh viên, trong khối lượng chương trình, văn học và ngôn ngữ chiếm 1/3 khung chương trình tiếp đó là các kiến thức về báo chí, truyền thông. Trong đó, học phần về ngôn ngữ, phong cách ngôn ngữ theo báo chí”.

Nhà trường đặt ra mục tiêu, sau khi hoàn thành đào tạo, sinh viên sẽ có năng lực nghiên cứu bảo tồn các di sản văn học, năng lực viết tin bài cho lĩnh vực báo chí truyền thông thích ứng được với sự thay đổi trong môi trường năng động hiện đại.

Sinh viên tốt nghiệp có cơ hội việc làm đa dạng như nghiên cứu và giảng dạy văn học tại các trường trung học phổ thông; tham gia quản lý và tổ chức sự kiện văn hoá nghệ thuật tại các sở, ban ngành địa phương; cán bộ trung tâm truyền thông; phóng viên; chuyên viên truyền thông – PR cho các doanh nghiệp, agency;…

Đẩy mạnh dạy học trải nghiệm

Để thực hiện mục tiêu đào tạo, bên cạnh các hình thức dạy học trực tiếp hay gián tiếp, Trường Đại học Hạ Long đẩy mạnh hình thức dạy học trải nghiệm đối với mã ngành Văn học định hướng Văn – Báo chí – Truyền thông.

Đây là chiến lược dạy học trong đó sinh viên được tiếp nhận kiến thức và kỹ năng thông qua những gì họ trải nghiệm, quan sát thực tế, cảm nhận và thực hành. Hình thức này có các phương pháp cụ thể gồm có thực hành, thực tập và nhóm nghiên cứu.

Sinh viên sẽ được thực tập tại các cơ quan, ban, ngành, các trường học, các cơ quan báo chí truyền thông.

Trường Đại học Hạ Long đẩy mạnh hình thức dạy học trải nghiệm đối với mã ngành Văn học định hướng Văn – Báo chí – Truyền thông (Ảnh: Phạm Linh)

Trường Đại học Hạ Long đẩy mạnh hình thức dạy học trải nghiệm đối với mã ngành Văn học định hướng Văn – Báo chí – Truyền thông (Ảnh: Phạm Linh)

Em Bùi Thị Hồng Phương – sinh viên khoá đầu tiên của ngành Văn học định hướng Văn – Báo chí – Truyền thông chia sẻ: “Với mong muốn tìm kiếm cho mình một môi trường năng động và sáng tạo để phát triển được bản thân nhiều hơn nên em đã chọn ngành Văn học định hướng Văn – Báo chí – Truyền thông.

Đây là mã ngành mới và em cùng các bạn cũng là những sinh viên đầu tiên của ngành nên cũng có nhiều điều chưa thực sự hoàn thiện.

Tuy nhiên, khi tham gia các học phần, những lí thuyết sách vở không nặng nề như em nghĩ mà có rất nhiều hoạt động thực hành, thực tiễn cho sinh viên.

Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức những hoạt động ngoại khoá vui và bổ ích cho sinh viên. Gần như hoạt động nào em cũng tham gia bởi ở đó em có thể học hỏi thêm được những kiến thức mới, làm quen được với rất nhiều những người bạn mới có thể giúp đỡ nhau nhiều trong việc học tập sau này.

Đặc biệt, ngành bao gồm cả kiến thức về văn học và báo chí, truyền thông nên bản thân em sẽ tích luỹ được nhiều vốn hiểu biết hơn và có nhiều sự lựa chọn việc làm sau khi tốt nghiệp”.

Sinh viên khoá đầu tiên được tổ chức tham gia nhiều hoạt động thực tiễn nhằm trau dồi kỹ năng báo chí - truyền thông (Ảnh: Phạm Linh)

Sinh viên khoá đầu tiên được tổ chức tham gia nhiều hoạt động thực tiễn nhằm trau dồi kỹ năng báo chí - truyền thông (Ảnh: Phạm Linh)

Còn theo em Đỗ Hương Thảo, sinh viên ngành Văn học định hướng Văn – Báo chí – Truyền thông chia sẻ: “Bản thân em là người rất năng động, thích đi nhiều và tham gia các hoạt động, muốn có nhiều kinh nghiệm cho bản thân hơn. Em cũng đã tiếp cận truyền thông khá sớm từ việc bán hàng online nên em muốn học về truyền thông.

Trong khoảng thời gian tìm hiểu về ngành em thấy cũng khá băn khoăn khi truyền thông ở trường Đại học Hạ Long là ngành hoàn toàn mới nên không có các anh chị để tư vấn về chất lượng đào tạo.

Sau khi trúng tuyển và học tập cho tới nay, em rất vui vì được tham gia nhiều hoạt động bổ ích, được gặp gỡ nhiều người và học hỏi được rất nhiều".

Phạm Linh